Chế độ khí áp
  

Khí áp (áp suất không khí) là trọng lượng toàn bộ cột không khí tác dụng lên một đơn vị diện tích. Tại mặt đất, khí áp trung bình các nơi từ 1000-1020mb và giảm dần theo độ cao.

Hệ thống khí áp chính chi phối thời tiết Việt Nam nói chung và thời tiết Thừa Thiên Huế nói riêng gồm các trung tâm khí áp hoạt động quanh năm và các trung tâm khí áp hoạt động theo mùa.

Một số trung tâm khí áp có cường độ thay đổi, tồn tại quanh năm ảnh hưởng đến thời tiết Thừa Thiên Huế như sau:

- Áp cao cận nhiệt đới Thái Bình Dương: về mùa hè, trục áp cao cận nhiệt đới Thái Bình Dương dịch chuyển lên phía bắc và mạnh dần lên, trong những ngày ảnh hưởng mạnh thì khí áp mặt đất tại Thừa Thiên Huế tăng lên.

- Dải hội tụ nhiệt đới, rãnh thấp xích đạo hoạt động mạnh và tác động đến thời tiết Thừa Thiên Huế vào các tháng mùa hè. Hệ thống khí áp này ảnh hưởng sẽ gây nên áp suất thấp. Hầu hết các cơn bão, áp thấp nhiệt đới mạnh lên từ những vùng thấp trong hệ thống này.

- Áp thấp Aleutian tồn tại quanh năm trên vùng biển cực đới phía đông lục địa Châu Á. Chính sự tồn tại và phát triển của áp thấp này có liên quan trực tiếp đến sự xâm nhập của các hoàn lưu khác đến Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng.

Ngoài các trung tâm tác động quanh năm, Thừa Thiên Huế còn chịu tác động của các trung tâm khí áp hình thành và duy trì theo mùa.

Mùa đông từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, nhiều khối không khí tranh chấp nhau ảnh hưởng đến thời tiết Thừa Thiên Huế. Trong đó đáng kể nhất là áp cao lục địa Châu Á có tâm ở vùng Sibia, dịch chuyển về phía đông nam gây nên gió mùa đông bắc ở Việt Nam. Bản chất của không khí lạnh cực đới là rất lạnh và khô, nên những đợt có cường độ mạnh, thâm nhập sâu về phía nam, gây giảm thấp nhiệt độ, tăng lượng mây và mưa tại Thừa Thiên Huế.

Mùa hè nhiều khối không khí có nguồn gốc và bản chất nóng ẩm khác nhau, luân phiên tác động đến thời tiết Thừa Thiên Huế. Trong đó đáng kể nhất là áp thấp nóng có tâm ở lãnh thổ Iran thường phát triển đến Đông Dương, gây ra gió tây nam, áp suất thấp và nhiệt độ cao tại Thừa Thiên Huế.

Do bầu khí quyển ở các nơi trên trái đất không đồng nhất, nên lớp không khí bao quanh quả đất đã phân chia thành nhiều vùng, nhiều lớp có mật độ khác nhau, tạo nên những hoàn lưu không khí có áp suất và các tính chất riêng biệt. Chính nhờ sự chênh lệch khí áp trên mặt đất làm cho không khí luôn chuyển động, bao gồm chuyển động theo phương thẳng đứng tạo nên các dòng đối lưu và chuyển động theo phương nằm ngang tạo thành gió - điều này tạo ra sự biến động của khí áp theo thời gian và không gian.

Tại miền Trung nói chung và tại Thừa Thiên Huế nói riêng, thường xuyên chịu ảnh hưởng của nhiều hệ thống không khí khác nhau, luân phiên hoặc kết hợp với nhau, nên khí áp biến đổi khá phức tạp. Khí áp thay đổi khá mạnh theo từng mùa, từng tháng, thậm chí thay đổi theo từng ngày, có khi chỉ trong một ngày đã chịu ảnh hưởng của các hệ thống khí hoàn toàn khác nhau, khiến khí áp và thời tiết thay đổi đột ngột, rất phức tạp. Tại TP Huế, khí áp trung bình các tháng dao động từ 1003,3mb đến 1015,8mb. Khí áp trung bình năm tại Thừa Thiên Huế là 1009,7mb, đạt mức độ trung bình khí áp vùng nhiệt đới vĩ độ thấp.

Theo kết quả thống kê (bảng 4.1), cho thấy từ tháng 4 đến tháng 9 khí áp đạt giá trị thấp hơn giá trị trung bình năm và đạt mức thấp nhất vào tháng 7 là 1003,3mb. Đây là thời kỳ hệ thống khí áp cao lục địa suy yếu và không tác động đến các địa phương ở vĩ độ thấp, nhưng các hệ thống hoàn lưu khí áp thấp vùng nhiệt đới lại hoạt động mạnh mẽ và thường xuyên, ảnh hưởng trực tiếp đến Thừa Thiên Huế.

Từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, khí áp trung bình tháng đạt giá trị cao hơn giá trị trung bình năm. Thời kỳ này Thừa Thiên Huế tuy còn chịu ảnh hưởng của dải hội t nhiệt đới, bão hoặc áp thấp nhiệt đới, nhưng không thường xuyên, thay vào đó là các hệ thống không khí áp cao cực đới hoạt động mạnh và ảnh hưởng sâu về phía nam, gây nên khí áp cao cho Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Khí áp trung bình tháng đạt mức cao nhất trong năm là tháng 1 đạt 1015,8mb.

Hàng năm khi có không khí lạnh mạnh xâm nhập sâu xuống phía nam, khí áp cao nhất xuất hiện tại Thừa Thiên Huế thường đạt trên 1020mb, gây giảm nhiệt khá sâu, đột ngột, trời rét buốt kéo dài nhiều ngày, gió đông bắc mạnh, biển động. Đợt không khí lạnh rất mạnh vào tháng 1/1955 lấn sâu về phía nam, tại Thừa Thiên Huế đo được trị số khí áp là 1029,8mb, đây là đợt không khí lạnh mạnh mà trị số khí áp cao nhất đạt kỷ l c trong chuỗi số liệu đo đạc nhiều năm.

Hoàn lưu khí áp thấp như áp thấp nóng phía tây, bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng mạnh sẽ làm giảm khí áp. Những tháng có khí áp thấp nhất trong năm đều do ảnh hưởng của các hoàn lưu nói trên. Từ tháng 3 đến tháng 10 là thời kỳ có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp nóng phía tây, bão hoặc áp thấp nhiệt đới, nên khí áp thấp nhất tuyệt đối trong chuỗi số liệu quan trắc được đều xuất hiện trong thời kỳ này. Giá trị khí áp thấp nhất trong chuỗi số liệu nhiều năm được ghi nhận là 980,6mb vào ngày 16 tháng 10/1985, do ảnh hưởng của cơn bão C CH có cường độ mạnh đổ bộ trực tiếp vào Thừa Thiên Huế.


Qua bảng 4.1 và hình 4.2, cho thấy khí áp cao nhất và thấp nhất tại Huế có thể chênh lệch nhau đến 50mb.

Sự thay đổi của khí áp từ năm này qua năm khác mặc dù nhỏ nhưng cũng thể hiện sự thay đổi lớn về khí hậu. Qua hình 4.3, có thể thấy sự thay đổi của khí áp trung bình trong năm tại Huế có chu kỳ trung bình từ 4 đến 6 năm. Trong thập kỷ qua (2001-2010), khí áp ở mức thấp hơn khí áp trung bình nhiều năm và thấp hơn so với khí áp trung bình năm trong từng thập niên trước.

Điều đó cho thấy thập niên vừa qua, các hệ thống khí áp thấp mùa hè hoạt động mạnh hơn và các hệ thống khí áp cao mùa đông hoạt động yếu hơn các thập niên trước. Đồng nghĩa với việc bão, tố xuất hiện nhiều và mạnh mẽ hơn, cùng với sự tăng lên của nhiệt độ so với thời gian trước đây.


Nguồn: Đề tài KHCN cấp tỉnh
 Bản in]
Các bài khác