Lãnh đạo tỉnh kiểm tra và chỉ đạo khắc phục sạt lở sau bão số 6
  
Cập nhật:28/10/2024 6:28:02 SA
(CTTĐT) – Chiều tối ngày 27/10, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã đi kiểm tra tình hình sạt lở bờ biển khu vực giáp ranh xã Phú Thuận và thị trấn Thuận An; bờ biển Giang Hải – Vinh Hiền. Cùng đi còn có lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra sạt lở bờ biển khu bãi tắm ở Thừa Thiên Huế
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra sạt lở bờ biển khu bãi tắm ở Thừa Thiên Huế

Do ảnh hưởng của bão số 6 tại thị trấn Thuận An gió giật mạnh nhất cấp 9 (22.6m/s, lúc 08h30 ngày 27/10), tại Huế gió giật mạnh nhất cấp 8 (18.7m/s, lúc 08h24 ngày 27/10); A Lưới cấp 6 (12m/s, lúc 09h09 ngày 27/10); Nam Đông gió mạnh cấp 8 (18m/s), gió giật cuối cấp 10 (28m/s lúc 10h31 ngày 27/10).

Đến 15h30 chiều 27/10, bão số 6 đã suy yếu thành ATNĐ trên khu vực đất liền Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế. Dự báo trong 6 giờ tới di chuyển hướng Nam Tây Nam, sau đó chuyển hướng Đông và suy yếu dần.


Lãnh đạo tỉnh kiểm tra sạt lở bờ biển khu bãi tắm ở Thừa Thiên Huế

Do ảnh hưởng của cường suất mưa lớn vùng nội đồng kết hợp triều cường, nước dâng do bão nên nước trên các triền sông không chảy ra biển đã gây ngập lụt cho các khu vực ven biển, đầm phá và khu vực trũng thấp. 

Trước đó, UBND tỉnh đã ban Quyết định số 2740/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt lở bờ biển đoạn giáp ranh giữa xã Phú Thuận, huyện Phú Vang và phường Thuận An, thành phố Huế; chiều dài sạt lở gần 1.000m, trong đó sạt lở nặng 300m.

Để ngăn sạt lở, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã xuất 2.350m2 vải lọc, 700 m3 đá hộc xử lý khẩn cấp chống sạt lở bờ biển nêu trên. UBND huyện Phú Vang và UBND thành phố Huế địa phương đã xuất 5.000 cái bao tải, 200 cừ tràm và huy động lực lượng, phương tiện trên địa bàn phối hợp cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham gia xử lý khẩn cấp chống sạt lở bờ biển.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương và các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra đoạn bị sạt lở nặng dài khoảng 300 m nằm giáp ranh giữa xã Phú Thuận và phường Thuận An.

Tuy nhiên, khi bão Trà Mi đổ bộ vào khu vực này đã đánh tan toàn bộ hệ thống kè vừa được xây dựng, cuốn trôi một đoạn đường phục vụ du lịch ra biển. Nhiều hàng quán ven biển bị gió làm siêu vẹo. Sau bão, sóng biển liên tục đánh vào bờ, ngoạm sâu vào đất liền, uy hiếp khu dân cư ở gần đó.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu các địa phương bố trị nhân lực theo dõi chặt chẽ diễn biến khu vực sạt lở

Qua đi kiểm tra thực tế các điểm sạt lở, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương ghi nhận, đánh giá cao tinh thần chủ động, sẵn sàng ứng phó thiên tai của các lực lượng, người dân nhằm hạn chế việc ảnh hưởng nước biển xâm thực.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu các địa phương cử cán hộ theo dõi chặt chẽ diễn biến khu vực sạt lở, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền có phương án xử lý. Đồng thời tổ chức rà soát các khu vực trọng điểm, xung yếu, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ đầu nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất nước biển xâm thực.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh kiểm tra tình hình sạt lở ở bờ biển Giang Hải 

Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND huyện Phú Vang, UBND thành phố Huế và UBND huyện Phú Lộc nghiên cứu, có giải pháp đồng bộ, tổng thể đối với việc phòng, chống sạt lở. Chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm.


Sạt lở tài bờ biển Giang Hải

thuathienhue.gov.vn
 Bản in]