Căn cứ Phương án điều tra ban hành theo Quyết định số 629/QĐ-TCTK ngày 17 tháng 7 năm 2023 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về việc tổ chức Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 theo Quyết định số 2011/QĐ-UBND ngày 28/8/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Cục Thống kê Thừa Thiên Huế lập kế hoạch triển khai Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 gồm các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị điều tra:
1. Công tác chuẩn bị
a. Cập nhật sơ đồ nền, cập nhật địa bàn và lập bảng kê
Căn cứ hướng dẫn của Cục TTDL Cục Thống kê đã cập nhật sơ đồ nền xã/phường/thị trấn; cập nhật địa bàn điều tra, hướng dẫn chi tiết công tác cập nhật địa bàn điều tra và lập bảng kê cho Chi cục Thống kê và điều tra viên các địa bàn trên toàn tỉnh, thu thập đầy đủ thông tin về số nhà, số hộ, số người phục vụ công tác thu thập thông tin theo yêu cầu của cuộc điều tra.
Nội dung rà soát được thực hiện theo Phương án điều tra đã ban hành. Thời hạn rà soát từ ngày 20/02/2024 đến hết ngày 25/3/2024.
b. Tuyển chọn lực lượng tham gia điều tra
Lực lượng tham gia điều tra gồm: Người cập nhật địa bàn, người lập bảng kê, ĐTV, giám sát viên (GSV) các cấp.
Cục Thống kê chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn người cập nhật sơ đồ nền, người cập nhật địa bàn, người lập bảng kê, ĐTV, GSV cấp tỉnh, cấp huyện.
- Điều tra viên cập nhật địa bàn và lập bảng kê: Là người tại địa phương, am hiểu về địa bàn và có khả năng tiếp cận với hộ để lập bảng kê. Khối lượng trung bình như sau: xã có từ 1-3 địa bàn điều tra (ĐBĐT): 01 người; xã có từ 4-6 ĐBĐT: 02 người; xã có từ 6-10 ĐBĐT: 03 người; xã có trên 10 ĐBĐT: 4 người.
Nội dung cập nhật được thực hiện theo Công văn số 2169/TCTK-TTDL ngày 27/11/2023 của Cục Thu thập Dữ liệu và Ứng dụng CNTT, Tổng cục Thống kê. Thời hạn rà soát từ ngày 01/12/2023 đến hết ngày 10/12/2023.
Thời gia lập bảng kê và cập nhật lên Hệ thống tiến hành từ ngày 01/02/2024 đến hết ngày 20/3/2024.
- Điều tra viên thực hiện điều tra: Tuyển chọn ĐTV phải chọn những người có tinh thần trách nhiệm cao, có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên (những nơi khó khăn, có thể lấy người có trình độ trung học cơ sở), khuyến khích chọn ĐTV là nữ, ưu tiên tuyển chọn ĐTV đã tham gia các cuộc điều tra thống kê gần đây. Để ngăn ngừa hiện tượng sao chép từ sổ sách địa phương vào phiếu điều tra, không nên sử dụng cán bộ đang quản lý tài liệu đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, ghi chép ban đầu về dân số hoặc chuyên trách công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình làm ĐTV. Trong trường hợp đặc thù phải tuyển chọn ĐTV từ nơi khác đến, Chi cục Thống kê phải thuê người sở tại thông thạo địa bàn để dẫn đường giúp ĐTV tiếp cận các hộ điều tra. Tại các địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa có người dân tộc không nói được tiếng phổ thông thì phải thuê người dẫn đường kiêm phiên dịch để giúp ĐTV. Trung bình: 01 ĐTV/3 ĐBĐT.
- Giám sát viên:
+ GSV cấp tỉnh: Là các công chức, viên chức thuộc các đơn vị thuộc Cục Thống kê và các sở, ngành liên quan tham gia Điều tra DSGK 2024.
+ GSV huyện: Cục Thống kê giao cho các Chi cục Thống kê chủ động tuyển chọn và phân công công chức thống kê và các đơn vị liên quan trên địa bàn, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ và phù hợp với kinh phí được giao.
c. Tập huấn nghiệp vụ và hướng dẫn sử dụng phần mềm
Tập huấn nghiệp vụ điều tra thực hiện ở 02 cấp: Cấp tỉnh và cấp huyện.
- Cấp tỉnh: Cục Thống kê tổ chức các hội nghị tập huấn cho giám sát viên cấp tỉnh, lãnh đạo Chi Cục Thống kê cấp huyện và giảng viên cấp huyện. Bao gồm: tập huấn triển khai Phương án điều tra, hướng dẫn cập nhật sơ đồ nền, cập nhật địa bàn và lập bảng kê, thời gian: 01 ngày; tập huấn nghiệp vụ và hướng dẫn sử dụng thiết bị và phần mềm, thời gian: 02 ngày, cụ thể như sau:
+ Tập tập huấn triển khai Phương án điều tra, hướng dẫn cập nhật sơ đồ nền, cập nhật địa bàn và lập bảng kê chia làm 4 lớp, số lượng 60ĐTV/lớp, mỗi lớp 1 ngày, thời gian tập huấn từ ngày 23/01 đến ngày 26/01 năm 2024
+ Tập huấn nghiệp vụ và hướng dẫn sử dụng thiết bị và phần mềm, thời gian: 02 ngày/lớp. Chia làm 4 lớp, số lượng 60ĐTV/lớp, mỗi lớp 2 ngày, thời gian tập huấn tháng 3 năm 2024
- Cấp huyện: Tùy theo tình hình thực tế tại địa phương, Cục trưởng Cục Thống kê quyết định Cục Thống kê cấp tỉnh hoặc Chi cục Thống kê huyện tổ chức 02 lớp tập huấn theo huyện. Trung bình mỗi lớp tập huấn khoảng 60 đại biểu. Cụ thể: tập huấn công tác hướng dẫn cập nhật sơ đồ nền, cập nhật địa bàn và lập bảng kê, thời gian: 01 ngày; tập huấn nghiệp vụ và hướng dẫn sử dụng thiết bị và phần mềm, thời gian: 02 ngày.
d. Tài liệu điều tra
Tài liệu điều tra bao gồm các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ và sử dụng phần mềm do Tổng cục Thống kê biên soạn; Cục Thống kê cấp tỉnh in và phân phối tại địa phương bảo đảm đủ, đúng thời gian quy định.
2. Công tác điều tra thực địa
Cục Thống kê chỉ đạo Chi Cục Thống kê huyện tổ chức điều tra tại các địa bàn điều tra được chọn, bảo đảm việc thu thập thông tin thực hiện tại đúng hộ được chọn điều tra, đạt yêu cầu chất lượng và thời hạn quy định. Điều tra viên thực hiện thu thập thông tin và hoàn thiện phiếu điện tử. Thời gian tiến hành điều tra 30 ngày, thời gian bắt đầu điều tra từ ngày 01/4/2024.
3. Công tác kiểm tra, giám sát
Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện ở tất cả các khâu của cuộc điều tra. Nội dung kiểm tra, giám sát bao gồm: Kiểm tra, giám sát việc tổ chức các lớp tập huấn, thu thập thông tin của đơn vị điều tra, số lượng và chất lượng thông tin do đơn vị cung cấp,...
Hình thức kiểm tra, giám sát: Kiểm tra, giám sát trực tiếp công tác tập huấn và thu thập thông tin tại địa bàn; kiểm tra, giám sát trực tuyến trên Trang Web điều hành tác nghiệp.
Để bảo đảm chất lượng thông tin thu thập, công tác kiểm tra giám sát chất lượng phiếu điều tra được thực hiện ngay trong quá trình thu thập thông tin, GSV thường xuyên kiểm tra dữ liệu trên chương trình phần mềm và thông báo đề nghị ĐTV xác minh hoàn thiện phiếu điều tra.
4. Nghiệm thu và xử lý thông tin
Cục Thống kê chủ trì nghiệm thu dữ liệu điều tra trên phạm vi toàn tỉnh, thời gian nghiệm thu bắt đầu từ ngày 02/5/2024. Tùy theo tình hình cụ thể Cục Thống kê sẽ gửi lịch nghiệm thu chi tiết tới các đơn vị.
5. Tổ chức thực hiện
Cục Thống kê Chủ trì tổ chức, chỉ đạo toàn diện cuộc điều tra trên địa bàn tỉnh, thành phố từ khâu rà soát cập nhật đơn vị điều tra; tuyển chọn; tập huấn cho điều tra viên và GSV; thu thập thông tin; giám sát, kiểm tra; nghiệm thu phiếu điều tra.
Phối hợp với Cục TTDL và các đơn vị thuộc Tổng cục Thống kê thực hiện: Kiểm thử các loại phần mềm; hỗ trợ các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra cấp trung ương.
Xây dựng kế hoạch tổ chức chỉ đạo chặt chẽ và thường xuyên, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của cuộc điều tra, quyền và nghĩa vụ của đối tượng điều tra tại các địa bàn điều tra. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát thực địa, nếu có sai sót phải uốn nắn kịp thời.
Trong quá trình triển khai điều tra, nếu có vướng mắc, đề nghị các Chi cục Thống kê liên hệ trực tiếp với Phòng Thu thập thông tin Thống kê để cùng giải quyết./.