Khi nguồn vốn tín dụng chính sách xuất phát từ ý Đảng, lòng Dân
  
(CTTĐT) - Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, tín dụng chính sách (TDCS) thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) luôn đóng vai trò trọng yếu, là công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội. TDCS không chỉ là công cụ tài chính thuần túy mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn kết giữa ý chí của Đảng với nguyện vọng của nhân dân.
Lễ phát động gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo tại phòng giao dịch NHCSXH Phong Điền
Lễ phát động gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo tại phòng giao dịch NHCSXH Phong Điền

Nhìn lại chặng đường 22 năm hình thành và phát triển, từ 18,2 tỷ đồng dư nợ nhận bàn giao, đến nay dư nợ tại NHCSXH huyện Phong Điền đã tăng trưởng đạt gần 580 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vốn vay cho hơn 100 nghìn lượt khách hàng được vay vốn.

Theo đó, các chương trình tín dụng dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách khác vùng ĐBDTTS với dư nợ 60 tỷ đồng, đã góp phần giúp gần 15 nghìn lượt khách hàng được vay vốn;Các chương trình tín dụng dành cho phát triển sản xuất, kinh doanh với dư nợ 346 tỷ đồng, gần 50 nghìn lượt khách hàng được vay vốn; Các chương trình tín dụng giúp cải thiện môi trường sống với dư nợ 160 tỷ đồng, gần 30 lượt khách hàng được vay vốn; Các chương trình an sinh, xã hội khác như tín dụng dành cho học sinh, sinh viên; các chương trình xóa nhà tạm bợ, chương trình cho vay nhà ở xã hội...với dư nợ gần 60 tỷ đồng, gần 5 nghìn lượt khách hàng được vay vốn.

Đảng và Nhà nước luôn xác định rằng, để nền kinh tế phát triển bền vững, hệ thống tín dụng phải gắn với các mục tiêu dân sinh, nhất là hỗ trợ người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua nguồn vốn TDCS để có điều kiện vươn lên. Chính vì lẽ đó, tín dụng không chỉ hỗ trợ kinh tế mà còn góp phần đảm bảo công bằng xã hội. Suốt chặng đường 22 năm qua, Chính phủ đã giao cho các ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách Xã hội, triển khai nhiều gói vay ưu đãi để qua đó góp một phần không nhỏ vào công cuộc giảm nghèo bền vững và khi các chính sách bám sát thực tế, người dân tin tưởng hơn vào chủ trương của Đảng, từ đó phát huy tinh thần tự lực và sáng tạo.

Ông Hoàng Văn Thái – Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện cho biết “ Huyện ủy, HĐND và UBND huyện ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tập thể cán bộ NHCSXH huyện trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ; thúc đẩy đưa nguồn vốn TDCS đến với các đối tượng thụ hưởng, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao hàng năm. Qua đó đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh và góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn...

Từ nguồn vốn các chương trình đã góp phần giúp cho hàng nghìn lượt hộ gia đình nghèo, cận nghèo... thoát nghèo bền vững. Các chủ thể kinh tế mới dần khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế như mô hình hộ sản xuất tinh dầu tràm của ông Trần Ngọc Thái ở Phong An, mô hình kinh tế gia trại tổng hợp của ông Nguyễn Hùng ở xã Phong Thu, mô hình nuôi lợn bản của anh Trần Ngọc Chiếu ở xã Phong Mỹ... đã mang lại thu nhập bình quân gần 200 triệu đồng/hộ.

Hàng năm nguồn vốn TDCS cũng đã giúp xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội cho gần 100 hộ gia đình; có gần 5 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây mới, cải tạo, sửa chữa đạt chuẩn quốc gia; hàng trăm em học sinh, sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập. Ngoài ra, thông qua nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, NHCSXH huyện cũng đã góp phần giúp gần 1 nghìn lao động được vay vốn để tạo việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho gia đình... nhằm cải thiện cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.

Ông Hoàng Văn Thái cho biết thêm: “Thời gian tới Huyện ủy, HĐND và UBND huyện sẽ tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các hoạt động TDCS trên địa bàn thông qua NHCSXH huyện được phát huy hiệu quả, đồng thời đề nghị NHCSXH huyện cần tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn TDCS, tiếp tục tuyên truyền về hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nhất là các chương trình tín dụng chính sách mới, các chương trình tín dụng có thay đổi về lãi suất cho vay, mức cho vay tối đa, quy trình, thủ tục cho vay, ứng dụng công nghệ trong hoạt động TDCS,...cũng như tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng các dự án, mô hình, chương trình có kết quả tốt, các gương điển hình tiên tiến trong việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ nguồn vốn tín dụng chính sách đã được ủy thác đảm bảo an toàn vốn”...

Có thể thấy rằng, khi chính sách tín dụng xuất phát từ “ý Đảng, lòng dân” thì nó sẽ trở thành một sức mạnh tổng hợp và là một minh chứng cho mối quan hệ chặt chẽ giữa lãnh đạo và nhân dân. Nó vừa phù hợp với chủ trương của Đảng, vừa đáp ứng đúng nhu cầu của người dân thì sức mạnh cộng hưởng sẽ được phát huy tối đa. Tín dụng chính sách không chỉ là phương tiện kinh tế mà còn là cầu nối của niềm tin và trách nhiệm. Chính niềm tin của nhân dân vào các chính sách, chủ trương sẽ là động lực mạnh mẽ, giúp nền kinh tế huyện Phong Điền nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung luôn phát triển bền vững và hài hòa.

w.w.w.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 5 Trang kế Trang cuối