Địa điểm chiến thắng đồi A Bia đã đi vào trang sử vàng truyền thống của quân và dân Thừa Thiên Huế và là mốc son mở đầu cho giai đoạn khôi phục thế trận xuống đồng bằng, lập lại thế ba vùng chiến lược sau cuộc Tổng Tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đây chính là thắng lợi của tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường của quân và dân Thừa Thiên Huế nói chung, quân và dân các dân tộc thiểu số ở miền núi nói riêng. Chiến thắng này cũng chứng minh chân lý của thời đại “Một dân tộc dù nhỏ bé, nếu biết quyết tâm, đoàn kết chiến đấu và có một đường lối đúng thì có thể đánh bại được bất cứ tên đế quốc sừng sỏ nào.
Chiến thắng đồi A Bia là kết quả tất yếu của sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt và kịp thời của Đảng ta, thể hiện tài thao lược của cán bộ chỉ huy các đơn vị trong hợp đồng tác chiến, biết lợi dụng thế trận rừng núi tạo yếu tố bất ngờ, đặc biệt là sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa bộ đội chính quy, bộ đội địa phương, dân quân du kích, quyết tâm chiến đấu, chiến thắng đến cùng của cán bộ, chiến sĩ cùng quân và dân miền Tây Thừa Thiên Huế. Chiến thắng đó không chỉ có giá trị về mặt quân sự mà còn có tác động to lớn đến chính trị, ngoại giao… là nguồn cổ vũ động viên to lớn của quân và dân ta trên khắp các chiến trường; làm nức lòng Nhân dân cả nước và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Chiến thắng đồi A Bia là một chiến thắng kép trên chiến trường Việt Nam, bởi đó là chiến thắng để lấy lại thế chủ động trên chiến trường, lấy lại lòng tin của nhân dân, đem lại quyết tâm sắt đá “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” của cả dân tộc Việt Nam. Đồng thời, đây còn là thất bại của địch, chiến thắng ngay trong lòng nước Mỹ.
Trong trận A Bia, binh lính Mỹ đã bị sa vào cơn ác mộng của một cuộc cận chiến. Trong suốt trận đánh đó, binh lính Mỹ đã bị tan vỡ cả về tinh thần và thể chất trước sự chống trả quyết liệt của quân và dân ta. Đây được coi là tổn thất lớn nhất của quân Mỹ trước khi bắt đầu rút khỏi miền Nam Việt Nam, cuộc chiến tranh đã dần chuyển cho phía Nam Việt Nam đảm nhiệm, chính thức được gọi là “Việt Nam hóa chiến tranh”. Tổn thất đó không chỉ nằm ở con số thương vong lớn trong một trận đánh, mà còn ở sự phản ứng tiêu cực của những binh lính Mỹ trên chiến trường, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện rõ sự bất lực của quân đội Mỹ. Đặt dấu chấm hết cho những toan tính của giới cầm quyền Mỹ trong việc mở các cuộc tiến công vào những vùng “đất thánh” của Việt cộng.
Chiến thắng đồi A Bia đã làm rung chuyển các phương tiện truyền thông, từ công chúng tới chính giới Mỹ, tạo ra một áp lực to lớn chia rẽ nội bộ chính quyền Mỹ. Đồi A Bia trở thành tử địa, là nổi kinh hoàng của sĩ quan và binh lính Mỹ: “Đây là một trận chiến đấu ác liệt nhất, khủng khiếp nhất, kinh hoàng nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến gây chia rẻ sâu sắc nhất trong chính quyền Mỹ, làm rung động truyền thông và đông đảo người dân Mỹ, làm dấy lên sự phản kháng dữ dội tại Thượng viện Mỹ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Nó được ví có ảnh hưởng như cuộc Tổng Tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đối với nước Mỹ”45.
Chiến thắng đồi A Bia còn được đánh giá là hình ảnh của cuộc chiến tranh Việt Nam thu nhỏ, kể cả mức độ ác liệt của chiến tranh, sự leo thang hiếu chiến của quân địch và sự thất bại thảm hại của quân đội viễn chinh Mỹ. A Bia trở thành biểu tượng của Đài chiến thắng và sự hy sinh xương máu của quân và dân ta, nơi ghi dấu sức mạnh, ý chí quyết tâm, tinh thần quả cảm của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Ngọn đồi này, sau trận đánh được người Mỹ gọi là “Đồi thịt băm” - Hamburger Hill như một cách thể hiện độ khốc liệt và thương vong cao của lính Mỹ.
Có thể khẳng định, chiến thắng đồi A Bia là một trận chiến thắng kép của quân đội nhân dân Việt Nam, có giá trị, ý nghĩa và tầm vóc lịch sử to lớn; là một dấu son chói lọi trong sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ta.
Di tích Địa điểm chiến thắng đồi A Bia được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là Di tích lịch sử cấp Tỉnh theo Quyết định số 2372/QĐ-UBND ngày 13/10/2006.