Ngày 30.4.2011, Festival nghề truyền thống Huế 2011 với chủ đề “Bếp Việt trong vườn Huế” sẽ chính thức diễn ra. Đây là lần thứ 4 thành phố Huế tổ chức Festival nghề truyền thống vào các năm lẻ (xen kẽ các Festival Huế diễn ra vào các năm chẵn do tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức). Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế đã có cuộc trao đổi với ông Phan Trọng Vinh - Chủ tịch UBND thành phố Huế, Trưởng Ban Tổ chức Festival nghề truyền thống Huế 2011 xung quanh công tác chuẩn bị cho sự kiện này.
Xin ông hãy giới thiệu chung về Festival nghề truyền thống Huế 2011 (Festival NTT),  tại sao Festival  lần này lấy chủ đề là “Bếp Việt trong vườn Huế”?
Bên cạnh Festival Huế được tổ chức vào các năm chẵn, thì Festival nghề truyền thống Huế qua 03 kỳ tổ chức vào các năm lẻ với quy mô cấp quốc gia đã thu được những thành công đó là: đã quy tụ được nhiều nghệ nhân đến từ các làng nghề truyền thống trong nước đến tham gia, ngoài ra thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước, đông đảo nhân dân tỉnh, thành phố đến tham dự đã tạo nên một không khí lễ hội thật sự hoành tráng.
Có thể nói Festival nghề truyền thống là sự kết hợp hai yếu tố: Nghề thủ công truyền thống và lễ hội nhằm mục đích giới thiệu những thành tựu trong việc khôi phục và phát triển các làng nghề và nghề thủ công truyền thống mang tính đặc thù của địa phương. Do vậy các hoạt động Festival lần này đều nhằm gìn giữ, bảo tồn giá trị của các nghề truyền thống của Huế, đồng thời phát huy các nghề truyền thống nhằm phục vụ cho các hoạt động văn hóa – du lịch, cũng như việc phát triển kinh tế của địa phương, đây là nét đặt trưng riêng của Huế chúng ta.
Năm 2011, đối với thành phố Huế, cũng là năm tròn 85 năm thành lập Nữ công học hội - sự kiện ý nghĩa liên quan đến chủ đề gìn giữ và phát huy các nghề truyền thống mà Festival đề ra. Phát huy những thành quả đạt được qua các kỳ Festival nghề trước đây, năm nay BTC quyết định lựa chọn 2 nghề độc đáo của truyền thống văn hóa và phong cách sống Huế, Việt Nam với chủ đề “ Bếp Việt trong vườn Huế” nhằm giới thiệu 2 nghề Ẩm thực và Cây kiểng. Đây là những nghề truyền thống đã góp phần xây dựng và phát triển Huế hàng trăm năm qua, đồng thời qua việc tổ chức này còn tôn vinh các nghệ nhân là những người đang gìn giữ và phát triển các nghề truyền thống.
Vậy công tác chuẩn bị cho Festival nghề truyền thống Huế 2011 đã được triển khai như thế nào?
Ngay sau Festival nghề truyền thống 2009, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao nhiệm vụ cho phòng Văn hóa và Thông tin thành phố xây dựng đề cương, kế hoạch tổ chức cho sự kiện này, đồng thời đã tiến hành thành lập Ban Tổ chức và các Tiểu ban phục vụ Festival nghề truyền thống Huế 2011. Bên cạnh sự chủ động của thành phố, các Sở, ban ngành cấp tỉnh đã tích cực giúp đỡ và tạo mọi điều kiện cho thành phố trong quá trình triển khai, chuẩn bị như: Sở VHTT&DL, Sở Tài chính, Sở Công Thương, Trung tâm BTDT Cố đô Huế và Trung tâm Festival Huế. UBND thành phố đã mời gọi các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên tham gia, tất cả làm sao để Huế là một trong những điểm đến thú vị của mỗi một du khách và xứng đáng là Thành phố Festival của Việt Nam.
Chỉ còn trong vòng hai tuần nữa, Festival nghề truyền thống Huế 2011 sẽ diễn ra vì vậy có thể nói thời điểm này Ban Tổ chức phải làm việc hết sức khẩn trương. Không gian tổ chức Festival lần này diễn ra trên diện rộng do vậy ngay từ đầu tháng 4/2011, thành phố đã tập trung triển khai công tác chuẩn bị cho lễ hội và cho đến nay mọi việc đều được tiến hành theo đúng kịch bản và tiến độ của Ban Tổ chức đề ra.
|
Chuẩn bị cho Festival nghề truyền thống Huế 2011 |
Có nhiều ý kiến cho rằng Festival NTT năm nay chưa được nhiều người biết đến, mặc dù chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến ngày khai mạc, xin ông cho biết công tác tuyên truyền, quảng bá sự kiện này đến nay được thực hiện như thế nào?
Bên cạnh chuẩn bị nội dung cho Festival nghề truyền thống Huế 2011, thì công tác tuyên truyền, quảng bá sự kiện quan trọng này là một trong những công việc được BTC hết sức chú trọng. Sự quan tâm đó được thể hiện qua việc từ Quý II năm 2010 chúng tôi đã xúc tiến làm việc với các hãng thông tấn báo chí trong cả nước để mời gọi bảo trợ thông tin về Festival NTT. Với sự nỗ lực đó, đến thời điểm này đã có rất nhiều đơn vị có uy tín nhận bảo trợ thông tin như: Tạp chí Heritage, Báo Người Lao động, Báo Đất Việt, Báo Du Lịch, Báo Thừa Thiên Huế, Báo Đối ngoại Vietnam Economic News (VEN)…, Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (HVTV), Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Huế (VTV Huế), Đài phát thanh Truyền hình tỉnh (TRT) và những thông tin về sự kiện này luôn được cập nhật và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử thành phố (www.huecity.gov.vn), Cổng thông tin điện tử tỉnh (www.thuathienhue.gov.vn) cũng như những website khác. Ngoài ra, chương trình nghệ thuật khai mạc sẽ được Đài truyền hình Việt Nam phát sóng trực tiếp trên sóng VTV2. Bên cạnh đó, các cụm panô tuyên truyền đã được thực hiện tại hai đầu cửa ngõ vào thành phố và những vị trí trọng điểm của thành phố.
|
Festival nghề truyền thống Huế 2011 có chủ đề "Bếp Việt trong vườn Huế" |
Một công việc nữa đó là thành phố đã xây dựng 01 phóng sự tài liệu phản ánh về sự phát triển và những thành quả đạt được qua các kỳ Festival nghề truyền thống Huế làm cơ sở giới thiệu và quảng bá hình ảnh Huế tại các Hội nghị xúc tiến Du lịch do tỉnh tổ chức. Ngoài ra BTC cũng đã tiến hành làm việc với các hãng lữ hành, các công ty du lịch nhằm thông báo về sự kiện quan trọng này.
Xin ông cho biết những điểm mới của Festival năm 2011 so với các kỳ trước?
Điểm mới của Festival nghề truyền thống lần này đó là: Thứ nhất, lựa chọn 2 nghề độc đáo của truyền thống văn hóa, phong cách sống  Huế, Việt Nam: Ẩm thực và cây kiểng Thứ hai, không gian mở rộng bao gồm cả phía Bắc, Nam dòng sông Hương Thứ ba, thời gian dài hơn so với các kỳ trước (30/4 – 3/5) và Thứ tư, có đông đảo các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu, các đơn vị, tổ chức từ các vùng, miền đến cùng tham gia Festival.
Ông có thể nói rõ hơn về quy mô, các hoạt động chính, điểm nhấn đối với Festival nghề truyền thống 2011 này?
Festival nghề truyền thống Huế 2011 có quy mô rộng hơn, không gian tổ chức được chia thành các khu vực liên quan đến việc giới thiệu, quảng bá và thao diễn các nghề truyền thống. Về không gian giới thiệu các nghề lần này sẽ diễn ra tại các địa điểm: Quảng trường Ngọ Môn (kéo dài từ cửa Quảng Đức cho đến cửa Thượng Tứ), Phu Văn Lâu và đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (giới thiệu cây kiểng), gồm có: không gian “Ẩm thực thời khẩn hoang” với hơi đất miệt vườn mênh mông và khí trời lồng lộng Đất phương Nam không gian ẩm thực Bắc Bộ “Thương nhớ mười hai” với phong vị ẩm thực Bắc đậm đà làm cho người đi xa khắc khoải nhớ mãi không quên… Thực phổ bách thiên và nghệ thuật làm bếp kiểu Huế với ẩm thực cung đình, ẩm thực chay, ẩm thực dân dã trong không gian vườn Huế.
|
Khu vực Quảng trường Ngọ Môn được trang trí ấn tượng |
Một trong những điểm nhấn của lễ hội lần này là giới thiệu ẩm thực Huế như ẩm thực Cung đình, ẩm thực chay, ẩm thực dân gian… Về ẩm thực Cung đình, Ban Tổ chức sẽ giới thiệu có tính chất tham khảo một bữa tiệc Cung đình với một số món ăn đã từng được đưa vào thực đơn chiêu đãi sứ thần tại Duyệt Thị Đường và một bữa tiệc cung phủ. Không gian ẩm thực dân gian Huế với việc giới thiệu các món ăn đặc sản Huế Không gian ẩm thực Chay sẽ được thực hiện với những đầu bếp chay từ các Chùa, các Niệm Phật đường và Gia đình Phật tử tham gia thực hiện.
Ngoài không gian văn hóa ẩm thực, Festival nghề truyền thống Huế lần này còn là nơi giới thiệu các loại cây cảnh trên khắp các vùng miền trong cả nước (gần 20 địa phương với gần 1000 hiện vật) với những công phu và cảm xúc thăng hoa của một thú chơi tao nhã… Được trưng bày song song với các khu vực ẩm thực nên cây cảnh sẽ càng làm cho không gian ẩm thực đầy thú vị.
Trưng bày cổ vật với bộ sưu tập độc đáo cổ vật về ẩm thực của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, với sự tham gia của nhà sưu tập Tú Anh, các cổ vật cung đình từ Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế.
Trong Festival lần này, nhiều hoạt động cộng đồng cũng được tổ chức xen kẽ như: ngày hội “Chúng em cùng vào bếp” của các em học sinh phổ thông trung học, “Bữa ăn hạnh phúc” dành cho các đôi vợ chồng thi trổ tài nấu ăn, “Đi bộ vì màu xanh quê hương”… do các bạn đoàn viên thanh niên thành phố thực hiện. Các chương trình dạy nấu ăn cho du khách và người dân, các không gian ẩm thực trong vườn Huế của các nghệ nhân và doanh nghiệp trong thành phố vốn là một loại hình độc đáo của du lịch Huế. Bên cạnh đó còn có các hoạt động triển lãm, trưng bày mỹ thuật, nhiếp ảnh, các không gian thao diễn và trưng bày nghề Huế, các trò chơi dân gian đặc trưng ở các vùng miền, các loại hình nghệ thuật đậm đà bản sắc như ca nhạc tài tử, Ca trù, Ca Huế, quan họ, hát xẩm, hát văn... 
Xin ông đánh giá về những kết quả đạt được của 3 kỳ Festival trước?
Sau những kỳ tổ chức đều có các sản phẩm để lại phục vụ cho các hoạt động Văn hóa - Du lịch – Dịch vụ của thành phố như Trung tâm giới thiệu nghề đúc đồng (tại Phường Đúc), Tịnh Tâm Kim cổ (của DNTN Duy Mong), Trung tâm giới thiệu các nghề truyền thống Huế (15 Lê Lợi), hoặc như qua Festival 2005, 2007 và 2009, sản phẩm nón lá Huế, đúc đồng, các sản phẩm thêu, Pháp lam Huế đã được giới thiệu ra công chúng và hiện nay đã có sản phẩm mỹ nghệ phục vụ du lịch Huế. Có thể nói, việc tổ chức thành công Festival nghề truyền thống, cùng với Festival Huế (vào các năm chẵn) đã khẳng định thương hiệu của Festival Huế, Thành phố Festival.
Mục tiêu hướng đến của Festival lần này là gì, thưa ông?
Festival nghề truyền thống là sự kết hợp hai yếu tố: Nghề thủ công truyền thống và lễ hội nhằm mục đích giới thiệu những thành tựu trong việc khôi phục và phát triển các làng nghề và nghề thủ công truyền thống mang tính đặc thù của địa phương.
Mục tiêu lần này cũng như các Festival nghề truyền thống lần trước, đó là: Gìn giữ, bảo tồn giá trị của các nghề  truyền thống của Huế, đồng thời qua việc tổ chức này còn phát huy các nghề truyền thống nhằm để phục vụ cho các hoạt động Văn hóa – Du lịch, cũng như việc phát triển kinh tế của địa phương.
Mặt khác, qua Festival nghề nhằm tôn vinh các nghề truyền thống đã góp phần xây dựng và phát triển Huế hàng trăm năm qua, tôn vinh các nghệ nhân là những người đang gìn giữ và phát triển các nghề truyền thống.
Cùng với sự nỗ lực của Ban tổ chức, sự hỗ trợ giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh, các ban ngành cấp tỉnh, sự đồng hành của các doanh nghiệp, các nghệ nhân, nghệ sỹ và sự hưởng ứng tích cực của đông đảo nhân dân trên địa bàn thành phố, chúng tôi hy vọng Festival nghề truyền thống Huế 2011 đạt được nhiều thành quả tốt đẹp và sẽ trở thành một sự kiện mang lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho mỗi một du khách đến với Huế trong dịp này.
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!