Địa điểm: Đường 23 tháng Tám, phường Thuận Thành, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trường Quốc Tử giám ở Huế được xây dựng từ thời Vua Gia Long, tại địa phận làng An Ninh Thượng, lúc đầu trường ốc còn đơn giản, qua thời Vua Minh Mạng, người đi học ngày càng đông, quy mô của trường được mở rộng.
Vì trường ở hơi xa kinh thành, nên năm 1908, triều đình cho dời về gần bên trái Đại Nội như chúng ta thấy hiện nay.
Trường Quốc Tử Giám nằm trên một thửa đất khá rộng, mỗi bề trên dưới 200m. Mặt bằng kiến trúc chia làm hai khu vực (cách nhau bằng đường Lê Trực hiện nay). Giữa khu vực chính (ở trước) là Di Luân Đường. Giữa khu vực phụ phía sau là Tân Thơ viện (thư viện của trường). Hai tòa nhà này vốn trước đây là Minh Trưng Các và Điện Long An nằm trong cung Bảo Định được xây năm 1845 ở bờ Bắc Ngự Hà được dời đến dựng lại ở đây dưới triều Duy Tân (1908, 1909). Hai bên mặt sau Di Luân Đường, xây hai phòng học; hai bên sân trước xây hai dãy cư xá cho học viên. Hai bên Tân Thơ viện dựng hai ngôi nhà dành cho quan Tế Tửu (Hiệu trưởng) và quan Tư Nghiệp (Hiệu phó); trong khu vực còn có mấy ngôi nhà dành cho giáo quan và nhân viên. Hiện nay các công trình kiến trúc vẫn còn nguyên vẹn.
Di Luân Đường
Riêng Di Luân Đường là một tòa nhà bằng gỗ có giá trị về kiến trúc và trang trí. Tòa nhà được xây dựng theo kiểu trùng thiềm điệp ốc, bên trên chính doanh là một cái gác đẹp, trang trí nội ngoại thất tỉ mỉ công phu. Các cấu kiện gỗ đều được chạm trổ tinh tế, khắc khảm thơ văn ngự chế cùng các hình ảnh cổ điển theo lối nhất thi nhất họa.
Đối tượng được theo học ở Trường Quốc Tử Giám bao gồm: Tôn sinh (con em trong Hoàng tộc), Ấm sinh (con các đại thần trong triều), học sinh (các thanh niên thông minh tuấn tú trong cả nước), các tú tài, cử nhân đã đỗ kỳ thi Hương ở các tỉnh.
Quốc Tử Giám là một cơ quan giáo dục cấp Nhà nước được tổ chức tương đối có kỷ cương với những công trình kiến trúc bề thế mang giá trị nghệ thuật cao. Đây là một di tích lịch sử, văn hóa rất quý, cần được tôn tạo, bảo dưỡng.
Di tích Trường Quốc Tử Giám đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 99/2004/QĐ-BVHTT ngày 15/12/2004 của Bộ Văn hóa Thông tin.