Đình Lương Quán, làng Lương Quán, phường Thủy Biều, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
  
Di tích lịch sử Đình Lương Quán thuộc Làng Lương Quán, phường Thủy Biều, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế được công nhận là di tích lịch sử theo Quyết định số 3314/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 16/12/2021.

Lương Quán là một trong những ngôi làng cổ của vùng đất Thuận Hóa xưa. Quá trình tụ cư lập nghiệp của cư dân nơi đây gắn liền với quá trình di dân mở cõi của lưu dân Việt.

Năm 1306, hai châu Ô, Lý (Ulik) chính thức được sáp nhập vào Đại Việt, sau cuộc hôn nhân giữa Chế Mân (Jaya Shimhavarman III) với công chúa Huyền Trân. Một năm sau (1307), Đoàn Nhữ Hài vâng mệnh phủ dụ, đổi tên Ô, Lý thành hai châu Thuận Hóa. Có thể nói rằng, việc cắt đất làm món quà sính lễ của Chế Mân vào năm 1306 là một dấu mốc rất quan trọng trong tiến trình di dân tụ cư ở vùng đất Thuận Hóa. Kể từ ngày chuyển nhượng chủ quyền cho Đại Việt, một bộ phận cư dân Việt bắt đầu di chuyển vào đây sinh sống lập nghiệp. Trong đó thành phần đông đảo nhất vẫn là dân nghèo và các tướng lĩnh, binh lính được cử lại trấn trị nơi đây.

Đến thời Lê Sơ (1428 - 1527), bằng những chính sách khai hoang lập đồn điền và khuyến khích người dân di cư vào Thuận Hóa, nên dần dần người Việt có mặt ở đây ngày càng đông đảo. Xét trong “Thiên Nam dư hạ tập” thì dưới thời Lê Thánh Tông, Thuận Hóa thừa tuyên quản 2 phủ (Tân Bình và Triệu Phong), 8 huyện và 4 châu. Trong đó, phủ Triệu Phong gồm có 6 huyện và 2 châu. Vùng đất Thừa Thiên Huế ngày nay thuộc ba huyện với số lượng tổng, làng xã như sau: huyện Kim Trà 8 tổng 71 xã, huyện Đan Điền 8 tổng 65 xã, huyện Tư Vang 6 tổng 52 xã. Hơn 60 năm sau, đến thời Mạc thì Dương Văn An cho chúng ta một danh sách cụ thể hơn về tên tuổi các làng xã ở vùng đất Thừa Thiên Huế. Bấy giờ Lương Quán có tên là Quán Khách (Tân Quán), đây là một trong 63 làng cổ của huyện Kim Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa, với lời bình: “Quán khách gặp nhau, mừng được rượu ngon đãi khách”. Như vậy, danh xưng Lương Quán xuất hiện với tư cách của một đơn vị hành chính là vào khoảng của thế kỷ XVI.

Căn cứ một số nguồn tư liệu Hán Nôm hiện tồn, thì thủy tổ họ Đặng được xem là vị Khai canh của làng Lương Quán, đây là một trong những tộc họ đặt chân đến đầu tiên, có công lao tịch điền lập thổ, dựng ấp mở làng. Theo đó, Thần vị của ngài Khai canh được thiết trí tại miếu ghi rõ: Bổn thổ Đặng quý công Khai canh chi tôn thần (本土鄧貴公開耕之尊神). Trong bản “Tế văn” làng Lương Quán cũng xác nhận sự đồng thuận tôn vinh họ Đặng là “nhất tộc” Khai canh. Hiện nay, trong làng có 4 dòng họ, trong đó, họ khai canh và khai khẩn là họ: Đặng và sau đó là thứ tự các họ đến sau: Phan, Lê, Võ.

Sau ngày đất nước thống nhất, làng Lương Quán thuộc xã Thủy Biều, huyện Hương Thủy. Tiếp đến, ngày 11 tháng 3 năm 1977, Chính phủ ra Quyết định số 62-CP về việc hợp nhất tỉnh và các huyện trong tỉnh Bình Trị Thiên, theo đó huyện Hương Thủy và huyện Phú Vang được hợp nhất thành huyện Hương Phú, như vậy Lương Quán thuộc xã Thủy Biều lúc này được đặt dưới sự quản lý hành chính của huyện Hương Phú.

Năm 1981, do yêu cầu mở rộng địa bàn thành phố Huế nên Thủy Biều được sáp nhập vào thành phố Huế. Đến ngày 25 tháng 3 năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP chuyển đổi đơn vị hành chính xã Thủy Biều thành phường Thủy Biều trực thuộc thành phố Huế. Hiện nay, Lương Quán thuộc phường Thủy Biều, thành phố Huế.

Đình là trú sở tâm linh, trung tâm quy ngưỡng của một cộng đồng trên cùng địa vực cư trú. Đình làng là một phần ký ức của những lưu dân Việt được mang theo trong suốt hành trình mở đất về phương Nam. Cũng như bao làng quê khác trên dải đất miền Trung, cùng với quá trình hình thành làng xã, hệ thống thiết chế văn hóa như: Đình, chùa, miếu... cũng lần lượt ra đời nhằm đáp ứng về nhu cầu đời sống tâm linh và sinh hoạt cộng đồng của dân làng. Đình Lương Quán ra đời cũng không nằm ngoài mục đích đó.

Theo lời các cụ cao niên trong ban điều hành của làng kể lại: Đình được dựng lên để thờ Thành hoàng, ngài Khai canh của làng Đặng quý công. Nguyên thủy, đình được xây dựng bằng tranh tre, nứa lá, sau dần có điều kiện kinh tế thì dân làng đóng góp xây dựng bằng gỗ, tường gạch, mái lợp ngói liệt. Trải qua thời gian và những biến cố thăng trầm của lịch sử, đình được trùng tu và sửa chữa nhiều lần, nhưng vẫn giữ được dấu ấn của kiến trúc xưa.

Lần trùng tu sửa chữa lớn nhất là vào năm 1942, đình được xây theo kiểu nhà rường 3 gian 2 chái, hệ thống cột, kèo, xuyên, trến… đều được làm bằng gỗ. Trải qua một thời gian dài, các đơn nguyên kiến trúc cùng các cấu kiện ở đình có dấu hiệu xuống cấp và hư hỏng. Vào năm 2006, đình được đầu tư trùng tu bởi Hội đồng Tộc trưởng và con dân trong làng, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương. Toàn bộ phần mái được lợp lại ngói, thay 2 cột cái và 1 trến, thay toàn bộ đòn tay, nền đúc xi măng, phục chế các mô típ trang trí. Bức bình phong, sân và hệ thống la thành xung quanh cũng được tu bổ, nâng cấp.

Lương Quán là một trong những làng xuất hiện tương đối sớm ở vùng đất Thuận Hóa. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nhưng làng vẫn còn lưu giữ được nhiều nét đặc trưng văn hóa của người Việt trên vùng đất mới. Đình Lương Quán vẫn còn bảo tồn khá tốt các nguồn tư liệu Hán Nôm (hoành phi, đối liễn, sắc phong, địa bạ, văn tế…) rất có giá trị, phản ánh quá trình hình thành, phát triển, đời sống văn hóa xã hội, phong tục tập quán, chính sách điền thổ, thuế má của người dân qua các thời kỳ. Qua đó, khẳng định sự xuất hiện của một thiết chế văn hóa trên vùng đất Thuận Hóa xưa.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình Lương Quán là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử có ý nghĩa, nói lên tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm của nhân dân Lương Quán. Vào ngày 20 và ngày 21 tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Gia Thư, nhân dân đã giải tán Ban Hương lý, tổ chức bầu Ủy ban cách mạng lâm thời sau đó kéo lên giành chính quyền ở tổng Cư Chánh. Ngày 23 tháng 8 năm1945, hòa vào dòng thác cách mạng,với khí thế bừng bừng, hàng chục người dân Lương Quán cùng nhân dân toàn huyện Hương Thủy kéo lên tham gia cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến, góp phần tích cực vào thắng lợi chung của toàn tỉnh. Sau đó, ngày 6 tháng 1 năm 1946, đình Lương Quán là địa điểm đặt hòm phiếu cho cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc Hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong số các công trình văn hóa ở làng, đình có vai trò vô cùng quan trọng trong tâm thức của người dân làng Lương Quán. Đó là nơi thiêng liêng để người dân tưởng nhớ đến những bậc tiền nhân đã có công dựng làng, khai thiết xã hiệu, gửi gắm những mong ước của dân làng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc; là trung tâm sinh hoạt của một cộng đồng dân cư trên một vùng đất. Với các sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội cổ truyền, sự đoàn kết gắn bó trong cộng đồng của làng sẽ là động lực để Lương Quán phát huy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, ý thức dân tộc, xây dựng và bảo tồn một thiết chế văn hóa làng, xã cổ xưa.

Đình Lương Quán có giá trị tiêu biểu về mặt kiến trúc, mang phong cách nhà rường truyền thống của xứ Huế. Với hệ thống cột, kèo, xuyên, trến, cùng với các họa tiết chạm khắc trên gỗ, các mô tip, đề tài trang trí ở phần mái, bờ nóc, bờ quyết; vì kèo, xuyên, đã phần nào phản ánh tâm tư, tình cảm của cư dân nông nghiệp lúa nước với ngưỡng vọng “phong điều vũ thuận”, “dân khang vật phụ”.

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác
     

Du lịch

Dịch vụ