Hoàng Trọng Mậu
  

1. Vị trí con đường

Thuộc Phường Phú Thượng

Điểm đầu: Đường Lại Thế

Điểm cuối: Đường Nguyễn Đình Tứ

2. Tiểu sử lịch sử gắn liền với con đường

Hoàng Trọng Mậu (1874-1916), tên thật là Nguyễn Đức Công bí danh cách mạng là Hoàng Trọng Mậu, sinh năm 1874 tại Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An trong một gia đình trí thức yêu nước. Thân phụ là cụ Nguyễn Đức Tân làm quan Hành Tẩu trong triều đình rồi cáo quan về ẩn.

Trong Việt Nam Nghĩa liệt sử, Phan Bội Châu đánh giá Hoàng Trọng Mậu, thường được gọi là đầu xứ Công - là người văn võ song toàn và gọi ông là “Kì Nam tử”.

Ông xuất thân khoa cử, từng đỗ đầu các kì thi hạch trường tỉnh Nghệ An. Ông còn có tên là Nguyễn Đức Công, một nhân vật cột trụ của phong trào Đông Du và Việt Nam Quang Phục Hội ở nước ngoài.

Năm 1905, ông cùng các đồng chí theo Phan Bội Châu ra nước ngoài tham gia phong trào Đông Du. Năm 1906 ông vào trường Võ bị Chấn Võ. Khi ông đang học tại trường năm 1908, Pháp và Nhật câu kết nhau trục xuất tất cả du học sinh và các nhà hoạt động cách mạng Việt Nam ra khỏi nước Nhật.

Sau đó, ông về Trung Quốc rồi tham gia vào lực lượng cách mạng của tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội từ năm 1912. Trong thời gian này ông thường qua lại Trung Quốc, Hương Cảng, liên lạc với các nhà cách mạng. Ông tinh thông binh pháp, sau khi thành lập Việt Nam Quang Phục Hội, ông là tác giả các sách về chiến lược quân sự của tổ chức này.

Năm 1915 ông cùng các chiến hữu đột nhập về Lạng Sơn tiến công chiếm đồn Tà Lùng. Cuộc tấn công thất bại, ông trốn sang Trung Quốc, đến ngày 28-5-1915 ông bị mật thám bắt ở Hương Cảng. Sau đó chúng đưa ông về xử chém cùng với Nguyễn Thức Đường tại Bạch Mai (ngoại ô Hà Nội).

          Khi ra pháp trường ông Hoàng Trọng Mậu đã để lại câu đối tuyệt mệnh:

          Ái quốc hà cô duy hữu tinh thần lưu bất tử

          Xuất sư vị tiệp thả tương tâm sự thác lai sinh

          Dịch:

          Yêu nước  tội gì? Duy có tinh thần là chẳng chết

          Ra quân chưa thắng xin đem tâm sự gửi mai sau

          Ông có hai người con, người con đầu là ông Nguyễn Đức Vân, tham gia Cách mạng từ rất sớm và năm 1945 là Chủ tịch Việt Minh đầu tiên của xã, sau khi Cách mạng thành công. Về hưu, ông Vân chuyển sang cộng tác với Viện Văn học, đã dịch những tác phẩm lớn: Thơ văn Lý Trần, Hồng Lâu Mộng, Hoàng Lê nhất thống chí… Người con thứ hai Nguyễn Đức Tịnh là Bí thư Tân Việt Cách mạng Đảng của Thừa Thiên Huế vào những năm 1929-1930, hiện có tên đường tại thành phố Huế.

 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 5 Trang kế Trang cuối