Đạm Phương
  

1. Vị trí con đường

Đường Đạm Phương nằm trên địa bàn phường Tây Lộc, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Hoàng Diệu, chạy qua phía sau chợ Tây Lộc đến đường Lê Đại Hành, dài 250m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Nguyên trước là vùng ruộng thấp, sau năm 1960 san lấp xây dựng khu dân cư mới, nhân đấy mà đường được mở. Trước 1995 thường gọi là đường Đất Mới. Tháng 6/1999, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định đặt tên là đường Đạm Phương.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

 

Đạm Phương (Tân Tỵ 1881 - Đinh Hợi 1947) Nhà văn, nhà báo, con gái của Hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Triện (Hoàng tử thứ 66 của vua Minh Mạng, ông được thụ phong tước Hoằng Hóa Quận Vương), bà tên thật là Nguyễn Phúc Đồng Canh, nhưng theo cách gọi trong Đế hệ thi do vua Minh Mạng qui định trở về sau thì hai chữ Công Nữ dùng trước tên chính để chỉ đó là con gái của Hoàng tử, nên bà có tên thường dùng Công Nữ Đồng Canh, tự là Quý Lương, sau này viết báo bà lấy hiệu Đạm Phương Nữ Sử, rồi bút hiệu ấy trở thành tên thường dùng của bà. Xuất thân trong một gia đình hoàng tộc, lại sớm mê văn chương, bà được học hành nghiêm túc cả Hán văn, Pháp văn, Quốc ngữ, học cả cầm kỳ thi họa, thêu thùa, nấu nướng. Năm 16 tuổi, bà lấy ông Nguyễn Khoa Tùng con trai thứ 7 của cụ Nguyễn Khoa Luận, sinh hạ được 3 người con trai và 3 người con gái. Sau cả 3 con trai của bà lần lượt ngã xuống trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong đó có nhà lý luận mác xít Hải Triều Nguyễn Khoa Văn. Năm 1918 đến 1929, bà viết gần 200 bài báo bằng chữ Quốc ngữ đăng trên các tạp chí và báo như: Năm Phong, Phụ Nữ thời đàm, Tiếng Dân, Hữu Thanh, Báo Thực Nghiệp, Báo Trung Bắc Tân Văn. Bà thông minh, giàu vốn văn hóa, thông thạo mấy ngoại ngữ nên sớm tiếp cận được tư tưởng tiến bộ của nhân loại, đặc biệt là tư tưởng dân chủ, tự do, bình đẳng bác ái. Từ đó bà tiếp xúc được với nhiều nhà yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và một số đảng viên cộng sản tiền bối như Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu, dẫn tới bà tự chuyển hóa nhận thức, đứng vào hàng ngũ những người trí thức tiến bộ của thời đại. Bà vận dụng tư tưởng tiến bộ của thời đại vào phương tiện báo chí góp phần vận động xã hội Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX. Bà từng là Hội trưởng Nữ Công Học Hội thành lập ở Huế. Hội này thường mời cụ Phan Bội Châu và một số nhà cách mạng khác đến nói chuyện tình hình thế giới, về vai trò của phụ nữ giúp chị em hiểu biết thêm nhiều mặt. Năm 1926, cụ Phan Chu Trinh mất, Hội tổ chức truy điệu, bà đọc điếu văn, có đoạn: "Mấy mươi năm góc biển chân trời, vằng vặc tấm cô trung, trên vì nước, dưới vì dân, tinh thần vẫn lai láng sông núi Việt. Đã nhiều thuở khua chiêng gióng trống, thiết tha hồn cố quốc, trước hiệp lòng, sau hiệp sức, sự nghiệp đành phó thác cháu con Hồng".Về sau Hội Nữ Công dần chịu ảnh hưởng tích cực sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Sau Cách mạng tháng Tám, đến khi Huế nổ ra kháng chiến đánh Pháp, bà theo con trai là Hải Triều Nguyễn Khoa Văn ra ở tại làng Lạc Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa và mất tại đó vào ngày 10 tháng 12 năm 1947, hưởng thọ 67 tuổi. Sau này ông Nguyễn Khoa Vy có làm câu đối để nói lên chí hướng của bà lúc sinh thời: "Văn tài Nữ sử, sư phạm nữ công, e khi nữ giới yêu cầu, đi phó hội theo chân bà Trưng Nữ. Khí phách Nam nhi, tinh hoa Nam Việt, nhớ lúc Nam Giao truy điệu, lên diễn đàn thay mặt cụ Sào Nam." Đạm Phương Nữ Sử là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên thông thạo nhiều loại sinh ngữ; là nữ tác giả đầu tiên có số lượng tác phẩm nhiều thể loại xuất bản trước 1945. Bà là nữ trí thức Việt Nam đầu tiên quan tâm đặc biệt đến sự dưỡng dục thế hệ trẻ thơ từ khi lọt lòng mẹ đến tuổi cắp sách tới trường, là người tổ chức Hội Nữ Công đầu tiên ở nước ta hoạt động mở mang báo chí. Bà xứng đáng là nhân vật tiêu biểu của trí thức tiến bộ và yêu nước trong lịch sử Việt Nam cận đại. Bà đã để lại các tác phẩm chính: Lược kho về Tuồng hát An Nam, Giáo dục nhi đồng, Phụ nữ dự gia đình, Gia đình giáo dục thường đàm, Kim Tú Cầu, Bi tình tiểu thuyết, và gần 20 bài thơ, chẳng hạn như bài Người đẹp chơi đàn : "Nõn nà tay ngọc lựa lên dây, Tiếng trúc tơ đưa, tiếng gió lay. Nào khách tri âm đâu vắng tá, Khúc đàn mình gảy, một mình hay". Công ty TNHH Thành Nhân, Công ty TNHH Phú Nghĩa nằm trên đường này.

 

 Bản in]