Với tinh thần dân chủ, thắng thắn, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết vào nội dung các văn kiện trình đại hội. Các đại biểu đồng tình và khẳng định, sau 05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Đảng bộ, quân và nhân dân toàn tỉnh đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành quả quan trọng trên các lĩnh vực. Tất cả đã tạo thêm thế và lực mới để xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững trong nhiệm kỳ mới 2015 – 2020.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế yếu kém về sự phát triển của tỉnh trong nhiệm kỳ qua, đó là: quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; việc huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội còn thấp; một số lĩnh vực tỉnh có thế mạnh vẫn chưa được khai thác và phát huy hiệu quả. Do đó, trong nhiệm kỳ tới, vấn đề được các đại biểu quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến chính là các nhiệm vụ và giải pháp đột phá chiến lược để thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2015 – 2020.
Bám sát nội dung các văn kiện của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, các ý kiến thảo luận tập trung phân tích sâu và đưa ra các giải pháp quan trọng nhằm “kích cầu”, tạo bước “đột phá” những tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong 5 năm tới.
Đối với lĩnh vực dịch vụ, du lịch, các ý kiến đề nghị tỉnh cần xây dựng các chính sách hỗ trợ cho các loại hình, sản phẩm, doanh nghiệp uy tín để nâng cao trách nhiệm trong phát triển dịch vụ, du lịch. Đại biểu Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu vấn đề: lâu nay việc quảng bá cho du lịch của tỉnh vẫn còn rất hạn chế, do đó trong thời gian tới tỉnh cần chú trọng hơn công tác này. Đồng thời phải tập trung tốt cho công tác xây dựng thương hiệu cho du lịch Huế, chú trọng xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù mà Thừa Thiên Huế có tiềm năng và lợi thế gắn với việc không ngừng nâng chất lượng các dịch vụ du lịch để đáp ứng tốt hơn nhu cuầ của du khách.
|
Đại biểu Phan Tiến Dũng tham luận tại Đại hội
|
Với nhiệm vụ phát triển trung tâm giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, các đại biểu cơ bản đồng tình với những định hướng lớn thể hiện trong văn kiện. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, trong xu thế hội nhập quốc tế về giáo dục, đào tạo mạnh mẽ như hiện nay cần xây dựng và phát triển trung tâm giáo dục – đào tạo theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện tốt mục tiêu này. Đại biểu Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: song song với việc nâng chất lượng phát triển giáo dục Đại học, Cao đẳng, tỉnh cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho các cấp học theo hướng chuẩn hóa.
Kỳ vọng tại đại hội, có ý kiến, cần quan tâm hơn nữa để sớm đưa Đại học Huế vươn lên, khẳng định vị thế là đại học vùng trọng điểm Quốc gia; đóng góp tích cực cho sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cho sự nghiệp CNH - HĐH đất nước.
Một trong những vấn đề thu hút sự quan của các đại biểu, đó là mục tiêu trong nhiệm kỳ tới, toàn tỉnh tiếp tục phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương. Các đại biểu cho rằng, đây là mục tiêu thể hiện quyết tâm lớn của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh. Bên cạnh các nguồn đầu tư nội lực của địa phương, tỉnh cần quan tâm, tranh thủ tốt các nguồn lực đầu tư của Trung ương và các nguồn lực xã hội hóa khác để tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác phát triển đô thị. Đại biểu Nguyễn Minh Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế đánh giá, trong nhiệm kỳ qua, toàn tỉnh đã tập trung đầu tư cho lĩnh vực phát triển đô thị và đã nâng tỷ lệ đô thị hóa lên 52%. Mục tiêu trong nhiệm kỳ tới là nâng tỷ lệ này lên 60 – 65% vào cuối năm 2020. Những kết quả đã đạt được trong xây dựng và phát triển đô thị thời gian qua là cơ sở quan trong để tỉnh thực hiện tốt chỉ theo chỉ tiêu tiêu này. Tuy nhiên, tỉnh cần sớm xây dựng kế hoạch để triển khai, trong đó cần tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư cho phát triển đô thị trung tâm là thành phố Huế và các đô thị vệ tinh đã được xác định.
Về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, các đại biểu đồng tình và đánh giá cao những vấn đền được đề cấp trong nhóm giải pháp đột phá chiến lược của tỉnh trong nhiệm kỳ mới và mong muốn, tỉnh cần quan tâm và tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa cho loại hình doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao và các doanh nghiệp sản xuất hàng phụ trợ để hỗ trợ tốt cho nhóm doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hội nhập tốt hơn vào Hiệp định TTP.
Về giải pháp huy động nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững giai đoạn 2015 – 2020, đại biểu Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Sở Kế hoạch cho rằng: Đối với giai đoạn 2016 - 2020, nhằm bảo đảm cho các chỉ tiêu phát triển kinh tế ở mức cao, khắc phục nguy cơ tụt hậu về kinh tế; nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội cần huy động khoảng 110 nghìn tỷ đồng; do đó tỉnh cần thực hiện tốt các giải pháp cần thiết để sử dụng có hiệu quả trong quá trình huy động và sử dụng các nguồn lực trong giai đoạn sắp tới. Đồng thời, cần tập trung hỗ trợ đối với các dự án lớn đang được các nhà đầu tư nghiên cứu để có thể đưa vào đầu tư và khai thác. Tiếp tục cải thiện, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thật sự thông thoáng, hấp dẫn gắn với Đổi mới và nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá, tiếp thị, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có chọn lọc vào các lợi thế của tỉnh.