Để ứng phó với bão số 13, lũ quét, sạt lở đất, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng kế hoạch di dời 20.005 hộ dân/67.674 khẩu đến nơi an toàn. Tuy nhiên do bão tăng cấp nên một số địa phương có rà soát bổ sung kế hoạch di dời thêm. đến nay các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành công tác di dời 21.126 hộ dân với 71.455 nhân khẩu, đảm bảo 100% các hộ dân cần di dời đã được di dời đến nơi an toàn.
Toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã vào neo đậu an toàn
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức bắn pháo hiệu, kêu toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã vào neo đậu an toàn 2.062 chiếc/11.350 lao động phối hợp với các đơn vị, địa phương ven biển hướng dẫn tránh trú, neo đậu tại bến; Công an tỉnh đã chỉ đạo Cảnh sát Giao thông đường thủy hướng dẫn, neo đậu an toàn các tàu thuyền trên sông, đầm phá.
Sẵn sàng ứng phó với bão số 13
UBND tỉnh đã yêu cầu các chủ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm túc việc vận hành các hồ chứa nước để đưa dần về mực nước thấp nhất đón lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tránh gây lũ đột biến cho vùng hạ du trong đợt mưa bão sắp đến. Hiện nay, các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện đang vận hành đảm bảo an toàn.
Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính; nghiêm cấm các phương tiện giao thông lưu thông khi mưa lũ, gió mạnh xảy ra.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 2685/SGDĐT-VP ngày 13/11/2020 về việc triển khai ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 13 gửi Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã và thành phố; các đơn vị trực thuộc Sở; các Trung tâm GDNN-GDTX, chỉ đạo cho học sinh nghỉ học vào ngày 14-15/11.
Sở Y tế chỉ đạo các phòng ban chức năng hướng dẫn các địa phương, đơn vị tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh; tổ chức dự trữ đầy đủ thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý môi trường, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cấp cứu; phòng ngừa dịch bệnh Covid 19.
Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo điều hành hệ thống tổng đài 19001075 hỗ trợ nhân dân; chỉ đạo Đài Phát thanh truyền hình tỉnh TRT và cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng, tần suất phát sóng đưa tin về cơn bão để tổ chức, đơn vị, nhân dân chủ động phòng tránh.
Ban Quản lý khu kinh tế công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động theo dõi tình hình diễn biến mưa bão để thông báo, chỉ đạo các chủ doanh nghiệp hướng dẫn cho các công nhân viên các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nghỉ làm việc để đảm bảo an toàn cũng như chằn chống, bảo vệ toàn bộ tài sản, nhà xưởng phòng tránh lốc, gió mạnh.
Sở Công thương và các địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra các vật tư, thiết bị vận hành cửa van, hệ thống điện dự phòng, thông tin liên lạc, lương thực, thực phẩm, y tế các công trình hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh; triển khai công tác dự trữ cấp tỉnh theo quy định.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.
Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế tổ chức kiểm tra gia cố hệ thống điện và có phương án đảm bảo an toàn lưới điện cấp điệp trở lại; có phương án đảm bảo nguồn điện phục vụ chỉ đạo phòng chống thiên tai.
UBND các huyện thị xã và thành phố Huế khẩn trương gia cố đảm bảo an toàn nhà ở, cơ sở giáo dục, trường học, y tế, công sở, các khu công nghiệp; cắt tỉa cây xanh; đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, cơ sở hạ tầng trong điều kiện gió bão mạnh; đảm bảo an toàn hệ thống cần cẩu đang thi công; hệ thống thông tin liên lạc, các cột anten trên địa bàn.