1. Vị trí con đường
Thuộc phường Thủy Xuân
Điểm đầu: Đường Lê Ngô Cát
Điểm cuối: Đường K106 Minh Mạng
2. Tiểu sử lịch sử gắn liền với con đường
Vũ Phạm Khải (1807-1872), tên chữ là Đông Dương, Hựu Phú, tên hiệu là Nam Minh, Ngu Sơn, Dưỡng Trai, người làng Thiên Trì, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, nay là thôn Phượng Trì, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
Ông làm quan dưới 3 triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và trải qua các chức vụ chính: Tri huyện, Ngự sử, Lang trung Bộ Hình, Tham biện nội các, Toản tu Quốc sử quán, Trưởng Hàn lâm viện, Bố chính Thái Nguyên.
Thời gian 1838-1841 ông về triều, giữ chức Lễ khoa Cấp sự trung ở Viện Đô sát. Thời gian này, dân sự ngoài Bắc không yên, ông và Ngự sử theo dõi công việc bộ Lại là Lê Chân đề xuất cử người đi thanh tra, được Minh Mạng phái làm luôn việc ấy. Sau gần nửa năm kinh lý, ông dâng sớ đàn hặc và kiến nghị 30 điều, trong đó có các việc quan trọng: xin phát chẩn trực tiếp cho dân bị nạn dịch; bãi bỏ bớt số lượng nhân viên ở các phủ huyện để bớt chi phí và đỡ nhiễu dân; cách chức Tri huyện Kim Động, Nguyễn Vĩ, Bố chính Hải Dương Nguyễn Hữu Khuê,… phần nhiều đều xác đáng và được thi hành.
Năm 1848, sau khi Nguyễn Phúc Hồng Nhậm lên ngôi vua (lấy niên hiệu là Tự Đức), ông bất bình phản ứng với việc truất phế Hồng Bảo, phát biểu chính kiến trái với các thủ đoạn xảo quyệt của bọn nịnh thần nên bị cách chức.
Năm 1850, ông được triều đình mời vào Huế thăng Thị độc học sĩ, rồi Bố chánh tỉnh Thái Nguyên. Ít lâu sau ông bị bệnh mất tại chức.
Ông là vị quan tiến bộ của triều đình nhà Nguyễn, một trong những vị quan tích cực nhất trong phái chủ chiến chống Pháp, có nhiều đề nghị cải cách, một nhà sử học đầy tinh thần trách nhiệm, một nhà văn nhà thơ xuất sắc.
Vũ Phạm Khải để lại một khối lượng tác phẩm khá phong phú gồm có: Lịch đại chính hình thông khảo, Trần Lê ngoại truyện, Ngu Sơn toàn tập, Đông Dương văn tập, Phượng trì văn tập, Thực lục tiền biên./.