Là vùng rốn lũ, những ngày này người dân trên địa bàn huyện Quảng Điền đang tập trung mọi sức lực ứng phó, phòng chống với với lũ lớn nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Cùng với các địa phương trên địa bàn huyện Quảng Điền, hiện nay chính quyền và người dân xã Quảng Thọ đang nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống lũ lớn. Theo thông tin chúng tôi nhận được đến thời điểm này xã Quảng Thọ mức nước đang lên rất nhanh. Nước lũ đã gây ngập lút 72, rau má, 1,5 ha hoa cúc phục vụ tết của người dân. Các tuyến đường liên xã, liên thôn bị ngập lút hoàn toàn, trong đó các thôn bị ngập sâu nhất là thôn Tân Xuân Lai, Phước Yên, Niêm Phò có nơi ngập sâu hơn 0,7m. Nước lũ ngập sâu đã gây không ít khó khăn cho người dân. Với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, xã Quảng Thọ đang triển khai ráo riết công tác phòng chống lũ lụt. Ông Trần Kìm, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ cho biết “Sau khi nhận được thông tin, dự báo nước lũ trong đợt này sẽ vượt mức báo động 3, nước dâng cao, cháy siết nguy cơ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất rau màu, lồng cá của người dân. Để chủ động ứng phó với mưa lũ chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng xung kích của xã bám sát cơ sở giúp người dân neo cột lồng cá chắc chắn, di chuyển, kê cao vật dùng tài sản của người dân đảm bảo an toàn không bị hư hỏng do lũ lụt gây ra”.
Nước lũ ngập sâu tại trường tiểu học số 1 Quảng Phước
Cùng với xã Quảng Thọ hiện nay tại các xã Quảng An, Quảng Thành, Quảng Vinh, Quảng Phước nước lụt cùng đang lên nhanh. Đến thời điểm hiện nay, tại xã Quảng Thành nước lụt đã gây ngập lút các thôn trên địa bàn xã. Theo ông Nguyễn Đình Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thành cho biết; nước lũ dâng cao, toàn xã có hơn 320 hộ dân của các thôn Quán Hòa, An Thành, Thành Trung bị ngập sâu từ 0,3 đến 0,5 m. Để chủ động ứng phó với thiên tai mưa lũ, UBND xã đã phân công các thành viên bám sát địa bàn hướng dẫn người dân thực hiện các phương án phòng chống lũ lụt, tuyên truyền vận động và khuyến cáo người dân không nên đi lại để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra. Một vấn đề rất được địa phương quan tâm đó là công tác khắc phục thiệt hại và sử lý môi trường sau lũ.
Tại địa bàn xã Quảng An, nước lũ đã chia cắt toàn bộ phương tiện giao thông đi lại. Trong đó những vùng bị ngập sâu như vùng 773, một số thôn ven phá của An Xuân Bắc, An Xuân Đông. Tuyến đường tỉnh lộ đoạn 4b ngang qua xã đang ngập sâu hơn 1,2m. Các phương tiện đi lại duy nhất chỉ bằng ghe thuyền. Để ứng phó với lũ lụt, Chính quyền và Nhân dân xã Quảng An đã đồng sức đồng lòng vượt qua khó khăn giúp nhau trong thiên tai mưa bão. Xã đã lên phương án tiến hành di giời 146 hộ dân của các thôn ở vùng thấp trũng, nhà cửa tạm bợ đến nơi trú ẩn an toàn. Khuyến cáo người dân hạn chế đi lại trong mưa lũ khi không cần thiết, nghiêm cấm người dân ra sông vớt củi, đánh bắt thủy sản trong nước lũ.
Để chủ động ứng phó với thiên tai, lũ lụt, UBND huyện đã lên kế hoạch phòng chống lũ lụt. Chú trọng phát huy cao độ và kết hợp chặt chẽ mọi khả năng tự có của mỗi gia đình, mỗi cơ quan, sự tương trợ của mỗi cộng đồng thôn xóm trong ứng phó với lũ lụt, xây dựng lực lượng nòng cốt xung kích ở từng đơn vị, địa phương, chuẩn bị chu đáo và thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận và xử lý thông tin một cách kịp thời. Chuẩn bị đầy đủ điều kiện phương tiện và kịp thời sơ tán dân ở các làng, khu dân cư thấp trũng, ven sông, ven phá, dân cư dưới chân đê xung yếu, ở cửa sông, cư dân thủy diện.
Người dân xã Quảng Phú neo cốt lồng cá tránh thiệt hại do lũ lụt
Ông Nguyễn Ngọc Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để chủ động ứng phó với lũ lụt, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương triển khai các phương án phòng chống thiên tai như; Rà soát, kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực dễ sạt lở, trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy hải sản, khu vực có nguy cơ ngập lụt sâu, nước chảy mạnh. Chỉ đạo, kiểm tra các chủ đầu tư xây dựng công trình bảo đảm an toàn trong thiên tai. Tăng cường lực lượng cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập lụt; cảnh giới, hướng dẫn phương tiện giao thông tại các ngầm, tràn khi xảy ra lũ lụt; quản lý chặt chẽ các ghe, thuyền bãi ngang ven biển, đầm phá và trên các sông; nghiêm cấm người dân đi đánh cá, vớt củi khi có mưa lũ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm, xăng dầu và các nhu yếu phẩm khác đảm bảo đủ dùng trong vòng 07-10 ngày để đề phòng lũ ngập sâu, kéo dài.