1. Vị trí con đường
Thuộc Phường Thuỷ Vân
Điểm đầu: Đường Võ Chí Công (cầu Như Ý 2)
Điểm cuối: Đường Lê Đức Anh (cầu vượt sông Như Ý)
2. Tiểu sử lịch sử gắn liền với con đường
Nguyễn Cửu Vân (?-?), danh tướng thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Cai cơ Vân Tường hầu Nguyễn Cửu Vân là con trưởng của Dực Đức hầu Nguyễn Cửu Kế; ông thuộc đời thứ ba dòng tộc Nguyễn Cửu làng Vân Dương (làng Vân Dương nay thuộc địa bàn hai phường: Xuân Phú và Thủy Vân, thành phố Huế), được xem là một trong những danh gia thế tộc nổi bật nhất của triều Nguyễn.
Theo “Vân Dương kinh phổ” tức gia phả của tộc Nguyễn Cửu ở làng Vân Dương (Huế), thì dòng tộc này vốn họ Nguyễn gốc Gia Miêu ở Hà Trung, Thanh Hóa, có họ hàng xa với Hoàng tộc Nguyễn Phúc của chúa Nguyễn. Qua những ghi chép từ Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Vân Dương kinh phổ¬, Tiên nguyên toát yếu phổ,… dòng tộc Nguyễn Cửu đã có nhiều đóng góp đối với văn hóa lịch sử của đất nước nói chung, cũng như vùng đất Thuận Hóa-Phú Xuân-Thừa Thiên Huế nói riêng.
Ông có công lớn trong cuộc chiến chống Xiêm La, khai phá vùng đất Nam bộ, giúp dân chúng an cư lạc nghiệp. Năm Ất Dậu đời Hiển Tông, Chân Lạp có nổi loạn, Chúa Nguyễn sai Cửu Vân thống lĩnh quân thủy bộ tiến đánh Nặc Thâm. Quân của Vân đến Sầm Khê thì gặp quân Cao Miên và Xiêm La ở đây, hai bên giao tranh lớn. Cửu Vân thắng lớn trận này, Nặc Thâm thua phải bỏ chạy sang Xiêm La. Cửu Vân đưa Nặc Yêm trở lại thành La Bích làm Vua của Cao Miên. Chiến thắng của Nguyễn Cửu Vân trước Xiêm La, khiến cho Cao Miên chịu thần phục và chịu ảnh hưởng bởi Đàng Trong. Nhờ đó mà việc khai phá và di dân xuống phương nam của người Việt càng thuận lợi.
Sự kiện này “Đại Nam nhất thống chí” có ghi chép rằng: “Nguyễn Cửu Vân: Là con của Nguyễn Cửu Dực, làm Chánh thống Cai cơ. Năm Ất Dậu thời Hiển Tôn (1705), nước Chân Lạp có nội loạn, Vân chỉ huy quân thủy và quân bộ của Gia Định đến dẹp yên, rồi đóng quân ở vũng Cù, hướng dẫn quân lính và nhân dân khai khẩn ruộng đất. Năm Tân Mão (1711) thăng Phó tướng dinh Trấn Biên.”
Sau chiến thắng này Cửu Vân đóng quân ở Vũng Cù (có sách ghi là Vũng Gù), Cầu Úc, nay là giáp ranh các tỉnh Long An, Tiền Giang và huyện Long Hồ tỉnh Vĩnh Long. Ông hướng dẫn binh lính và dân chúng khai phá đất đai, lập ruộng, đào sông, đắp lũy bảo vệ vùng đất mới. “Đại Nam liệt truyện” ghi chép lại rằng: “Nước Chân Lạp đã yên, Vân bèn khai khẩn ruộng ở Cầu Úc (nay thuộc Định Tường) để cho quân và dân noi theo. Vân lại cho rằng giặc thường ngầm đến đất ấy, quấy rối phía sau quân ta, bèn đắp lũy dài từ quán Cai đến chợ Lương Phú, đào thông đầu nguồn hai sông Cầu Úc-Mỹ Tho, dẫn nước về làm hào ngoài lũy để việc phòng phòng thủ được nghiêm ngặt.” Về việc mở mang bờ cõi, bình định Chân Lạp cùng việc vỗ yên dân chúng, Quốc sử quán triều Nguyễn đã ca ngợi Nguyễn Cửu Vân như sau: Về việc mở mang bờ cõi Nam, công (Nguyễn Cửu) Vân rất nhiều, ông tuyên thị đức ý triều đình, người Chân Lạp mến phục.
Năm 1711, Nguyễn Cửu Vân được thăng chức làm Trấn Biên doanh phó tướng (trấn Biên tức Biên Hòa) lo cho dân chúng an cư ở vùng đất mới. Lập được nhiều công lao, Nguyễn Cửu Vân được phong Chính thống Vân Trường hầu. Trong thời gian này hai con trai của ông là Nguyễn Cửu Chiêm, Nguyễn Cửu Đàm cũng có công lớn trong việc khai khẩn các vùng đất thuộc đồng bằng sông Cửu Long ngày nay.