Đình Dạ Lê - Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia
  
Cập nhật:21/06/2022 12:00:00 SA

Địa điểm: phường Thủy Vân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 6km về phía Nam.

Đình Dạ Lê được xây dựng khoảng năm Minh Mạng thứ 7 (1826) là công trình kiến trúc tương đối cổ kính, được vua Khải Định tặng 4 chữ “Mỹ tục khả gia” nghĩa là “Tục tốt đáng khen”.

Khuôn viên Đình Dạ Lê rộng 2.158m2. Bố trí cấu trình Đình bao gồm: Hồ bán nguyệt - trụ biểu – bình phong – tòa Đại đình được liên kết với nhau theo một trục dọc. Tòa Đại đình làm theo kiểu nhà rường ba gian, hai chái diện tích 221m2 (17m x 13m). Cột kèo bằng gỗ, kết cấu hài hòa, gồm 28 cột lớn, trong đó hàng cột lớn nhất (cột cái) 8 cột, cột hàng nhì (cột quân) 16 cột và cột hàng ba (cột hiên) 4 cột. Mái của Đình Dạ Lê hơi ngang, lợp ngói liệt, trên trang trí “Lưỡng long chầu nguyệt”, bốn góc mái có biểu tượng “long hồi”. Nội thất Đình có án thờ gỗ sơn son thếp vàng, chạm khắc tỉ mỉ. Trên các nghi môn, liên ba chạm khắc các họa tiết đặc trưng của nghệ thuật triều Nguyễn. Đình Dạ Lê còn lưu giữ được 20 câu đối, 6 bức hoành phi.

Trải qua thời gian và chiến tranh, Đình Dạ Lê được trùng tu nhiều lần, qua các lần tu sửa một số cấu trúc gỗ đã được thay thế bằng xi măng cốt thép.


Đình Dạ Lê là một di tích kiến trúc tiêu biểu có giá trị về mặt kiến trúc gỗ truyền thống, mang phong cách nhà rường dân gian Huế. Đình Dạ Lê còn là nơi tập trung và diễn ra nhiều lễ hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống của làng. Đặc biệt, nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của nhân dân địa phương hưởng ứng các phong trào đấu tranh yêu nước, phong trào giải phóng dân tộc.

Với giá trị kiến trúc, nghệ thuật và ý nghĩa lịch sử của di tích, ngày 19/1/2001 Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã có quyết định số 04/2001/QĐ-BVHTT công nhận Đình Dạ Lê là di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp Quốc gia./.


www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]