Hội thảo khoa học 15 năm xây dựng và định hướng phát triển Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung giai đoạn 2025-2030
  
(CTTĐT) - Chiều 13/12, Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung tổ chức hội thảo khoa học 15 năm xây dựng và định hướng phát triển Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung giai đoạn 2025-2030. Tham dự hội thảo có lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ; đại diện các cơ quan, đơn vị; đại diện lãnh đạo của các Bảo tàng thiên nhiên trong hệ thống, các Bảo tàng công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và các nhà nghiên cứu khoa học.
Tại hội thảo
Tại hội thảo

Ngày 20/4/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 86/2006/QĐ-TTg - phê duyệt Quy hoạch tổng thể Hệ thống các Bảo tàng Thiên nhiên ở Việt Nam đến năm 2020, trong đó có một Bảo tàng thiên nhiên cấp khu vực đặt tại Tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngày 23/12/2009, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 2824/QĐ-UBND về việc thành lập Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung tại Huế.

Trong 12 bảo tàng thiên nhiên có tên trong Hệ thống, có 06 bảo tàng được xây dựng mới và 06 bảo tàng còn lại tiền thân là những đơn vị tuổi đời trên 100 năm như Bảo tàng Hải dương học Nha Trang, Bảo tàng Hải dương học Đồ Sơn, Bảo tàng Địa chất, Bảo tàng Tài nguyên Rừng Việt Nam… được kế thừa kho tư liệu và mẫu vật vô giá từ thời Pháp thuộc. Sau 15 năm, chỉ có hai trên sáu bảo tàng được thành lập mới đi vào hoạt động, trong đó có Bảo tàng Thiên nhiên Việt nam và Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung tại Huế.

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tặng hoa chúc mừng tại hội thảo

Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung tại Huế Lê Thị Tố Nga cho biết trải qua chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm đặc biệt của các cấp lãnh đạo Tỉnh uỷ và UBND tỉnh, mặc dù còn nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng và phát triển, nhưng với nỗ lực và quyết tâm cao của toàn thể cán bộ viên chức đã phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và ngày càng khẳng định chất lượng và vị thế của Bảo tàng trong hệ thống các Bảo tàng Thiên nhiên ở Việt Nam, phù hợp với định hướng phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế thành Thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng văn hoá, cảnh quan môi trường và thông minh.   

Nhìn lại chặng đường 15 năm, Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung tại Huế đã có quá trình xây dựng, trưởng thành về nhiều mặt và đạt được những thành tích rất đáng khích lệ.

Sau ngày thành lập, Bảo tàng đã tổ chức nhiều đợt khảo sát, chọn địa điểm xây dựng, lập đề án quy hoạch chi tiết… đến năm 2013, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định số 2234/QĐ-UBND ngày 29/10/2013 phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/2.000) Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung tại Huế đặt tại phường An Tây, thành phố Huế với diện tích gần 100 hecta;

Năm 2015, Xây dựng, lập và trình phê duyệt Dự án Rừng mưa nhiệt đới, trồng 48 loài cây bản địa trên diện tích 67,06 ha và 17 loài tre, trúc ven bờ các hồ nước tự nhiên là bước đi cần thiết và đầu tiên sau khi Quy hoạch được phê duyệt. Với mục tiêu bảo tồn một rừng tự nhiên trong lòng thành phố Huế, một lá phổi xanh cho khu đô thị trong tương lai và Bảo tàng sẽ là đơn vị bảo tồn, phát huy tối đa giá trị của khu rừng này.

Bên cạnh đó, Bảo tàng đã dần xây dựng và hoàn thiện các thiết chế cơ bản khác như: Xây dựng Đề án thu thập mẫu vật đến năm 2030 (Quyết định số 3399/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2020); Đề án “Phát triển Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” (Quyết định số 2318/QD-UBND ngày 03/10/2023); Đề án vị trí việc làm (Quyết định số 1210/QĐ-UBND ngày 11/5/2024), …

Về năng lực chuyên môn, công tác nghiên cứu khoa học của Bảo tàng ngày một phát triển từ việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ thường xuyên hàng năm, đến chủ trì nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh và hiện đang chủ trì nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia; Đã Xuất bản sách chuyên khảo “Thống kê thành phần loài động - thực vật bậc cao ở tỉnh Thừa Thiên Huế” năm 2014; Sách chuyên khảo “Thành phần loài cá vùng biển ven bờ Bắc Hải Vân - Sơn Chà, tỉnh Thừa Thiên Huế” năm 2023; Ngoài ra, Bảo tàng có 18 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế...;

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các tham luận về các nội dung: Vị thế và định hướng phát triển Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung trong giai đoạn 2025-2030; Những yếu tố tác động và giải pháp nâng cao hiệu quả thu thập mẫu vật; Bảo tàng và quá trình chuyển đổi số trong thời gian qua; Một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý và truyền thông bằng công nghệ số.

Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Thị Thùy Yên, Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung là bảo tàng thiên nhiên cấp khu vực, một thiết chế khoa học công nghệ về lĩnh vực khoa học tự nhiên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế phù hợp với xu thế phát triển của xã hội; điểm đến cho các hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học về quá trình phát triển lịch sử tự nhiên, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của học sinh, sinh viên, các nhà khoa học trong và ngoài nước, góp phần tuyên truyền quảng bá về hình ảnh thiên nhiên, con người khu vực duyên hải miền Trung và góp phần phát triển du lịch.

Để Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung là bảo tàng thiên nhiên cấp khu vực, một thiết chế khoa học công nghệ về lĩnh vực khoa học tự nhiên trên địa bàn cần xây dựng mối liên kết với đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học trên địa bàn trong nghiên cứu khoa học, giám định mẫu vật và ứng dụng công nghệ mới trong thu thập, xử lý, chế tác và trưng bày mẫu vật. Xây dựng và hoàn thành “Bảo tàng thiên nhiên Số” bằng công nghệ thực tại ảo tăng cường (VR/AR), công nghệ 3D mapping; Đầu tư xây dựng “Hệ thống quản lý điều hành Bảo tàng trên môi trường số”. Nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật công nghệ cao trong phân loại, giám định, định loại, giải mã gen... trong công tác thu thập, giám định mẫu vật; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lí, chế tác mẫu vật theo phương pháp nhựa hóa, phương pháp compozit... tăng độ bền màu, giảm độc hại và bảo quản mẫu được lâu dài…

Các đại biểu tham quan mẫu vật trưng bày tại hội thảo

w.w.w.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]