(CTTĐT) - Ngày 01/6, trong chương trình Quảng bá địa phương tại Nhật Bản năm 2023 do Bộ Ngoại giao tổ chức, Đoàn công tác tỉnh Thừa Thiên Huế do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương làm Trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Kanagawa (Nhật Bản). Tiếp và làm việc với đoàn có Ngài Kuroiwa Yuji, Thống đốc tỉnh Kanagawa, Nhật Bản.
Trao đổi với ngài Thống đốc
, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho biết, theo Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì mục tiêu, tầm nhìn: Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á.
Thực hiện mục tiêu trên, trong thời gian qua Thừa Thiên Huế đã không ngừng tập trung công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử gắn với phát triển đô thị thông minh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số mạnh mẽ hướng đến một xã hội số, tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư nghiên cứu và triển khai thực hiện dự án.
Với những tiềm năng thế mạnh và mục tiêu phát triển đó, đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện thu hút được 117 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 4,3 tỷ USD; trong đó, riêng nhà đầu tư Nhật Bản là 16 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 220 triệu USD. Hiện nay, dự án xây dựng Trung tâm thương mại AeonMall Huế do Tập đoàn Aeon Nhật Bản đầu tư đang được triển khai, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào cuối năm 2024. Bên cạnh đó, Nhật Bản là nhà tài trợ song phương có nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Thừa Thiên Huế, với 6 dự án ODA tổng vốn đầu tư hơn 500 triệu USD, trong đó, dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế do JICA tài trợ với tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD là dự án viện trợ ODA lớn nhất của Nhật Bản từ trước đến nay. Ngoài ra, một số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư trong lĩnh vực đào tạo tiếng nhật và hỗ trợ các dịch vụ phục vụ nhu cầu xuất khẩu lao động sang Nhật đang được hoạt động ngày hiệu quả hơn.
Tại buổi làm việc
Về hợp tác cấp địa phương, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quan hệ hợp tác có hiệu quả với nhiều địa phương của Nhật Bản. Tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với hai địa phương cấp tỉnh của Nhật Bản, gồm phủ Kyoto (ký kết MOU 3/2014) và tỉnh Gifu (ký kết MOU tháng 11/2016); phối hợp triển khai các chương trình dự án hợp tác với thành phố Yokohama, tỉnh Nara… ; riêng Thành phố Huế đã ký kết quan hệ hợp tác với 5 thành phố gồm thành phố Shizuoka (MOU ký kết năm 2005), thành phố Kyoto (MOU ký kết tháng 2/2013), thành phố Sasayama (MOU ký kết năm 2018), thành phố Saijo (MOU ký kết năm 2018) và thành phố Takayama (MOU ký kết năm 2018). Thường xuyên triển khai các hoạt động giao lưu hợp tác với các địa phương Nhật Bản và đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực như phát triển du lịch, giao lưu văn hóa, ngoại giao nhân dân, ...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương, trong thời gian đến, tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị trên nhiều lĩnh vực giữa các địa phương của Nhật Bản và của tỉnh Thừa Thiên Huế, hướng tới nghiên cứu khả năng triển khai, mở rộng quan hệ giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Kanagawa, đặc biệt trong một số lĩnh vực hai bên có thế mạnh của tỉnh như: công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử, sản xuất chíp bán dẫn; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vật liệu mới, công nghệ sinh học sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp; du lịch, dịch vụ du lịch, các ngành có ý nghĩa về an sinh xã hội (khám chữa bệnh, công nghiệp dược và vắc-xin, sinh phẩm), giáo dục đào tạo; công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ khác; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu lao động tại Nhật Bản; xúc tiến mở đường bay trực tiếp kết nối giữa tỉnh với các địa phương Nhật Bản.