(CTTĐT) - Chiều 8/11, tại thành phố Huế đã diễn ra Hội nghị trao đổi và tháo gỡ những vướng mắc trong công tác ĐKKD và hỗ trợ DNNVV do Cục phát triển doanh nghiệp và Cục quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương, Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý đăng ký kinh doanh, Đỗ Nhất Hoàng cùng đại diện lãnh đạo sở KH&ĐT của 17 tỉnh.
Năm 2024 là năm thứ tư triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; được xác định là năm tăng tốc, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Dự ước tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 8,5-9,0%. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 81.844,5 tỷ đồng (giá hiện hành), GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2024 ước đạt 69,7 triệu đồng, tương đương 2.850-2.900 USD, tăng 11,5% so cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 13.600 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Lũy kế 10 tháng, lượng khách du lịch đến Huế ước đạt 3.254,4 nghìn lượt; doanh thu từ du lịch ước đạt 6.662 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 47.293,2 tỷ đồng, tăng 14,8% so cùng kỳ; Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.008,71 triệu USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 6.200 doanh nghiệp đang hoạt động. 10 tháng đầu năm 2024, TT Huế có hơn 1.150 doanh nghiệp và đơn vị thành lập mới (trong đó số doanh nghiệp thành lập mới là 660 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 2.700 tỷ đồng; tăng 11% về lượng và giảm 69% về vốn so với cùng kỳ. Dự kiến cấp đăng ký thành lập mới năm 2024 đạt khoảng 800 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 3.300 tỷ đồng. Với sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp; đến nay, Quốc hội khóa XV đang được xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương tại kỳ họp thứ 8 này.
Tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương nhấn mạnh, tỉnh Thừa Thiên Huế đã rất quyết liệt trong các hành động nhằm cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đẩy mạnh xây dựng chính quyền thân thiện, công khai minh bạch thông tin, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, cắt giảm các chi phí không chính thức.
Công tác hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã đi vào thực chất và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Ngoài các chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành và triển khai một số chính sách hỗ trợ DNNVV như nâng mức hỗ trợ cho doanh nghiệp lên cao hơn so với quy định tại Nghị định 80 về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ DNNVV, thực hiện chính sách hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp, hỗ trợ chi phí thuê kế toán cho hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp; hỗ trợ chữ ký số công cộng, hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp thành lập mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương mong muốn được lắng nghe đại diện của các tỉnh, thành chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến của các địa phương trong công tác quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp hướng đến mục tiêu cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh và các doanh nghiệp thảo luận, hỏi đáp, chia sẽ kinh nghiệm về những khó khăn, vướng mắc để những chuyên gia đến từ 02 Cục sẽ giúp giải đáp, tháo gỡ nhiều “nút thắt” quan trọng giúp các cán bộ làm công tác ĐKKD và hỗ trợ doanh nghiệp tại các địa phương nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn nghiệp vụ, qua đó giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp một cách nhanh chóng và triển khai hiệu quả hơn các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn.
Các lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm