Khánh thành công trình tượng đài Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu tại trường THPT cùng tên
  
Cập nhật:17/10/2024 9:09:24 SA
Chiều 17/10, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu tổ chức lễ khánh thành tượng đài Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu, Danh nhân mà trường vinh dự được mang tên. Tham dự lễ có ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; ông Võ Văn Vui, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; ông Đoàn Kỳ Côi, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; lãnh đạo phòng, ban thuộc sở Văn hóa và Thể thao; lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện; Đảng ủy, UBND xã Phong An và Phong Hiền; Đại diện họ tộc Nguyễn Đình ở thôn Bồ Điền, xã Phong An; Ban Giám hiệu cùng các thầy cô giáo và các em học sinh trường THPT Nguyễn Đình Chiểu.
Nghi lễ khánh thành tượng đài Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu
Nghi lễ khánh thành tượng đài Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu

Công trình tượng đài Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu được khởi công xây dựng từ đầu tháng 8/2024 trong khuôn viên sân trường, với diện tích hơn 20m2. Tổng kinh phí thực hiện 400 triệu đồng, tất cả đều từ nguồn ủng hộ của CBGVNV nhà trường qua các thời kỳ và các thế hệ cựu học sinh của nhà trường. Đây là công trình vô cùng ý nghĩa, mang tính giáo dục truyền thống và cũng là niềm vinh dự của tập thể giáo viên và học sinh tại ngôi trường mang tên Danh nhân văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.

Tượng toàn thân Cụ Nguyễn Đình Chiểu được làm bằng chất liệu đá cẩm thạch, có chiều cao 1,8m và đặt trên bệ bê tông cao 30cm. Tượng đài Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu toát lên được nét mặt thư thái, khoan dung, rất nhân văn và gần gũi của một nhà văn hóa, nhà thơ, thầy giáo, thầy thuốc. Bức tượng được Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu đặt trang nghiêm ngay sân chính, lối ra vào cổng chính để giáo viên, học sinh và phụ huynh thuận tiện thực hiện dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ đến Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu.


Ông Võ Văn Vui, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phong Điền tặng hoa chúc mừng thầy và trò trường Nguyễn Đình Chiểu

Thầy giáo Mai Trọng Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu cho biết: “Trường Nguyễn Đình Chiểu đóng trên địa bàn thôn Bồ Điền, xã Phong An, huyện Phong Điền, là quê hương của Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu. Ngày 10/5/1994, trường được khởi công xây dựng; Ngày 18/10/1995, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định thành lập trường Phổ Thông cấp 2 - 3 Nguyễn Đình Chiểu. Xuyên suốt nội dung dạy học, nhà trường luôn giáo dục học sinh hướng đến những giá trị tốt đẹp mà Cụ Nguyễn Đình Chiểu để lại cho đời. Từ đó, dựng tượng Cụ trong khuôn viên trường là nguyện vọng của các thế hệ CBGVNV và học sinh của nhà trường”.


Thầy giáo Mai Trọng Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu phát biểu tại buổi lễ

Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương tiêu biểu của dân tộc Việt Nam cũng như trên thế giới về tinh thần “vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời”. Cuộc đời nhà thơ trải qua nhiều biến cố đau thương, mất mát, song điều đó lại chính là môi trường để ông bộc lộ sáng rõ những phẩm chất cao đẹp. Từ khi 11 tuổi, cuộc sống của ông vốn là con một thư lại ở dinh Tổng trấn Gia Định đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc nổi dậy chiếm thành Phiên An năm 1833 của Tả quân là Lê Văn Khôi. Cha con ông phải chạy ra Huế, cha ông bị cách hết mọi chức vụ. Cha ông đã gửi ông ở lại Huế ăn học trong gia đình người bạn để vào Nam với vợ con. Ông phải sống và học xa gia đình tại Huế 7 năm, đến 18 tuổi mới trở về Gia Định.

Sau khi đỗ Tú tài, năm 25 tuổi ông ra Huế học để chờ khoa thi năm Kỷ Dậu (1849). Tuy nhiên, tháng 12 năm 1848, mẹ Nguyễn Đình Chiểu mất ở Gia Định. Được tin, ông bỏ thi, dẫn em theo đường bộ trở về Nam chịu tang mẹ. Trên đường về, vì khóc thương mẹ, vì vất vả và thời tiết khắc nghiệt nên ông bị ốm nặng, dù được chữa trị nhưng mắt bị mù. Con đường công danh dang dở, sau đó vị hôn thê lại bội ước, gia cảnh sa sút… Bao nhiêu mộng ước của một nhà Nho chân chính “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” tưởng như tan vỡ khi trở thành người mù lòa.

Dù vậy, giữa nghịch cảnh, ông đã quyết chí vươn lên, giành tâm huyết và trí tuệ để tạo dựng sự nghiệp của một nhà thơ, thầy giáo, thầy thuốc nổi danh khắp đất Nam Bộ. Không để uổng công bao năm dùi mài kinh sử, ông trở thành “Đồ Chiểu” tài năng, đức độ, được nhân dân khắp vùng quý mến. Ông không ngừng tìm tòi, học hỏi để bốc thuốc chữa bệnh cứu người, trở thành lương y tinh thông y lý của dân tộc, của phương Đông. Đặc biệt, sự thành công nhất của ông chính là lĩnh vực sáng tác văn chương để “chở đạo, sửa đời và dạy người”. Có thể khẳng định, với sự nỗ lực, với những đóng góp lớn lao, Nguyễn Đình Chiểu đã thực sự trở thành tấm gương sáng: tàn nhưng không phế.

“Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ người Việt Nam. Hiếm có danh nhân nào ở Việt Nam hay tầm thế giới mà thể hiện tinh thần vượt qua nghịch cảnh để vươn tới thành công như ông. Dù bị mù nhưng ông luôn nỗ lực và đã được người đời ghi nhận công lao to lớn trên cả 3 lĩnh vực: thơ văn, thầy giáo, thầy thuốc. Đặc biệt, tấm gương sáng về nhân cách của người trí thức trong bối cảnh mất nước càng khiến đời sau khâm phục và ngưỡng mộ. Nhân cách con người cùng với những đóng góp của ông trong nhiều lĩnh vực đã khẳng định ông là một tượng đài văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Nhà trường vinh dự được mang tên nhà văn hóa, nhà thơ, thầy giáo, thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu nên việc khánh thành công trình này là hết sức ý nghĩa. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, cùng tinh thần hưởng ứng hoạt động xây dựng tượng đài để thể hiện sự tưởng nhớ và tri ân đối với Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ học sinh của nhà trường”, thầy Đạt cho biết thêm.

Việc khánh thành công trình tượng đài Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu có ý nghĩa to lớn, là việc làm cần thiết, gắn liền tình cảm thiêng liêng với tiền nhân. Đây là niềm vinh dự và tự hào lớn đối với tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh toàn trường, qua đó khơi dậy trong mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh lòng tự hào, tinh thần, ý thức, sống, làm việc, học tập, nêu gương theo Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu; đoàn kết nhất trí xây dựng nhà trường ngày càng phát triển, đào tạo ngày càng nhiều nhân tài hơn nữa cho quê hương, đất nước.


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm bên tượng đài Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu


 

www.thuathienhue.gov.vn (CTV)
 Bản in]