Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
  
Cập nhật:10/10/2024 4:22:58 CH
(CTTĐT) - Chiều ngày 10/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV bằng hình thức trực tuyến đến cử tri các huyện, thị xã và thành phố Huế. Dự hội nghị tiếp xúc cử tri có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; các vị Đại biểu Quốc hội tỉnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương; đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; cùng đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri

Tại Hội nghị, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Hà Nội Nguyễn Thanh Hải đã thông tin đến cử tri về dự kiến về nội dung, thời gian tổ chức Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Theo đó, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc ngày 21/10, bế mạc ngày 30/11/2024 (tiến hành theo 2 đợt: đợt 1 từ ngày 21/10 đến ngày 13/11.2024; đợt 2 từ ngày 20/11 đến ngày 30/11/2024). Nội dung kỳ họp sẽ xem xét, thông qua 16 luật, 2 nghị quyết; cho ý kiến 12 dự án luật; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và một số vấn đề quan trọng khác. Đặc biệt, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua Nghị quyết về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, đây là một nội dung quan trọng có ý nghĩa lịch sử, thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ, vươn cao, vươn xa của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Hà Nội Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại hội nghị

Liên quan đến các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, từ sau Kỳ họp thường lệ lần thứ 7 cho đến nay, các ĐBQH đã tham dự Kỳ họp bất thường lần thứ 8 (ngày 26/8/2024), Quốc hội khóa XV để xem xét về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Tại kỳ họp, các đại biểu phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thảo luận xem xét và biểu quyết thông qua 12 nghị quyết. Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh đã lấy ý kiến tham gia góp ý bằng văn bản đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chịu sự tác động đối với 11 dự án luật; tổ chức 6 hội nghị để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân đối với các dự án luật trình tại kỳ họp thứ 8, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương thông tin về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương tại hội nghị

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã thông tin đến cử tri về tiến độ thực hiện Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Theo đó, xác định vai trò, vị thế của vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá của đất nước, Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận, Văn bản quan trọng về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, ngày 10/12/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương, thực hiện các Nghị quyết, Kết luận, Văn bản của Trung ương, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, trong thời gian qua tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung mọi nguồn lực, khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, đô thị trên nền tảng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc Cố đô. Đến nay, Thừa Thiên Huế đã bảo đảm đầy đủ các điều kiện và đạt các tiêu chuẩn thành lập thành phố trực thuộc Trung ương.

Kết quả đến nay, khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt tiêu chí đô thị loại I (Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 30/8/2024) và đã đạt đủ các tiêu chuẩn thành lập thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho biết, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã bảo đảm đạt đủ 5 điều kiện quy định tại Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019). Thành phố Huế trực thuộc Trung ương cũng bảo đảm đạt đủ các tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15). Trong đó, đã áp dụng tiêu chuẩn đặc thù của“đô thị di sản” khi đánh giá 2 chỉ tiêu thuộc 2 tiêu chuẩn, gồm: Tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc (thuộc tiêu chuẩn “đơn vị hành chính trực thuộc”); thu nhập bình quân đầu người/tháng so với trung bình cả nước (thuộc tiêu chuẩn “cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội”). Hiện nay, Thành phố Huế trực thuộc Trung ương dự kiến thành lập đã vượt tiêu chuẩn theo quy định đặc thù.

Căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương đồng ý về chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành về sự cần thiết và nội dung Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương tại kỳ họp tháng 10/2024.

Cử tri các địa phương bày tỏ niềm vui mừng trước những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế, với thời cơ và vận hội mới, đặc biệt là việc tỉnh sắp hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Cử tri cũng nêu nhiều kiến nghị liên quan đến kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh như công tác bồi thường tái định cư; giải pháp ngăn chặn thực trạng lừa đảo qua không gian mạng; chính sách đối với các trường hợp thuộc diện thừa kế đất; các quy định về đóng bảo hiểm xã hội; tăng mức hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc giải quyết các công việc cụ thể nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội;…

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu phát biểu tại hội nghị

Ghi nhận các ý kiến tâm huyết đầy trách nhiệm, đồng thời trao đổi, giải thích và làm rõ một số vấn đề liên quan đến các kiến nghị của cử tri, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến để tổng hợp trình Quốc hội và các cấp, ngành có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ cho ý kiến Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu cho rằng, tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến thời điểm này đã gần về đến đích, đây là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện các phong trào thi đua nhằm tạo khí thế phấn khởi sôi nổi, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của mọi tầng lớp nhân dân; tập trung thực hiện các phong trào “Xanh - Sạch - Sáng”, phong trào Chủ nhật xanh; tiếp tục giữ vững trật tự an toàn xã hội, xây dựng Huế trở thành điểm đến bình yên; tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế xã hội đã đặt ra trong năm 2024 nhằm tạo thế và lực mới cho kế hoạch năm 2025. Bên cạnh đó, các địa phương trong diện chia tách, sát nhập sau khi được Quốc hội thông qua thì nghiêm chỉnh chấp hành các quy định để nhanh chóng đi vào hoạt động.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu mong muốn cử tri toàn tỉnh đồng lòng ủng hộ để xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến cử tri các huyện, thị xã và thành phố Huế.

w.w.w.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]