Lăng mộ và nhà thờ Trần Đình Bá được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 3329/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 26/12/2019
Ảnh: Từ Đường Phò Ninh Nam
SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ, ĐẶC ĐIỂM CỦA DI TÍCH
Đông Các Đại học sĩ Trần Đình Bá (1867-1933) còn gọi là Trần Đình Bách, tự là Phước Trang, hiệu Tân Phủ, sinh ra và lớn lên tại làng Hiền Lương, (tổng Hiền Lương cũ), thuộc xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay. Ông xuất thân trong một gia đình làm nghề rèn nổi tiếng của làng Hiền Lương. Thân phụ của ông là cụ Trần Văn Chương, từng giữ chức Chánh đội trưởng (đội rèn) dưới triều vua Thiệu Trị và Tự Đức. Thân mẫu của ông là bà Hoàng Thị Hòa. Thuở nhỏ ông đã có ý thức trong việc học hành thi cử, chính sự ham học hỏi mà ông đã theo học với Tiến sĩ Trần Đạo Tiềm ở làng Đông Lâm Hạ (xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền). Sau nhiều năm tu chí đèn sách, đến năm 1897, ông đỗ Cử nhân và xin được vào học tại trường Quốc Tử Giám. Năm 1898, ông tham dự kỳ thi Hội và đỗ Phó bảng, với tài văn chương lỗi lạc ông lần lượt được triều đình bổ nhiệm giữ các chức vụ: Sơ Thừa biện, rồi thăng Thừa chỉ, Tri huyện... Năm 1910, ông được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm giữ chức Án sát tỉnh Thanh Hóa. Năm 1915, với tài năng và đức độ của mình, ông được triều đình nhà Nguyễn tiến cử vào Hội đồng Bác vật khảo sát việc lập đường hỏa xa (đường xe lửa). Năm 1919, triều đình bổ nhiệm ông làm Tổng đốc An - Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh). Đến năm 1923, tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức Thượng thư Bộ Hình, sung vào Đại thần Cơ mật viện.
Trải qua hơn 20 năm làm quan, dù ở nơi đâu, trong cương vị nào, ông luôn giữ được phẩm chất, khí phách của một bậc trượng phu đương thời: Không tham ô, tham quyền cố vị; không bị kẻ xấu mua chuộc, lợi dụng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào; suốt cả cuộc giữ trọn khí tiết đạo làm quan chân chính, yêu nước thương dân. Năm 1923, sau khi vua Khải Định triệu hồi Trần Đình Bá về Huế giữ chức Thượng thư Bộ Hình, vì vậy ông có thời gian để lo việc gia đình cũng như giúp đỡ người dân hai làng Phú Lễ và Hiền Lương. Để trả ơn ông đã có công với dân làng, người dân Phú Lễ đã nhượng lại một phần đất của làng nằm giáp với làng Hiền Lương để làm sinh phần của ông và gia đình sau này. Sau khi có văn tự chuyển nhượng, Trần Đình Bá đã cho xây thành quách bao quanh (hiện nay, một số đoạn thành vẫn còn), đồng thời tiến hành xây lăng cho mình và thân mẫu là bà Hoàng Thị Hòa. Lăng mộ của ông và mẹ được xây dựng cùng thời, theo phong cách triều Nguyễn. Hệ thống trụ biểu, la thành, bình phong và những họa tiết trang trí rất công phu và tinh xảo.
Năm 1933, sau khi ông mất, con cháu đã đưa thi hài ông vào an táng ở sinh phần của ông đã định trước. Đến năm 1936, con cháu trong gia tộc đã xây dựng thêm lăng vợ ông là bà Trần Thị Cháu và con Trần Đình Huy ngay chính trên khu đất này.
Trải qua hơn 90 năm tồn tại, đến nay lăng mộ Trần Đình Bá vẫn được con cháu trong gia tộc chăm sóc, hương khói rất cẩn thận, nhiều lần được trùng tu, sửa chữa.
Theo con cháu trong gia tộc cho biết, ngôi nhà thờ tồn tại cách ngày nay khoảng hơn 200 năm, do cụ Đệ nhất thế Trần Văn Thăng xây dựng. Ban đầu nhà thờ chỉ là tranh, tre và phên đất, sau dần có điều kiện kinh tế, nhà thờ từng bước được tu sửa và thay thế các vật liệu bền vững hơn. Đến thời cụ Đệ tứ thế Trần Văn Chương (thân sinh của Trần Đình Bá) thì ngôi nhà được sửa chữa lại và có mở rộng thêm. Sau khi Trần Đình Bá làm quan dưới vương triều Nguyễn, ông đã cho xây dựng lại ngôi nhà rường 3 gian 2 chái trên nền đất cũ hoàn toàn mới. Trải qua hai cuộc chiến tranh, cùng với thời gian, ngôi nhà đã hư hỏng hoàn toàn. Đến năm 1997, trước yêu cầu cấp thiết, con cháu trong gia tộc đã đóng góp để xây mới lại ngôi nhà thờ theo kiểu truyền thống Huế bằng vật liệu bê tông cốt thép. Ngoài ra, nội thất bên trong các gian thờ tự cũng được phục dựng mới hoàn toàn. Hệ thống sân, vườn, hàng rào được xây dựng khang trang và tồn tại cho đến ngày nay.
GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA, KHOA HỌC THẨM MỸ CỦA DI TÍCH
Di tích lịch sử lăng mộ và nhà thờ Trần Đình Bá là công trình gắn với cuộc đời và sự nghiệp vị quan đại thần thanh liêm của triều Nguyễn, được bảo tồn khá nguyên vẹn ở vùng nông thôn đồng bằng các huyện Quảng Điền và Phong Điền, nơi thường xuyên diễn ra những nghi thức tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên của dòng họ, giữ cho con cháu các thế hệ mai sau ý thức hướng về cội nguồn quê cha, đất tổ bằng sinh hoạt văn hóa truyền thống mang tính nhân văn sâu sắc, đồng thời là nơi hội tụ thắt chặt thêm mối quan hệ gia tộc, tình làng nghĩa xóm, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam được kế thừa cụ thể qua các dòng họ, trong đó có gia tộc họ Trần.
Trong suốt thời gian làm quan dưới vương triều Nguyễn, dù ở nơi đâu, trong cương vị nào, Trần Đình Bá luôn giữ được phẩm chất, khí tiết của một bậc trượng phu đương thời. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích không chỉ là trách nhiệm của con cháu trong gia tộc họ Trần, mà còn là trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương, nhằm góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Di tích lịch sử lăng mộ và nhà thờ Trần Đình Bá hiện nay còn lưu giữ được nhiều tài liệu Hán Nôm như: 01 bài vị, 03 bức Hoành phi, 04 câu đối… đã phản ánh lên được tính chất của một dòng họ, ở một vùng quê có bề dày truyền thống văn hóa, truyền thống nghề rèn làng Hiền Lương. Đây chính là nguồn tài liệu quý giá về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật... giúp cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau có cơ hội tìm hiểu rõ hơn về cội nguồn lịch sử, văn hóa của cha ông để lại.
Nét nổi bật trong kiến trúc lăng mộ và nhà thờ Trần Đình Bá vừa cụ thể, tiêu biểu về kiến trúc lăng mộ và nhà thờ triều Nguyễn trên đất Thừa Thiên Huế. Do đó việc nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích là một việc làm quan trọng, cần thiết, nhằm bảo vệ một di sản văn hóa truyền thống của dân tộc trước nguy cơ bị mai một.
Cùng với hệ thống các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Phong Điền, Quảng Điền và các vùng phụ cận, di tích lăng mộ và nhà thờ Trần Đình Bá góp phần làm đa dạng và phong phú thêm loại hình di tích trong hệ thống di sản văn hóa vật thể ở Thừa Thiên Huế.
Việc nghiên cứu, lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử lăng mộ và nhà thờ Trần Đình Bá thể hiện sự quan tâm sâu sắc của chính quyền các cấp đối với di sản văn hóa dân tộc, đồng thời mang ý nghĩa thiết thực, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong vùng, nhất là con cháu trong dòng tộc, đồng thời là cơ sở để giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau
Ảnh: Lăng mộ Trần Đình Bá