Làng nghề Gốm Phước Tích
  

Địa điểm: Phước Tích là một ngôi làng cổ thuộc thôn Phước Phú, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng Phước Tích cách trung tâm Thành phố Huế khoảng 40km về hướng Bắc.

Làng cổ Phước Tích được thành lập năm 1470 dưới thời Hồng Đức. Vì làng không có ruộng, dân làng lấy nghề làm gốm là chính để mưu sinh. Chính vua Gia Long đặt tên cho làng là Phước Tích.

Gốm Phước Tích được làm từ đất sét và nung theo phương pháp truyền thống. Các sản phẩm gốm Phước Tích nổi tiếng khắp nơi, không chỉ bởi độ bền mà còn đặc biệt bởi không có cái nào giống cái nào, có màu sắc khác nhau. Các sản phẩm sau khi nung mặc dù không tráng men nhưng vẫn có lớp men nổi bên ngoài, không bị thẩm thấu.

Ở thời kỳ hưng thịnh, gốm làng Phước Tích được đem đi buôn bán khắp các tỉnh miền Trung. Bờ sông Ô Lâu có đến 12 bến nước tượng trưng cho 12 con giáp. Cả làng có hơn 10 lò gốm đỏ lửa suốt ngày đêm đem lại sự giàu có và tiếng tăm qua bao thế hệ. 

Sản phẩm truyền thống “độc Phước Tích” có lu (chum), ghè, thạp, thống, om (niêu), bùng binh (ống tiết kiệm), tu huýt (còi) và ông táo nung chín thành sành, không có thấm nước. Những sản phẩm trên được chở bán từ Nghệ An vào đến Nam Bộ. Các sản phẩm gốm không tráng men như lọ hoa... cũng đã được bán sang Nhật Bản và được sử dụng trân trọng trong các buổi tiệc trà của Nhật. Đặc biệt sản phẩm gốm Phước Tích còn dùng để tiến vua, nổi tiếng nhất là những chiếc “om ngự” để nấu cơm cho vua ăn.

“Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế

Sen Hà Trì quý thể Phú Xuân”

Từ khi hình thành, do chiến tranh loạn lạc nên làng gốm bị gián đoạn nhiều lần. Đến sau năm 1975, gốm Phước Tích bắt đầu đỏ lửa trở lại sau thời gian dài ngừng hoạt động. Năm 1986 thì gốm Phước Tích lại đóng cửa. Sau đó, nghề gốm hoạt động trở lại đến khoảng năm 1989 thì bắt đầu xuống dốc. Năm 1995, lò gốm cuối cùng trong làng cũng “tắt lửa”.

Ngày nay, làng Phước Tích được đưa vào hoạt động du lịch, một số lò gốm hoạt động trở lại để phục vụ khách tham quan. Sản phẩm gốm ngày càng cải tiến về mẫu mã và chất lượng bởi những nghệ nhân và một số người trẻ với ước muốn làm sống dậy nghề gốm nổi tiếng ở làng.

Làng nghề Làng Gốm Phước Tích được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là làng nghề truyền thống (Quyết định số 717/QĐ-UBND ngày 14/4/2014). 

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]

Du lịch

Dịch vụ