Đình Dương Xuân Hạ - di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) cấp tỉnh
  

DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÌNH DƯƠNG XUÂN HẠ

1/ Địa điểm: Di tích lịch sử Đình  Dương Xuân Hạ, tọa lạc tại Tổ 19, Khu vực 5, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế

2/ Tóm tắt nội dung, giá trị di tích

Dương Xuân là một làng cổ ở xứ Thuận Hóa, Theo sách Ô Châu cận lục do Dương Văn An soạn năm 1553 thì  làng Dương Xuân là 1 trong 67 xã (làng) của huyện Tư Vinh, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. Vào thời các chúa Nguyễn, thế kỷ XVII làng thuộc tổng Vỹ Dạ, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), thành lập huyện Hương Thủy thì làng Dương Xuân thuộc tổng Cư Chánh, huyện Hương Thuỷ. Làng có 10 thôn ấp trải dài dọc theo bờ Nam sông Hương từ ấp Hô Lâu (nay thuộc phường Vỹ Dạ) đến ấp Xuân Giang (nay chủ yếu thuộc phường Đúc).

Làng Dương Xuân Hạ nằm về phía Bắc của huyện Hương Thủy song lại là địa bàn tiếp giáp với thành phố Huế, do đó các phong trào đấu tranh Cách mạng ở địa phương từ sau Cách mạng tháng Tám thành công đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (3/1975) đều gắn liền với phong trào đấu tranh Cách mạng của Đảng bộ huyện Hương Thủy và thành phố Huế. Tại đây, nhiều phong trào đấu tranh Cách mạng đã diễn ra liên tục, sôi nổi nhiều đảng viên, cán bộ tham gia tích cực qua hai cuộc kháng chiến đã trưởng thành và trở thành những cán bộ cốt cán, những hạt nhân lãnh đạo của huyện Hương Thủy và thành phố Huế.

Vào những ngày sục sôi khí thế Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của các cán bộ Việt Minh huyện Hương Thủy, nhân dân địa phương đã tập trung tại đình làng giành chính quyền, đình Dương Xuân Hạ được chọn là trụ sở làm việc đầu tiên của cơ quan hành chính xã. Ngày 22/8/1945, tại đình Dương Xuân Hạ đã diễn ra cuộc mit-tinh thành lập chính quyền Cách mạng ở địa phương. Cuối năm 1945, chi bộ Đảng Cộng sản xã Phùng Xuân Thủy được thành lập, đình làng là trụ sở làm việc cơ quan của Đảng và các tổ chức đoàn thể quần chúng trong Mặt trận Việt Minh xã.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, để đối phó với dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, các chương trình huấn luyện quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang tại chỗ đã tổ chức có nề nếp, hiệu quả do Trung đội 26 giải phóng quân thuộc Trung đoàn 101 Trần Cao Vân và giải phóng quân Hà Nội tăng cường cho tỉnh Thừa Thiên Huế huấn luyện, do đó đã sớm tập hợp được các thanh niên ưu tú, đầy nhiệt huyết sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ tổ quốc, quê hương trong đó có người thanh niên Thân Trọng Một (sau này là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân). 

Ngày 6/1/1946, tại đình làng, nhân dân làng Dương Xuân Hạ lần đầu tiên được tự tay cầm lá phiếu thực hiện nghĩa vụ công dân của nước Việt Nam độc lập, tham gia bầu cử Quốc Hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngoài ra, trong cuộc chiến đấu chống lại quân Pháp tấn công vào thành phố Huế, tại khu vực đình Dương Xuân Hạ, bộ đội và tự vệ xã Phùng Xuân Thủy dùng súng trường bắn rơi một phi cơ chiến đấu của địch, anh Võ Văn Tứ (Ngôn) là tự vệ chiến đấu làng Dương Xuân Hạ xung phong tước súng của phi công.

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) được ký kết, làng Dương Xuân Hạ thuộc xã Thủy Xuân nằm trong vùng tạm chiếm nguỵ quyền tay sai, các tổ chức đảng phái phản động ráo riết truy lùng cán bộ cách mạng, đàn áp nhân dân bằng các chiêu bài “tố Cộng”, “chiêu an” nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng, yêu nước trong nhân dân.

Trong thời gian hoạt động xây dựng cơ sở tại địa bàn Thủy Xuân (năm 1964), đồng chí Võ Đại Triền (Ngọc), Thành ủy viên, đã được cơ sở của ông Trần Sừ và bà Trần Thị Gái linh hoạt bố trí ẩn nấp trên rầm thượng đình Dương Xuân Hạ vào ban ngày, để ban đêm xâm nhập địa bàn đảm bảo bí mật an toàn. Cũng tại đình làng, ngoài việc bố trí cho các đồng chí về hoạt động ẩn núp ở rầm thượng, ông Trần Sừ và ông Hồ Văn Huyến đã đào hầm bí mật tại miếu Âm hồn phía trước đình tại lăng Mỹ Trà Công chúa và lăng An Phú Công chúa nằm phía sau đình, phục vụ việc nuôi giấu và hoạt động cho các cán bộ cách mạng để xây dựng và phát triển phong trào tại vùng ven đô thị Huế. Hiện tại, qua khảo sát 03 căn hầm bí mật này vẫn còn dấu tích khá nguyên vẹn.  

Trong chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân – 1968, đình Dương Xuân Hạ là nơi đặt địa điểm Sở chỉ huy của đơn vị bộ đội công tác tại địa bàn này, đây được xem là vùng căn cứ lõm của ta, với địa hình đồi núi thấp dễ đi lại để thâm nhập thành phố Huế và rút lên vùng căn cứ an toàn.

Đình làng Dương Xuân Hạ gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng Dương Xuân Hạ và xã Thủy Xuân. Đây không chỉ là địa điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần truyền thống của dân làng mà còn là di tích có giá trị nổi bật về mặt lịch sử, liên quan mật thiết với các cuộc đấu tranh yêu nước và cách mạng của nhân dân xã Thủy Xuân anh hùng.

Với những giá trị về mặt lịch sử và văn hóa, đình Dương Xuân Hạ là một di tích lịch sử tiêu biểu chứa đựng nhiều lượng thông tin và sự kiện phong phú có nhiều ý nghĩa tích cực trong công tác giáo dục, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống cách mạng của quê hương, góp phần khẳng định, làm sáng tỏ truyền thống “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường” của thành phố Huế anh hùng.

Đình Dương Xuân Hạ (phường Thủy Xuân, thành phố Huế) được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) cấp tỉnh theo Quyết định số 410/QĐ-UBND ngày 26/02/2015.

 

      

Đình Dương Xuân Hạ

 

 

 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 Trang kế Trang cuối  

Du lịch

Dịch vụ