Địa điểm: Xã Hương Thọ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điện Hòn Chén là nơi ngày xưa người Chăm-pa thờ nữ thần Po Nagar, sau đó, người Việt theo Thiên Tiên Thánh giáo tiếp tục thờ bà dưới danh xưng Thánh mẫu Thiên Y A Na. Ngoài ra, tại Điện Hòn Chén còn thờ Phật, Thánh Quan công và hơn 100 vị thần thánh thuộc hàng đồ đệ của các thánh thần nói trên.
Điện Hòn Chén được nhiều người biết đến không phải vì đó là di tích tôn giáo mà hơn thế là nơi có các công trình kiến trúc xinh xắn và phong cảnh đẹp như tranh.
Điện Hòn Chén được dựng trên ngọn núi Ngọc Trản, một ngọn núi cây cối tươi tốt, cheo leo bên bờ vực thẳm, đó là chỗ sâu nhất của sông Hương. Trên đỉnh núi có một chỗ trũng xuống, đường kính vài mét, chung quanh có vòng đá dựng như giếng, hễ gặp mưa thì nước đọng lại, trông giống như một cái chén đựng nước trong, cho nên ngọn núi này dân gian còn gọi là Hòn Chén.
Khoảng 10 công trình kiến trúc xinh xắn của ngôi Điện đều nằm ở lưng chừng sườn Đông Nam thoai thoải của ngọn núi, ẩn mình dưới bóng râm của một khóm rừng cổ thụ tán lá sum suê. Hệ thống bậc tam cấp chạy từ Điện xuống tận bến nước (sông Hương). Mặt bằng kiến trúc của toàn bộ Điện không rộng, gồm điện thờ chính là Minh Kính Đài nằm giữa, bên phải là nhà Quan Cư, Trinh Cát Viện, Chùa Thánh, bên phải là dinh Ngũ Vị Thánh Bà, bàn thờ các quan, động thờ ông Hạ Ban (tức ông Hổ), am Ngoại Cảnh. Dưới bờ sông, cuối đường bên trái là am Thủy Phú. Trên mặt bằng kiến trúc ấy, còn có một số bệ thờ và am nhỏ.
Điện Hòn Chén đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 2009/1998 QĐ/BVHTT, ngày 26/9/1998 của Bộ Văn hóa Thông tin.
Điện Hòn Chén (ảnh:internet)