Sáng ngày 14/7, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc tổ chức Lễ công bố Quyết định và đón bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Lăng mộ Nguyễn Cửu Kiều và Công nữ Ngọc Đỉnh.
Danh tướng Nguyễn Cửu Kiều sinh năm 1559, người huyện Tống Sơn (nay là Hà Trung), là vị “thủy tổ” của họ Nguyễn Cửu ở Đàng Trong, người mở đầu cho một thế gia vọng tộc huân công rạng rỡ, sản sinh rất nhiều danh tướng lỗi lạc.
Theo các nguồn tư liệu, sau khi vượt Linh Giang, một lòng phò tá chúa Nguyễn, Nguyễn Cửu Kiều chính thức được sánh duyên với Công nữ Ngọc Đỉnh, là con gái thứ 4 của Hy Tông Hiếu Văn hoàng đế, tức chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Công nữ Ngọc Đỉnh sinh ngày 20/2 năm Mậu Thân [1608] và mất ngày 16/11 năm Giáp Tý [1685] hưởng thọ 77 tuổi.
Gần 33 năm phò tá chúa Nguyễn, cuộc đời của danh tướng Nguyễn Cửu Kiều sống gần như trọn vẹn trên đất Quảng Bình và tham dự hầu hết các trận chiến lớn nhỏ, góp phần trong việc ổn định mạn bắc Đàng Trong. Nguyễn Cửu Kiều là lớp thế hệ “khai quốc công thần”, gắn liền với giai đoạn khởi nghiệp của Chúa Nguyễn ở Nam Hà. Trong trận đánh thủy binh nhà Trịnh tại cửa biển Đan Nha (tức cửa Hội), Nguyễn Cửu Kiều bị thương nặng, về Quảng Bình thì mất, thọ 58 tuổi.
Lăng mộ Nguyễn Cửu Kiều và Công nữ Ngọc Đỉnh được cát táng tại làng Bạch Thạch, nay thuộc xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc. Cả 2 khu lăng mộ đều có kiến trúc gồm hai vòng thành, bình phong tiền, bình phong hậu, trụ biểu, nhà bia và tẩm mộ và tồn tại trên 300 năm.
Việc nghiên cứu, lập hồ sơ công nhận Di tích lịch sử Lăng mộ Nguyễn Cửu Kiều và Công nữ Ngọc Đỉnh thể hiện sự quan tâm của chính quyền các cấp đối với di sản văn hóa dân tộc. Đó cũng là chủ trương của UBND tỉnh nhằm “xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô”, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 54-NQTW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.
Tại buổi lễ, UBND xã Lộc Điền đã công bố Quyết định về việc thành lập Ban quản lý Di tích lịch sử cấp tỉnh Lăng mộ Nguyễn Cửu Kiều và Công nữ Ngọc Đỉnh gồm 7 thành viên, với nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chuyên môn, dòng họ thực hiện tốt công tác kiểm tra, quản lý, tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp và phát huy giá trị di tích lịch sử. Ban quản lý giữ gìn an ninh trật tự, xử lý các hiện tượng gây phản cảm tại di tích và một số nhiệm vụ khác.