Chất lượng tăng trưởng kinh tế năm 2018 được nâng lên nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức
  
Cập nhật:05/12/2018 11:22:50 SA
Năm 2018, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và có trọng tâm, trọng điểm trên các lĩnh vực của các cấp và các ngành, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2018 tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh, khóa VII
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2018 tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh, khóa VII

13/14 chỉ tiêu đạt và vượt

Năm 2018, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP theo giá so sánh) ước đạt 32.417 tỷ đồng, tăng 7,15% so với năm 2017. Cơ cấu các ngành kinh tế với dịch vụ chiếm ưu thế 50,4%; công nghiệp - xây dựng 31,66%; nông, lâm, thủy sản 10,97%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6,97%.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) (%) đạt 7,15%; trong đó, Nông - Lâm - Ngư nghiệp đạt 3,16%, Công nghiệp - Xây dựng đạt 8,73%, Dịch vụ đạt 7,11%, Thuế sản phẩm đạt 6,5%; Tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người 1793 USD; Giá trị xuất khẩu 920 triệu USD; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 20.500 tỷ đồng; Thu ngân sách Nhà nước đạt 7.236 tỷ đồng; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98,07%; Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,06%; Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt 62%; Tạo việc làm mới 16.000 người; Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt 80%; Độ che phủ rừng đạt 57,3%; Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom đạt 96%...

Tính đến ngày cuối tháng 11/2018 có 650 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5% so cùng kỳ, với số vốn đăng ký 5.000 tỷ đồng; có 164 doanh nghiệp trở lại hoạt động; bên cạnh đó có 69 doanh nghiệp giải thể; 243 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động. Dự kiến đến cuối năm 2018, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 670 doanh nghiệp tăng 5,1%, với số vốn đăng ký đạt khoảng 6.900 tỷ đồng. Đã thu hút 34 dự án đầu tư với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng, trong đó, có 27 dự án trong nước với vốn  đầu tư gần 3.500 tỷ đồng (trong KCN, KKT có 6 dự án với số vốn đăng ký đạt 1.624 tỷ đồng ) và 7 dự án cấp mới FDI, điều chỉnh 2 dự án FDI với số vốn đăng ký 1.161,8 triệu USD.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, cuộc vận động xây dựng Thừa Thiên Huế "Sáng - Xanh - Sạch - Không rác thải" bước đầu triển khai có hiệu quả; công tác an sinh xã hội được quan tâm, lồng ghép thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững,...Công tác cải cách hành chính, tiếp tục được đẩy mạnh; việc triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết TW 6 (khóa XII) đạt kết quả bước đầu.


Nhà máy điện mặt trời 35MW tại Thừa Thiên Huế đã được đưa vào hoạt động vào tháng 10 năm 2018

Báo cáo tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, năm 2018, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 7,15% thấp hơn so với  kế hoạch đề ra (7,5 - 8%), nhưng chất lượng tăng trưởng đã được nâng lên; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp có chuyển biến tích cực; công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; an sinh xã hội được chăm lo, đời sống Nhân dân được nâng cao; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được triển khai đồng bộ, toàn diện và đạt nhiều kết quả...

Điểm đáng chú ý là, các dự án đầu tư lớn đi vào hoạt động đã phù hợp với chủ trương và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh là hướng tới tăng trưởng xanh, ứng dụng thông minh, phát triển ít tác động gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các di sản văn hóa - lịch sử. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững thực hiện có hiệu quả đưa tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm từ 5,98% xuống còn 4,92%,... Nhiều hoạt động văn hóa có chất lượng, nhiều sản phẩm du lịch mới hình thành; việc tổ chức thành công Festival Huế lần thứ X - 2018 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế 1 điểm đến 5 di sản” đã thu hút rất nhiều khách tham quan đến với Thừa Thiên Huế. Qua đó, tiếp tục khẳng định danh hiệu Huế - thành phố Festival của Việt Nam, từng bước xây dựng hình ảnh Huế - kinh đô lễ hội.

Nhiều khó khăn, thách thức

Theo đánh giá của UBND tỉnh, sau 3 năm thực hiện Nghị Quyết HĐND tỉnh giai đoạn 2016-2021, bức tranh kinh tế-xã hội của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế và thách thức. Đó là, quy mô nền kinh tế còn quá nhỏ, cơ cấu nội bộ ngành kinh tế dịch vụ chuyển biến chậm; nguồn thu ngân sách chưa ổn định và chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư; mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển dẫn đến hạn chế trong thu hút đầu tư; các phân ngành dịch vụ quan trọng như y tế, giáo dục, tài chính, viễn thông, CNTT,.. chưa đủ mạnh, tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có và chưa xuất hiện những nhân tố có tính chất đột phá.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất khu công nghệ cao, hạ tầng KKT, KCN chưa đồng bộ, một số KCN, CCN còn chưa đảm bảo; một số dự án lớn triển khai còn chậm tiến độ,... Môi trường kinh doanh và đầu tư chưa thật sự hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư lớn. Số lượng các doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ, vốn ít; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, đặc biệt là năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế còn yếu. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa và hoạt động văn hóa còn khó khăn, vướng mắc một số cơ chế, chính sách. Mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế thành Trung tâm y tế chuyên sâu, Trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao và là Trung tâm khoa học công nghệ của cả nước còn thiếu sự phối kết hợp giữa các ngành của tỉnh với các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn. Vai trò đóng góp của lực lượng tri thức trong xây dựng, phát triển địa phương chưa rõ nét.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, những khó khăn thách thức trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nêu ở trên, ngoài các nguyên nhân khách quan do nội tại nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ và sự khó khăn chung trong phát triển của cả nước thì có nhiều nguyên nhân chủ quan trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện của các cấp, ngành. Đó là, việc chỉ đạo, điều hành chưa xác định rõ công việc trọng tâm, trọng điểm và giải pháp đột phá trong thực hiện; công tác tham mưu xử lý các vấn đề phát sinh cho doanh nghiệp, người dân chưa năng động, thiếu kịp thời, chưa thật sự sẵn sàng với tinh thần chính quyền phục vụ trong giải quyết TTHC, tiếp cận đất đai, nghiên cứu đầu tư. Điều này, đã làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đề ra; đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư lớn và hạn chế phát huy các nguồn lực của các đơn vị Trung ương trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

Để khắc phục những tồn tại hạn chế, vượt qua những thách thức và tận dụng những cơ hội mới để tập trung phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, ngoài tập trung nguồn lực vào việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm thì toàn bộ hệ thống chính trị cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Một mặt vừa có giải pháp tìm kiếm, thúc đẩy các chương trình, dự án có thể nhanh chóng tạo ra nguồn năng lực tài chính phục vụ cho nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trước mắt; một mặt vừa chuẩn bị cho các chương trình, dự án mang tính chiến lược, đột phá phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững lâu dài cho các năm tiếp theo. Có vậy, mới hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2021 đã đề ra.

 

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 5 Trang kế Trang cuối