Hoạt động kiến tạo
  

* Các đới kiến tạo

Diện tích Thừa Thiên Huế nằm gọn trong hai đới cấu trúc Long Đại và A Vương. Ranh giới phân đôi là đứt gãy Đakrông - A Lưới.

+ Đới Long Đại: Đới Long Đại được phân ra hai phụ đới là Đồng Hới và Huế. Toàn bộ diện tích phía Bắc, Đông Bắc và phía Đông của Thừa Thiên Huế nằm gọn trong phụ đới Huế. Tham gia vào cấu tạo phụ đới Huế có các phức hệ thạch kiến tạo sau: Paleozoi hạ - trung (hệ tầng Long Đại - thành phần lục nguyên xen ít silic có cấu tạo dạng flysh); Paleozoi trung (phức hệ macma xâm nhập Đại Lộc - thành phần granit dạng gneis, phức hệ Tân Lâm - thành phần lục nguyên màu tím gụ, hệ tầng Phong Sơn - thành phần cacbonat chứa tay cuộn san hô môi trường biển ven bờ); Paleozoi thượng (hệ tầng A Lin - thành phần lục nguyên, phun trào andezit, phức hệ macma xâm nhập Bến Giằng Quế Sơn - diorit biotit, granơdiorit, granit); Mezozoi hạ (phức hệ macma xâm nhập Hải Vân - granit cao nhôm và kali, phức hệ macma xâm nhập Chà Val - pyroxenit, gabro pyroxenit hạt vừa đến cực lớn); Kainozoi (phức hệ macma xâm nhập Bà Nà - granit bionit granit hai mica dạng porphyr, hệ tầng Vĩnh Điện - trầm tích hạt thô đến mịn gắn kết yếu, trầm tích Đệ tứ bở rời lấp đầy trũng Kainozoi ở đồng bằng Huế). Các phức hệ thạch kiến tạo phụ đới Huế bị uốn nếp và vò nhàu tạo thành nếp lồi, nếp lõm bất đối xứng kéo theo hướng Tây Bắc - Đông Nam hoặc theo hướng á vĩ tuyến có độ dốc phổ biến của cánh phía Đông là 40 - 700.

+ Đới A Vương: Đới A Vương chiếm diện tích nhỏ ở Tây - Tây Nam lãnh thổ Thừa Thiên Huế. Tham gia vào cấu tạo của đới này có các phức hệ thạch kiến tạo sau: Neoproterozoi - paleozoi hạ (hệ tầng Núi Vú - trầm tích lục nguyên phun trào mafic biến chất mạnh; hệ tầng A Vương - trầm tích lục nguyên silic biến chất mạnh; phức hệ macma xâm nhập Núi Ngọc - gabro diabaz màu lục nhạt; phức hệ macma xâm nhập Điệng Bông - pladiogranit biotit - muscovit); Paleozoi hạ - trung (hệ tầng Long Đại - trầm tích lục nguyên xen silic có cấu tạo dạng flysh); Paleozoi trung (phức hệ macma xâm nhập Đại Lộc - granit biotit, granit hai mica dạng porphyr, ban tinh lớn, cấu tạo dạng gneis; hệ tầng Tân Lâm - trầm tích lục nguyên - phun trào Andezít); Mezozoi thượng (hệ tầng A Ngo - trầm tích lục nguyên hạt thô màu tím gụ nâu đỏ rất đặc trưng); Kainozoi (trầm tích Đệ tứ - cuội, sạn, sét bột ở thung lũng địa hào A Lưới dọc theo bề mặt đứt gãy Talao - La Dụt).

Các phức hệ thạch kiến tạo chủ yếu ở đới A Vương có mức độ biến chất cao, uốn nếp vò nhàu mạnh và có phương kéo theo Tây Bắc - Đông Nam với độ dốc cánh vừa phải (10 - 350); các thành tạo trẻ luôn có độ uốn nếp vừa và độ dốc của cánh lớn hơn (50 - 700).

* Các đứt gãy kiến tạo:

+ Đứt gãy phân đới: Đứt gãy Đakrong - A Lưới là đứt gãy phân đới kéo dài trên 200km theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, đoạn Ta Lao - La Dụt (ở lãnh thổ Thừa Thiên Huế) dài 30km, đứt gãy này cắm theo hướng Đông Bắc, góc cắm 70 - 800. Dọc theo đứt gãy là đới cà nát rộng 2 - 5km.

+ Đứt gãy nội đới:

Các đứt gãy Quảng Trị - Huế - Phú Lộc, Ta lao - Văn Xá Huế, đứt gãy Lasan - đường 14, có hướng Tây Bắc - Đông Nam. Điểm nước khoáng nóng Thanh Tân nằm trong đới ảnh hưởng của đứt gãy Talao - Văn Xá - Huế, còn các nguồn nước khoáng nóng ở Phú Vang nằm trong vùng ảnh hưởng của đứt gãy Quảng Trị - Huế - Phú Lộc.

Các đứt gãy dọc sông Bồ, sông Tả Trạch, A Sung - Hoà Mỹ có phương á vĩ tuyến và Tây Nam - Đông Bắc. Dọc theo các đứt gãy thường xuất hiện các khối macma xâm nhập, các đới tiếp xúc và vò nhàu tạo nên đới đập vỡ rộng 500-600m hoặc hàng nghìn mét.

* Hoạt động tân kiến tạo: Hoạt động phá huỷ kiến tạo trên địa bàn Thừa Thiên Huế không chỉ xảy ra phức tạp và nhiều lần trong quá khứ xa xưa mà còn tiếp tục trong giai đoạn hiện nay. Biểu hiện cụ thể cho hoạt động này là quá trình macma xâm nhập trẻ phức hệ Bà Nà ở Hương Thọ; chuyển động phân dị khối tảng với sự nâng cao khối núi dạng địa luỹ ở đội A Vương và quá trình lấp đầy trầm tích Kainozoi ở đồng bằng duyên hải. Ngoài ra thời gian qua còn gặp các hiện tượng nứt đất xảy ra ở Hương Hồ, Thuỷ Biểu, Phú Thượng, Thuỷ Châu, Phú Bài đã ít nhiều gây ảnh hưởng cho cuộc sống của nhân dân.

 

Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Tự nhiên

(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)

 Bản in]
Các bài khác