Các đá xâm nhập
  

Các đá xâm nhập trên lãnh thổ Thừa Thiên Huế được xếp vào các phức hệ sau:

+ Phức hệ Núi Ngọc: Phân bố rải rác ở Nam A Lưới, có thành phần là gabro, gabrodiabaz màu lục nhạt, có độ xạ thấp, được xếp tuổi giả định vào Paleozoi sớm (904 ± 13 triệu năm).

+ Phức hệ Điệng Bông: Phân bố ở Nam A Pây, có thành phần là Plaziogranit - biotit - muscovit, hạt vừa đến nhỏ, có độ xạ thấp - trung bình, được xếp tuổi vào Paleozoi sớm.

+ Phức hệ Đại Lộc: Phân bố rộng rãi ở A Ram, Bình Điền, Nam Đông, có thành phần là granitbiotit, granit hai miền dạng porphyr, ban tinh lớn, cấu tạo dạng gneis, được xếp vào tuổi Đevon. (310 - 300 triệu năm).

+ Phức hệ Bến Giằng - Quế Sơn: Phân bố ở Rào Trăng, Bình Điền, Nam Đông, có thành phần là gabrodiorit , diorit thạch anh, diorit biotit horblend hạt nhỏ - vừa, granodiorit horblend hạt vừa, được xếp tuổi Paleozoi muộn (243 triệu năm).

+ Phức hệ Chà Val: Phân bố dọc sông Tả Trạch và ở Chà Val (Phú Lộc) có thành phần là pyroxenit, gabro pyroxenit, gabrodiorit có độ hạt từ vừa đến cực lớn, được xếp tuổi sát trước Triat muộn.

+ Phức hệ Hải Vân: Phân bố rộng khắp ở phía Nam và Tây Nam lãnh thổ Thừa Thiên Huế, có thành phần là granitbiotit, granit hai mica dạng porphyr, granit aplit hạt nhỏ, được xếp tuổi sát trước Triat muộn

+ Phức hệ Bà Nà:  Phân bố rải rác thành các khối nhỏ ở thượng nguồn sông Bồ, Hương Thọ, có thành phần là grannit biotit,granit hai mica hạt lớn, granit alaskit hạt nhỏ, được xếp tuổi giả định sát Paleogen (130 - 40 triệu năm).

 

Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Tự nhiên

(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)

 Bản in]
Các bài khác