Nhà thờ Phường Đúc
  
Nhà thờ Phường Đúc là một trong số các nhà thờ được xây dựng rất sớm ở Huế. Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687), một người Bồ Đào Nha ở Ấn Độ, ông Joao da Crus (người Pháp ghi là Jean de la Croix) đã đến thủ phủ xứ Đàng Trong giúp chúa Nguyễn kỹ thuật đúc đồng, đúc súng, chúa cho lập xưởng đúc tại bờ Nam sông Hương, đối diện với phủ Kim Long. Tương truyền trước lần đúc súng đầu tiên, viện cớ để đúc thành công cần phải được Đức Chúa Trời phù hộ, Joao da Crus đã xin chúa Nguyễn cho lập một nhà nguyện để cầu xin Chúa, phủ chúa Nguyễn đã đồng ý.
Nhà thờ Phường Đúc (ảnh: internet)
Nhà thờ Phường Đúc (ảnh: internet)

Năm 1713, linh mục Bennemand thuộc Hội Thừa sai Paris cũng làm một nhà nguyện dưới chân thành Lồi, cách xa bờ sông. Hai chục năm sau, các linh mục dòng Phanxicô lại thiết lập một nhà nguyện tại chỗ cũ của Joao da Crus, gần bờ sông và lò đúc, nhưng các nhà nguyện đều chỉ làm bằng tranh tre. Năm 1892, linh mục Patiniers (cố Kinh) đã nâng cấp nhà nguyện thành ngôi nhà thờ gỗ, xây vách, lợp ngói, ngôi nhà thờ này lại “được” linh mục Nguyễn Văn Từ cho triệt bỏ năm 1960 để xây lại ngôi nhà thờ mới, theo kiểu dáng châu Âu như đang thấy hiện nay.

Những hình ảnh còn lưu lại về ngôi nhà thờ cổ năm 1892 cho thấy, nhà thờ Phường Đúc có mặt tiền kiểu dáng tam quan, gần giống nhà thờ An Vân, trước sân nhà thờ, gần sát hai bên nhà thờ chính là hai nhà tứ giác kiểu dáng truyền thống, có thể là nhà để chuông và nhà bia. Rất tiếc là dấu xưa đã không còn, tuy nhiên, chiếc chuông cổ khắc vào dịp giáng sinh năm 1895 với bài “Minh chuông tự sự ca” dài trên 40 câu bằng chữ Nôm là một hiện vật quý, đang được gìn giữ tốt.


Nhà thờ Phường Đúc (ảnh: internet)

thuathienhue.gov.vn (Nguồn: Dư địa chí – Phần Văn hóa – Năm 2020)
 Bản in]

Du lịch

Dịch vụ