Nhà thờ Truyền Nam
  
Nhà thờ Truyền Nam nằm giữa lòng một họ đạo nhỏ ở thôn Truyền Nam, thuộc làng An Truyền (làng Chuồn), xã Phú An, huyện Phú Vang. Đây là một họ đạo ra đời rất sớm (có thể từ năm 1701 (?)), theo thư của linh mục De la Cour gởi linh mục Bouracho tháng 6/1742 thì làng “Khe Chuen” (Kẻ Chuồn) từng có khoảng 600 giáo dân, nhưng sau 10 năm bị cấm đạo, số giáo dân đã giảm còn một nửa. Từ xưa, họ đạo An Truyền nổi tiếng với lễ rước kiệu Môi Khôi có các màn múa hèo, múa bông, múa tam xà; giáo dân hát bội giỏi, biết sáng tác kinh sách và đặt ra giọng đọc kinh đặc trưng kiểu Huế. Nhà thờ được xây dựng từ 1887 đến 1888, mang nét cổ kính của những ngôi nhà thờ xưa còn sót lại ở Huế.

Nhà thờ có quy mô vừa phải, kích thước 30m x 16m, với hai tháp hình vuông ở hai bên, có 3 tầng chồng lên nhau, bên trên là mái cong đỡ cây thánh giá; hai tháp nối liền nhau bằng một lan can, chạy từ bên này sang bên kia. Phía trước tiền đường nối hai tháp là bức bình phong, với cây thánh giá cao dần ở phần giữa.

Nội thất nhà thờ làm theo kiểu nhà rường truyền thống Huế quay dọc và mở rộng bề sâu. Hai hàng cột treo bảy bộ câu đối chữ Hán, nền đỏ đen, chữ được khắc chìm, thếp vàng; nội dung ca ngợi Chúa và Đức Mẹ Maria:

Quần lê cộng tán nữ trung liệt,

T hải hàm ca thánh cửu trùng.

(Dân chúng đều khen bà có phước hơn mọi người nữ, bốn biển đều ca ngợi Chúa cửu trùng).

Thể nhất thị chung như thị thủy,

Vị tam phi sắc diệc phi không.

(Một Chúa có sau như có trước, ba ngôi không hình sắc nhưng vẫn là đấng hằng hữu).

Ngọc ẩn thạch dũ huy minh chất,

Liên sinh nê bất nhiễm ô phong.

(Ngọc giấu trong đá càng ngời chất sáng, sen trong bùn chẳng nhuốm mùi hôi).

Nhà thờ còn có quả chuông đặt bên phải, bên trái đặt tượng Đức Mẹ hồn xác lên trời, làm bằng đất nung sản xuất tại Pháp (nguyên trước đây, tượng được đặt trên tháp nhà thờ, nhưng về sau đưa xuống để tránh bị gió bão làm đổ).

thuathienhue.gov.vn (Nguồn: Dư địa chí – Phần Văn hóa – Năm 2020)
 Bản in]

Du lịch

Dịch vụ