Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022
  

 (Theo Báo cáo số 472/BC-UBND ngày 25/11/2022)

A. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 11 VÀ 11 THÁNG NĂM 2022

1. Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ

Tập trung phối hợp với các Bộ, ban, ngành Trung ương trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị quyết, Nghị định để triển khai thực hiện. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết 38/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế; đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14, ngày 27/4/2021 về việc điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế. Đặc biệt, ngày 21/9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 02 Nghị quyết: Số 26/2022/UBTVQH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 về phân loại đô thị và Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (trong đó có tính đến yếu tố đặc thù đối với Thừa Thiên Huế).

- Tỉnh đã ban hành Kế hoạch 231/KH-UBND ngày 30/6/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình số 12-CTr/TU ngày 13/5/2022 của Tỉnh uỷ (khoá XVI) về việc thực hiện Nghị quyết 38/2021/QH15, ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 18/2022/NQ-HĐND ngày 07/9/2022 về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính hoàn thành dự thảo Nghị định về việc thành lập và quy chế hoạt động Quỹ Bảo tồn di sản Huế và đã được Chính phủ ban hành Nghị định 84/2022/NĐ-CP ngày 20/10/2022 về việc thành lập và quy chế hoạt động Quỹ Bảo tồn di sản Huế.

- Tập trung triển khai thực hiện lập Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đã hoàn thành báo cáo đầu kỳ, thống nhất về khung định hướng ưu tiên phát triển và đang hoàn thiện báo cáo giữa kỳ quy hoạch tỉnh để chuẩn bị Hội thảo giữa kỳ; cơ bản hoàn thành Đề án “Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế”; Đề án xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia.

- Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1261/QĐ-TTg ngày 19/10/2022; đã lựa chọn nhà thầu và đôn đốc triển khai lập Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành Quy hoạch chung đô thị Phong Điền đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Tình hình phát triển kinh tế

a) Lĩnh vực dịch vụ:

- Hoạt động du lịch: Khu vực dịch vụ đang phục hồi, tăng trưởng trở lại, trong 11 tháng, khách du lịch ước đạt 1.839 nghìn lượt, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ, tổng thu từ du lịch ước đạt 4.246 tỷ đồng, gấp 3,7 lần.

- Hoạt động thương mại, giá cả: Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 11/2022 ước đạt 4.590,7 tỷ đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 47.601,9 tỷ đồng, tăng 19,8% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 36.715,5 tỷ đồng, chiếm 77,1%, tăng 11,4%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng ước tăng 3,6% so với cùng kỳ (CPI tháng 11 ước tăng 0,1% so với tháng trước).

- Hoạt động xuất nhập khẩu: Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng hóa tháng 11/2022 ước đạt 78,9 triệu USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ; lũy kế KNXK 11 tháng ước đạt 1.044,1 triệu USD, tăng 2,8% và đạt 92,4% kế hoạch[1], thị trường xuất khẩu đến 39 quốc gia, trong đó chủ yếu từ các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN, các nước Châu Âu,…Kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hóa tháng 11 ước đạt 59 triệu USD, giảm 23,8% so với cùng kỳ; lũy kế KNNK 11 tháng đạt 750 triệu USD, tăng 7,4% và đạt 100% kế hoạch[2].

- Hoạt động tín dụng: Ước đến cuối tháng 11/2022, tổng nguồn vốn huy động của các Tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đạt 60.800 tỷ đồng, tăng 9,31% so với cuối năm 2021. Dư nợ tín dụng tại các TCTD đạt 73.300 tỷ đồng, tăng 15,82%. Nợ xấu nội bảng tại các TCTD trên địa bàn ở mức 400 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ ở mức 0,55%.

- Hoạt động vận tải: Tháng 11/2022, vận tải hành khách ước đạt 2.322,4 nghìn hành khách, tăng 1,3% so với tháng trước và gấp 2,2 lần so với cùng kỳ; hàng hóa vận chuyển ước đạt 1.564,9 nghìn tấn, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 1% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải, bốc xếp và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 348 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 15,7% so với cùng kỳ[3].

Lũy kế 11 tháng, vận tải hành khách ước đạt 20.146,5 nghìn hành khách, tăng 42,7% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa ước đạt 16.877,4 nghìn tấn, tăng 17,6%. Doanh thu vận tải, bốc xếp và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 3.612,4 tỷ đồng, tăng 24,5%[4] .

b) Lĩnh vực công nghiệp:

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 ước tăng 8,2% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng, chỉ số IIP tăng 7,8% so với cùng kỳ, trong đó: Công nghiệp khai khoáng ước giảm 12,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 5,5%; sản xuất và phân phối điện, nước đá ước tăng 32%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước tăng 1,4%.

Một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng tăng: Bia 276,5 triệu lít, tăng 15,9% so với cùng kỳ (trong đó: bia lon 182,4 triệu lít, tăng 23%; bia chai 94,1 triệu lít, tăng 4,3%); sợi các loại 97,8 nghìn tấn, tăng 12,6%; quần áo lót 388,9 triệu cái, tăng 2,9%; điện sản xuất 1.758,1 triệu KWh, tăng 42,2%; dăm gỗ 748,8 nghìn tấn, tăng 22,5%; men frit 270,2 nghìn tấn, tăng 14,1%; vỏ lon nhôm 14,2 nghìn tấn, tăng 7,1%;....

Một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng giảm: clanhke 1.815,5 nghìn tấn, giảm 14,4%; tôm đông lạnh 5.694,4 nghìn tấn, giảm 2,6%; xi măng 1.749,4 nghìn tấn, giảm 5,8%;....

c) Lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp:

- Trồng trọt: Trong tháng 11, chủ yếu thu hoạch một số cây trồng như sắn, rau màu…; sản lượng sắn thu hoạch đạt 5.035 tấn, tăng 2.100 tấn so với cùng kỳ, rau các loại thu hoạch đạt 453 tấn, tăng 87 tấn, tương ứng tăng 23,8%; lũy kế từ đầu năm sản lượng sắn thu hoạch đạt 86.586 tấn, tăng 8.939 tấn, tương ứng tăng 11,5%, rau đạt 45.664 tấn, giảm 1.868 tấn, tương ứng giảm 3,9% so với cùng kỳ. Sản lượng lúa cả năm ước đạt khoảng 266,8 nghìn tấn, giảm 76 ngàn tấn, năng suất ước đạt gần 50,5 tạ/ha (giảm 13 tạ/ha) do ảnh hưởng thời tiết không ổn định, mưa lớn trái mùa[5].

- Chăn nuôi: Đàn trâu 15.239 con, giảm 1,9%; đàn bò 28.528 con, giảm 1,1%; đàn lợn 155.121 con, tăng 4,6%; đàn gia cầm 4.887 ngàn con, tăng 1,9%, trong đó: đàn gà 3.532 ngàn con, tăng 1,7%. Triển khai công tác phòng, chống nắng nóng đối với đàn vật nuôi và triển khai kế hoạch tiêm phòng vụ Thu 2022[6]; triển khai công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường, tăng cường thực hiện tại các ổ dịch, hố chôn gia súc, các nơi có nguy cơ cao xảy ra các loại dịch bệnh.

- Thủy sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản đến tháng 11/2022 ước đạt 7.589 ha, tăng 1,5% so với cùng kỳ[7]. Sản xuất giống ước đạt 189,1 triệu con, tăng 2,5%. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 56.389 tấn tăng 2,6%; trong đó, sản lượng khai thác đạt 38.508 tấn, tăng 1,7%, nuôi trồng đạt 17.881 tấn, tăng 4,5%.

- Lâm nghiệp: Diện tích trồng rừng tập trung đến tháng 11/2022 đạt 5.713 ha, tăng 4,8% so với cùng kỳ; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng ước đạt 588.900 m3, tăng 3,2% so cùng kỳ.

3. Thu chi ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước 11 tháng ước đạt 11.520 tỷ đồng, vượt 68% dự toán và tăng 11% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương ước đạt 10.249,8 tỷ đồng, bằng 86% dự toán.

4. Tình hình đầu tư phát triển và xây dựng

* Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 11 tháng ước đạt 24.553 tỷ đồng, bằng 87,7% KH, tăng 6,5% so với cùng kỳ.

- Phân theo cấp quản lý: Vốn do Trung ương quản lý 6.404 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ; vốn do địa phương quản lý 18.149 tỷ đồng, tăng 7,6%.

- Phân theo nguồn vốn: Vốn ngân sách nhà nước đạt 5.986 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ; vốn tín dụng đạt 9.128 tỷ đồng, giảm 6,9%; vốn đầu tư của doanh nghiệp 2.972 tỷ đồng, tăng 4,1%; vốn đầu tư của dân 3.818 tỷ đồng, tăng 24,6%; vốn viện trợ nước ngoài 614 tỷ đồng, tăng 18,6%; vốn đầu tư nước ngoài 2.035 tỷ đồng, tăng 14,3%.

* Giải ngân vốn đầu tư công: Tính đến ngày 15/11/2022, đã giải ngân kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (không gồm vốn CTMTQG) là 2.618,195 tỷ đồng/4.266,055 tỷ đồng, đạt 61,4% KH (trong đó: vốn cân đối ngân sách địa phương giải ngân 1.246,792 tỷ đồng, đạt 58% KH; vốn NSTW (vốn trong nước) giải ngân 1.135,738 tỷ đồng, đạt 75,7% KH; vốn nước ngoài (ODA) giải ngân 235,665 tỷ đồng, đạt 38,2% KH). Chương trình mục tiêu quốc gia[8] đã giải ngân 28,492 tỷ đồng/346,76 tỷ đồng, đạt 8,2% KH.

* Về đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm: Tập trung phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia như: Đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài,...; theo dõi, đôn đốc, giám sát tiến độ thi công các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương[9]. Hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án: Đường Nguyễn Hoàng và cầu Vượt sông Hương, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường vành đai 3,...Khởi công dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex, dự án Đê chắn sóng Cảng Chân Mây - giai đoạn 2.

Hiện nay, một số dự án sản xuất kinh doanh tạo năng lực mới đã đi vào hoạt động góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế[10]. Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án triển khai chậm tiến độ như: Tòa nhà của VNPT, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế, Bến thuyền du lịch trên sông Hương, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển Hải Dương, Khu nghỉ dưỡng huyền thoại Địa Trung Hải mở rộng, Khu nghỉ dưỡng Mộc Lan - Lăng Cô,....

Đôn đốc triển khai thực hiện các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sớm đi vào hoạt động: Nhà máy sản xuất găng tay y tế - Kanglongda; Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn, thị xã Hương Thủy; Khách sạn Huế Square,...; Tập trung hỗ trợ một số dự án hoàn thiện thủ tục đầu tư, xây dựng để triển khai: Dự án Nhà máy may mặc tại KCN Quảng Vinh, sản xuất máy biến dòng, nhà máy gia công thạch anh Chân Mây, nhà máy chế biến nông sản. Đã tổ chức lễ khởi động dự án “Xây dựng thành phố Huế văn hoá và du lịch thông minh” do cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA).

5. Phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư

Tính đến 21/11/2022, có 745 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 5.847,5 tỷ đồng; tăng 35,5% về lượng và tăng 47% về vốn so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động 498 doanh nghiệp, tăng 12 doanh nghiệp; giải thể 111 doanh nghiệp, tăng 06 doanh nghiệp; số doanh nghiệp hoạt động trở lại 441 doanh nghiệp, tăng 98 doanh nghiệp.

Đã cấp phép cho 28 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư cấp mới với vốn đầu tư cấp mới đạt 14.002 tỷ đồng (gồm 05 dự án FDI[11] vốn đăng ký 231,7 triệu USD, tương đương 5.321,5 tỷ đồng); điều chỉnh tăng/giảm vốn đăng ký với vốn tăng thêm sau điều chỉnh 427,2 tỷ đồng. Ngoài ra, có 8 dự án được cấp quyết định chủ trương và đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng vốn kêu gọi đầu tư trên 5.500 tỷ đồng.

Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư được tập trung đẩy mạnh; từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức làm việc với các Tập đoàn lớn: Sovico, Sunshine, Hòa Phát, Tân Á Đại Thành, Alphanam, KMH (Hàn Quốc), AGR (Thái Lan – về xuất khẩu gạo), SermSang (Thái Lan – về năng lượng), Tập đoàn Itochu, Tập đoàn Yoshida Kaiun (Nhật Bản), Công ty Cổ phần Western Pacific; ký kết Biên bản thảo luận với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam; Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham). Tham gia xúc tiến đầu tư, thương mại trong khuôn khổ của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Séc - Châu Âu tại Cộng hòa Séc và Chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - vùng Kyushu Nhật Bản. Tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư các hãng tàu container Cảng Chân Mây.

6. Văn hóa - xã hội

- Về khoa học và công nghệ: Ban hành và triển khai nhiều Kế hoạch trọng tâm, trọng điểm của ngành[12]; hoàn thiện đề án tổng thể “Phát triển Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung giai đoạn 2021-2025”; Đề án Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế; Chương trình Ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tổ chức ngày hội Cố đô khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Diễn đàn Khởi nghiệp mùa xuân năm 2022 kết hợp triển lãm sản phẩm khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tổ chức thành công Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2022; Hội thảo khoa học cấp tỉnh “Tạo lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ trong phát triển du lịch tại tỉnh Thừa Thiên Huế” và tổ chức “Triển lãm sản phẩm du lịch” quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ trong du lịch. Tiếp tục thực hiện Đề án Cố đô khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030”. Khai giảng khóa đào tạo nâng cao nhận thức về chuyển đổi số năm 2022 cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tổ chức cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022.

- Về văn hóa - thể thao: Tiếp tục xây dựng các đề án lớn thuộc lĩnh vực; triển khai thực hiện các Đề án, kế hoạch đã được phê duyệt. Tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân 77 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9; các hoạt động trong khuôn khổ Festival Huế 2022. Ngày hội Áo dài Huế; Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Muôn năm Quốc hiệu Việt Nam”; Hội diễn Nghệ thuật quần chúng “Câu hò nối những dòng sông” khu vực miền Trung - năm 2022. Tổ chức các cuộc trưng bày triển lãm: Trang phục truyền thống các nước ASEAN, “Tên Người - Hồ Chí Minh”; “Y quan triều Nguyễn”; trưng bày cổ vật trong dịp Festival Huế 2022, trưng bày hiện vật văn hoá Champa; Ngày hội Lân Huế;... Công bố quyết định thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo Việt Nam tại Huế. Đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia “Địa điểm chiến thắng Đồi A Bia” xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế.

Tổng lượng khách tham quan di tích đến hết ngày 20/11/2022 là 1.209 nghìn lượt, gấp 4,9 lần so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế 143,3 nghìn lượt, gấp 2,2 lần; khách trong nước 1.065,7 nghìn lượt, gấp 4,3 lần. Doanh thu đạt 173,2 tỷ đồng, gấp 7,9 lần so với cùng kỳ.

Tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IX năm 2022. Tổ chức các giải thể thao cấp tỉnh và cấp quốc gia. Triển khai chương trình Bơi an toàn phòng chống đuối nước. Tăng cường kiểm tra công tác cứu hộ cứu đuối (các bể bơi, suối,...) và các dịch vụ TDTT.

Tổ chức Lễ xuất quân Đoàn vận động viên Thừa Thiên Huế tham gia thi đấu Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX - năm 2022. Tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX - năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tham gia thi đấu 17 môn thể thao trên tổng số 43 môn tại đại hội[13] với tổng cộng 154 VĐV. Đoàn thể thao tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đạt được từ 20 đến 25 huy chương các loại, trong đó có 4 - 6 huy chương vàng.

- Về giáo dục và đào tạo: Triển khai Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy về việc xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Tổ chức khai giảng năm học mới năm học 2022 – 2023[14]; Công bố quyết định thành lập trường THPT chuyên Khoa học Huế. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT toàn tỉnh đạt 96,76% (năm 2021 đạt 97,01%). Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam đã tổ chức lễ trao học bổng Vallet cho 230 học sinh, sinh viên xuất sắc trên địa bàn tỉnh năm học 2021-2022. Tổ chức lễ tuyên dương "Học sinh danh dự toàn trường" năm học 2021 - 2022 ở các cấp học trên địa bàn tỉnh. Tổ chức nhiều hoạt động nhân ngày Ngày Nhà giáo việt Nam 20/11.

Đại học Huế giữ vững quy mô đào tạo với 44.027 sinh viên chính quy, 15.756 sinh viên hệ vừa làm vừa học, 4.099 sinh viên hệ đào tạo từ xa, 4.196 học viên cao học, 253 nghiên cứu sinh, 1.202 Bác sĩ chuyên khoa cấp I, 235 Bác sĩ chuyên khoa cấp II, 316 Bác sĩ nội trú. Thực hiện tốt công tác tuyển sinh đại học và sau đại học năm học 2022; tuyển sinh đại học đạt trên 91% chỉ tiêu tuyển sinh; dự kiến tuyển sinh 2673 chỉ tiêu cao học và 200 nghiên cứu sinh. Lần đầu tiên Đại học Huế được xếp hạng chính thức bảng xếp hạng Times Higher Education - THE 2023 (một trong 6 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng)”.

- Về y tế: Công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được thực hiện tốt. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong lĩnh vực y tế, rà soát lại danh mục và đăng ký bổ sung các dự án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng mức đầu tư dự kiến 622 tỷ đồng[15]; tập trung công tác truyền thông, vận động người dân tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 bằng nhiều hình thức. Tính đến ngày 17/11/2022, Thừa Thiên Huế đã được phân bổ 3.069.250 liều vắc xin phòng COVID-19 và đã triển khai 44 đợt tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 với 2.906.453 liều vắc xin phòng COVID-19 đã tiêm cho người từ 5 tuổi trở lên[16].

Các bệnh dịch lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng có xu hướng tăng do đang bắt đầu vào cao điểm mùa dịch; các dịch bệnh khác như sởi, sốt rét... ổn định, không ghi nhận ổ dịch tập trung, cụ thể: Tính đến hết ngày 19/11/2022, toàn tỉnh đã ghi nhận 1.270 ca sốt xuất huyết (trong đó có 116 ca ngoại lai) và không có trường hợp tử vong. Tay chân miệng: đến nay, 109 ca mắc Tay chân miệng; 07 trường hợp ca xác định nhiễm liên cầu lợn. Các dịch bệnh truyền nhiễm khác như sốt rét, sởi và các bệnh nhiễm trùng khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng: chưa ghi nhận trường hợp nào.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời gian trước Tết và hoạt động kinh doanh tại các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn tỉnh; phối hợp tổ chức hiệu quả công tác kiểm tra liên ngành, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở thẩm mỹ. Triển khai đồng bộ việc ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh BHYT với mục tiêu xây dựng hệ thống thông tin đồng bộ phục vụ hoạt động khám chữa bệnh và thanh toán BHYT dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến.

- Về lao động việc làm, an sinh xã hội: Đến 20/11/2022, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 16.473 người (vượt 101,1% kế hoạch), trong đó đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động 1.139 người (đạt 57% kế hoạch), tập trung tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Triển khai Kế hoạch số 350/KH-UBND ngày 29/9/2022 của UBND tỉnh về thu thập, lưu trữ, tổng hợp biến động thông tin thị trường lao động năm 2022.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh 13.342 người (đạt 89% KH), trong đó chủ yếu là trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác: 9.830 người; trình độ cao đẳng, trung cấp 3.512 người.

Tập trung thực hiện Kế hoạch số 221/KH-UBND ngày 09/6/2022 của UBND tỉnh về việc tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022)[17]; tổ chức Lễ trao bằng Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt nam anh đối với 06 trường hợp và 02 Huân chương độc lập và các hình thức khen thưởng Nhà nước. Tổ chức đưa thân nhân liệt sĩ đi nhận bằng Tổ quốc ghi công tại tỉnh Nghệ An; đưa Đoàn người có công tiêu biểu của tỉnh tham dự Lễ Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ và Gặp mặt người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2022 tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 22-24/7/2022; đưa Đoàn người có công và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu của tỉnh thăm thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam….

Tổ chức Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện công tác về người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2016-2020 và triển khai kế hoạch công tác về người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022-2026 trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp trí tuệ, tinh thần, vật chất xây dựng quê hương.

Triển khai Nghị quyết của Tỉnh ủy về Giảm nghèo bền vững, xây dựng Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025. Tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Ước đến cuối năm 2022, tổng số hộ nghèo còn 13.691 hộ, chiếm tỷ lệ 4,13% đạt kế hoạch đề ra.

Công tác hỗ trợ ảnh hưởng dịch Covid-19: Hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg: Tính đến ngày 20/11/2022, toàn tỉnh thực hiện hỗ trợ: 182.180 lượt đối tượng, với tổng kinh phí: 136,445 tỷ đồng. Hỗ trợ người điều trị nhiễm COVID-19 (F0), (F1): Tính đến ngày 20/11/2022, đã hỗ trợ tiền ăn đối với F0, F1 cách ly y tế tại nhà: 49.567 người; số tiền: 40,432 tỷ đồng; hỗ trợ thêm đối với trẻ em (dưới 16 tuổi theo quy định của Luật Trẻ em), người cao tuổi, người khuyết tật: 20.270 người; số tiền hỗ trợ: 20,270 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg (đến ngày 31/8/2022 đã hoàn thành): Đã hỗ trợ cho 261 đơn vị, với 1.694 lao động, tương ứng 2,308 tỷ đồng.

7. Cải cách hành chính

Đã tiến hành rà soát lại bộ TTHC thuộc thẩm quyền; quy trình nội bộ, quy trình điện tử; đồng thời, thực hiện toàn bộ quy trình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thuộc thẩm quyền tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Tiến hành công bố Danh mục TTHC chuẩn hóa một số lĩnh vực theo thẩm quyền của đơn vị. Tập trung hoàn thiện, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số phục vụ người dân, doanh nghiệp; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; đảm bảo chỉ số xếp hạng Chính quyền điện tử luôn nằm ở nhóm đầu toàn quốc. Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh với sản phẩm “Nền tảng số hoá dùng chung tỉnh Thừa Thiên Huế” tiếp tục được bình chọn là sản phẩm xuất sắc của ngành phần mềm, công nghệ thông tin Việt Nam, được công nhận Giải thưởng Sao Khuê năm 2022 và giành giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2022 ở hạng mục Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc. Tỉnh Thừa Thiên Huế được vinh danh ở hạng mục "Chính phủ số" trong 6 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam vừa xuất sắc giành giải thưởng CNTT của tổ chức Công nghiệp điện toán khu vực Châu Á – Châu Đại Dương (ASOCIO).

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh năm 2021 đạt các kết quả vượt bậc: Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đứng đầu cả nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị thứ 08 toàn quốc, tăng 9 bậc; ứng dụng CNTT (ICT-index) giữ ngôi vị thứ 2; Chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX) xếp thứ 4.

8. Công tác đối ngoại, quốc phòng - an ninh

- Công tác đối ngoại: Đã đón tiếp, làm việc với 434 đoàn khách quốc tế/1945 lượt người đến thăm, làm việc, tìm hiểu cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư – thương mại, tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế (tăng 352 đoàn/1674 lượt người so với cùng kỳ). Tổ chức Đoàn đại biểu cấp cao của tỉnh đi thăm và làm việc tại các tỉnh Trung, Nam Lào (22/8/2022-26/8/2022). Tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm duy trì và tăng cường triển khai trao đổi hợp tác quốc tế theo chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến; tiếp tục theo dõi việc xúc tiến, triển khai quan hệ hợp tác với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Bỉ, Nga, Thái Lan, Lào, Hy Lạp, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Ý...; tham gia các hội nghị về kinh tế đối ngoại[18]; khai thác hiệu quả các mối quan hệ đối tác, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các đối tác nước ngoài; triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế, ngoại giao văn hóa và ngoại giao kinh tế trên địa bàn tỉnh thông qua hình thức “đối ngoại trực tuyến”. Công tác đối ngoại tiếp tục phục vụ có hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Quốc phòng, an ninh: Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2022. Tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh năm 2022; diễn tập ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân trên địa bàn tỉnh. Triển khai tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC và CNCH trên phạm vi toàn tỉnh. Tổ chức ra quân mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

An toàn giao thông: Từ đầu năm đến ngày 14/11/2022, đã xảy ra 241 vụ tai nạn giao thông, tăng 39 vụ so với cùng kỳ; làm chết 168 người, tăng 44 người; bị thương 141 người, tăng 06 người.

B. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THÁNG 12 NĂM 2022

1. Tập trung hoàn thiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 của tỉnh và các địa phương trình cấp có thẩm quyền theo quy định; Kế hoạch triển khai thực hiện 06 Chương trình trọng điểm năm 2023. Tổ chức Hội nghị phân công các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và địa phương theo dõi, chỉ đạo, thực hiện mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Tổ chức Hội nghị tổng kết cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

2. Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19; khẩn trương rà soát và đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, hoàn thành sớm nhất việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ[19] và Nghị quyết 145/NQ-CP ngày 19/11/2021 của Chính phủ quyết nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số nội dung về chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19; chuẩn bị tiêm vắc xin cho trẻ dưới 5 tuổi theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.

3. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ; trong đó, cần tập trung:

- Hoàn thiện báo cáo giữa kỳ Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 để xin ý kiến các Bộ, ngành Trung ương theo quy định; triển khai nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; xây dựng Đề án phân loại đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương; Đề án phân loại đô thị Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV và Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương. Đôn đốc, triển khai lập Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030”.

- Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 30/6/2022 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình số 12-CTr/TU ngày 13/5/2022 của Tỉnh ủy (khóa XVI) thực hiện Nghị quyết 38/2021/QH15, ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghị định số 84/2022/NĐ-CP ngày 20/10/2022 của Chính phủ về thành lập và Quy chế hoạt động của Qũy Bảo tồn Di sản Huế.

4. Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2025. Tập trung khắc phục, nâng cấp, sửa chữa một số tuyến đường giao thông, tuyến đê điều, hệ thống thủy lợi, sạt lở bờ sông, bờ biển,…do mưa bão gây ra. Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân 2022 - 2023.

Theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường, phòng chống gian lận thương mại; chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường nhằm đảm bảo sản xuất đáp ứng nhu cầu xã hội, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, góp phần kiềm chế lạm phát, nhất là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Đảm bảo nguồn cung tiêu dùng cho những tháng cuối năm và chuẩn bị Tết Nguyên đán.

Tăng cường công tác giám sát chặt chẽ tiến độ, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai và đưa vào hoạt động các dự án sản xuất công nghiệp[20]; tiếp tục xúc tiến, kêu gọi các Tập đoàn lớn, có thương hiệu đầu tư phát triển các ngành công nghiệp tạo năng lực mới.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước; tổ chức các hoạt động Lễ hội mùa Đông trong khuôn khổ Festival Huế 2022; tập trung hỗ trợ tạo điều kiện sớm đưa vào hoạt động TTTM - dịch vụ - giải trí Nguyễn Kim; hỗ trợ triển khai dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall,…

5. Tập trung tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025 gồm: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Khẩn trương thực hiện lồng ghép, phân khai các nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng mục tiêu; tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch.

6. Về quản lý tài chính ngân sách: Tập trung chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành và vượt kế hoạch công tác thu ngân sách nhà nước. Ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, an sinh xã hội, hỗ trợ phục hồi kinh tế và dự phòng cho các trường hợp bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu,…Thực hiện nghiêm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách. Tập trung xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 của tỉnh và các địa phương trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

7. Tập trung phát triển lĩnh vực văn hoá - xã hội; hoàn hiện đề án thành lập Khu Công nghệ cao trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án liên quan lĩnh vực y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ. Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2022 - 2023. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào, cuộc vận động xây dựng Thừa Thiên Huế “xanh, sạch, sáng”. Chuẩn bị tốt các điều kiện để nhân dân đón Tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân vui Xuân đón Tết. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách, người nghèo, nhất là trước và sau Tết Nguyên đán.

8. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn liền với ứng dụng CNTT và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015, tăng cường tiếp nhận, giao trả trực tuyến TTHC mức độ 3 và 4; tạo lập hồ sơ, tài khoản trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Triển khai hiệu quả các kế hoạch duy trì và nâng cao các chỉ số hành chính về PAR-Index; PAPI-Index, PCI, ICT.

9. Tăng cường công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh nhằm giảm tội phạm, đặc biệt là tội phạm về trật tự xã hội, tội phạm ma tuý và tội phạm công nghệ cao; vi phạm trên lĩnh vực kinh tế, môi trường, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Tiếp tục thực hiện dự án về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án cấp căn cước công dân. Triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị nhằm phòng ngừa, làm giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy đối với các vũ trường, quán bar, karaoke,…trên địa bàn toàn tỉnh.

 



[1] Trong đó: nhóm hàng nông, thuỷ sản 11 tháng ước đạt 52,8 triệu USD, chiếm 5,1%, giảm 24,8% so với cùng kỳ; nhóm hàng CNCB ước đạt 854,2 triệu USD, chiếm 81,8%, tăng 5,9%, gồm: xơ, sợi dệt các loại ước đạt 179,3 triệu USD, giảm 38%; hàng may mặc ước đạt 551,9 triệu USD, tăng 26%; gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 12,9 triệu USD, tăng 54,8%; Nhóm các hàng hóa khác (hương và bột hương, bia, rượu sa kê, hàng thủ công mỹ nghệ, bao bì xi măng,…) ước đạt 137,1 triệu USD, chiếm 13,1%, giảm 0,9%.

[2] Các mặt hàng cần nhập khẩu 11 tháng ước đạt 559,5 triệu USD, chiếm 74,6%, tăng 6,6% so với cùng kỳ, cụ thể: thủy sản ước đạt 2,3 triệu USD, tăng 48,3%; nguyên phụ liệu dệt may ước đạt 509,3 triệu USD, tăng 3%; MMTB, dụng cụ, phụ tùng ước đạt 47,9 triệu USD, tăng 66%; nhóm hàng hóa khác (thạch cao, thép, hóa chất, linh kiện điện tử, NVL SX bia,...) ước đạt 187,5 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ.

[3] Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách tháng 11 ước đạt 71,6 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa 252,8 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước, tăng 4% so với cùng kỳ; DV hỗ trợ vận tải 21,7 tỷ đồng, tăng 11,9% so với tháng trước, giảm 9,7% so với cùng kỳ; bưu chính, chuyển phát 1,9 tỷ đồng, tăng 5,6% so với tháng trước, tăng 17,2% so với cùng kỳ.

[4] Tr.đó: Doanh thu vận tải hành khách 11 tháng ước đạt 611,1 tỷ đồng, tăng 44,7% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa 2.717,9 tỷ đồng tăng 19,6%; DV hỗ trợ vận tải 257,5 tỷ đồng, tăng 35,2%; bưu chính,chuyển phát 25,4 tỷ đồng tăng 56%.

[5] đặc biệt đã có giông lốc và mưa lớn gây ngập lụt trên diện rộng trong đầu tháng 4, mức thiệt hại khoảng 936 tỷ đồng

[6] Đến nay đã tiêm: đã tiêm 4.580 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu bò đạt 44,7% kế hoạch; 47.490 liều vắc xin tam liên lợn đạt 82,7% kế hoạch; 4.455 liều vắc xin VX + KT E.coli đạt 49,5% kế hoạch; 538.050 liều vắc xin cúm gia cầm, đạt 84,4% kế hoạch; 401.050 liều vắc xin dịch tả vịt, đạt 23,1% kế hoạch; 54.240 liều vắc xin Newcastle đạt 66,8% kế hoạch; 3.950 liều vắc xin tụ huyết trùng gia cầm đạt 33,8% kế hoạch; 15.690 liều vắc xin đậu gà, đạt 30,6% kế hoạch; 41.300 liều vắc xin VX+KT Gumboro đạt 27,4% kế hoạch; 100.210  liều vắc xin Lasota+New, đạt 70,4% kế hoạch.

[7] trong đó nuôi nước lợ 5.671 ha tăng 2,3% (nuôi tôm thẻ chân trắng đạt 581 ha, tăng 3,6%), nuôi nước ngọt 1.918 ha giảm 0,8%

[8] theo Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ

[9] Gồm Dự án Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh; Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế (hợp phần tu bổ, tôn tạo và đền bù, GPMB và tái định cư); Phục hồi Điện Kiến Trung-Tử Cấm Thành; Đường Phú Mỹ - Thuận An, huyện Phú Vang; đường Chợ Mai - Tân Mỹ; đường phía Tây phá Tam Giang - Cầu Hai (đoạn Phú Mỹ-Phú Đa); Đường cứu hộ cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc; Đường phía Đông đầm Lập An; Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh;....

[10] XD Nhà máy chế biến cát, bột thạch anh ít sắt chất lượng cao (Hue Premium Silica), Nhà máy thủy điện Thượng Nhật, Nhà máy thủy điện sông Bồ, Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Mỹ An, TT TMDV – giải trí Nguyễn Kim....

[11] Dự án: NM SX trang phục lót và hàng thể thao của Cty Scavi Huế 25 triệu USD (575 tỷ đồng); NM may JA VN của Cty TNHH JAVN Hong Kong Limited 34,5 triệu USD (773,3 tỷ đồng); XD nhà xưởng để cho thuê của Công ty CP Hello Quốc tế VN 1,5 triệu USD (34,5 tỷ đồng); TT TM AEON MALL Huế 169,67 triệu USD (3.916 tỷ đồng); DA XD trạm bơm và đường ống cấp nước SX NM xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn 999.493 USD (22,7 tỷ đồng).

[12] Như: “Xây dựng TT-Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2030”; “KH triển khai CTHĐ thực hiện chủ trương, chính sách tham gia cuộc CM CN 4.0 năm 2022”;  Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu và các SP dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030”; Đề án “Cố đô Khởi nghiệp năm 2022”; QĐ ban hành DM sản phẩm chủ lực tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025; NQ về ứng dụng KH CN vào SX NN công nghệ cao tỉnh Thừa Thiên Huế;….

[13] gồm: Bơi; lặn; Bóng đá; Bida; Vovinam; Bắn cung; Cầu lông; Cờ vua; Đá cầu; Điền kinh; Judo; Karatedo; Vật tự do; Vật dân tộc; Taekwondo; JuJicsu, Cầu mây

[14] Năm học này, toàn tỉnh có hơn 280.000 học sinh, trong đó có gần 66.000 trẻ mầm non, 106.000 học sinh Tiểu học, 68.000 học sinh THCS, 38.000 học sinh THPT và gần 3.000 học viên Giáo dục Thường xuyên

[15] Nghị quyết số 93/NQ-HĐND ngày 07/9/2022 của HĐND tỉnh về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên Huế; Nghị quyết số 95/NQ-HĐND ngày 07/9/2022 của HĐND tỉnh về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho BVĐK Bình Điền và TTYT huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; Nghị quyết số 94/NQ-HĐND ngày 07/9/2022 của HĐND tỉnh về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đầu tư nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 31 Trạm Y tế tuyến xã, tỉnh Thừa Thiên Huế

[16] Bên cạnh đó, đã triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại cho người từ 12 tuổi trở lên, Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mùa tựu trường năm học 2022-2023 cho học sinh, sinh viên trên địa bàn toàn tỉnh và phát động Tuần lễ Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên toàn tỉnh

[17] Kết quả: Đồng chí Lê Minh Khái - Bí thư TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Văn Hồi - Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH, đồng chí Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí Lãnh đạo tỉnh thăm và tặng quà Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công (với tổng số tiền 65tr đồng), thăm và tặng quà 01 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 02 anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trên địa bàn tỉnh. Bộ Ngoại giao đã thăm và tặng quà Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công với số tiền 100tr đồng; Bộ Quốc phòng thăm và tặng quà Trung tâm với số tiền 34tr đồng. Lãnh đạo tỉnh thăm và tặng quà đối với 165 gia đình người có công tiêu biểu, thăm và tặng quà Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công tỉnh, Đội quy tập mộ 192 – Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Quản trang nghĩa trang liệt sĩ thành phố Huế; dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, nghĩa trang liệt sĩ Hương Điền. Các huyện, thị xã, thành phố Huế, trong dịp này đã có hơn 43.561 suất quà được trao tặng đến người có công và gia đình người có công với tổng kinh phí hơn 11,785 triệu đồng. Tiếp nhận và tổ chức trao quà của Công ty TNHH thương binh nặng Hòa Bình đối với thương binh nặng 81% trở lên, mỗi suất quà là 02 bộ áo quần cựu chiến binh và số tiền 1tr đồng/người (thời gian từ 19/7 đến 19/8/2022).

[18] Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc 2022” khu vực miền Trung - Tây Nguyên; (2) Sự kiện trao chủ trương chấp thuận Công ty TNHH AeonMall Việt Nam thực hiện dự án TT TMDV tại tỉnh trong khuôn khổ chương trình làm việc giữa Thủ tướng VN - Nhật Bản; (3) Hội thảo trực tuyến “Eurocham gặp gỡ các tỉnh khu vực miền Trung”

[19] Công điện số 664/CĐ-TTg ngày 25/7/2022

[20] Như: Dự án Nhà máy Kanglongda Huế; Nhà máy gia công thạch anh Chân Mây, Dự án sản xuất chế biến nông sản ở KCN Tứ Hạ, Nhà máy sản xuất men frit của Công ty Cổ phần Vicofrit, Nhà máy sản xuất viên nén tại huyện Nam Đông của Công ty TNHH Viên nén Renen; Nhà máy xử lý nước sạch Vạn Niên công suất 120.000m3/ngđ

thuathienhue.gov.vn
 Bản in]