Tình hình kinh tế - xã hội tháng 03 và 03 tháng năm 2022
  

(Theo Báo cáo số 95/BC-UBND ngày 31/3/2022 của UBND tỉnh)

A. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 3 VÀ 3 THÁNG NĂM 2022

I. Những kết quả đạt được

1. Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ

- UBND tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục bổ sung, sửa đổi một số điều Nghị quyết 1210 về phân loại đô thị và Nghị quyết 1211 về phân loại đơn vị hành chính của thành phố trực thuộc trung ương (trong đó có tính đến yếu tố đặc thù đối với Thừa Thiên Huế) để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Đang phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu Thủ tướng Chính phủ trình Chính phủ ban hành Nghị định thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 410/TB-VPCP và Thông báo số 269/TB-VPCP ngày 18/10/2021 của Văn phòng Chính phủ.

- Xây dựng dự thảo Chương trình hành động và Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế[1].

- Phối hợp chặt chẽ đơn vị tư vấn tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050; cơ bản hoàn thành Đề án “Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế”; đang lập hồ sơ mời thầu, lựa chọn đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế; đã phê duyệt đồ án Quy hoạch chung đô thị Phong Điền đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045[2].

2. Tình hình phát triển kinh tế

a) Lĩnh vực dịch vụ:

- Hoạt động du lịch: Trong tháng 3/2022, lượng khách du lịch đến tỉnh ước đạt 114,8 nghìn lượt, giảm 4,4% so với tháng trước. Tổng thu từ du lịch ước đạt 204,7 tỷ đồng, tăng 21,9% so với tháng trước. Lũy kế từ đầu năm, lượng khách du lịch ước đạt 296,7 nghìn lượt khách, giảm 9,7% so với cùng kỳ; tổng thu từ du lịch ước đạt 479,8 tỷ đồng, tăng 25,3%.

Ngày 10/3/2022, tỉnh đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2022 - 2026 giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư và du lịch.

Đã ban hành kế hoạch thực hiện việc mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế và nội địa, triển khai các hoạt động phục hồi, kích cầu du lịch: miễn 100% giá vé tham quan từ ngày 05/3-10/3/2022[3] tại các điểm di tích do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý,… làm sôi động các dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19".

- Hoạt động thương mại, giá cả: Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 3/2022 ước đạt 4.032,1 tỷ đồng, tăng 3,8% so với tháng trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.215,5 tỷ đồng, chiếm 80%, tăng 3,9% so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ước tăng 0,22% so với tháng trước.

Lũy kế 03 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 12.036,9 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 9.667,3 tỷ đồng, chiếm 80%, tăng 5%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 03 tháng tăng 2,78% so với cùng kỳ.

- Hoạt động xuất nhập khẩu:

Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng hóa tháng 03/2022 ước đạt 107,3 triệu USD tăng 14,7% so với cùng kỳ. Lũy kế KNXK 03 tháng ước đạt 295,8 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ và đạt 26,18 % kế hoạch[4].

 Kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hóa tháng 03 ước đạt 59,1 triệu USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ. Lũy kế KNNK 03 tháng đạt 188,2 triệu USD, tăng 26,3% so cùng kỳ và đạt 28,9% kế hoạch[5].

Hoạt động ngân hàng: Ước đến cuối tháng 03/2022, tổng vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 56.700 tỷ đồng, tăng 1,94% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng tại các TCTD đạt 65.600 tỷ đồng, tăng 3,65% so với đầu năm. Nợ xấu nội bảng tại các TCTD trên địa bàn ở mức 329 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 0,51%.

Hoạt động vận tải: Tháng 03/2022, vận tải hành khách ước đạt 1.171,9 nghìn  hành khách, tăng 4,8% so với tháng trước và giảm 25,2% so với cùng kỳ; hàng hóa vận chuyển ước đạt 1.467,2 nghìn tấn, tăng 1% so với tháng trước và tăng 34,6% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải, bốc xếp và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 301,7 tỷ đồng, tăng 1% so với tháng trước và tăng 24,9% so với cùng kỳ[6].

Lũy kế 03 tháng, vận tải hành khách ước đạt 3.357,4 nghìn hành khách, giảm 33% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa ước đạt 4.504,9 nghìn tấn, tăng 17%. Doanh thu vận tải, bốc xếp và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 911 tỷ đồng, tăng 10,6%[7] .

b) Lĩnh vực công nghiệp:

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 03 ước tăng 7,12% so với cùng kỳ. Tính chung 03 tháng, chỉ số IIP tăng 9,85% so với cùng kỳ, trong đó: Công nghiệp khai khoáng ước giảm 13,9%; Công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 6,9%; Sản xuất và phân phối điện, nước đá ước tăng 50,1%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước tăng 4%.

Một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng tăng: bia 48,9 triệu lít, tăng 6,7% so với cùng kỳ (trong đó: bia lon 32,7 triệu lít, tăng 25,9%; bia chai 16,1 triệu lít, giảm 18,4%); sợi các loại 24,1 nghìn tấn, tăng 15%; quần áo lót 96,1 triệu cái, tăng 9,5%; Clanhke xi măng 642,7 nghìn tấn tăng 4,3%; điện sản xuất 337,5 KWh, tăng 71,8%; dăm gỗ 160,7 nghìn tấn, tăng 9,2%; men frit 64,2 nghìn tấn, tăng 11,5%; vỏ lon nhôm 3,7 nghìn tấn, tăng 2,4%;....

Một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng giảm: tôm đông lạnh 625,6 tấn, giảm 9,3%; xi măng 364,3 nghìn tấn, giảm 13,7%;....

c) Lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp:

Trồng trọt: Diện tích lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 đã gieo cấy đạt 28.193 ha, hiện đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tiến độ gieo trồng các loại cây hàng năm khác so với kế hoạch: Ngô 1.011ha/1.011ha, Lạc 2.325ha/2.325 ha, Sắn 3.607ha/3.895ha, Rau các loại 1.819/1.819ha, Đậu các loại 797ha/797ha, Khoai lang 635ha/635ha, Ném 145ha/145ha, Hoa các loại 70/70 ha, Sen 429ha/602ha.

Chăn nuôi: Đến nay, đàn trâu 14.280 con, đàn bò 28.175 con, đàn lợn 138.300 con, đàn gia cầm 4.560 nghìn con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 11.163 tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ.

Thủy sản: Sản lượng thủy sản đến tháng 3/2022 ước đạt 9.220 tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ[8]; trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 1.571 tấn, khai thác đạt 7.649 tấn (khai thác biển 6.920 tấn). Sản xuất giống ước đạt 75,5 triệu con, trong đó tôm sú 50,7 triệu con, ươm cá giống 21,3 triệu con.

Lâm nghiệp: Diện tích trồng rừng tập trung đạt 3.280 ha[9] tăng 4,3% so với cùng kỳ, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng ước đạt 122.000 m3, tăng 1,4%.

Đã phối hợp với Học Viện Nông nghiệp Việt Nam (dự án Luxembourg) tổ chức Hội nghị trực tuyến tham vấn Đề án phát triển kinh tế Nông nghiệp theo định hướng xanh và bền vững giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

3. Thu chi ngân sách Nhà nước

Thu ngân sách nhà nước 03 tháng ước đạt 2.278 tỷ đồng, chiếm 33,2% dự toán và giảm 4% so với cùng kỳ; trong đó: thu nội địa 2.169 tỷ đồng[10], chiếm 34% dự toán và giảm 3,6% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 108 tỷ đồng, chiếm 23,5% dự toán và giảm 4,7%; thu viện trợ, huy động đóng góp 1.126 triệu đồng, chiếm 10,2% dự toán.

Chi ngân sách địa phương ước đạt 1.918,1 tỷ đồng, chiếm 16,1% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển 423,8 tỷ đồng, chiếm 9,9% dự toán, chi thường xuyên 1.485,8 tỷ đồng, chiếm 20,1%.

4. Tình hình đầu tư và xây dựng

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 03 tháng ước đạt 4.397 tỷ đồng, bằng 15,7% KH, tăng 1,9% so với cùng kỳ.

- Phân theo cấp quản lý: vốn do Trung ương quản lý 1.163 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ; vốn do địa phương quản lý 3.234 tỷ đồng, tăng 3%.

- Phân theo nguồn vốn: vốn ngân sách nhà nước đạt 1.143 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ; vốn tín dụng đạt 1.608  tỷ đồng, giảm 12,6%; vốn đầu tư của doanh nghiệp 576 tỷ đồng, giảm 8,5%; vốn đầu tư của nhân dân 645 tỷ đồng, tăng 17,3%; vốn viện trợ nước ngoài 175 tỷ đồng, bằng cùng kỳ; vốn đầu tư nước ngoài 250 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần.

Phối hợp với các cơ quan Trung ương đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm: đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài,...

Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án vốn ngân sách trung ương: Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh; Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế (hợp phần tu bổ, tôn tạo và đền bù, GPMB và tái định cư); Phục hồi Điện Kiến Trung-Tử Cấm Thành; Đường Phú Mỹ - Thuận An, huyện Phú Vang; đường Chợ Mai - Tân Mỹ; đường phía Tây phá Tam Giang - Cầu Hai (đoạn Phú Mỹ-Phú Đa); Đường cứu hộ cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc; Đường phía Đông đầm Lập An; Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh;....

Triển khai thực hiện các dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu Vượt sông Hương, Đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, Đường vành đai 3, Đê chắn sóng Cảng Chân Mây - giai đoạn 2,....Tổ chức khởi công dự án Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An tại xã Hải Dương vào ngày 26/3/2022.

Ước đến 25/03/2022, đã giải ngân 376,444 tỷ đồng/4.746,439 tỷ đồng (KH vốn), đạt 7,93%, trong đó: vốn cân đối ngân sách địa phương giải ngân 280,785 tỷ đồng, đạt 7,61% KH; vốn ngân sách trung ương giải ngân 95,659 tỷ đồng, đạt 9,03% KH.

Một số dự án trọng điểm đã đi vào hoạt động góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp, tăng nguồn thu ngân sách tỉnh như: Dự án xây dựng nhà máy chế biến cát, bột thạch anh ít sắt chất lượng cao (Hue Premium Silica), Nhà máy thủy điện Thượng Nhật, Nhà máy thủy điện sông Bồ, Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Mỹ An,.... Các dự án thuộc lĩnh vực dệt may, khai thác khoáng sản, các dự án đầu tư trong KCN cơ bản thực hiện đúng tiến độ tại Giấy chứng nhận đầu tư được cấp.

Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án không triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ như: Tòa nhà của VNPT, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế, dự án Bến thuyền du lịch trên sông Hương, Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển Hải Dương, Khu nghỉ dưỡng huyền thoại Địa Trung Hải mở rộng, Tổ hợp nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của Bách Việt, Khu nghỉ dưỡng Mộc Lan - Lăng Cô,....

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung thực hiện các dự án: Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn, thị xã Hương Thủy (nhà máy điện rác Phú Sơn, tỉnh Thừa Thiên Huế); Nhà máy sản xuất găng tay y tế - Kanglongda; Khách sạn Huế Square,...Một số dự án đang tập trung làm thủ tục đầu tư, xây dựng để triển khai: Dự án Nhà máy may mặc tại KCN Quảng Vinh; Sản xuất máy biến dòng; Nhà máy gia công thạch anh Chân Mây; Hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn mở rộng của dự án Nhà máy Kanglongda Huế, Nhà máy chế biến nông sản.

* Tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ của 04 Tổ công tác giám sát, quản lý các dự án đầu tư:

UBND tỉnh đã quyết định thành lập 04 Tổ công tác giám sát, quản lý các dự án đầu tư do Chủ tịch và 03 Phó Chủ tịch UBND tỉnh để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn.

* Đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách:

Hiện nay, các tổ công tác đang tiến hành rà soát, đánh giá tiến độ triển khai và tập trung hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 187 dự án và được chia thành 04 nhóm. Trong đó:

- Nhóm 1: Dự án đã được chấp thuận nhà đầu tư, cần hỗ trợ hoàn thành thủ tục để tiến hành khởi công 30 dự án.

- Nhóm 2: Dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cần hỗ trợ để lựa chọn Nhà đầu tư: 19 dự án.

- Nhóm 3: Dự án đã phù hợp quy hoạch, đang hỗ trợ lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư: 29 dự án.

- Nhóm 4: Dự án đang lập thủ tục quy hoạch, chưa thực hiện các thủ tục khác: 109 dự án (đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ 06 dự án).

Đối với các dự án thuộc nhóm 3 và nhóm 4, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch hỗ trợ từng dự án trình UBND tỉnh phê duyệt; trên cơ sở đó phối hợp với các đơn vị để hoàn thiện các thủ tục để chấp thuận chủ trương đầu tư; tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

* Đối với các dự án sử dụng vốn trong ngân sách:

Các Tổ công tác đang tập trung theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai thực hiện đối với 118 dự án; yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương cam kết thực hiện giải ngân theo các mốc thời gian cụ thể, trực tiếp làm việc với các chủ đầu tư để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, nhất là liên quan công tác giải phóng mặt bằng để kịp thời tháo gỡ ngay từ các tháng đầu năm, phấn đấu hết Quý II/2022 giải ngân 50% kế hoạch vốn được giao.

5. Phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư

Tính đến 25/3/2022, có 201 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1.507 tỷ đồng, tăng 38,62% về lượng và tăng 86,19% về vốn so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại 233 doanh nghiệp, tăng 70 doanh nghiệp; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động là 273 doanh nghiệp, tăng 57 doanh nghiệp; giải thể 31 doanh nghiệp, tăng 04 doanh nghiệp.

Tính từ đầu năm đến nay, đã cấp phép cho 12 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư cấp mới đạt 7.145,6 tỷ đồng. Trong đó: Khu KT, CN đã cấp mới 03 dự án[11] với tổng vốn đầu tư cấp mới 1.215 tỷ đồng. Ngoài địa bàn Khu KT, CN cấp mới 09 dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới 5.930,6 tỷ đồng[12]. Thực hiện điều chỉnh cho 15 dự án. Tổ chức làm việc với các Tập đoàn lớn: Tập đoàn Itochu, Tập đoàn Yoshida Kaiun (Nhật Bản) và Công ty Cổ phần Western Pacific đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Ngày 17/3/2022, đã ký kết trực tuyến Biên bản thảo luận với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam về thực hiện dự án “Làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc”.

6. Văn hóa - xã hội

- Về khoa học và công nghệ: Triển khai Chương trình hành động thực hiện một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư năm 2022; Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022. Hoàn thiện Đề án Khu Công nghệ cao và Đề án tổng thể “Phát triển Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Ban hành Kế hoạch triển khai đề án "Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam" giai đoạn từ nay đến năm 2030; tổ chức thành công Hội thảo “Định hướng phát triển mai vàng Huế” và Triển lãm “Mai vàng Huế - Tuyệt tác mùa Xuân”.

Đã phê duyệt “Đề án Cố Đô khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030”, ban hành nhiều chính sách cụ thể để triển khai tổ chức thực hiện, cụ  thể: Kế hoạch triển khai đề án Cố đô Khởi nghiệp năm 2022; Quyết định ban hành Thể lệ Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022; Kế hoạch Tổ chức Ngày hội Cố đô khởi nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022 - Techfest Hue 2022.

- Về văn hóa - thể thao: Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030”, chuẩn bị tổ chức “Triển lãm trang phục truyền thống các nước ASEAN” chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN (1967 - 2022); 7 năm thành lập Cộng đồng ASEAN (2015-2022); 27 năm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN.

Đã tổ chức thành công giải Đua ghe truyền thống lần thứ 1 năm 2022; khai mạc các Giải thi đấu cấp quốc gia: Giải Vô địch Bóng rổ U23 quốc gia năm 2022, Giải bơi - Lặn vô địch quốc gia bể 25m, giải bóng đá hạng Nhất quốc gia năm 2022, giải Vô địch cung thủ xuất sắc quốc gia năm 2022. Tại Giải vô địch Karate khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ VII năm 2022, đoàn Thừa Thiên Huế có 20 VĐV tham dự và xuất sắc giành được 12HCV, 04 HCB, 13 hCĐ, xếp thứ nhì toàn đoàn. Bên cạnh đó, tại Giải Vô địch các Câu lạc bộ Vật cổ điển, Vật tự do quốc gia năm 2022, các nữ vận động viên Thừa Thiên Huế đã đạt 3 HCV, 1 HCB, xếp Nhì toàn đoàn. Giải chạy cộng đồng Jogging lần 2 đã diễn ra thành công vào ngày 6/3 với chủ đề “Vì một Huế xanh”. Đây là một trong các sự kiện thể thao quy mô, diễn ra trước VnExpress Marathon Imperial Huế 2022, dự kiến tổ chức ngày 10/4/2022.

- Về giáo dục và đào tạo: Xây dựng và thực hiện tiêu chí đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trực tiếp; xây dựng kịch bản dạy học linh hoạt, an toàn cho trẻ em, học sinh tùy theo tình huống dịch bệnh; triển khai thực hiện Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học đến toàn thể cán bộ, nhân viên, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Tổ chức thành công Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2021 - 2022 đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh. Đại học (ĐH) Huế công bố phương án tuyển sinh trình độ ĐH hệ chính quy năm 2022, dự kiến tuyển sinh 14.500 chỉ tiêu với 136 ngành đào tạo[13].

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy (khóa XVI) về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

- Về y tế: Tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 09/08/2021 về “Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung và cả nước giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Tổ chức thực hiện Thông tư số 02/2022/TT-BYT ngày 18 tháng 02 năm 2022 của Bộ Y tế quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2. Triển khai nội dung thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế giữa tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025 với Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội – Viettel.

* Công tác phòng, chống dịch Covid-19: Tiếp tục triển khai quyết liệt, nghiêm túc các giải pháp phòng chống dịch, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương trong việc triển khai và tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ nhằm phòng ngừa dịch COVID-19. Đã điều chỉnh các biện pháp chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh kể từ ngày 19/03/2022 cho phép tất cả các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh được hoạt động với 100% công suất và phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như khách hàng 12 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi vắc xin, khẩu trang, khử khuẩn, quét mã QR code.

Tiến độ tiêm vắc xin COVID-19 được triển khai thực hiện theo kế hoạch, đến ngày 31/3/2022, Bộ Y tế đã phân bổ 2.324.924 liều vắc xin, tổng số mũi tiêm đã được cập nhật lên phần mềm tiêm chủng Quốc gia: 2.250.866 liều. Dân số dự kiến ≥18 tuổi: 779.911 người (dự kiến số mũi tiêm: 1.559.822). Số trẻ em từ 12-17 tuổi: 102.131 (dự kiến số mũi tiêm: 204.262). Hiện đang điều trị cho 423 người nhiễm COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị trong đó có 115 trường hợp nặng, nguy kịch.

* Công tác phòng, chống các dịch bệnh lưu hành: Chủ động trong công tác phòng chống dịch, bệnh. Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, phát hiện dịch sớm, báo cáo dịch bệnh kịp thời ngay từ tuyến cơ sở; có phương án sẵn sàng đối phó khi có dịch bệnh xảy ra. Từ đầu năm đến nay, ghi nhận 05 trường hợp sốt xuất huyết, nhiễm mới HIV 08 trường hợp, không ghi nhận các trượng hợp ngộ độc thực phẩm.

- Về lao động việc làm, an sinh xã hội:

+ Lĩnh vực Lao động - Việc làm: Từ đầu năm đến nay, đã giải quyết việc làm cho 3.374 người lao động, đạt 20,7% kế hoạch năm; trong đó đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài 32 người tập trung tại thị trường Nhật Bản, đạt 1,6 % so với kế hoạch năm (tháng 3 giải quyết 1.374 người lao động, đưa 24 người đi lao động làm việc nước ngoài). Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh 3.720 người, đạt 24,8% kế hoạch năm[14].

- Công tác hỗ trợ ảnh hưởng dịch COVID-19:

+ Hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg: Tính đến ngày 22/3/2022, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ: 141.947 người, với tổng kinh phí: 85,8 tỷ đồng (bao gồm số ước thực hiện Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 1/7/2021-30/6/2022), hiện đang thực hiện giảm mức đóng theo từng tháng, trong đó: (01) Nguồn Bảo hiểm xã hội, ngân hàng CSXH: 113.507 người, với kinh phí: 39,2 tỷ đồng. (02) Nguồn ngân sách Trung ương (60%) và Tỉnh (40%): 9.706 người, với kinh phí: 17,9 tỷ đồng. (02) Nguồn ngân sách Tỉnh (100%, Nghị quyết 84 hỗ trợ lao động tự do, đối tượng đặc thù): 18.734 người, với kinh phí: 28,7 tỷ đồng.

+ Hỗ trợ người điều trị nhiễm COVID-19 (F0), (F1): Tính đến ngày 18/3/2022, đã phê duyệt danh sách hỗ trợ tiền ăn cho 3.938 người; hỗ trợ thêm tiền ăn 4.062 trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật điều trị do nhiễm COVID-19 (F0), cách ly y tế (F1) trên địa bàn các huyện/thị xã: A Lưới, Quảng Điền, Nam Đông, Phú Lộc, Hương Trà[15].

7. Cải cách hành chính

Đã tiến hành rà soát lại bộ TTHC thuộc thẩm quyền; quy trình nội bộ, quy trình điện tử; đồng thời, thực hiện toàn bộ quy trình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thuộc thẩm quyền tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Tiến hành công bố Danh mục TTHC chuẩn hóa một số lĩnh vực theo thẩm quyền của đơn vị. Tập trung hoàn thiện, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số phục vụ người dân, doanh nghiệp; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; đảm bảo chỉ số xếp hạng Chính quyền điện tử luôn nằm ở nhóm đầu toàn quốc.

8. Công tác đối ngoại, quốc phòng - an ninh

Công tác đối ngoại: Đã đón tiếp, làm việc với 19 đoàn khách quốc tế/85 lượt người đến thăm, làm việc, tìm hiểu cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư – thương mại, tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế (giảm 10 đoàn, tăng 17 lượt người so với cùng kỳ). Tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm duy trì và tăng cường, mở rộng quan hệ quốc tế và hợp tác hữu nghị với các đối tác theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế; khai thác hiệu quả các mối quan hệ đối tác, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động…với các địa phương nước ngoài; triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế, ngoại giao văn hóa và ngoại giao kinh tế trên địa bàn tỉnh thông qua hình thức “đối ngoại trực tuyến”. Công tác đối ngoại tiếp tục phục vụ có hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Quốc phòng, an ninh: Tổ chức lễ ra quân huấn luyện quân sự năm 2022 và thực hiện huấn luyện dân quân tự vệ theo kế hoạch. Tổ chức tiếp đón quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Tổ chức thành công Lễ giao nhận quân năm 2022 an toàn, nhanh gọn, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.

Về trật tự, an toàn xã hội: Tội phạm về trật tự xã hội xảy ra 144 vụ, giảm 07 vụ so với cùng kỳ, phần lớn là trộm cắp tài sản; tội phạm sử dụng công nghệ cao: phát hiện 01 vụ; Tội phạm vi phạm trên lĩnh vực kinh tế: Phát hiện 09 vụ/12 đối tượng[16]; tội phạm về chức vụ: phát hiện 01 vụ về tham ô tài sản, bắt 01 đối tượng; tội phạm về ma túy: phát hiện 36 vụ, bắt 64 đối tượng, tăng 01 vụ so với cùng kỳ; tội phạm về môi trường: xử lý hình sự 01 vụ, 01 đối tượng hủy hoại nguồn lợi thủy sản; xử lý hành chính 91 vụ/94 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 1,4 tỷ đồng.

An toàn giao thông: Trong tháng 03/2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 18 vụ tai nạn và va chạm giao thông, tăng 03 vụ so với cùng kỳ; làm chết 13 người, tăng 02 người; bị thương 09 người, tăng 01 người. Từ đầu năm đến 14/03/2022, đã xảy ra 60 vụ tai nạn giao thông, giảm 08 vụ so với cùng kỳ; làm chết 46 người, tăng 03 người; bị thương 32 người, giảm 12 người. Ngoài ra, xảy ra 06 vụ cháy, thiệt hại khoảng 02 tỷ đồng.

B. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM QUÝ II/2022

1. Tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và của Tỉnh; không chủ quan, lơ là đối với dịch bệnh Covid-19. Chủ động các kịch bản ứng phó kịp thời, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19; triển khai tiêm vắc xin cho trẻ 5 - 11 tuổi theo kế hoạch, bảo đảm an toàn. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kiến thức để tư vấn, hỗ trợ người dân về điều trị di chứng hậu Covid-19.

2. Xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án quan trọng

- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 1210 và Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong đó có tính đến yếu tố đặc thù đối với Thừa Thiên Huế.

- Đôn đốc thực hiện triển khai Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14, ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế.

- Xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình hành động của Tỉnh uỷ (khoá XVI) thực hiện Nghị quyết 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Phối hợp chặt chẽ Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định thành lập Quỹ Bảo tồn Di sản Huế.

- Xây dựng và triển khai Đề án “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2025”; xây dựng Đề án “Phát triển kinh tế vùng Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030” gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Tập trung đôn đốc, theo dõi, đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050; Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2050, tầm nhìn đến nay 2070; Chương trình phát triển đô thị Phong Điền đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết,...

Ngoài ra, căn cứ Chương trình công tác năm 2022 của UBND tỉnh, các Sở, ngành, địa phương được phân công chủ trì xây dựng các chương trình, đề án trình Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đảm bảo chất lượng và thời gian theo quy định.

3. Về phát triển kinh tế

- Lĩnh vực du lịch, dịch vụ:

Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số: 106/KH-UBND ngày 17/3/2022 của UBND tỉnh thực hiện việc mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế và phục hồi, kích cầu du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”.

Tập trung quảng bá hình ảnh du lịch Thừa Thiên Huế với thông điệp “Huế - Điểm đến an toàn và thân thiện”, khẳng định thương hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài”, “Huế - Kinh đô Ẩm thực”,…Phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch ban đêm, du lịch gắn với ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch golf, du lịch chăm sóc sức khỏe, khu vui chơi gắn với thiên nhiên, các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với sông hồ, suối thác và đầm phá...Xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng, sinh thái là sản phẩm OCOP. Mở cửa Đại Nội về đêm, tăng các sản phẩm, dịch vụ trong các điểm di tích. Đưa vào khai thác phố đêm Hoàng Thành vào tháng 4/2022. Khai thác sản phẩm Hop On - Hop Off, dịch vụ xe đạp công cộng, xe đạp thông minh (các điểm: Tòa Khâm, Nghênh Lương Đình, Eo Bầu,…).

Tập trung hỗ trợ phát triển mạnh các loại hình thương mại, dịch vụ. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các chương trình, giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước; khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử,…Tập trung chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn. Thực hiện hiệu quả các chính sách xúc tiến thương mại, duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là đối với mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

Tăng cường theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường; chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường nhằm đảm bảo sản xuất đáp ứng nhu cầu xã hội, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, góp phần kiềm chế lạm phát trong bối cảnh chịu tác động của tình hình dịch Covid-19 và giá xăng dầu thế giới tăng cao.

- Lĩnh vực nông nghiệp: Tập trung triển khai các biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh gây hại đối với các loại cây trồng, đặc biệt đối với cây lúa. Tập trung chỉ đạo công tác tiêm phòng; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, phát hiện nhanh và xử lý kịp thời, không để lây lan thành dịch đối với gia súc, gia cầm. Triển khai công tác chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản đảm bảo hiệu quả. Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng; không để xảy ra các điểm nóng về phá rừng và các tụ điểm mua bán, vận chuyển và săn bắt động vật hoang dã trái phép. Chủ động phương án trong công tác phòng hạn hán, ngập mặn; đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Tập trung triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiê Thiên Huế.

- Lĩnh vực công nghiệp:

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 03/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Tăng cường công tác giám sát chặt chẽ tiến độ triển khai các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp; đồng thời tập trung hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan trong quá trình triển khai dự án để sớm đưa các dự án vào hoạt động đúng tiến độ, góp phần tăng năng lực sản xuất và tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp tỉnh; đặc biệt các dự án Nhà máy Kanglongda Huế; Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motor Huế; Khu liên hợp sản xuất công nghiệp kính; Nhà máy sản xuất frit; Nhà máy sản xuất trang phục lót và hàng thể thao;...

Xúc tiến các Tập đoàn lớn, có thương hiệu đầu tư phát triển các ngành công nghiệp tạo năng lực mới. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đảm bảo tính sẵn sàng trong công tác xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư và đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI từ các nước sang Việt Nam.

4. Tập trung hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm

Tiếp tục phát huy hiệu quả của 04 Tổ công tác giám sát, quản lý các dự án đầu tư để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn. Trong đó:

- Đối với các dự án ngoài ngân sách: Tập trung hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đã được chấp thuận Nhà đầu tư (30 dự án) để sớm khởi công thực hiện dự án. Hỗ trợ để lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện 19 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư; hỗ trợ lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư 29 dự án đã phù hợp quy hoạch và trình phê duyệt kế hoạch hỗ trợ cho 103 dự án đang lập thủ tục quy hoạch, chưa thực hiện các thủ tục khác.

- Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách: Tập trung quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như: Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An; Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế (giai đoạn 1); Đường Phú Mỹ - Thuận An, huyện Phú Vang; Cải thiện môi trường nước thành phố Huế; Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng - giai đoạn 2”; Dự án “Chương trình phát triển các đô thị II - các đô thị xanh”; Nạo vét và xây dựng Kè hói Đốc Sơ-An Hòa; Cầu bắc qua sông Lợi Nông (nối từ đường 26m khu nhà ở An Đông sang đường 100 khu A, Khu đô thị mới An Vân Dương); Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư TĐC2 - đô thị mới An Vân Dương; Hạ tầng khu TĐ5 thuộc khu B - An Vân Dương (bao gồm tuyến đường 36m nối từ đường 100m Khu B vào Khu TĐ5); Doanh trại Đại đội 594 Phòng không. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2022 cho các dự án còn lại theo quy định tại Quyết định số 2048/QĐ-TTg ngày 06/12/2021 Quyết định số 97/QĐ-TTg ngày 06/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022 theo đúng quy định.

Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc công tác GPMB để đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn KKT, KCN: Dự án Đầu tư XD và KD kết cấu hạ tầng KCN Gilimex; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Phú Bài giai đoạn IV, đợt 1; Dự án Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Phong Điền - Viglacera và Dự án đầu tư xây dựng Hệ thống xử lý nước thải - KCN Phong Điền (Hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn mở rộng của dự án Nhà máy Kanglongda Huế); Dự án Nhà máy may mặc tại KCN Quảng Vinh; Dự án KCN và khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây; Dự án Nhà máy gia công Thạch Anh Chân Mây; Dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế; Khu du lịch nghỉ dưỡng Quốc tế Minh Viễn Lăng Cô; Dự án Khu phức hợp du lịch và dịch vụ Đăng Kim Long; Dự án Khu liên hợp sản xuất công nghiệp kính;…

5. Về quản lý tài chính ngân sách

Thực hiện các biện pháp quản lý thu, chi ngân sách. Tăng cường khai thác nguồn thu vãng lai; kinh doanh qua mạng; bán đấu giá quyền sử dụng đất;...ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, an sinh xã hội, hỗ trợ phục hồi kinh tế và dự phòng cho các trường hợp bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu,…

6.  Lĩnh vực văn hoá - xã hội, cải cách hành và đảm bảo quốc phòng, an ninh

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ KH&CN giai đoạn 2021 - 2022 và các chương trình, kế hoạch, đề án/dự án, nhiệm vụ trọng tâm của ngành; triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KH&CN. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất các ngành, lĩnh vực. Hoàn hiện đề án thành lập Khu Công nghệ cao trình Thủ tướng phê duyệt.

- Chuẩn bị và tổ chức Festival Huế lần thứ XI, Festival Bốn mùa theo kế hoạch trong trạng thái bình thường mới. Tổ chức tốt các hoạt động lễ hội, trưng bày, triển lãm, thư viện, chiếu phim, thông tin tuyên truyền, cổ động trực quan chào mừng các ngày lễ lớn và các sự kiện chính trị văn hóa của tỉnh và cả nước. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

- Tổ chức dạy học, duy trì trạng thái bình thường mới, thích nghi an toàn với dịch Covid-19. Chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để tổ chức chu đáo, an toàn trong việc tiêm vắc xin cho học sinh từ 05 đến 11 tuổi. Tổ chức các kỳ thi đảm bảo an toàn, chất lượng, nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh các lớp đầu cấp…Duy trì và phát huy sân chơi, hoạt động thể thao truyền thống nhằm phát triển toàn diện học sinh. Tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp cho các cấp học; ưu tiên thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.

- Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân. Quan tâm đầu tư nâng cấp, bổ sung trang thiết bị y tế cho các Trạm y tế xã, phường, thị trấn. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở. Đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19 theo quy định. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực của ngành y tế.

- Tổ chức hội thảo nhằm tiếp tục triển khai các hoạt động đẩy mạnh đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tiếp tục hỗ trợ ảnh hưởng dịch Covid-19, đề xuất các giải pháp cụ thể giải quyết việc làm cho người lao động do tác động của đại dịch Covid-19 trong tình hình mới; triển khai Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2022 và điều tra xây dựng cơ sở dữ liệu Cung - Cầu lao động điện tử năm 2022. Triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022).

- Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn liền với ứng dụng CNTT và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015, tăng cường tiếp nhận, giao trả trực tuyến TTHC mức độ 3 và 4; tạo lập hồ sơ, tài khoản trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Triển khai hiệu quả các kế hoạch nâng cao các chỉ số hành chính về PAR-Index; PAPI-Index, PCI, ICT.

- Triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn các sự kiện chính trị, văn hoá lớn trong Quý II, trọng tâm là đảm bảo an ninh, trật tự Festival Huế 2022, các hoạt động kỷ niệm 47 năm giải phóng Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2022), giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022) và Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ 2022 - 2027. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh nhằm làm giảm tội phạm, đặc biệt là tội phạm về trật tự xã hội, tội phạm ma tuý và tội phạm công nghệ cao; vi phạm trên lĩnh vực kinh tế, môi trường. Tiếp tục thực hiện Dự án về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án cấp Căn cước công dân. Triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị nhằm phòng ngừa, làm giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí.

 



[1] Gồm 06 cơ chế, chính sách: (1) Phí tham quan di tích; (2) Quỹ bảo tồn di sản Huế; (3) Quy định mức dư nợ vay; (4) Về sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý; (5) Hằng năm, ngân sách TW bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thừa Thiên Huế không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh; (6) Được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) số chi tính theo định mức dân số.

[2] Quyết định số 335/QĐ-UBND ngày 27/01/2022.

[3] đối với phụ nữ trong nước và quốc tế khi mặc trang phục áo dài truyền thống Việt Nam

[4] Cụ thể các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực: Nhóm hàng nông, thuỷ sản ước đạt 17,2 triệu USD, giảm 29,8% so với cùng kỳ và chiếm 5,8% tổng KNXK; Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 237,2 triệu USD, tăng 32,1% và chiếm 80,2%, trong đó: xơ, sợi dệt các loại ước đạt 92,9 triệu USD, tăng 68,8%; hàng may mặc ước đạt 120,2 triệu USD, tăng 17,1%; gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 24,1 triệu USD, tăng 9,7%; Nhóm các hàng hóa khác như hương và bột hương, bia, rượu sa kê, hàng thủ công mỹ nghệ, bao bì xi măng,… ước đạt 41,5 triệu USD, giảm 8,8% và chiếm 14%

[5] Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: thủy sản ước đạt 0,75  triệu USD tăng gấp 2 lần, nguyên phụ liệu dệt may ước 147,2 triệu USD, tăng 51,2%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng ước đạt 5,8 triệu USD giảm 1,5%....

[6] Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách tháng 3 ước đạt 35,6 tỷ đồng, tăng 5% so với tháng trước, giảm 22,5% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa 239,9  tỷ đồng tăng 0,5% so với tháng trước, tăng 37,8% so với cùng kỳ; DV hỗ trợ vận tải 24,1 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước, tăng 20,1% so với cùng kỳ; bưu chính, chuyển phát 2,1 tỷ đồng tăng 5,6% so với tháng trước, tăng 46,2% so với cùng kỳ.

[7] Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách 03 tháng ước đạt 101,8 tỷ đồng, giảm 32,1% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa 730 tỷ đồng tăng 20%; DV hỗ trợ vận tải 73 tỷ đồng, tăng 18%; bưu chính, chuyển phát 6,2 tỷ đồng tăng 53,3%.

[8] Riêng tháng 3/2022 đạt 4.308 tấn.

[9] Riêng tháng 3/2022 đã trồng 1.150 ha.

[10] Trong Thu nội địa: Thu từ DNNN do TW quản lý 64,3 tỷ đồng, chiếm 39,2% dự toán, tăng 10,5% so với cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý 52,1 tỷ đồng, chiếm 28,2% dự toán, tăng 16,1%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 686,7 tỷ đồng, chiếm 32,6% dự toán, giảm 23,8%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh 372,8 tỷ đồng, chiếm 37,3% dự toán, tăng 4,4%; thu tiền sử dụng đất 487,9 tỷ đồng, chiếm 40,7% dự toán, tăng 12,9%.

[11] Nhà máy sản xuất trang phục lót và hàng thể thao (Công ty Scavi Huế) 575 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất men Frit (Công ty CP Frit Huế) 600 tỷ đồng; Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng 504) 40 tỷ đồng.

[12] Trong đó có Dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở gồm các khu đất có ký hiệu OTM4, OTM6, LK16, LK17, CC12, CX2 tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp – Tố Hữu với tổng vốn 4.280 tỷ đồng.

[13] theo 5 phương thức: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp trung học phổ thông (điểm học bạ); xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (TN THPT) năm 2022; xét tuyển dựa vào điểm thi TN THPT năm 2022 hoặc dựa vào điểm học bạ kết hợp với kết quả thi tuyển năng khiếu (đối với các ngành năng khiếu); xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh hiện hành; xét tuyển theo phương thức riêng của các đơn vị đào tạo trong ĐH Huế.

[14] trong đó chủ yếu là trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác. Số học sinh đã tốt nghiệp 2.777 người (cao đẳng, trung cấp 1.870 người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác 907 người)

[15] Trong tháng 3/2022, đã phê duyệt danh sách hỗ trợ tiền ăn cho 3.157 người, hỗ trợ thêm 1.850 trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật điều trị do nhiễm COVID-19 (F0), cách ly y tế (F1) tại nhà trên địa bàn các huyện/thị xã: Nam Đông, Phú Lộc, Hương Trà

[16] tín dụng đen 03 vụ; sản xuất, buôn bán hàng cấm 02 vụ; vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai tác tài nguyên 01 vụ; vi phạm quy định về đấu thấu 01 vụ; vận chuyển hàng cấm 01 vụ; mua bán trái phép hóa đơn 01 vụ

thuathienhue.gov.vn
 Bản in]