Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2021
  

(Theo Báo cáo số 467/BC-UBND 04/12/2021 của UBND tỉnh)

I. Những kết quả đạt được

1. Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ

Tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương có liên quan xây dựng hoàn thành các Đề án:

1.1. Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế[1] đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2021.

1.2. Đề án Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; Cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình các cơ quan có thẩm quyền; theo đó nội dung các cơ chế chính sách được phân theo thẩm quyền, cụ thể:

- Về các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội: Ngày 13/11/2021, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 38/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Gồm 06 cơ chế, chính sách cụ thể như sau: (1) Phí tham quan di tích; (2) Quỹ bảo tồn di sản Huế; (3) Quy định mức dư nợ vay; (4) Về sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý; (5) Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thừa Thiên Huế không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh; (6) Được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) số chi tính theo định mức dân số.

- Về các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Hiện nay, Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ đã lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ và đang hoàn thiện sửa đổi một số điều Nghị quyết 1210 về phân loại đô thị và Nghị quyết 1211 về phân loại đơn vị hành chính của thành phố trực thuộc trung ương (trong đó có tính đến yếu tố đặc thù đối với Thừa Thiên Huế) theo quy trình của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thống nhất áp dụng trên toàn quốc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

- Về các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ: Đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thông qua tại Thông báo số 410/TB-VPCP và Thông báo số 269/TB-VPCP ngày 18/10/2021.

1.3. Ngoài ra, tỉnh đã cơ bản hoàn thành Đề án “Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế” và đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo Khoa học cấp quốc gia về xây dựng Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế.

1.4. Tập trung triển khai Nghị quyết 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt[2] nhằm sớm ổn định tổ chức và vận hành hiệu quả hoạt động bộ máy của các cơ quan đơn vị, đảm bảo duy trì các hoạt động hành chính tại các địa phương, ổn định đời sống nhân dân và yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

2. Tình hình phát triển kinh tế

a) Lĩnh vực dịch vụ:

- Hoạt động du lịch: Lũy kế từ đầu năm, lượng khách du lịch ước đạt 672,13 nghìn lượt khách, giảm 56%; doanh thu từ du lịch ước đạt 1.150 tỷ đồng, giảm 70%[3] so với cùng kỳ.

- Hoạt động thương mại, giá cả: Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội trong tháng 11 ước đạt 3.527 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 2.991 tỷ đồng, chiếm 85%, tăng 2,7%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 ước tăng 0,56% so với tháng trước.

Lũy kế 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 39.636 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ, đạt khoảng 97% kế hoạch. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 32.891,4 tỷ đồng, chiếm 83%, tăng 7,5%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng tăng 1,63% so với cùng kỳ.

- Hoạt động xuất nhập khẩu:

Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng hóa trong tháng 11 ước đạt 130 triệu USD, tăng 34% so với tháng trước. Lũy kế KNXK 11 tháng ước đạt 970 triệu USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ và vượt 5,4% kế hoạch. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực: nhóm hàng nông, thuỷ sản 71,4 triệu USD, tăng 39,% so với cùng kỳ; xơ, sợi dệt các loại 302,7 triệu USD, tăng 65,2%; hàng may mặc 450,4 triệu USD, tăng 15,4%; gỗ và sản phẩm gỗ 81,0 triệu USD, tăng 28,4%.

Kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hóa tháng 11 ước đạt 50,2 triệu USD, giảm 25,3% so với tháng trước. Lũy kế KNNK 11 tháng đạt 670,6 triệu USD, tăng 38,5% so cùng kỳ và vượt 17,6% kế hoạch; chủ yếu các mặt hàng phục vụ cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu gồm: nguyên phụ liệu dệt may đạt 472,1 triệu USD, tăng 31,2%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng ước đạt 29,6 triệu USD tăng 72,9%; nhóm hàng hóa khác như thạch cao, thép, hóa chất, linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu sản xuất bia,... đạt 165,0 triệu USD, tăng 62,5%.

Hoạt động ngân hàng: Ước đến cuối tháng 11, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 56.300 tỷ đồng, tăng 5,7% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng tại các TCTD đạt 60.600 tỷ đồng, tăng 16,8%. Nợ xấu nội bảng trên địa bàn ở mức 400 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 0,7%.

Hoạt động vận tải: Trong tháng 11, vận tải hành khách ước đạt 1.036 nghìn hành khách, tăng 1,6% so với tháng trước và giảm 16,9% so với cùng kỳ; hàng hóa vận chuyển ước đạt 1.524,4 nghìn tấn, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 0,9% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải, bốc xếp và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 295 tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 1,2% so với cùng kỳ.

Lũy kế 11 tháng, vận tải hành khách ước đạt 14.112 nghìn lượt khách, giảm 5,2% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa ước đạt 14.324,8 nghìn tấn, tăng 6%. Doanh thu vận tải, bốc xếp và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 2.896 tỷ đồng, tăng 4,1%[4].

b) Lĩnh vực công nghiệp:

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 ước tăng 9,1% so với cùng kỳ[5]. Tính chung 11 tháng, chỉ số IIP tăng 5,98% so với cùng kỳ, trong đó: Công nghiệp khai khoáng ước tăng 0,14%; Công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 5,85%; Sản xuất và phân phối điện, nước đá ước tăng 8,9%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước tăng 3,1%.

Một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng tăng: bia 235,6 triệu lít, tăng 3,8% so với cùng kỳ (trong đó: bia lon 147,6 triệu lít, tăng 7,2 %; bia chai 87,9 triệu lít, giảm 1,4%); sợi các loại 93,7 nghìn tấn, tăng 16,3%; quần áo lót 380,1 triệu sản phẩm, tăng 27,2%; xi măng 1.889,6 nghìn tấn, tăng 0,3%; tôm đông lạnh 5,9 nghìn tấn, tăng 6%; men frit 235,1 nghìn tấn, tăng 5,5%; quặng inmenit và tinh quặng inmenit 18,5 nghìn tấn, tăng 11,3%; dăm gỗ 601,1 nghìn tấn, tăng 15,9%; điện sản xuất 1.227,7 triệu KWh tăng 11,6%; điện thương phẩm 1.707,3 KWh, tăng 2,5%; nước uống được 51,9 triệu m3, tăng 3%, ...

Một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng giảm: đá vôi các loại 1,3 triệu m3, giảm 5,8%; vỏ lon nhôm 13 nghìn tấn, giảm 2,4%; Tấm lát đường và vật liệu lát 10,8 triệu m2, giảm 13%; Clanhke xi măng 2,1 triệu tấn, giảm 5,2%....

c) Lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp:

Trồng trọt:

Diện tích gieo cấy lúa cả năm đạt 53.890 ha[6], năng suất ước đạt 63,6 tạ/ha, tăng 4,5 tạ/ha; sản lượng ước đạt 343 nghìn tấn, tăng 22 nghìn tấn. Diện tích lúa sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn khoảng 8.142 ha (3.266 ha có liên kết, 4.876 ha chưa có sự liên kết). Đã thực hiện chuyển đổi hơn 551 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, VietGAP, hữu cơ[7] tiếp tục phát triển với hơn 53.900 m2 nhà lưới, 5.054 ha sản xuất theo VietGAP, 483 ha theo hướng hữu cơ.

Các loại cây hàng năm khác ổn định so với cùng kỳ: Ngô 1.440ha, tăng 1,9%, sản lượng ước đạt 5.787 tấn, tăng 1,7%; Sắn 4.168 ha, tăng 4,6%, sản lượng ước đạt 68.012 tấn; cây lạc 2.518ha, giảm 3,3%, sản lượng ước đạt 5.798 tấn; rau các loại 4.730 ha, sản lượng ước đạt 46.436 tấn; sen lấy hạt 586,9 ha, sản lượng ước đạt 904 tấn.

Diện tích trồng cây lâu năm: Cây ăn quả 3.205 ha, tăng 0,5% so với năm 2020 (Trong đó: Bưởi Thanh trà 621 ha, Bưởi da xanh 385 ha, Cam 311 ha, các loại cây khác 1.888 ha); Cao su 7.020 ha, giảm 10%.

Chăn nuôi: Đàn lợn ước đạt 143.000 con, tăng 6,9% so cùng kỳ; đàn trâu 14.200 con, giảm 4,5%; đàn bò 28.900 con, giảm 2,9%. Tổng đàn gia cầm đạt 4.700 nghìn con, tăng 15%, trong đó đàn gà 3.300 nghìn con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt 20.780 tấn, tăng 5,8%; sản lượng trứng gia cầm đạt 39 triệu quả, tăng 0,2%.

Thủy sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2021 ước đạt 7.917 ha, tăng 3,6% so với cùng kỳ[8]. Sản xuất giống ước đạt 195 triệu con tôm, cua cá các loại, tăng 2,8%. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 58.500 tấn tăng 2,8%; trong đó, sản lượng khai thác đạt 40.000 tấn, tăng 1,9%; nuôi trồng đạt 18.500 tấn, tăng 4,9%.

Lâm nghiệp: Đến nay, toàn tỉnh đã trồng mới 4.466,3 ha rừng, tăng 3,6% so với cùng kỳ (4.321,2 ha), chủ yếu là rừng sản xuất được trồng lại sau khi khai thác trắng; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 392.094 m3. Ước cả năm, toàn tỉnh trồng 5.800 ha rừng, sản lượng khai thác gỗ 550.000 m3, tăng 0,7%. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì đạt 57,39%. Về trồng rừng ven biển[9]: đã trồng mới được 453,5 ha[10]. Diện tích trồng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 9.926 ha; trong đó FSC: 9.074 ha, VFCS/PEFC: 852 ha[11].

Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 95 vụ cháy rừng, diện tích thiệt hại khoảng 501,6 ha.

3. Thu chi ngân sách Nhà nước

Thu ngân sách nhà nước 11 tháng ước đạt 9.710 tỷ đồng, vượt 60% dự toán và tăng 26,3% so với cùng kỳ; trong đó: thu nội địa 9.066 tỷ đồng[12], vượt 62% dự toán và tăng 24,6% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 527 tỷ đồng, vượt 16% dự toán và tăng 42,7% so với cùng kỳ; thu viện trợ, huy động đóng góp 117,3 tỷ đồng, tăng gấp 9 lần dự toán và gấp 3 lần so với cùng kỳ.

Chi ngân sách địa phương ước đạt 9.388 tỷ đồng, bằng 87,9% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển 3.099 tỷ đồng, bằng 86% dự toán, chi thường xuyên 6.109 tỷ đồng, bằng 91% dự toán.

4. Tình hình đầu tư và giám sát đầu tư

4.1. Tình hình đầu tư và xây dựng:

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 11 tháng ước đạt 23.217 tỷ đồng, bằng 86% KH, tăng 4,1% so với cùng kỳ.

- Phân theo cấp quản lý: vốn do Trung ương quản lý 6.174 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ; vốn do địa phương quản lý 17.043 tỷ đồng, tăng 1,9%.

- Phân theo nguồn vốn: vốn ngân sách nhà nước đạt 5.298 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ; vốn tín dụng đạt 9.690 tỷ đồng, tăng 5,4%; vốn đầu tư của doanh nghiệp 3.005 tỷ đồng, tăng 23,7%; vốn đầu tư của dân 3.065 tỷ đồng, tăng 11,1%; vốn viện trợ nước ngoài 519 tỷ đồng, giảm 59,4%; vốn đầu tư nước ngoài 1.640 tỷ đồng, gấp 1,5 lần.

Vốn ngân sách nhà nước chủ yếu tập trung vào các dự án chuyển tiếp có khối lượng hoàn thành, giải ngân cao, trong đó: Tiếp tục đầu tư vào những dự án trọng điểm quốc gia của bộ ngành Trung ương trên địa bàn như: Trung tâm Sản phụ khoa Bệnh viện TW Huế; Khu kinh tế quốc phòng A So, A Lưới; Trung tâm phục hồi chức năng đoàn 41 Huế; Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân; Học viện Âm Nhạc Huế;…Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án trọng điểm quốc gia sớm hoàn thành đi vào hoạt động: Dự án La Sơn - Túy Loan; Hầm Hải Vân giai đoạn II; các dự án vốn ngân sách trung ương: Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh; Đường Phú Mỹ - Thuận An, huyện Phú Vang; Phục hồi Điện Kiến Trung-Tử Cấm Thành; Tu bổ và phát huy giá trị tổng thể di tích lăng vua Gia Long (phần còn lại); Đường trục chính Khu đô thị Chân Mây; Đường phía Đông đầm Lập An; Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP)....; Các dự án vốn ngân sách địa phương: Hạ tầng kỹ thuật khu định cư trên địa bàn thành phố Huế và đô thị mới An Vân Dương,...; Sửa chữa, nâng cấp hồ Thọ Sơn, xã Hương Xuân, thị xã Hương Trà; Xử lý khẩn cấp khắc phục xói lở bờ biển Hải Dương; Sửa chữa, nâng cấp đập La Ỷ, huyện Phú Vang; Đường trục chính trong KCN Phong Điền vào khu chức năng chế biến cát;...

Đến ngày 25/11/2021, đã giải ngân vốn 3.127,528 tỷ đồng, đạt 62,2% KH vốn giao trong năm (không bao gồm vốn bổ sung mới từ nguồn sử dụng đất 450 tỷ đồng và nguồn vốn trung ương mới phân khai 160 tỷ đồng), cụ thể: Ngân sách tỉnh quản lý: 2.154,2 tỷ đồng, đạt 61,5% (trong đó: Vốn đầu tư trong cân đối NSĐP 815,63 tỷ đồng, đạt 60%; Vốn NSTW hỗ trợ 1.338,6 tỷ đồng, đạt 62,5%); Ngân sách huyện, xã quản lý 973,3, đạt 63,9%. Tỷ lệ giải ngân cả năm ước đạt 96% kế hoạch vốn.

Vốn doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào các dự án gấp rút hoàn thiện để đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp, góp phần tăng nguồn thu ngân sách như Dự án xây dựng nhà máy chế biến cát, bột thạch anh ít sắt chất lượng cao (Hue Premium Silica), Nhà máy thủy điện Thượng Nhật,...Một số dự án thuộc lĩnh vực dệt may, khai thác khoáng sản, các dự án đầu tư trong Khu công nghiệp thực hiện đúng tiến độ. Bên cạnh đó, còn một số dự án chậm tiến độ như: Tòa nhà của VNPT, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế, Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển Hải Dương, Khu nghỉ dưỡng huyền thoại Địa Trung Hải mở rộng,...do gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, năng lực đáp ứng của nhà đầu tư thị trường tiêu thụ do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19. Một số dự án đang vướng về quy hoạch, thủ tục giao đất, cho thuê đất.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chủ yếu thực hiện các dự án: Dự án Laguna giai đoạn 2; Dự án Khu nghỉ dưỡng của Công ty Minh Viễn; Hạ tầng KCN Tứ Hạ (Công ty CP Hello quốc tế Việt Nam); dự án Nhà máy chế xuất Billion Max Việt Nam; Nhà máy xử lý rác thải Phú Sơn; Nhà máy sản xuất găng tay y tế -Kanglongda;…

4.2. Tình hình giám sát đầu tư các dự án ngoài ngân sách:

* Đối với 33 dự án còn lại cần tiếp tục giám sát theo Nghị quyết 08 của HĐND tỉnh:

- Có 04 dự án thuộc danh mục cần rà soát xem xét thu hồi (trong đó, có 02 dự án thuộc địa bàn Khu kinh tế, công nghiệp): Đến nay, đã có văn bản hướng dẫn Công ty MDF Ý Mỹ thực hiện thủ tục tự chấm dứt hoạt động một phần dự án Sản xuất chế biến viên nén và ván ép Ý Mỹ. Đối với các dự án còn lại, sẽ tổ chức làm việc với Nhà đầu tư rà soát các quy định liên quan để chấm dứt hoạt động theo quy định.

- Có 19 dự án thuộc danh mục cần giám sát đặc biệt (trong đó, có 09 dự án thuộc địa bàn Khu kinh tế, công nghiệp): Đã rà soát, cập nhật tình hình, tiến độ triển khai dự án, tiếp tục tổ chức giám sát định kỳ hàng tháng để đề xuất phương án xử lý phù hợp theo quy định.

- Có 10 dự án thuộc danh mục đôn đốc tiến độ thực hiện (trong đó, có 09 dự án thuộc địa bàn Khu kinh tế, công nghiệp): Đã rà soát, cập nhật tình hình, tiến độ triển khai dự án, tiếp tục đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện dự án, kịp thời báo cáo UBND tỉnh trường hợp có vướng mắc, phát sinh.

* Đối với 76 dự án điều chỉnh, bổ sung nằm ngoài Nghị quyết 08:

- Có 17 dự án thuộc danh mục cần rà soát xem xét thu hồi (trong đó, có 13 dự án thuộc địa bàn Khu kinh tế, công nghiệp): Đã thông báo chấm dứt hoạt động 03 dự án do các nhà đầu tư không thể tiếp tục triển khai dự án, bao gồm: (i) dự án Tổ hợp nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của Công ty Cổ phần Công nghiệp chế tạo ô tô Bách Việt; (ii) dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu B mở rộng - KCN Phong Điền của Công ty Cổ phần Prime - Thiên Phúc; (iii) dự án Trụ sở làm việc và văn phòng cho thuê tại phường Xuân Phú, thành phố Huế của Công ty Cổ phần In và Dịch vụ Thừa Thiên Huế. Đối với các dự án còn lại, sẽ tiếp tục làm việc với Nhà đầu tư rà soát các quy định liên quan để chấm dứt hoạt động theo quy định.

- Có 29 dự án thuộc danh mục cần giám sát đặc biệt (trong đó, có 18 dự án thuộc địa bàn Khu kinh tế, công nghiệp): Đã rà soát, cập nhật tình hình, tiến độ triển khai dự án, có văn bản yêu cầu nhà đầu tư báo cáo tình hình triển khai dự án và xây dựng kế hoạch triển khai tháng tiếp theo nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; đồng thời, có biện pháp xử lý nếu nhà đầu tư chậm triển khai.

- Có 30 dự án thuộc danh mục đôn đốc tiến độ thực hiện (trong đó, có 06 dự án thuộc địa bàn Khu kinh tế, công nghiệp): Đã rà soát, cập nhật tình hình, tiến độ triển khai dự án; có văn bản gửi các nhà đầu tư tiếp tục đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện dự án; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, phát sinh.

5. Phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư

Đến ngày 29/11/2021, có 564 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 4.024,12 tỷ đồng, giảm 12,3% về lượng và giảm 51,6% về vốn so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại 349 doanh nghiệp, tăng 115 doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động là 489 doanh nghiệp, tăng 71 doanh nghiệp; giải thể 106 doanh nghiệp, tăng 12 doanh nghiệp.

Tính từ đầu năm đến nay, đã cấp phép cho 25 dự án cấp mới và điều chỉnh 29 dự án (trong đó tăng vốn 10 dự án) với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 13.211,3 tỷ đồng (cấp mới 12.504,7 tỷ đồng và vốn tăng thêm 706,6 tỷ đồng). Phân theo địa bàn: Khu KT, CN đã cấp mới 08 dự án và điều chỉnh 08 dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 3.706,5 tỷ đồng (vốn cấp mới 3.311,5 tỷ đồng và vốn tăng thêm 395 tỷ đồng cho 4 dự án). Ngoài địa bàn Khu KT, CN cấp mới 17 dự án và điều chỉnh 21 dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 9.504,8 tỷ đồng (vốn cấp mới 9.193,2 tỷ đồng và vốn tăng thêm 311,6 tỷ đồng cho 6 dự án). Phân theo hình thức đầu tư: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 02 dự án cấp mới với vốn đăng ký 3.631,2 tỷ đồng chiếm 29% về vốn; vốn trong nước 23 dự án cấp mới với vốn đăng ký 8.873,5 tỷ đồng chiếm 31% về vốn.

Ngoài ra, một số nhà đầu tư lớn khác đang nghiên cứu đầu tư vào địa bàn tỉnh trong lĩnh vực đô thị, du lịch, thương mại như CTCP Hàng hải Vsico, CTCP Vicofrit, CTCP ICID Chân Mây (thuộc Tổng Công ty Xây dựng đường thủy), CTCP Đầu tư Hạ tầng KCN Bảo Minh, Công ty CP quản lý bất động sản CONASI, CTCP sản xuất công nghiệp kính Chân Mây - CFG, CTCP Tập đoàn FLC, Công ty CP Western Pacific,…Đặc biệt, ngày 25/11/2021 đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam để thực hiện quyết định đầu tư trung tâm thương mại AEON MALL tại Tỉnh Thừa Thiên Huế tại Hội nghị hợp tác địa phương Việt Nam - Nhật Bản.

6. Văn hóa - xã hội

- Về khoa học và công nghệ: Tập trung xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 09/8/2021 về “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước giai đoạn 2021- 2030”; đề án đưa Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam; tổ chức Lễ công bố Đề án Tủ sách Huế và ra mắt ấn phẩm đầu tiên của Tủ sách Huế, cơ bản hoàn thành xây dựng Đề án Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế…Đã công bố triển khai các nền tảng gồm: Hue-S; học bạ điện tử; hồ sơ sức khỏe điện tử; nền tảng du lịch thông minh; thanh toán không dùng tiền mặt. Viettel chính thức khai trương thử nghiệm dịch vụ 5G tại tỉnh Thừa Thiên Huế, trở thành nhà mạng đầu tiên cung cấp 5G ở khu vực miền Trung.

Tổ chức triển khai một số chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh. Đã đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt danh mục 01 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia bắt đầu thực hiện từ năm 2021 và 04 dự án Nông thôn miền núi (NTMN) bắt đầu thực hiện từ năm 2022; đề xuất Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam 01 nhiệm vụ trong khuôn khổ hợp tác[13].

Tổ chức ký kết chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, tập trung phối hợp xây dựng và triển khai các đề án, cơ chế, chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm khoa học và công nghệ lớn của cả nước,...

- Về văn hóa - thể thao: Đã tập trung triển khai Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 24/5/2021 của Tỉnh uỷ về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch.

Từ đầu tháng 10/2021, các điểm tham quan du lịch nổi tiếng tại Cố đô Huế như Đại Nội, các lăng vua Minh Mạng, Tự Đức và Khải Định đã mở cửa trở lại. Để kích cầu du lịch, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết về việc giảm 50% giá vé tham quan di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế từ nay đến hết năm 2021. Tổ chức thành công Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII - năm 2021 tại thành phố Huế (diễn ra từ ngày 18 - 20/11/2021). Ngày 23/11/2021, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, đã tổ chức Lễ công bố Quyết định và đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt Hệ thống di ti tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế[14]. Khởi công dự án Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa, với tổng mức đầu tư gần 129 tỷ đồng.

Tổng lượng khách tham quan di tích đến hết ngày 23/11/2021 là 205,1 nghìn lượt; trong đó, giảm 75,03% so với cùng kỳ, cụ thể giảm 616,4 nghìn lượt khách. Tổng doanh thu bán vé tham quan đạt 19,5 tỷ đồng, giảm 81,1%, cụ thể giảm 84,1 tỷ đồng.

Do tình hình dịch bệnh, việc tham gia thi đấu các giải thể thao thành tích cao hạn chế, ảnh hưởng đến chỉ tiêu huy chương của các vận động viên. Đã tham gia các giải thể thao khu vực và quốc gia, đạt 63 huy chương các loại (19 HCV, 18 HCB, 26 HCĐ). Có 06 vận động viên được triệu tập vào các đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho Seagames 31.

- Về giáo dục và đào tạo: Tập trung xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 24/5/2021 về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022. Từ ngày 20/9/2021, học sinh mầm non và giáo dục phổ thông tập trung đến trường học tập trong điều kiện bình thường mới đối với các địa bàn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Triển khai tiêm vắc xin mũi 01 phòng COVID-19 cho trẻ em từ 16 đến 17 tuổi trên địa bàn tỉnh.

Hoàn thiện Đề án phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia. Triển khai Đề án thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và Phát triển OCOP miền Trung trực thuộc Đại học Huế trên cơ sở Trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trực thuộc Đại học Huế; Đề án thành lập Trường THPT Chuyên trực thuộc Trường Đại học Khoa học; Đề án thành lập Trường Mầm non thực hành chất lượng cao trực thuộc Trường Đại học Sư phạm.

Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố toàn tỉnh là 82,45%; có 378 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 66,32%; có 482 trường mầm non và trường phổ thông đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, chiếm 84,56%.

- Về y tế: Tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 09/08/2021 về “Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung và cả nước giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Công tác khám chữa bệnh đang triển khai hoạt động trong tình hình mới để phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa tổ chức khám chữa bệnh vừa sẵn sàng ứng phó chủ động khi có ca bệnh Covid-19 quay trở lại trong cộng đồng. Triển khai Bộ tiêu chí bệnh viện/cơ sở y tế an toàn Covid-19; thường xuyên đánh giá, báo cáo cập nhật các giải pháp khắc phục những tồn tại theo từng tháng nhằm đáp ứng được công tác giám sát, phát hiện, ngăn chặn và điều trị hiệu quả theo các tình huống. Kết quả đánh giá thực hiện theo bộ tiêu chí an toàn Covid-19 có 100% cơ sở y tế an toàn.

* Công tác phòng, chống dịch Covid-19:

Triển khai quyết liệt, nghiêm túc các văn bản chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn mới. Thực hiện việc giám sát chặt chẽ tình hình dịch, công tác thực hiện trong phòng, chống dịch dịch COVID-19 tại các đơn vị. Tuyên truyền giáo dục sức khỏe về phòng chống dịch bệnh[15]. Tiếp tục tổ chức thường trực, báo cáo công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Xây dựng kịch bản khi có F0 với phương châm “Chính quyền chỉ đạo, Công an truy vết, quân đội cách ly, y tế dịch tễ” và thực hiện “truy vết thần tốc, xét nghiệm nhanh nhất, khoanh vùng kịp thời, dập dịch sớm nhất”. Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, trang thiết bị phòng hộ cho cán bộ y tế, khu vực cách ly, giường bệnh; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân theo phân tuyến. Thực hiện nghiêm ngặt việc tổ chức cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các bệnh viện theo quy định.

Chuyển trạng thái Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Phong - Da liễu ở phường Hương Sơ (TP Huế), Bệnh viện đa khoa Bình Điền, TTYT huyện Phú Lộc (cơ sở Chân Mây), Trường Nghề 23 - Bộ Quốc phòng (T2); Trường Đào tạo và Phát triển Nguồn nhân lực Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam tại Huế (T3), xưởng sản xuất của Công ty TNHH Tân Bảo Thành (T2.1) thành các bệnh viện dã chiến với quy mô 3.446 giường để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 theo các phác đồ điều trị của Bộ Y tế[16]. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lực lượng y tế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã chi viện 815 y bác sĩ vào chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; Bệnh viện Trung ương Huế được giao thành lập trung tâm hồi sức tích cực có quy mô 500 giường bệnh, đặt tại số 2 đường Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú - là tuyến cuối trong bậc thang điều trị người bệnh COVID-19, có chức năng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch và hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh trong khu vực được phân công.

Đặc biệt, tỉnh đã tập trung quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp phòng, chống và kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong các khu kinh tế, khu công nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi để đón và đưa đi cách ly tập trung cho khoảng 57.700 công dân từ các tỉnh phía Nam và thành phố Hồ Chí Minh trở về địa phương.

Đã triển khai rộng rãi, nhanh chóng ứng dụng “Thẻ kiểm soát dịch bệnh” bằng mã QR Quốc gia nhằm thống nhất các nền tảng công nghệ trong công tác phòng chống dịch Covid-19[17] cũng như các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ người dân.

Tiếp nhận, phân phối, tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19 từ Bộ Y tế hỗ trợ cho tỉnh theo quy trình. Đến ngày 27/11/2021, Bộ Y tế đã phân bổ 1.338.574 liều vắc xin phòng Covid-19. Đến nay, tỷ lệ số người được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin/số người >18 tuổi: 77,94%%, tiêm đủ 2 mũi là 43,3%. Toàn tỉnh có 3.091 ca F0; hiện đang điều trị 1.508 ca F0 (có mã bệnh nhân), đã điều trị khỏi 1.574 ca, có 09 bệnh nhân tử vong. Hiện đang cách ly tập trung cho 395 trường hợp (đã hoàn thành cách ly tập trung cho 35.028 trường hợp), trong đó F1 cách ly tập trung 327 trường hợp, người nhập cảnh về 68 trường hợp; cách ly tại nhà: 12.255 trường hợp; giám sát y tế tại nhà 2.049 trường hợp.

Phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP và Quyết định số 4800/QĐ-BYT: Tỉnh đã ban hành Kế hoạch 343/KH-UBND ngày 02/11/2021 triển khai “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Thực hiện kịp thời, chính xác việc cập nhật thông tin, xác định, công bố cấp độ dịch hàng ngày và công khai lên trang thông tin điện tử của địa phương. Triển khai các biện pháp áp dụng tương ứng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các văn bản của tỉnh. Phân loại nguy cơ tại các địa phương, tính đến ngày 16/11/2021:

+ Đối với cấp tỉnh: Cấp độ 2 - Nguy cơ trung bình (vùng vàng).

+ Đối với cấp huyện: Cấp độ: có 01 huyện cấp độ 2 (vùng vàng); 08 huyện  - cấp độ 1 (vùng xanh).

+ Đối với cấp xã: Cấp độ 4 - Nguy cơ rất cao (vùng đỏ): 00 xã; Cấp độ 3 - Nguy cơ cao (vùng cam): 05 xã; Cấp độ 2 - Nguy cơ trung bình (vùng vàng): 13 xã; Cấp độ 1 - Nguy cơ thấp (vùng xanh): 123 xã.

Về lao động việc làm, an sinh xã hội: Từ đầu năm đến nay, đã giải quyết việc làm cho 14.737 lao động, đạt 92,1% kế hoạch (trong đó, có 482 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 26,8% kế hoạch). Số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHTN: 7.318 người; Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng: 7.487 người; Số người được hỗ trợ học nghề: 534 người; Số tiền chi trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề: 117.632 triệu đồng.

* Thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19:

Đã ban hành và triển khai Kế hoạch số 235/KH-UBND ngày 14/7/2021 triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về việc một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; ban hành Quyết định số 1798/QĐ-UBND ngày 22/7/2021 về công bố Danh mục thủ tục hành chính mới về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ nguời lao động và nguời sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Văn bản số 6384 /UBND-NĐ ngày 21/7/2021 về triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng chính phủ. Đặc biệt, HĐND Tỉnh đã ban hành Nghị quyết 84/NQ-HĐND ngày 26/8/2021 về Quy định phân cấp nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ và chính sách hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19;…

Tính đến ngày 23/11/2021, đã thực hiện chi hỗ trợ cho 129.129 đối tượng bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid -19 theo quy định với 65,88 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương (bao gồm cả nguồn BHXH và Ngân hàng CSXH) 42,263 tỷ đồng, ngân sách địa phương 23,62 tỷ đồng.

7. Cải cách hành chính

Đã tiến hành rà soát lại bộ TTHC thuộc thẩm quyền; quy trình nội bộ, quy trình điện tử; đồng thời, thực hiện toàn bộ quy trình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thuộc thẩm quyền tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Tiến hành công bố Danh mục TTHC chuẩn hóa một số lĩnh vực theo thẩm quyền của đơn vị. Tập trung hoàn thiện, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số phục vụ người dân, doanh nghiệp; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; đảm bảo chỉ số xếp hạng Chính quyền điện tử luôn nằm ở nhóm đầu toàn quốc. Hiện nay, đã tích hợp công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia: 632 TTHC áp dụng dịch vụ công 3, 4. Ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng di động, tích hợp lên ứng dụng Hue-S.

Các chỉ số cải cách hành chính có nhiều tiến bộ: Chỉ số Cải cách hành chính (PARINDEX 2020) tăng 10 bậc xếp vị thứ 3; PCI xếp vị thứ 17 (tăng 3 bậc so với năm 2019); PAPI nằm trong top 10 của cả nước; ứng dụng CNTT (ICT-index) năm 2020 giữ nguyên vị trí thứ 2 so với năm 2019; Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (năm thứ 2 liên tiếp) đạt giải thưởng Sao Khuê ở lĩnh vực “Các nền tảng chuyển đổi số”.

8. Công tác đối ngoại, quốc phòng - an ninh

Công tác đối ngoại: Đã đón tiếp, làm việc với 82 đoàn khách quốc tế/271 lượt người đến thăm, làm việc, tìm hiểu cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư – thương mại, tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế. Tăng cường triển khai trao đổi hợp tác quốc tế thông qua hình thức “đối ngoại trực tuyến”. Tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm duy trì và tăng cường, mở rộng quan hệ quốc tế và hợp tác hữu nghị với các đối tác theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế; khai thác hiệu quả các mối quan hệ đối tác, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động…với các địa phương nước ngoài; Triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế, ngoại giao văn hoá và ngoại giao kinh tế trên địa bàn tỉnh. Công tác đối ngoại tiếp tục phục vụ có hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Quốc phòng, an ninh: Thực hiện tốt các nhiệm vụ tham mưu; duy trì trực sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện; phòng chống thiên tai. Đã xây dựng kế hoạch bảo vệ an toàn tuyệt đối công sở và an ninh trật tự tại các địa điểm công cộng, khu dân cư, các địa bàn trọng điểm. Tăng cường các biện pháp phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; phòng, chống cháy nổ; tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm. Công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho các nhiệm vụ luôn được bảo đảm.

An toàn giao thông: Trong tháng 11, trên địa bàn tỉnh xảy ra 18 vụ tai nạn và va chạm giao thông, giảm 07 vụ so với cùng kỳ; làm chết 09 người, giảm 03 người; bị thương 12 người, giảm 16 người. Từ đầu năm đến 14/11/2021, đã xảy ra 201 vụ tai nạn giao thông, giảm 59 vụ so với cùng kỳ; làm chết 123 người, giảm 15 người; bị thương 135 người, giảm 60 người.

B. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THÁNG 12 NĂM 2021

1. Tiếp tục ưu tiên công tác phòng, chống, kiểm soát tình hình dịch Covid-19; trọng tâm là tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân và lực lượng lao động tại các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

2. Tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án

- Tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đề án được giao từ đầu năm nhưng đến nay chưa thực hiện hoặc tiến độ thực hiện chậm để đôn đốc triển khai và điều chỉnh, bổ sung chương trình công tác của UBND tỉnh năm 2022. Tổng kết chương trình công tác của UBND tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh và địa phương năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.

- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và Thông báo số 269/TB-VPCP ngày 18/10/2021 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Tập trung xây dựng Đề án phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới và Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030.

- Hoàn thiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu chi ngân sách năm 2022, Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và các Đề án trình HĐND tỉnh thông qua và tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tiến hành phân công theo dõi, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

- Hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà thầu lập quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050 trong tháng 12 năm 2021 để triển khai lập Quy hoạch tỉnh, đảm bảo thời gian trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch vào Quý IV năm 2022; tiếp tục đôn đốc triển khai thực hiện Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế.

- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 1210 và Nghị quyết 1211 trong đó có tính đến yếu tố đặc thù đối với Thừa Thiên Huế. Đôn đốc thực hiện Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14, ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế.

3. Về phát triển kinh tế

- Tập trung đánh giá kết quả triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và ổn định sản xuất kinh doanh do bị tác động, ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, đảm bảo nguồn cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất của ngành dệt may. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại các nhà máy, cơ sở sản xuất; khu, cụm công nghiệp để đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Quan tâm hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án đã được cấp phép chủ trương đầu tư tại các Khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp như: Khu công nghiệp Phú Bài 4 mở rộng, Kim Long Motor, khu du lịch Hải Dương, Lộc Bình,…

- Tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2021, triển khai nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp năm 2022. Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022 đảm bảo đúng khung lịch thời vụ. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là dịch tả lợn Châu Phi. Hoàn chỉnh hồ sơ, đề nghị công nhận 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2021. Triển khai Kế hoạch phục hồi phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế trong trạng thái bình thường mới.

- Tiếp tục tăng cường quản lý thu, chi trong điều kiện khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Chủ động nguồn kinh phí để thực hiện những nhiệm vụ chi cấp bách, bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển và đảm bảo kinh phí phòng chống dịch Covid-19, phòng tránh thiên tai và thực hiện các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội. Thực hiện quyết liệt giải pháp thu hồi nợ đọng thuế; đảm bảo thu ngân sách theo kế hoạch. Triển khai nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước năm 2022.

4. Tập trung hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm

- Dự án sử dụng vốn ngân sách:

Tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm để giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến 31/01/2022 giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao từ đầu năm. Trong đó, tập trung các dự án: Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế giai đoạn 1 (hợp phần đền bù, GPMB và tái định cư); dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế; Đường Chợ Mai - Tân Mỹ, Đường Phú Mỹ - Thuận An; Dự án “Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh)”, Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh;...

Giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan giải phóng mặt bằng của các dự án khởi công mới: Đường phía Tây phá Tam Giang - Cầu Hai (đoạn Phú Mỹ-Phú Đa); Đường nối khu phi thuế quan với khu Cảng Chân Mây;....

Phối hợp với các cơ quan Trung ương đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư lớn trọng điểm quốc gia: Các dự án trên Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49A, Quốc lộ 49B, đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài. Triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư cầu Nguyễn Hoàng qua sông Hương và đường Vành đai 3, Đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, Đê chắn sóng Cảng Chân Mây giai đoạn 2,...

- Dự án ngoài ngân sách:

Tiếp tục theo dõi, giám sát đối với các dự án theo Công văn số 8088/UBND-QHXT ngày 06/9/2021 của UBND tỉnh về việc tổ chức giám sát, quản lý các dự án trên địa bàn tỉnh. Đôn đốc, hỗ trợ triển khai các dự án lớn, trọng điểm, các dự án đã có nhà đầu tư như: Khu công nghiệp Phú Bài 4 mở rộng, Kim Long Motor, khu du lịch Hải Dương, Lộc Bình…Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án hoàn thành chính thức đi vào hoạt động trong năm: Dự án Nhà máy Kanglongda Huế, Nhà máy Nakamoto Việt Nam, Bến số 3-Cảng Chân Mây, Trung tâm Thương mại - Dịch vụ - Giải trí - Văn phòng và Khách sạn Nguyễn Kim,...để tạo động lực tăng trưởng mới. Hỗ trợ công tác GPMB để khởi động KCN Phú Bài 4; triển khai phương án xử lý nước thải tại khu Viglacera Phong Điền. Hỗ trợ xúc tiến đầu tư đối với các dự án đang nghiên cứu: Trung tâm logistics & Khu công nghiệp phức hợp của Công ty CP Western Pacific; Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất công nghiệp kính trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô của Công ty CP sản xuất công nghiệp kính Chân Mây - CFG;…

5. Về các lĩnh vực văn hóa - xã hội

Hoàn thiện “Đề án Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế”; triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm khoa học, công nghệ lớn của cả nước. Phát huy vai trò chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung. Đưa vào vận hành khai thác Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội. Tiếp tục xây dựng các đề án lớn thuộc lĩnh vực[18]; triển khai thực hiện các Đề án, kế hoạch đã được phê duyệt[19].

Triển khai Đề án về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Tổ chức tốt công tác dạy và học năm học 2021-2022 trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục. Tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh theo quy định.

Tiếp tục triển khai tiêm chủng phòng Covid-19 cho người dân. Đảm bảo đầy đủ cơ số chống dịch, cơ sở vật chất, vật tư y tế, hóa chất, trang thiết bị, thuốc men để thực hiện tốt công tác cách ly, điều trị dịch bệnh Covid-19. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Thực hiện tốt các chương trình về y tế, chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình. Làm tốt công tác y tế dự phòng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc hành nghề y dược tư nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tổ chức điều tra, đánh giá cung cầu lao động, nhất là nguồn lao động trở về từ các địa phương do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 để có kế hoạch đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đảm bảo ổn định cuộc sống. Thực hiện tốt công tác giảm nghèo, công tác người có công và đảm bảo an sinh xã hội.

6. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; đảm bảo quốc phòng, an ninh

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính đối với đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số hành lòng phục vụ hành chính (SIPAS), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX). Triển khai chương trình chuyển đổi số theo kế hoạch.

- Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh. Thực hiện tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2022. Xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Chủ động nắm chắc tình hình, đấu tranh, ngăn chặn mọi âm mưu, hoạt động chống phá, kiên quyết không để xảy ra điểm nóng, vụ việc phức tạp, nhất là tại các khu vực cách ly, phong tỏa. Tổ chức đợt cao điểm ra quân trấn áp các loại tội phạm và tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm về trật tự an toàn giao thông.



[1] Theo đó, diện tích tự nhiên tăng từ 70,61 km2 lên 265,99 km2 và quy mô dân số tăng từ 355.789 người lên 652.572 người; số ĐVHC cấp xã tăng từ 27 lên 36 đơn vị (trong đó: tăng từ 27 lên 29 phường và tăng 07 xã) và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP.Huế.

[2] Đã thành lập 03 Tổ công tác liên ngành liên quan đến tài chính ngân sách; mở rộng địa giới hành chính, bộ máy tổ chức các đơn vị hành chính; quy hoạch, xây dựng, giao thông, đầu tư.

[3] Tháng 11 năm 2021, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế ước đạt 19.713 lượt khách (khách lưu trú: 18,19 nghìn lượt khách), tăng 5,2% so với tháng trước; Doanh thu từ du lịch ước đạt 26,26 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước.

[4] Tr.đó: Doanh thu vận tải hành khách 11 tháng ước 422,5 tỷ đồng, giảm 4,2% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa 2.267,8 tỷ đồng, tăng 6,3%; DV hỗ trợ vận tải 189,5 tỷ đồng, giảm 2,4%; bưu chính, chuyển phát 16,3 tỷ đồng, tăng 10,5%.

[5] Trong tháng 11, chỉ số IIP tăng trưởng cao so cùng kỳ, nguyên nhân chính do trong tháng 11/2020 mưa lũ kéo dài ảnh hưởng hoạt động SX nên đạt chỉ số sản xuất rất thấp; bên cạnh đó tình hình hoạt động SXKD các ngành CN chủ lực trong tháng 11/2021 như bia, dệt may, men frit, chế biến gỗ,... tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định, thị trường tiêu thụ phục hồi mạnh mẽ nhờ tác động chính sách của Nghị quyết số 128/NQ-CP

[6] trong đó nhóm lúa chất lượng cao khoảng 16.575ha

[7] Công nghệ cao gồm: 38 nhà lưới, nhà màng; Sản xuất theo VietGAP: rau 261ha, lúa 4.737ha, cây ăn quả 56ha (DT đã cấp 833ha);  Sản xuất theo hướng hữu cơ: rau 28ha, lúa 455 ha (DT đã cấp 112 ha).

[8] trong đó nuôi nước lợ 5.920ha (trong đó diện tích nuôi tôm đạt 3.193 ha), nuôi nước ngọt 1.997 ha

[9] Dự án đầu tư Phát triển rừng ven biển, đầm phá (SP-RCC)

[10] trong đó: trồng rừng trên cát 255 ha, trồng rừng ngập mặn 141 ha, trồng rừng ngập ngọt 57,5 ha; giao khoán quản lý bảo vệ rừng 4.365,6 ha; đã cấp 536.370 cây ngập mặn cho các hộ dân để trồng phân tán.

[11] Trong đó: Chứng chỉ FSC gồm Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong 3.096,4 ha, Nhóm hộ TTH-FOSDA và HTX An Việt Phát 5.977,63 ha/1.028 hộ; Chứng chỉ VFCS/PEFC do Liên minh HTX tỉnh TT-Huế chủ trì 851,89 ha/124 hộ

[12] Trong Thu nội địa: Thu từ DNNN do TW quản lý 206,7 tỷ đồng, vượt 45,6% dự toán, tăng 33,2%; thu từ doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý 180,8 tỷ đồng, vượt 4,5% dự toán, giảm 8,2%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 2.663 tỷ đồng, vượt 38% dự toán, tăng 17,9%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh 1.287,3 tỷ đồng, vượt 39,9% dự toán, tăng 32,7%; thu tiền sử dụng đất 2.794,1 tỷ đồng, gấp 3,5 lần dự toán, tăng 53,3%.

[13] Tổ chức Hội nghị giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện 20 đề tài/dự án cấp tỉnh; Hội nghị tuyển chọn, tổ chức cá nhân chủ trì 13 đề tài/dự án; tổ chức thẩm định nội dung 20 đề tài/dự án; tổ chức Hội nghị nghiệm thu kết quả thực hiện 08 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh.

[14] Bao gồm 04 di tích đã được xếp hạng quốc gia trước đây: Nhà lưu niệm Bác Hồ ở đường Mai Thúc Loan; Địa điểm Trường Quốc Học; Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ; Đình làng Dương Nỗ.

[15] Huy động, bổ sung lực lượng ngành y tế trong việc truy vết, tầm soát, xét nghiệm, truyền thông thông điệp 5K thông qua cấp phát tờ rơi, áp phích, clip tuyên truyền trên các màn hình điện tử của đơn vị; bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, các sự kiện có tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng

[16] Quyết định số 108/QĐ-BCĐ ngày 16/7/2021 của BCĐ phòng, chông dịch COVID-19 tỉnh; Kế hoạch số 241/KH-UBND ngày 16/7/2021 của UBND tỉnh về việc thành lập Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 tại Hương Sơ

[17] giúp hỗ trợ kiểm soát, truy vết dịch tễ bằng giải pháp quét mã QR tại các điểm đến; chủ động theo dõi lịch trình di chuyển của bản thân trong giai đoạn dịch bệnh; là “giấy thông hành” được cấp với cấu hình linh hoạt theo điều kiện di chuyển hoặc thực thi công vụ; quản lý thành viên trong đơn vị cơ quan, doanh nghiệp, trường học.

[18] Đề án “Phát triển văn hóa Huế, con người Huế đậm đà bản sắc dân tộc và bản sắc văn hóa Huế, trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội”; Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”; Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng 2040; Kế hoạch xây dựng Bộ hồ sơ “Nghệ thuật Ca Huế” đệ trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại;…

[19] Quy hoạch khảo cổ học trên địa bàn tỉnh TT-Huế; Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh TT-Huế 2019 - 2023; Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế 2017 - 2022; KH lập hồ sơ Ẩm thực Huế đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia,…

thuathienhue.gov.vn
 Bản in]