Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2021
  

 (Theo Báo cáo số 29/BC-UBND ngày 04/02/2021 của UBND tỉnh)

I. TÌNH HÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 01 NĂM 2021

1. Tình hình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2021

a) Lĩnh vực dịch vụ

Hoạt động du lịch: Lượng khách du lịch đến tỉnh ước đạt 112,655 ngàn lượt, giảm gần 73% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 2,443 ngàn lượt, giảm gần 99%. Doanh thu từ du lịch ước đạt 195,891 tỷ đồng, giảm gần 83% so với cùng kỳ.

Hoạt động thương mại, giá cả: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.400,1 tỷ đồng, tăng 3,52% so với tháng trước và tăng 9,25% so với cùng kỳ. Bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.570,1 tỷ đồng, tăng 4,12% so với tháng trước và tăng 15,45% so với cùng kỳ[1]. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 548,9 tỷ đồng, tăng 1,19% so với tháng trước và giảm 12,96% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành đạt 3,2 tỷ đồng, giảm 81,07% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,18% so với tháng trước. Nguyên nhân giảm chủ yếu là do giá điện sinh hoạt giảm theo Nghị quyết số 180/NQ-CP ngày 17/12/2020 của Chính phủ về phương án hỗ trợ giảm giá điện và Công văn số 9764/BCT-ĐTĐL ngày 18/12/2020 của Bộ Công Thương về việc hỗ trợ giảm giá điện[2]. Chỉ số giá tiêu dùng chung toàn tỉnh tháng 01/2021 giảm 2,25% so với cùng kỳ năm trước[3].

Hoạt động xuất nhập khẩu:

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 80,3 triệu USD, giảm 5,63% so với tháng trước và tăng 53,68% so với cùng kỳ. Phần lớn các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh gồm: xơ, sợi dệt các loại ước đạt 18,3 triệu USD, tăng 57,3%; hàng may mặc ước đạt 38,05 triệu USD, tăng 36,8%; gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 5,63 triệu USD, tăng trên 200%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 50,9 triệu USD, giảm 14,1% so với tháng trước và tăng 34,5% so với cùng kỳ. Các mặt hàng nhập khẩu phục vụ cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu: nguyên phụ liệu dệt may ước 31,9 triệu USD, tăng 17,6%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng ước đạt 2,6 triệu USD, linh kiện phụ tùng ô tô ước đạt 0,19 triệu USD tăng 100% so với cùng kỳ, các sản phẩm thạch cao, thép, hóa chất, linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu sản xuất bia ước đạt 16,09 triệu USD, tăng 63,9% so với cùng kỳ.

Hoạt động ngân hàng: Tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 53.600 tỷ đồng, tăng 0,59% so với năm 2020. Dư nợ tín dụng tại các TCTD đạt 52.100 tỷ đồng, tăng 0,45% so với năm 2020. Nợ xấu nội bảng tại các TCTD trên địa bàn ở mức 588,4 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,13%, thấp hơn mức 2,1% vào thời điểm cuối năm 2019.

Hoạt động vận tải: Hoạt động vận tải trong tháng 01/2021 tăng cao so với tháng trước do nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Dự ước tháng 01/2021 hành khách vận chuyển đạt 1.478,0 nghìn hành khách, tăng 11,77% so với tháng trước và giảm 35,74% so với cùng kỳ[4]. Dự ước hàng hóa vận chuyển đạt 1.542,4 nghìn tấn, giảm 1,25% so với tháng trước và tăng 27,09% so với cùng kỳ[5]. Dự ước doanh thu vận tải, bốc xếp đạt 309,4 tỷ đồng, tăng 0,48% so với tháng trước và tăng 9,89% so với cùng kỳ[6].

b) Lĩnh vực công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 01/2021 tăng 21,6% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó:

+ Ngành công nghiệp khai khoáng ước tăng 28,08%;

+ Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 24,55%; trong đó, các sản phẩm chủ yếu: tôm đông lạnh 171 tấn tăng 95,53%; bánh làm từ bột 115 tấn tăng 36,66%; bia chai 1,4 triệu lít tăng 27,82%; bia lon 2,2 triệu lít tăng 27,81%; sợi 1.050 tấn tăng 26,51%; quần áo lót 1,2 triệu cái tăng 4,76%; dăm gỗ 5,5 ngàn tấn tăng 19,28%; thuốc mỡ kháng sinh 1,7 tấn tăng 28,31%; xi măng 13,9 ngàn tấn tăng 12,64%; men frit 4,3 ngàn tấn tăng 38,25%;...

+ Ngành sản xuất và phân phối điện, nước đá ước tăng 0,92%. Tổng sản lượng của 10 nhà máy thủy điện và điện mặt trời trong tháng 01/2021 là 97,47 triệu kwh, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Điện thương phẩm ước đạt 125,000 triệu kwh, tăng 1,2% so với cùng kỳ.

+ Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước tăng 3,84%.

c) Lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp

Trồng trọt: Sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết gặp nhiều khó khăn do rét đậm, rét hại tác động xấu đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Đến nay, diện tích lúa đã gieo cấy là 24.762 ha/28.535 ha; diện tích gieo trồng cây hàng năm khác như: Ngô 60 ha, giảm 65,12% so cùng kỳ; khoai lang 500 ha, giảm 50,40%; lạc 30 ha, giảm 74,14%; rau các loại 1.020 ha, giảm 21,54%.

Chăn nuôi: Tính đến thời điểm 01/01/2021, tổng đàn lợn ước đạt 126.213 con, tăng 13,37% so cùng kỳ; đàn trâu có 16.218 con, giảm 0,59% so cùng kỳ; đàn bò 29.633 con, giảm 0,57% so cùng kỳ. Tổng đàn gia cầm đạt 3.979 nghìn con, tăng 5,36% so cùng kỳ, trong đó: đàn gà 3.224 nghìn con, tăng 7,18%; đàn vịt, ngan, ngỗng 775 nghìn con, giảm 1,71%.

Thủy sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản tháng 01/2021 ước đạt 108 ha, tăng 2,86% so cùng kỳ, bao gồm: nuôi nước lợ 38 ha, tăng 5,56%; nuôi nước ngọt 70 ha, tăng 1,45%. Về sản xuất giống thủy sản ước đạt 9,4 triệu con, tăng 2,17% so cùng kỳ[7]. Sản lượng thu hoạch thủy sản ước đạt 340 tấn, tăng 5,59% so với cùng kỳ[8]. Sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 1.857 tấn, tăng 2,65% so cùng kỳ[9]. Tính chung sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác ước đạt 2.197 tấn, tăng 3,10% so cùng kỳ. Đã tổ chức quản lý tốt đội tàu cá xa bờ gồm 392 chiếc; hướng dẫn các chủ tàu cá xa bờ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, hiện đã có 378/392 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS).

Lâm nghiệp: Sản xuất lâm nghiệp tập trung chủ yếu khai thác gỗ rừng trồng và trồng rừng tập trung. Ước tính sản lượng gỗ khai thác rừng trồng trong tháng đạt 29.500 m3, giảm 8,89% so với cùng kỳ. Sản lượng củi khai thác ước đạt 13.500 ste, giảm 8,89%. Trồng rừng ước đạt 843 ha, giảm 9,84% so với cùng kỳ. Phát hiện 01 vụ phá rừng, tăng 01 vụ so với cùng kỳ.

2 Tình hình đầu tư và xây dựng

Tổng vốn đầu tư thực hiện ước đạt 1.239 tỷ đồng (theo giá hiện hành), tăng 5,25% so với cùng kỳ; trong đó, vốn do Trung ương quản lý 315 tỷ đồng, tăng 17,98%, chiếm 25,41% tổng vốn; vốn do địa phương quản lý 924,9 tỷ đồng, tăng 1,53%, chiếm 74,59%.

Vốn thuộc ngân sách Nhà nước đạt 277,9 tỷ đồng, tăng 32,97% so với cùng kỳ, chiếm 22,41% tổng vốn, gồm có: Vốn ngân sách Trung ương quản lý 100 tỷ đồng, tăng 66,67%; vốn ngân sách địa phương quản lý 177,9 tỷ đồng, tăng 19,4%. Nguồn vốn tín dụng đạt 487 tỷ đồng, tăng 3,18% so cùng kỳ, chiếm 39,28% tổng vốn; vốn đầu tư của doanh nghiệp 160 tỷ đồng, tăng 3,23%, chiếm 12,9%; vốn viện trợ 105 tỷ đồng, tăng 2,94%, chiếm 8,47%; vốn đầu tư nước ngoài 30 tỷ đồng, giảm 62,5% so với cùng kỳ, chiếm 2,42%.

Nguồn vốn đầu tư trong tháng chủ yếu tập và các dự án chuyển tiếp như: Hạ tầng khu đô thị An Vân Dương; Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc Hương Sơ; Sửa chữa nâng cấp hệ thống tưới phục vụ sản xuất thuộc Khu tái định cư thủy điện A Lưới; Cống An Xuân và kè gia cố hai bờ hói An Xuân, xã Quảng An; Kè chống sạt lở bờ sông Nong, huyện Phú Lộc; Sửa chữa, nâng cấp hồ Thọ Sơn, xã Hương Xuân; Kè chống sạt lở bờ sông Tả Trạch; Nạo vét và xây dựng Kè hói Đốc Sơ-An Hòa; Kè chống sạt lở bờ sông Bồ đoạn qua thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú; Kè chống sạt lở bờ biển khu vực xã Quảng Công, huyện Quảng Điền; Đường Chợ Mai - Tân Mỹ, huyện Phú Vang;…Vốn đầu tư NSNN do Trung ương quản lý tiếp tục tập trung đầu tư vào những dự án trọng điểm quốc gia như: Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn; dự án đầu tư xây trung tâm Sản phụ khoa bệnh viện Trung ương Huế; khu kinh tế quốc phòng A So, A Lưới; trung tâm phục hồi chức năng đoàn 41 Huế; Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân; xây dựng giảng đường và tăng cường năng lực xanh trường Cao đẳng Công nghiệp; xây dựng bể bơi trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tỉnh; Học viện Âm Nhạc Huế; Nhà hát Sông Hương…

Nguồn vốn doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tiếp tục triển khai các dự án chuyển tiếp để đi vào sử dụng như: Dự án phức hợp Manor Crown; dự án Goldland Plaza; Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Mỹ An; Hạ tầng khu công nghiệp Phong Điền; dự án Movenpic Resort Lăng Cô, bến số 02, 03 cảng Chân Mây,… Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện chủ yếu các dự án chuyển tiếp như: dự án Laguna giai đoạn 2; dự án Nhà máy sản xuất đồ chơi Billion Max Việt Nam; dự án Nhà máy dệt Sunjin AT&C Vina; dự án sản xuất mũ thể thao và túi du lịch của công ty TNHH Lavaya; nhà máy Kanglongda Huế.

3. Phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư

Tính đến ngày 25/01/2021, có 76 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới; trong đó có 39 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 288 tỷ đồng, giảm 22% về lượng và 80% về vốn so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại có 123 doanh nghiệp, tăng hơn 02 lần. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động là 166 doanh nghiệp, tăng 34,9%; giải thể 07 doanh nghiệp, giảm 47%.

Ngay từ đầu năm, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 03 dự án đầu tư trong nước[10] với tổng vốn đăng ký khoảng 475,1 tỷ đồng. Công tác bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư và công bố thông tin dự án kêu gọi đầu tư được quan tâm, đến nay, đã xây dựng thông tin gần 200 dự án, trong đó, có 16 dự án được công bố thông tin chi tiết sẵn sàng kêu gọi đầu tư.

4 Thu chi ngân sách Nhà nước

Thu ngân sách nhà nước tháng 01 ước đạt 981 tỷ đồng, chiếm 16,2% dự toán, tăng 31% so với cùng kỳ; trong đó: thu nội địa đạt 946,7 tỷ đồng, chiếm 16,9% dự toán, tăng 31,2%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 34,3 tỷ đồng, chiếm 7,5% dự toán, tăng 26,8%.

Chi ngân sách nhà nước ước đạt 364,5 tỷ đồng, chiếm 3,4% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển 75 tỷ đồng, chiếm 2,1% dự toán, chi thường xuyên 289,5 tỷ đồng, chiếm 4,3% dự toán.

5. Văn hóa - xã hội

Về văn hóa - thể thao: Tổ chức các hoạt động chào đón năm mới với chủ đề “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng công cuộc đổi mới, hội nhập của quê hương, đất nước”. Tổ chức các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian, thể thục thể thao tại thành phố Huế và các huyện, thị xã. Đưa vào khai thác các không gian đi bộ dọc hai bên bờ sông Hương đã tạo các điểm nhấn cho không gian tết. Đặc biệt, lần đầu tiên tỉnh đã tổ chức thành công buổi gặp mặt giữa Chủ tịch UBND tỉnh với các trưởng họ tộc, già làng.

Tổ chức thành công Giải vô địch Futsal toàn tỉnh lần thứ VIII và Giải VnExpress Marathon Huế 2020 quy tụ hơn 4.500 VĐV tham dự. Chuẩn bị tổ chức, hướng dẫn nhân dân tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí theo thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đảm bảo người dân đón Tết vui tươi, lành mạnh và an toàn.

Về giáo dục và đào tạo: Tổ chức Lễ tuyên dương, khen thưởng 61 học sinh xuất sắc đạt thành tích cao tại kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2020 - 2021; trong đó, có 04 giải nhất, 21 giải nhì, 17 giải ba và 19 giải khuyến khích. Hoàn thành sơ kết học kỳ I, triển khai kế hoạch học kỳ II năm học 2020 - 2021. Tiếp tục ưu tiên đầu tư các trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học; tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học, bậc học. Đã tập trung khắc phục, sửa chữa các đơn vị trường học bị thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Đại học Huế tạo cú nhảy trên các bảng xếp hạng đại học thế giới: Xếp hạng QS Asia Rankings 2021 vươn lên nhóm trên, hướng đến mục tiêu tốp 300[11]; năm thứ hai Đại học Huế lọt tốp 10 của Việt Nam trong bảng xếp hạng URAP (bảng xếp hạng đại học thế giới theo thành tựu học thuật) và là năm đầu tiên lọt vào bảng xếp hạng SCImago nơi mà các tiêu chí xếp hạng được dựa trên 3 nhóm tiêu chí: nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và tác động xã hội.

Về y tế: Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh: Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Gia Lai,…tình trạng người dân, phương tiện về địa phương để chuẩn bị đón Tết từ các vùng dịch vẫn chưa được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ,…khả năng lây nhiễm từ bên ngoài luôn tiềm ẩn nguy cơ cao. Để chủ động phòng, chống, ngăn chặn, kiểm soát tốt dịch bệnh, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 02/CĐ-UBND, ngày 28/01/2021 về triển khai các giải pháp khẩn cấp phòng, chống dịch Covid-19. Đến nay, tỉnh đã kích hoạt lại toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch và 23 đội phản ứng nhanh; chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục tập trung các biện pháp, giải pháp phòng chống dịch; thực hiện tốt “thông điệp 5K”: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế với quyết tâm ngăn chặn, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết.

Về khoa học và công nghệ: Đến nay, đã cơ bản hoàn thành xây dựng Đề án Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế. Tổ chức triển khai Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh; triển khai Đề án Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế năm 2021…

Về lao động việc làm, an sinh xã hội: Triển khai tổ chức trao quà theo Quyết định số 07/QĐ-CTN ngày 11/01/2021 của Chủ tịch Nước về việc tặng quà các đối tượng chính sách xã hội nhân dịp Tết Nguyên đán. Chuẩn bị mở phiên giao dịch việc làm khai xuân đầu năm 2021. Tổ chức làm việc với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn để thống nhất chỉ tiêu đào tạo năm học 2021 - 2022.

Về hỗ trợ các nhóm đối tượng chính sách: Đã tổ chức trao quà theo kế hoạch 12/KH-UBND ngày 14/01/2021 cho các đối tượng: người có công, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng nuôi dưỡng thuộc công lập và ngoài công lập,… với số tiền hơn 30 tỷ đồng.

6. Cải cách hành chính

Đã tiến hành rà soát lại bộ TTHC thuộc thẩm quyền; quy trình nội bộ, quy trình điện tử; đồng thời, thực hiện toàn bộ quy trình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thuộc thẩm quyền tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Tiến hành công bố Danh mục TTHC chuẩn hóa một số lĩnh vực theo thẩm quyền, của đơn vị. Tập trung hoàn thiện, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số phục vụ người dân, doanh nghiệp; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; đảm bảo chỉ số xếp hạng Chính quyền điện tử luôn nằm ở nhóm đầu toàn quốc.

Mức độ thực hiện chính quyền điện tử trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh ở mức cao, có 5 cơ quan xếp thứ nhất với tỷ lệ thực hiện 100%[12]. Các chỉ số cải cách hành chính đều cải thiện vị trí đáng kể.

7. Về tài nguyên môi trường

Trong tháng đầu năm, xảy ra 01 vụ cháy nổ, giảm 03 vụ so với cùng kỳ năm 2020; đã phát hiện 6 vụ vi phạm môi trường, tăng 4 vụ so với cùng kỳ. Trong đó, thành phố Huế 02 vụ, thị xã Hương Trà 02 vụ, huyện Quảng Điền 01 vụ, huyện Phú Lộc 01 vụ[13]; đã tiến hành xử lý 05 vụ với số tiền xử phạt 22,5 triệu đồng.

8. Công tác đối ngoại, quốc phòng - an ninh

Công tác đối ngoại: Đã đón tiếp và làm việc với 13 đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc, tìm hiểu cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư - thương mại, tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế. Đã làm việc với các cơ quan đại diện ngoại giao và các đối tác quốc tế tại Hà Nội nhằm trao đổi một số định hướng phát triển và đề xuất hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và các đối tác trong thời gian tới[14].

Quốc phòng, an ninh: Đã triển khai nhiệm vụ quốc phòng, an ninh năm 2021 đảm bảo đúng yêu cầu và kiểm soát chặt chẽ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đã xây dựng kế hoạch bảo vệ an toàn tuyệt đối công sở, các địa điểm công cộng, khu dân cư, các địa bàn trọng điểm trong thời gian diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Đáng chú ý, phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và Công an tỉnh Quảng Nam triệt phá một đường dây cá độ bóng đá qua mạng với số tiền đánh bạc lên đến hàng trăm tỷ đồng. Phát hiện 21 vụ án liên quan đến ma túy, tăng 17 vụ so với cùng kỳ.

An toàn giao thông: Trên địa bàn tỉnh xảy ra 62 vụ tai nạn và va chạm giao thông, giảm 17 vụ so với cùng kỳ năm trước; làm chết 13 người, tăng 04 người; bị thương 55 người, giảm 30 người.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI

1. Tiếp tục tập trung ưu tiên công tác phòng, chống và ngăn chặn, kiểm soát tốt dịch Covid-19; khắc phục hậu quả thiên tai bão, lụt

Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp nhằm phòng chống, ngăn ngừa dịch Covid-19, cương quyết không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Thực hiện nghiêm phòng, chống dịch Covid-19: Tiếp tục kiên định 5 nguyên tắc: ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai, minh bạch thông tin trên các phương tiện truyền thông liên quan đến tình hình, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng. Tiếp tục nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ các nạn nhân đang còn mất tích trong sự cố sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3; khẩn trương khắc phục hệ thống giao thông và các hạng mục hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2020 - 2021.

2. Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị; xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới

Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt các Đề án Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế; Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường;

Triển khai các thủ tục, tổ chức xây dựng Quy hoạch tỉnh, giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050, trong đó chú trọng tích hợp các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực vào trong quy hoạch tỉnh phù hợp với mô hình đô thị khi xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; triển khai lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 - 2030 và lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh; triển khai Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Lập đề án nâng cấp các đô thị: Vinh Hiền, Thanh Hà, Điền Lộc đạt tiêu chí đô thị loại V. Đánh giá phân loại đô thị thành phố Huế mở rộng và đánh giá hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị đối với khu vực dự kiến thành lập phường. Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.

3. Tập trung hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm

Tiếp tục hỗ trợ, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ khởi công, thi công các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư: Sân gôn Thiên An, Khu du lịch sinh Biển Hải Dương (Eco Park), BRG; Khu du lịch nghỉ dưỡng Lộc Bình (Tập đoàn Văn Phú); Khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Cồn Sơn, Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn, dự án sản xuất găng tay và sợi polyethylen, Dự án Tổ hợp Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của Công ty cổ phần công nghiệp chế tạo ô tô Bách Việt,...Hỗ trợ triển khai các dự án Trung ương trên địa bàn: Cao tốc Cam Lộ - La Sơn, mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài,....

Tiếp tục thi công hoàn thành các tuyến đường trong đô thị và kết nối với các địa phương trên địa bàn: đường Đào Tấn nối dài, đường Thủy Phù - Vinh Thanh, đường Phú Mỹ - Thuận An, đường Chợ Mai - Tân Mỹ, đường cứu hộ cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc...Tiếp tục các công trình chỉnh trang đô thị: Mở rộng Cầu Lòn, đường đi bộ từ Cầu Dã Viên đến Chùa Linh Mụ, đường ven sông Bùi Thị Xuân…

Sử dụng hiệu quả vốn kết dư dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế; lập thủ tục bổ sung quy hoạch và chuẩn bị đầu tư tuyến đường ven biển, cầu Nguyễn Hoàng qua sông Hương và đường Vành đai 3,...Điều chỉnh quy hoạch mỏ cát trắng huyện Phong Điền, quy hoạch phân khu Khu B - đô thị mới An Vân Dương, quy hoạch phân khu Khu tổ hợp dịch vụ khu vực lân cận Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài,….Đôn đốc triển khai lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết[15].

4. Phát triển công nghiệp, nông nghiệp và các lĩnh vực kinh tế khác

Rà soát thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, đề xuất các giải pháp để đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước; dự báo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; có biện pháp hỗ trợ đảm bảo nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; củng cố thị trường nội địa, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ. Tập trung vào công tác phát triển thị trường gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản suất kinh doanh,...Xây dựng kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hoá các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới; tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA); Hiệp định EVFTA.

Tiếp tục chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021 đảm bảo đúng khung lịch thời vụ. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất kinh doanh các loại phân bón, giống cây trồng; phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, các loại phân bón không rõ nguồn gốc, giống cây trồng kém chất lượng.... Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, không để xảy ra các điểm nóng về phá rừng và các tụ điểm mua bán, vận chuyển và săn bắt động vật hoang dã; thường xuyên theo dõi ảnh viễn thám để kiểm tra việc xâm hại tài nguyên rừng.

5. Đẩy mạnh phát triển du lịch và ưu tiên các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, ngành du lịch đã chủ động có các giải pháp ứng phó kịp thời trong dịp Tết nguyên đán. Tiếp tục nghiên cứu triển khai mô hình hoạt động lưu trú trong dân (homestay).

Tiếp tục triển khai Đề án Không gian văn hóa nghệ thuật đường Lê Lợi. Xây dựng Đề án “Đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động Bảo tàng gắn với phát triển Du lịch”, “Chính sách phát triển Bảo tàng tư nhân”. Mở rộng kết nối đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu với không gian văn hóa nghệ thuật đường Lê Lợi, cầu Trường Tiền, khu vực các tuyến đường ở Đại Nội.

6. Thực hiện điều hành thu chi ngân sách hiệu quả

Triển khai đồng bộ các giải pháp để phấn đấu tăng thu ngân sách, phải thu đúng, thu đủ, chống gian lận, trốn thuế, thất thoát và nợ đọng; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, tập trung ưu tiên các nhóm giải pháp nhằm tăng thu ngân sách như: (1) Đấu giá, đầu thầu các dự án trọng điểm; (2) thực hiện thủ tục tổ chức đấu giá bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện Dự án, bán đấu giá quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng thiết yếu...; (3) Xây dựng kế hoạch thu tiền sử dụng đất (1 lần) các dự án lớn; (4) Tập trung triển khai các dự án đầu tư công để tăng thu vãng lai trên địa bàn (thuế VAT).

Xây dựng các kịch bản khi nguồn thu ngân sách nhà nước không đảm bảo do tác động của dịch Covid-19.

7. Về các lĩnh vực văn hóa - xã hội

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội trong và sau Tết Nguyên đán theo quy định bảo đảm vui tươi, lành mạnh phù hợp với phong tục tập quán của địa phương. Xây dựng các thiết chế văn hóa trọng điểm[16]. Xây dựng hồ sơ từ 07 - 10 di tích đề nghị xếp hạng, trong đó có 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt. Hoàn thành hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO công nhận Ca Huế và Áo dài truyền thống. Triển khai Đề án Huế - Kinh đô Áo dài; Đề án phát triển văn hóa Huế, con người Huế đậm đà bản sắc dân tộc và bản sắc văn hóa Huế. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện Đề án Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn.

Tập trung công tác đổi mới giáo dục và đào tạo, trong đó trọng tâm thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội; thực hiện hiệu quả, chất lượng chương trình phổ thông mới. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học. Xây dựng và triển khai thực hiện các Đề án phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2020 - 2025. Đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục, thực hiện tốt 4 dự án xây dựng “Hệ sinh thái giáo dục thông minh”, xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia.

Tập trung rà soát, đầu tư xây dựng Trung tâm xét nghiệm PCR, đảm bảo quy mô xét nghiệm cho trên 5.000 bệnh nhân nghi nhiễm do dịch Covid-19. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện thiết chế của trung tâm y tế chuyên sâu. Lập đề án xây dựng mới Viện Thái y trên cơ sở Bệnh viện Y học Cổ truyền. Triển khai thực hiện dự án Hệ thống xử lý nước thải tại một số Trung tâm y tế[17]. Tập trung kêu gọi đầu tư hạ tầng Khu Y tế công nghệ cao…Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Sở Y tế với Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế.

Tăng cường thông tin, kết nối cung - cầu lao động. Tổ chức rà soát tình hình sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh; đồng thời, thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đẩy mạnh đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn, tăng cường hoạt động tư vấn, tuyển sinh học nghềtruyền thông phát triển giáo dục nghề nghiệp. Mở rộng thị trường đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành khoa học và công nghệ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chương trình ứng dụng khoa học và công nghệ trong nông nghiệp công nghệ cao…. Phấn đấu thành lập Khu công nghệ cao quốc gia tại Thừa Thiên Huế; trước mắt, hoàn hiện đề án thành lập Khu Công nghệ cao trình Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thúc đẩy triển khai dự án thành phần “Khu trung tâm thuộc dự án xây dựng Bảo tàng thiên nhiên duyên hải miền Trung”. Triển khai Đề án phát triển Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế.

8. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; đảm bảo quốc phòng, an ninh

Tập trung xây dựng, hoàn thiện chính quyền điện tử, hoàn thiện các quy trình vận hành Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công cấp huyện. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động và tổng kết tình hình thực hiện Đề án Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Đẩy mạnh CCHC gắn liền với ứng dụng CNTT và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015, tăng cường tiếp nhận, giao trả trực tuyến TTHC mức độ 3, mức độ 4, tạo lập hồ sơ, tài khoản trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt ở cấp xã, huyện.

Triển khai đồng bộ hệ thống quản lý văn bản, đảm bảo kết nối, liên thông bốn cấp; xây dựng hình ảnh "chính quyền thân thiện, phục vụ". Có kế hoạch cải thiện các chỉ số PAR-Index và chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) phấn đấu vị trí trong top 10 của cả nước.

Chủ động nắm chắc tình hình và xử lý tốt các vụ việc về an ninh, trật tự ngay từ cơ sở, không để xảy ra tình huống phức tạp, không để bị động, bất ngờ. Tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò của công an xã chính quy.

Triển khai thực hiện Chỉ thị 50-CT/TU ngày 03/9/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; đồng thời kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền các cấp sau bầu cử.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu và gian lận thương mại, tội phạm về môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao, “tín dụng đen”. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phấn đấu giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí.



[1] Trong đó, một số mặt hàng tăng cao so với tháng trước gồm: Ôtô con tăng 40,24%, lương thực thực phẩm tăng 4,26%, hàng may mặc tăng 6,64%, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 3,96%, vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 2,31%.

[2] Các nhóm hàng hóa dịch vụ còn lại đều có chỉ số giá tăng nhẹ so với tháng trước do nhu cầu mua sắm, sử dụng trong dịp tết: Nhóm lương thực tăng 0,85%; thực phẩm tăng 1,36%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,08%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,19%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,24%; giao thông tăng 2,24%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,79%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,17%. Các nhóm ăn uống ngoài gia đình; giáo dục; thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính viễn thông có chỉ số giá không tăng giảm so với tháng trước. Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 4,60% so với tháng trước. 

[3] Trong đó, một số nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm gồm: Thực phẩm giảm 2,27%; ăn uống ngoài gia đình giảm 1,41%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,25%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 5,98%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,03%, giao thông giảm 10,91%; văn hóa và dịch vụ khác giảm 0,96%. Một số nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng cao so với cùng kỳ gồm: lương thực tăng 8,84%; may mặc, giày dép và mũ nón tăng 1,16%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,49%.

[4] Bao gồm: vận tải hành khách đường bộ ước đạt 1.425,8 nghìn hành khách, giảm 35,95%; đường sông đạt 52,2 nghìn hành khách, giảm 29,33%.

[5] Bao gồm: vận tải hàng hóa đường bộ đạt 1.527,3 nghìn tấn, tăng 27,00%; đường biển đạt 15,1 nghìn tấn, tăng 36,62%.

[6] Chia theo ngành đường: đường bộ đạt 293,2 tỷ đồng, tăng 10,30%; đường sông đạt 0,3 tỷ đồng, giảm 26,06%; đường biển đạt 15,9 tỷ đồng, tăng 8,22%; chia theo loại hình dịch vụ: vận tải hành khách đạt 45,4 tỷ đồng, giảm 33,57%; vận tải hàng hóa đạt 242,7 tỷ đồng, tăng 25,61%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 20,0 tỷ đồng, tăng 7,19%; bưu chính chuyển phát đạt 1,3 tỷ đồng, giảm 4,21%.

 

[7] Trong đó tôm sú giống 7,3 triệu con, tăng 1,39%; cá giống các loại 2,1 triệu con, tăng 5,0% so cùng kỳ, chủ yếu cung cấp giống cho các cơ sở nuôi trên địa bàn tỉnh.

[8] Trong đó cá các loại 280 tấn, tăng 4,87%; tôm các loại 60 tấn, tăng 9,09%; trong đó, tôm thẻ chân trắng 55 tấn, tăng 7,84%.

[9] Trong đó khai thác biển 1.610 tấn, tăng 3,21%; khai thác nội địa 247 tấn, giảm 0,80%.

[10] Gồm: Dự án Hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải tại Nhà máy xi măng Đồng Lâm, Xưởng sản xuất các sản phẩm tranh Pháp Lam Cung Đình, Nhà máy sản xuất tấm đá thạch anh nhân tạo Lux Quartz,…

[11] Trong kỳ xếp hạng này, thứ hạng châu lục của 8 tiêu chí của Đại học Huế tăng so với QS Asia 2020, trong đó tiêu chí Uy tín trong giới sử dụng lao động (Employer Reputation) lần đầu tiên đứng thứ 200 Châu Á. Xét đến kết quả hoạt động thông qua các chỉ số thống kê của QS, hầu hết các chỉ số của Đại học Huế đều tăng rõ rệt qua từng năm như số bài báo công bố bình quân trên 1 giảng viên, số trích dẫn bình quân trên 1 bài báo

[12] Theo đó, 5 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh dẫn đầu xếp hạng mức độ kết quả chính quyền điện tử gồm Văn phòng UBND tỉnh, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền Thông, Sở Ngoại vụ; 20/20 cơ quan chuyên môn đạt kết quả mức độ I. Đối với kết quả xếp hạng cấp huyện thì huyện Nam Đông đứng đầu với tỷ lệ thực hiện chính quyền điện tử 85,36%, xếp hạng mức độ 2; huyện Phú Vang và huyện A Lưới lần lượt xếp thứ 2 và 3 ở mức độ 3.

[13] Các hình thức vi phạm bao gồm khai thác cát và khoáng sản trái phép 03 vụ, vận chuyển khoáng sản trái phép 01 vụ, sử dụng công cụ kích điện khai thác thủy sản 02 vụ

[14] Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam

[15]Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và đô thị biển Vinh Xuân, Phú Vang; thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang; khu du lịch sinh thái Bãi Chuối; khu phi thuế quan Chân Mây; khu vực phía Nam trục trung tâm khu du lịch Lăng Cô; Khu công nghiệp Phú Bài 4 (giai đoạn 2); dự án Khu dân cư phía Bắc phường An Hòa - Hương Sơ, thành phố Huế và xã Hương Vinh - Hương Toàn, thị xã Hương Trà; Khu đô thị sinh thái Thanh Tiên, xã Phú Mậu - Phú Dương - Phú Thượng, huyện Phú Vang; Khu D - Đô thị mới An Vân Dương; xây dựng vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai; Khu đô thị sinh thái và nghỉ dưỡng ven biển tại xã Vinh Hải và Vinh Hiền, huyện Phú Lộc; Phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà; Khu du lịch sinh thái Hồ Khe Ngang, thị xã Hương Trà; khu vực phía Bắc trục trung tâm Khu du lịch Lăng Cô đến khu vực núi Giòn; Khu vực trung tâm tiếp vận hàng hóa và thương mại dịch vụ đầu mối; Khu F - Đô thị mới An Vân Dương (khu vực Tố Hữu nối dài); Khu tổ hợp nghỉ dưỡng sinh thái, bảo tàng thiên nhiên và sân golf, huyện Phong Điền; Khu du lịch sinh thái Ngũ Hồ, huyện Phong Điền.

[16] Dự án di dời Bảo tàng Lịch sử tỉnh về 268 Điện Biên Phủ; Dự án xây dựng Thư viện Tổng hợp tỉnh; Dự án xây dựng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế (giai đoạn 2); Trung tâm hội nghị quốc tế đa năng; cải tạo nâng cấp các thiết chế thể thao…

[17] Cụ thể: Trung tâm y tế thị xã Hương Trà, Trung tâm y tế huyện Phong Điền, Trung tâm y tế huyện Phú Vang, Bệnh viện Phong-Da liễu, Bệnh viện Răng hàm mặt và Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh

thuathienhue.gov.vn
 Bản in]