Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
  

(Trích Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 18/3/2015 của UBND tỉnh)

 

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản, các loài thủy sản có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ; gắn với quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản nhằm phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững, đồng thời giữ gìn tính đa dạng sinh học của tài nguyên sinh vật biển tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2020, phối hợp cơ quan Trung ương hoàn thành việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nghề cá và nguồn lợi thủy sản; đưa công tác dự báo nguồn lợi, ngư trường, mùa vụ khai thác là công việc thường xuyên của cơ quan quản lý và nghiên cứu khoa học.

b) Đến năm 2020, phối hợp cơ quan Trung ương thành lập và đưa vào hoạt động khu bảo tồn biển Hải Vân – Sơn Chà cấp quốc gia và khu bảo tồn vùng nước nội địa Tam Giang – Cầu Hai cấp quốc gia.

c) Đến năm 2020, hoàn thiện việc thành lập hệ thống Khu Bảo vệ thủy sản đầm phá (vùng cấm khai thác hoàn toàn), hợp với vùng lõi bảo tồn đầm phá, đạt 10% diện tích tự nhiên đầm phá. Công bố các vùng cấm khai thác thủy sản có thời hạn, đồng thời công bố danh mục các loại nghề cấm, đối tượng cấm cho các thủy vực thuộc tỉnh quản lý.

d) Đến năm 2020, cơ bản phục hồi nguồn lợi hải sản vùng ven bờ, đầm phá đặc biệt là một số loài hải sản làm nguyên liệu chế biến cho các sản phẩm thủy sản gắn với làng nghề truyền thống có thương hiệu tại Thừa Thiên Huế.

đ) Tiếp tục tuyên truyền, tập huấn về công tác bảo vệ nguồn lợi cho cộng đồng ngư dân, trong đó tập trung đối tượng là ngư dân khai thác thủy sản vùng ven bờ và đối tượng là thanh thiếu niên, học sinh trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

II. CÁC NỘI DUNG CHỦ YẾU

1. Điều tra nguồn lợi

a) Phối hợp cơ quan Trung ương điều tra nguồn lợi hải sản tại các vùng biển xa bờ, trong đó ưu tiên điều tra nguồn lợi một số nhóm đối tượng khai thác chủ lực, có giá trị kinh tế, có sản lượng lớn.

b) Phối hợp cơ quan Trung ương điều tra đánh giá nguồn lợi hải sản tại các vùng biển ven bờ, khả năng cho phép khai thác bền vững; trong đó ưu tiên điều tra khu vực tập trung các bãi giống, bãi đẻ của các loài thủy sản.

c) Điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản vùng nội địa, trong đó ưu tiên điều tra tại các lưu vực sông, hồ lớn, đầm phá có các giống loài thủy sản đặc hữu, có tính đa dạng sinh học cao.

d) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nghề cá và nguồn lợi thủy sản Thừa Thiên Huế (cả nguồn lợi hải sản và nguồn lợi thủy sản nội địa) phục vụ công tác quản lý nghề cá và dự báo ngư trường.

2. Ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi

a) Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm, kịp thời các hoạt động khai thác thủy sản vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hoạt động khai thác mang tính hủy diệt (xung điện), nghề giã cào ven bờ.

b) Trên cơ sở điều tra nguồn lợi, điều chỉnh, cơ cấu lại các nghề khai thác thủy sản, đảm bảo phù hợp với khả năng khai thác cho phép theo hướng không phát triển và giảm dần một số loại nghề khai thác thiếu lựa chọn, khai thác thủy sản còn non ở vùng ven bờ. Tại các địa phương ven biển, phát huy vai trò của cộng đồng ngư dân để tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển các hình thức kinh tế tập thể, tổ chức cộng đồng, đồng thời gắn với trách nhiệm cộng đồng ngư dân trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi, môi trường sống của các loài thủy sản ven bờ và xây dựng nông thôn mới.

3. Bảo tồn nguồn lợi thủy sản

a) Phối hợp cơ quan Trung ương thành lập và đưa vào hoạt động Khu Bảo tồn biển hải Vân – Sơn Chà cấp quốc gia và Khu Bảo tồn vùng nước nội địa Tam Giang – Cầu Hai cấp quốc gia trong hệ thống các khu bảo tồn đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch.

b) Giao nhiệm vụ cứu hộ động vật biển hoang dã cho Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản, thực hiện việc chủ động cứu hộ động vật biển trong phạm vi tỉnh Thừa Thiên Huế và phối hợp với các Trung tâm cứu hộ động vật biển của Trung ương.

c) Tiếp tục nghiên cứu, thành lập bổ sung các Khu Bảo vệ thủy sản đầm phá ven biển, để đạt chỉ tiêu vùng bảo vệ nghiêm ngặt 10% diện tích đầm phá vào năm 2020.

4. Phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái

a) Thả bổ sung hàng năm vào các thủy vực tự nhiên: sông, hồ, hồ chứa, đầm phá, biển những loài thủy sản bản địa, quý hiếm, loài có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học nhằm khôi phục nguồn lợi, tăng mật độ quần thể của các loài thủy sản đã bị khai thác cạn kiệt, lập lại cân bằng sinh thái, ổn định quần xã sinh vật thủy sinh trong các thủy vực.

b) Phục hồi một số hệ sinh thái điển hình như: San hô, cỏ biển, rừng ngập mặn tại các vùng biển, đầm phá có điều kiện và có vị trí quan trọng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đồng thời thả rạn nhân tạo, tạo sinh cảnh, nơi cư trú, sinh sản và sinh trưởng của các loài thủy sản ở một số khu vực có điều kiện thuận lợi.

c) Khôi phục và bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, đặc biệt là các bãi sinh sản, Khu Bảo vệ thủy sản, là nơi tập trung các loài thủy sản còn non, nơi cư trú của các giống loài thủy sản.

5. Các dự án, đề án, hoạt động ưu tiên (Phụ lục kèm theo)

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Về cơ chế, chính sách

a) Rà soát, bổ sung và xây dựng mới các văn bản quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản; trước mắt là các văn bản về quản lý các Khu Bảo vệ thủy sản, bảo đảm phù hợp các quy định của Luật Thủy sản, Luật Đa dạng sinh học và thực tiễn của ngành, của địa phương.

b) Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tạo dựng hệ thống cộng tác viên bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên cơ sở các Chi hội nghề cá được giao nhiệm vụ quản lý ngư trường, Khu Bảo vệ thủy sản...

c) Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ trong việc chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân, đặc biệt là ngư dân chủ yếu sống dựa vào khai thác nguồn lợi vùng ven bờ, giảm áp lực khai thác vùng ven bờ, ven biển.

d) Tiếp tục hoàn thiện cơ chế thu, sử dụng để đưa quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản đi vào hoạt động có hiệu quả. Xây dựng cơ chế thu, sử dụng phí tự quản ngư trường, nguồn lợi thủy sản đầm phá, tạo điều kiện tài chính bền vững để quản lý của các Chi hội nghề cá cơ sở đi vào hoạt động có hiệu quả.

2. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực

a) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về mục đích công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng ngư dân làm nghề khai thác thủy sản và thanh thiếu niên, học sinh các cấp tại các địa phương ven biển; đồng thời huy động các tổ chức xã hội và nghề nghiệp tham gia các hoạt động để đưa công tác vận động, tuyên truyền sâu rộng, từng bước nâng cao nhận thức cho cộng đồng ngư dân trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

b) Sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp với tập quán, với điều kiện và đối tượng của từng địa phương như: Xây dựng phim truyền hình, tiểu phẩm, ấn phẩm; phát thanh, truyền hình trên báo, đài của địa phương; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu với sự tham gia của đông đảo cộng đồng ngư dân địa phương.

c) Nghiên cứu, biên soạn để đưa các nội dung về lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản vào chương trình ngoại khóa của trường học các cấp, trước mắt tại các trường đầm phá, ven biển.

d) Tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao nhằm kiện toàn hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chú trọng đào tạo đội ngũ lãnh đạo của các tổ chức ngư dân ở cơ sở.

3. Về khoa học, công nghệ và khuyến ngư

a) Tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn giống bố, mẹ và hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo một số loài thủy sản có giá trị kinh tế, loài thủy sản bản địa đặc hữu nhằm bổ sung nguồn giống thủy sản phục vụ công tác tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, phục hồi mật độ quần thể một số giống loài đang bị tập trung khai thác và có nguy cơ tuyệt chủng.

b) Ứng dụng công nghệ sử dụng vệ tinh viễn thám, định vị vệ tinh trong công tác quản lý, kiểm soát các hoạt động của tàu cá nhằm bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sinh trên các vùng biển. Nghiên cứu việc gắn chíp điện tử theo dõi sự di cư đối với một số loài động vật thủy sản có giá trị kinh tế và khoa học như: Rùa biển, cá ngừ đại dương…

c) Triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng nhằm bổ sung thông tin về đặc điểm sinh học, sinh thái, biến động quần thể, đề xuất loại hình bảo vệ thích hợp.

d) Triển khai nhanh, rộng các kết quả nghiên cứu về sản xuất giống, các loại nghề khai thác có chọn lọc, nâng cao hiệu quả nghề khai thác; các mô hình tổ chức sản xuất gắn với quản lý của cộng đồng để bảo vệ nguồn lợi và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư thông qua các hình thức khuyến ngư.

4. Về hợp tác quốc tế, quốc gia

a) Tăng cường hợp tác quốc tế, quốc gia, với các tỉnh bạn về: Điều tra, nghiên cứu nguồn lợi thủy sản (cả biển và nội địa), quản lý các loài cá di cư,…

b) Chủ động và tích cực tham gia (khi có điều kiện) với các tổ chức trong nước, quốc tế có liên quan như: ASEAN, SEAFDEC, FAO, NOAA… để trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm và thông qua các tổ chức này kêu gọi sự giúp đỡ, tài trợ về kinh nghiệm và kinh phí, kỹ thuật.

c) Tham quan, học tập, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý các khu bảo tồn, về điều tra, nghiên cứu nguồn lợi với các tỉnh bạn, với các nước trong khu vực và trên thế giới.

5. Về cơ chế tài chính

a) Ngân sách trung ương thực hiện các công việc: Đảm bảo kinh phí cho công tác điều tra, nghiên cứu nguồn lợi thủy sản; xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát biến động nguồn lợi thủy sản; xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu nguồn lợi thủy sản; xây dựng các khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa cấp quốc gia, do Trung ương quản lý; hỗ trợ cho các địa phương khó khăn đầu tư xây dựng các hạng mục thiết yếu của các khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa; kinh phí hoạt động của các dự án, nhiệm vụ thuộc Chương trình do các cơ quan ở trung ương thực hiện.

b) Ngân sách Tỉnh cùng với hỗ trợ từ ngân sách trung ương thực hiện: Bảo đảm kinh phí cho các hoạt động của các dự án, nhiệm vụ thuộc Kế hoạch do tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện; đầu tư xây dựng và điều phối quản lý hệ thống các Khu Bảo vệ thủy sản.

c) Ngân sách cấp huyện cùng với hỗ trợ từ ngân sách cấp tỉnh thực hiện: Bảo đảm kinh phí cho các hoạt động của các dự án, nhiệm vụ thuộc Kế hoạch do cấp huyện thực hiện; phối hợp quản lý các khu bảo tồn, bảo vệ thủy sản.

d) Các nguồn vốn huy động khác: Huy động và kêu gọi tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để triển khai các nội dung, dự án của Kế hoạch. Chú trọng huy động mọi nguồn lực công sức của các cộng đồng ngư dân địa phương.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Thành lập Ban chỉ đạo triển khai Kế hoạch thuộc Sở hoặc giao cho Chi cục Khai thác và BVNL Thủy sản làm đầu mối giúp Giám đốc Sở chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Sở xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể và phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương trong toàn tỉnh, tổ chức thực hiện Kế hoạch đảm bảo hiệu quả.

b) Hướng dẫn các địa phương cấp huyện xây dựng Kế hoạch cụ thể thực hiện Kế hoạch của Tỉnh; xây dựng mô hình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm; thành lập và quản lý các khu bảo tồn, bảo vệ thủy sản.

c) Sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm hàng năm, kịp thời nhân rộng các mô hình tốt; củng cố và tăng cường năng lực hoạt động của các cơ quan nghiên cứu, các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế: chỉ đạo các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng của địa phương xây dựng, lập kế hoạch hoạt động cụ thể ở địa phương; lập và tổ chức thực hiện các dự án cụ thể; phối hợp với các Sở, ngành cấp Tỉnh và các nhà tài trợ thu hút nguồn vốn và sự hỗ trợ kỹ thuật nhằm thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Kế hoạch.

3. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính: chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp nhu cầu, tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn cho các dự án, hoạt động để thực hiện Kế hoạch; kiến nghị các Bộ ngành Trung ương xem xét bổ sung Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 vào danh mục các chương trình hỗ trợ có mục tiêu.

4. Các Sở, ngành liên quan: Căn cứ vào nhiệm vụ, chức năng của mình chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể và phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch được phân công.

Tập tin đính kèm
STT Tên tập tin Tải về
1 Xem chi tiết Kế hoạch tại đây ()
 Bản in]
Các bài khác