Từ năm 1885 đến năm 1945
  

- Tháng 8-1885: Phò mã Đặng Huy Cát cùng con là Đặng Hữu Phổ hưởng ứng dụ Cần Vương đứng lên khởi nghĩa, được nhân dân hai huyện Quảng Điền và Hương Trà ủng hộ.

- Tháng 1-1886: thực dân Pháp tiến hành làm con đường bộ qua đèo Hải vân, nối kinh đô Huế với cửa biển Đà Nẵng nhằm quản lý chặt triều đình Nguyễn. Công trình này đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của quan ba công binh Besson.

- Từ năm 1895 đến năm 1901: Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) sống cùng gia đình tại ngôi nhà 112 đường Mai Thúc Loan - Thành nội Huế. Thân sinh của Người là Nguyễn Sinh Sắc, bấy giờ học ở trường Quốc Tử Giám để chuẩn bị cho kỳ thi Hội (lần thứ hai) Khoa Mậu Tuất (1898). Do không đỗ, ông Nguyễn Sinh Sắc bèn mang hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung về ở tại ngôi nhà của ông Nguyễn Sĩ Độ thuộc làng Dương Nỗ (Phú Dương, Phú Vang) để dạy học. Trong những năm 1898 - 1900 ở tại Dương Nỗ, Nguyễn Sinh Cung bắt đầu học chữ Hán. Năm 1901, ông Nguyễn Sinh Sắc thi đỗ Phó bảng, và tháng 5-1906, vào Huế nhận chức Thừa biện Bộ Lễ. Nguyễn Tất Thành cùng anh trai là Nguyễn Tất Đạt lại vào Huế. Năm học 1906 - 1907 và 1907 - 1908, Nguyễn Tất Thành học lớp nhì và lớp nhất Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba. Kỳ thi Primaire năm 1908, Nguyễn Tất Thành là một trong mười học sinh giỏi nhất của trường thi vượt cấp vào lớp đệ nhị niên trung học tại trường Quốc học Huế.

- Ngày 23-10-1986: Vua Thành Thái ra Dụ thành lập một trường Pháp - Việt ở Huế, gọi là trường Quốc học Huế. Đến ngày 18-11-1896, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuẩn y đạo dụ này. Năm học 1908 - 1909, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã học lớp đệ nhị niên tại ngôi trường này.

- Ngày 20-10-1898: Vua Thành Thái ra Dụ thành lập Thị xã Huế. Ngày 30-8-1899, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuẩn y đạo dụ này.

- Ngày 26-10-1898: Vua Thành Thái ra Dụ thành lập Trường Canh nông Huế. Ngày 17-2-1900, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuẩn y đạo dụ này.

- Ngày 12-9-1899: Vua Thành Thái ra Dụ thành lập Trường Bá công Huế (đến năm 1925, trường đổi tên là Trường Kỹ nghệ thực hành Huế).

- Ngày 27-8-1902: Lễ khánh thành Nhà thờ Phủ Cam.

- Ngày 15-12-1906: Thực dân Pháp bắt đầu khai thác tuyến đường xe lửa Huế - Đà Nẵng dài 104km. Đến ngày 10-12-1908, tuyến đường xe lửa Đông Hà - Đà Nẵng dài 174,5km chạy ngang qua Huế bắt đầu hoạt động.

- Từ ngày 9 đến ngày 13-4-1908: hàng nghìn người dân các huyện Hương Thuỷ, Phú Vang, Hương Trà... sôi nổi đấu tranh kháng thuế. Trong cuộc đấu tranh tại Toà khâm ngày 11-4, Nguyễn tất Thành - học sinh Quốc học đã tích cực tham gia cùng đồng bào.

- Ngày 5-5-1911: Vua Duy Tân ra dụ thành lập Trường Hậu bổ ở Huế, nơi thực dân Pháp trong thời gian 3 năm bổ túc kiến thức cai trị cho những người đã thi đỗ từ Tú tài lên đến Tiến sĩ.

- Ngày 16-11-1913: thành lập tại Huế Association des Amis du Vieux Hué (Hội những bạn của Huế xưa). Mục đích của Hội là thu thập, bảo quản những di vật về lịch sử và văn hoá thuộc Trung Kỳ. Từ năm 1914, Hội ra tờ tập san mang tên Bulletin des Amis du Vieux Hué (tập san Đô thành hiếu cổ).

- Ngày 15-5-1919: khoa thi Đình cuối cùng của nền thi cử truyền thống với chủ đề thi bàn về hai chữ "văn minh" của vua Khải Định. Có 7 Tiến sĩ và 16 Phó bảng đỗ khoa thi này, trong đó người Thừa Thiên có Bùi Hữu Hưu (Tiến sĩ), Bùi Hữu Thứ, Chu Văn Quyền và Hoàng Yên (Phó bảng).

- Ngày 17-8-1923: Vua Khải Định ra Dụ thành lập Bảo tàng Khải Định ở Huế. Tháng 2-1924, bảo tàng bắt đầu mở cửa cho công chúng vào xem.

- Ngày 23-11-1925: Thực dân Pháp mở toà án tại Hà Nội xét xử nhà yêu nước Phan Bội Châu. Trước sức ép của dư luận trong và ngoài nước, Pháp phải để cụ Phan về sống ở Huế. Cụ tiếp tục bồi dưỡng và phát huy tinh thần yêu nước cho nhiều tầng lớp nhân dân ở Huế cho đến khi mất năm 1940.

- Năm 1925: Giáo hoàng La Mã thiết lập Công sứ Toà thánh Đông Dương và đặt trụ sở Toà Khâm mạng tại Huế.

- Ngày 2-3-1926: Học sinh Trường kỹ nghệ thực hành Huế bãi khoá, đưa 3 yêu sách: nâng cao chương trình học, không đánh đập chửi mắng học sinh và thay hiệu trưởng, sửa đổi chế độ nội trú và cải thiện đời sống học sinh. Đến tháng 9-1926, trường mới trở lại hoạt động sau khi thực dân Pháp nhượng bộ các yêu sách nói trên.

- Ngày 24-3-1926: Nhà yêu nước Phan Châu Trinh qua đời tại Sài Gòn. Học sinh của nhiều trường học ở Huế tổ chức lễ truy điệu và để tang Cụ.

- Tháng 8-1926: Một số phụ nữ tiến bộ có tư tưởng duy tân ở Huế thành lập Nữ công học Hội (thường gọi tắt là Hội nữ công) do Đạm Phương nữ sĩ làm Hội trưởng, Cụ Phan Bội Châu làm Hội viên danh dự. Trong ngày 13-9-1926, ngày khai trương Hội quán Hội Nữ công ở Huế, bà Hội trưởng Đạm Phương đã nói rõ mục đích của Hội là: "Cái đoàn thể Hội giới của bạn quần thoa, gây cho bạn quần thoa một cái tinh thần tự lập bằng các nghề nghiệp của mình trong cái phạm vi đạo đức tri thức Đông phương và Tây phương hoà hợp với nhau, sau hết là kết một sợi dây đoàn thể để binh vực quyền lợi cho nhau".

- Ngày 7-4-1927: học sinh Trường Quốc học và trường Đồng Khánh (thành lập năm 1917) bãi khoá do thái độ miệt thị của một giáo sư thực dân đối với học sinh. Sau sự kiện này, nhiều học sinh của trường Quốc học đã đi vào con đường hoạt động cách mạng như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Khoa Văn...

- Tháng 7-1927: Vương Thúc Oánh, phái viên của Tổng bộ Thanh niên đã kết nạp Nguyễn Đức Tịnh, Phó Đức Trực, Lê Dung và thành lập Tỉnh bộ lâm thời Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Huế do Nguyễn Đức Tịnh làm Bí thư.

- Ngày 10-8-1927: Báo Tiếng Dân ra số đầu tiên. Báo do Huỳnh Thúc Kháng - Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỷ, làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, được Toàn quyền Đông Dương cho phép bằng Nghị định ngày 12-2-1927. Đến ngày 21-4-1943, báo bị đình chỉ hoạt động sau khi ra được 1.766 số.

- Tháng 7-1929: Tỉnh bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Thừa Thiên được thành lập do Nguyễn Đức Tịnh làm Bí thư.

- Ngày 12-12-1929: Toàn quyền Đông Dương Pasquier ra Nghị định nâng Huế thành đơn vị hành chính thành phố (commune), đứng đầu là chức Đốc lý do Công sứ Thừa Thiên kiêm nhiệm.

- Đầu năm 1930: Tỉnh uỷ lâm thời Đông Dương Cộng sản Liên đoàn thành lập ở huế do Lê Viết Lượng là Bí Thư.

- Tháng 4-1930: tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ở Thừa Thiên họp hội nghị hợp nhất, thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên, bầu Lê Viết Lượng làm Bí thư Tỉnh ủy.

- Ngày 19-5-1932, Toàn quyền Đông Dương khánh thành cầu Lăng Cô trên đường số 1, dài 175 m. Cầu mang tên Pouyanne - Tổng thanh tra công chính Đông Dương.

- Từ 22-4 đến 7-5-1930: Cờ Đảng được treo ở nhiều vùng nông thôn trong tỉnh cùng với truyền đơn được rải nhiều nơi, kêu gọi công nhân, nông dân, binh lính và thanh niên, học snh đấu tranh đòi cải thiện đời sống, tăng tiền lương, thực hiện ngày làm việc 8 giờ, ủng hộ Liên bang Xô Viết.

- Ngày 24-3-1933: thực dân Pháp khánh thành đường dây điện thoại nối liền Hà Nội - Huế.

- Ngày 1-12-1933: tạp chí Viên Âm nguyệt san ra số đầu tiên. Đây là cơ quan ngôn luận của tổ chức An Nam Phật học Hội (trụ sở đặt tại chùa Trúc Lâm, sau về chùa Từ Đàm) do Cư sĩ Lê ĐìnhThám khởi xướng đầu năm 1932.

- Tháng 6-1936: Nguyễn Chí Diểu và các đồng chí trong tổ chức cộng sản Thừa Thiên Huế họp ở hiệu sách Hương Giang đề ra việc tổ chức Đông Dương đại hội tại Trung Kỳ, mở rộng hoạt động hợp pháp để phát triển phong trào quần chúng. 

- Ngày 20-9-1936: Đại hội toàn kỳ được tổ chức tại trụ sở Viện Dân biểu Trung Kỳ. Trước đó, ngày 24-8, Ban Thường trực Viện Dân biểu đã gửi công văn yêu cầu các nghị viên thu thập "dân nguyện" để Viện đứng ra tập hợp lại gửi cho Uỷ ban điều tra của chính quyền của Pháp; ngày 7-9, Viện nhân danh "Uỷ ban khởi thảo nguyện vọng của nhân dân Trung Kỳ", sau khi được phép của Pháp và Nam triều đã ra thông cáo triệu tập "Đại hội toàn kỳ" để tiến tới thành lập Uỷ ban chính thức. Trên 500 người ở Huế và các tỉnh tới dự Đại hội. Trong Chủ tịch Đoàn Đại hội có đại diện tù chính trị là Hải Triều (Nguyễn Văn Khoa) và Lâm Mộng Quang. Đại hội bầu ra Uỷ ban lâm thời chi nhánh Trung Kỳ của Đông Dương đại hội gồm 26 người, trong đó Huế có 4 đại biểu là Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều, Phan Đăng Lưu và Đào Duy Anh.

- Ngày 15-1-1937: Báo Nhánh lúa ra số 1 tại Huế, do Hải Triều làm chủ bút. Tờ báo ra tới số 9 (19-3-1937) thì bị đình bản. Sau đó, Xứ uỷ Trung Kỳ cho ra báo Sông Hương tục bản (số 1 ngày 19-6-1937) di Phan Đăng Lưu chỉ đạo. Sau khi tờ này bị cấm, Xứ uỷ Trung Kỳ vừa được phục hồi đã cho ra tờ Dân (số 1 ngày 6-7-1938 và số cuối ngày 7-10-1938).

- Ngày 26-2-1937: Nhân dân Thừa Thiên Huế sôi nổi tham gia phong trào đón Godart - Đặc sứ của Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp sang điều tra tình hình Đông Dương.

- Ngày 27-3-2937: Hội nghị báo giới Trung Kỳ tổ chức tại Huế, 70 đại biểu tham dự đã kêu gọi lập một mặt trận thống nhất của những người làm báo ở Đông Dương và thành lập Hội Ái hữu báo giới Trung Kỳ.

- Ngày 26-3-1938: Đoàn Thanh niên Dân chủ Thừa Thiên Huế thành lập, gồm 13 đoàn viên, do Tố Hữu làm Bí thư.

- Ngày 15-6-1938: Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định số 156-SC đặt quần đảo Hoàng Sa thành một đơn vị hành chính thuộc tỉnh Thừa Thiên. Trước đó, ngày 30-3-1938,  vua Bảo Đại đã ra Dụ tách quần đảo này khỏi địa hạt tỉnh Nam - Ngãi, nhập vào tỉnh Thừa Thiên.

- Từ ngày 10 đến ngày 16-9-1938: đồng bào các giới ở Thừa Thiên Huế tổ chức biểu tình đòi sửa đổi thuế thân, chống dự án thuế mới... Kết quả là cuộc bỏ phiếu ngày 16-9-1938, của Viện Dân biểu Trung kỳ đã bác bỏ dự án thuế mới của nhà cầm quyền thực dân.

- Ngày 17-9-1939: Hàng nghìn người dân Thừa Thiên Huế tiễn đưa Nguyễn Chí Diểu - Ủy viên Trung ương Đảng, người lãnh đạo phong trào Dân chủ ở Thừa Thiên Huế thời kỳ 1936-1939, đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang của nhà yêu nước Phan Bội Châu.

- Ngày 29-10-1940: nhà yêu nước Phan Bội Châu từ trần. 17 giờ ngày 30-10-1940, đông đảo nhân dân Thừa Thiên Huế dự Lễ an táng Cụ tại ngôi nhà ở Bến Ngự.

- Ngày 9-12-1941: phát xít Nhật ký với thực dân Pháp bản hiệp ước, theo đó nhà cầm quyền Pháp phải hợp tác với quân đội Nhật trong việc "phòng thủ chung" Đông Dương. Sau đó, một đội hiến binh Nhật đến Huế và đóng đồn ở gần dinh Phủ doãn.

- Ngày 5-1-1942: Vua Bảo Đại ra Dụ số 89 về quản trị cấp xã ở Trung Kỳ Grandjean chuẩn y bằng Nghị định ngày 10-1-1942. Theo đó, quản trị ở các làng xã là Hội đồng Kỳ mục, đứng đầu là Tiền chỉ. Hội đồng Kỳ mục giao cho một Ủy ban thường trực điều hành công việc hàng ngày.

- Tháng 7-1942: Từ nhà tù Buôn Ma Thuột vượt ngục trở về, Nguyễn Chí Thanh triệu tập Hội nghị Cán bộ Đảng tại Bến Tu (Quảng Điền), tập hợp lại lực lượng, hình thành cơ quan lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh, vận dụng Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (11-1939) và Trung ương 8 (5-1941) vào điều kiện cụ thể của tỉnh.

- Ngày 9-3-1945: Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Chiều ngày 10-3, quân Nhật làm chủ hoàn toàn Thừa Thiên Huế. Theo lệnh Nhật, ngày 11-3, Bảo Đại ra Dụ, gọi là "Tuyên cáo Việt Nam độc lập".

- Ngày 17-4-1945: Nội các Trần Trọng Kim thành lập - một nội các thân Nhật nhưng một số thành viên của nó là trí thức yêu nước.

- Ngày 16-6-1945: Thủ tướng Trần Trọng Kim ký sắc lệnh số 15 thành lập Trường Quân sự Thanh niên tiền tuyến. Khi mới thành lập, trường đã được Việt Minh hóa.

- Ngày 23-5-1945: Hội nghị Cán bộ toàn tỉnh tại đầm Cầu Hai (Phú Lộc) dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Sơn, quyết định những biện pháp chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh.

- Tháng 6-1945: Hội nghị sáp nhập tổ chức Việt Minh Thuận Hóa vào Việt Minh Nguyễn Minh Phương, cử Hoàng Anh làm Bí thư. Tháng 7-1945, Thường vụ Việt Minh tỉnh họp tại Nghoẹo Giàng Xay bàn việc chuẩn bị khẩn trương cho vũ trang khởi nghĩa.

- Ngày 10-8-1945: Thường vụ Việt Minh tỉnh họp bàn kế hoạch khởi nghĩa ở Thừa Thiên Huế, quyết định chớp lấy thời cơ ngay sau khi Nhật đầu hàng, phát động toàn tỉnh khởi nghĩa giành chính quyền, không thụ động ngồi chờ lệnh của Trung ương. Ngày 15-8, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị cán bộ toàn tỉnh tại số nhà 46 Giáp Hạ (Huế), hoàn toàn nhất trí chủ trương khởi nghĩa và quyết định lấy huyện Phú Lộc để phát động quần chúng giành chính quyền trước.

- Từ ngày 18-8 đến ngày 23-8-1945: Toàn tỉnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, cùng cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945. Huyện Phú Lộc và Phong Điền giành chính quyền ngày 19-9, Phú Vang và Hương Thủy ngày 22-8, Quảng Điền, Hương Trà và thành phố Huế ngày 23-8. 16 giờ ngày 23-8, tại sân vận động, hàng vạn nhân dân Thừa Thiên Huế mít tinh dưới rừng cờ đỏ sao vàng, Ủy ban Nhân dân Cách mạng Lâm thời tỉnh do Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch ra mắt.

- Ngày 30-8-1945: Lễ thoái vị của vua Bảo Đại tổ chức ở Ngọ Môn trước sự chứng kiến của Đoàn đại biểu Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Trần Huy Liệu làm Trưởng đoàn và gần 1 vạn người Thừa Thiên Huế. Chế độ quân chủ kết thúc.

Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Lịch sử

(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)

 Bản in]