Thừa Thiên Huế là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời và truyền thống yêu nước đấu tranh cách mạng vẻ vang. Trong lịch sử, Thừa Thiên Huế từng là “Phên dậu thứ tư về phương Nam” của nước Đại Việt, nơi “Đô hội lớn của phương”. Thừa Thiên Huế từng là thủ phủ của xứ Đàng Trong, là kinh đô của cả nước…Nơi đây luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng trong các phong trào yêu nước của dân tộc. Một vùng đất đóng vai trò cầu nối giữa hai miền Bắc-Nam. Từ cuộc đấu tranh chống giặc Minh đầu thế kỷ thứ XV, đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã để lại biết bao sự kiện, địa danh, con người với những chiến thắng vĩ đại và hào hùng trong lịch sử dân tộc. Trong những thập niên đầu của thế kỷ XX Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm sôi động của các  cuộc vận động yêu nước và cách mạng…là cái nôi hoạt động của nhiều chiến sĩ, đảng viên cộng sản, là nơi ghi dấu sự ra đời của một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 4-1930, Tổ chức Đông dương Cộng sản Đảng và Đông dương Cộng sản liên đoàn hợp nhất thành tỉnh Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông dương Thừa Thiên Huế. Lịch sử đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc và giải phóng quê hương của nhân dân Thừa Thiên Huế bước sang thời kỳ mới mà đỉnh cao là cuộc vận động giải phóng dân tộc (1940 – 1945) và phát động cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng thắng lợi. Với khí thế “ Cách mạng Tháng Tám” nhân dân Thừa Thiên Huế đã vùng dậy lật đổ ngai vàng của chế độ phong kiến và ách thống trị hàng nghìn năm của thực dân đế quốc, mở ra kỷ nguyên phát triển mới trong lịch sử dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những địa danh: Dương Hòa, Hòa Mỹ, Hói Mít, Thanh Hương – Mỹ Xuyên, Thanh Lam Bồ... ghi dấu bao chiến công oanh liệt, là vùng đất từng chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh, chịu đựng nhiều hy sinh mất mát: nhiều di tích, địa điểm di tích: nhà ở, đình, đền... đã trở thành các trụ sở liên lạc, hội họp. Trong suốt những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, với vị trí “đầu cầu” nối liền miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Thừa Thiên Huế trở thành một địa bàn chiến lược quan trọng trong cuộc đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 rạng rỡ với tám chữ vàng “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”.

Khánh thành điểm di tích in bạc Cụ Hồ (2010)

Với chiến thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, Thừa Thiên Huế đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống anh hùng, kiên cường của quân và dân cả nước.

Tự hào về Thừa Thiên Huế mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng với nhiều di tích lịch sử có giá trị, đồng thời nhận rõ trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, chúng ta cần phải biết trân trọng, giữ gìn và phát huy truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, đồng thời biến nó thành lực đẩy cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch địa phương.

Click vào đây để xem nội dung chi tiết.


     

Du lịch

Dịch vụ