Miếu Bà Giàng - Di tích lịch sử cấp tỉnh
  
Miếu Bà Giàng (phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy) được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 540/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành ngày 11/03/2021
Miếu Bà Giàng
Miếu Bà Giàng

Miếu Bà Giàng tọa lạc làng Lương Văn, có diện tích 5.497m2, mặt quay về hướng Đông Nam, giáp đường Thái Vĩnh Chinh. Trong khuôn viên miếu Bà Giàng có nhiều cây cổ thụ, xen lẫn cây bụi um tùm. Vì vậy, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, một số du kích địa phương đã chọn vị trí xung quanh miếu Bà Giàng đào hầm bí mật hoạt động.

Từ ngoài vào là cổng miếu, được xây dựng vào năm 2017 từ nguồn kinh phí đóng góp của dân làng, cổng được thiết kế theo kiểu trụ tháp, nối liền hai trụ chính thành cổng vòm bằng bê tông cốt thép, đắp vôi vữa… Bên trên chính giữa cổng có đắp nổi hình lưỡng long triều nhật, từ trụ chính nối ra hai bên bằng một bức tường có chiều cao 1m, dài 2m, trên bức tường đắp nổi hình 2 con phụng chầu vào cổng, nối ra hai trụ đèn hai bên, trên trụ đèn có đắp hình hoa sen.

 Bước qua cổng dẫn vào miếu bằng con đường bê tông rộng 1,5m, cách cổng 20 mét nằm về bên trái là miếu Bà Chuẩn Đề. Tiếp tục vào bên trong khoảng 30m là miếu thờ Bà Giàng. Qua dấu tích của những gạch, ngói cho thấy miếu Bà Giàng nguyên trước đây là một công trình kiến trúc của người Chăm, khi cư dân Đại Việt di cư vào đây sinh sống đã kế thừa thờ tự. Trải qua thời gian tồn tại đã bị sụp đổ, được người Việt cho xây lại bằng gạch, vôi vữa, kết cấu cột kèo được làm bằng gỗ, dấu tích còn lại ngày nay là những hòn táng bằng đá sa thạch, cùng nhiều gạch ngói thời Nguyễn. Hiện nay, miếu đã được xây mới bằng bê tông, cốt sắt, mái lợp ngói, trên có đắp nổi các họa tiết hoa, lá… miếu có chiều rộng 11m, dài 19,7m, diện tích 216,7m2, được chia thành 3 tầng, từ ngoài vào là bàn thờ Hội đồng (tức Tứ phủ công đồng) là những vị bên dưới mẫu, bên trên bàn thờ có treo bức hoành phi đúc bằng xi măng gắn sành sứ đề 4 chữ Hán “布 依那廟”(miếu Bố Y Na). Theo các cụ cao niên làng Lương Văn, trước đây bức hoành này đặt trước cửa miếu Bà Giàng, năm 2017, khi sửa miếu làng đưa ra treo vị trí trên bàn thờ Hội đồng. Sau bàn thờ Hội đồng, là mái che, với kết cấu kèo, cột được đúc bằng bê tông, trên mái lợp tôn pờ rô xi măng rộng 7,6m, dài 8,17m để thiết soạn lễ vật trong những dịp tế lễ, bên trong là miếu Bà Giàng, miếu chia thành 2 phần tiền điện và hậu điện, tiền điện rộng 3,2m, dài 2,9m, hậu điện rộng 3,2m, dài 6,7m, bên trong thiết án thờ xây bằng xi măng, thiết trí tượng Bà Giàng ngồi trên ngai bằng xi măng, sơn son, thếp vàng.

Miếu Bà Giàng là nơi thờ mẫu Thiên Y A Na, được Việt hóa thành Bà Giàng và miếu thờ thần Shiva được người Việt gọi là miếu Chuẩn Đề. Ngoài ra, ở trước miếu thờ Bà Giàng còn lập bàn thờ Hội đồng tức Tứ Phủ Công Đồng[1] là tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt. 

Miếu Bà Giàng là địa điểm di tích lưu dấu nhiều tầng văn hóa, qua các tầng văn hóa cho thấy quá trình tiếp biến, giao thoa và phát triển của các nền văn hóa trong dòng chảy văn hóa dân tộc, trong đó nổi bật là dấu tích văn hóa Chăm Pa.

Theo ông Võ Khắc Lai trưởng họ Võ làng Lương Văn cho biết dưới thời vua Đồng Khánh, hằng năm nhà vua cử các quan về tế tại miếu Bà Giàng vào ngày 3 tháng 3 Âm lịch, với quan niệm của người Việt “tháng bảy giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”, từ đó dân làng chiếu theo lệ xưa và duy trì cho đến ngày nay.

Ngoài việc thờ tự và lễ tế ở miếu Bà Giàng, dân làng còn tổ chức cúng tại miếu Bà Chuẩn Đề tức miếu thờ thần Shiva vào ngày 16 tháng 3 Âm lịch hằng năm.

 Tượng Bà Giàng, Phù điêu thần Shiva múa là những tác phẩm điêu khắc độc đáo, có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, thể hiện một trình độ kỹ thuật cao về nghệ thuật điêu khắc đá của người Chăm.

Những lễ hội, tín ngưỡng diễn ra tại miếu Bà Giàng, góp phần cho công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, làm phong phú và đa dạng nền văn hóa dân tộc. Đặc biệt, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Miếu Bà Giàng có giá trị về mặt khảo cổ học. Việc khai quật khảo cổ học đối với di tích miếu Bà Giàng sẽ góp phần quan trọng cho công tác nghiên cứu, làm sáng tỏ những giá trị văn hóa Chăm Pa đang còm tiềm ẩn ở vùng đất này.

Ngoài giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, miếu Bà Giàng còn ghi dấu về những hoạt động chiến đấu của quân và dân Hương Thủy trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. 

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]

Du lịch

Dịch vụ