Địa điểm Lùm Chánh Đông - Di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) cấp tỉnh
  
Địa điểm Lùm Chánh Đông - thôn Chánh Đông, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế được công nhận là di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) cấp tỉnh theo Quyết định số 3330/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 26/12/2019

 

 

 

SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ, ĐẶC ĐIỂM CỦA DI TÍCH

Cùng với quá trình Nam tiến của các chúa Nguyễn và quá trình phát triển của vùng đất Phú Xuân – Huế, là sự ra đời của nhiều làng xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay, trong đó có làng Thần Phù (thôn Chánh Đông), phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thôn Chánh Đông xưa còn được gọi là Đông Lâm, thuộc làng Thần Phù, tổng Lương Văn, huyện Hương Thủy[1]. Dưới thời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng đã cho xây dựng tại đây một tòa hành cung để nghỉ ngơi trong những chuyến du ngoạn, săn bắn gọi là Thần Phù. Đến thời vua Thiệu Trị, hành cung được mở rộng quy mô bề thế hơn và được nhà vua xếp vào một trong hai mươi thắng cảnh nổi tiếng của đất thần kinh, dấu ấn còn lưu lại đến ngày nay là tấm bia “Đông Lâm dực điểu” đặt bên bờ sông Lợi Nông.

Rừng Đông Lâm được nhà vua xếp vị trí thứ 19 (có tài liệu là xếp thứ 18) trong số 20 thắng cảnh của đất thần kinh. Để lưu truyền, ngoài việc khắc bài thơ “Đông Lâm dực điểu” lên bia đá dựng ở rừng Đông Lâm, năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), nhà vua ra lệnh cho Nội Các “cố định hóa” chùm thơ của ông bằng cách in ấn thành sách có tranh minh họa nằm trong bộ “Ngự đề Đồ Hội Thi Tập”; vẽ tranh gương treo tại các cung điện; vẽ trên một số đồ sứ ký kiểu Trung Hoa; khắc vào các bảng đồng. Qua đó, cho thấy rằng rừng Đông Lâm có một vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của các vị vua đầu triều Nguyễn, cũng như trong đời sống của người dân địa phương.

Cũng như bao làng quê khác, làng Thần Phù (gồm các thôn Chánh Đông, Lợi Nông, Tây Phù 1, Tây Phù 2, Phù Nam 1, Phù Nam 2, Phù Nam 3, Châu Sơn và Thạch An) có một bề dày lịch sử văn hóa và truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng. Với vị trí địa lý và thiên nhiên thuận lợi, thôn Chánh Đông có dòng sông Lợi Nông chảy ngang qua, nên ngay từ buổi sơ khai nhiều họ tộc đã quy tụ về đây, đoàn kết, kề vai sát cánh chung sức, chung lòng xây dựng làng xã như: Võ, Hồ, Lê, Phan, Nguyễn…

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ “rừng Đông Lâm” còn được gọi là lùm Chánh Đông để chỉ một vùng căn cứ cách mạng thuộc địa bàn xã Minh Thủy (nay là phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Sau cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đánh dấu một bước ngoặc lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam, hòa chung trong niềm vui của đất nước, nhân dân làng Thần Phù (thôn Chánh Đông) hăng hái xây dựng cuộc sống mới. Ngày 23/9/1945 thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký hiệp định sơ bộ 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946 tạm thời hòa hoãn, tranh thủ thời gian hòa bình để chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Thế nhưng, “chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới”. Vì vậy, ngày 19/12/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”. Hưởng ứng lời kêu gọi, người dân thôn Chánh Đông (làng Thần Phù) cùng nhân nhân Thừa Thiên Huế đứng lên tiến hành bao vây, tiêu diệt quân Pháp xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta hết sức coi trọng việc xây dựng căn cứ cách mạng, đây được xem là phương thức, biện pháp để thực hiện thành công đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi” của Đảng ta. Căn cứ cách mạng còn là nơi để quân và dân ta dựa vào đó xây dựng và phát triển lực lượng, tạo thành thế trận vững chắc về chính trị, quân sự... đồng thời là hậu cứ xuất phát của quân ta trong các cuộc tiến công tiêu diệt kẻ thù.

Để chuần bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ở địa bàn huyện Hương Thủy, tháng 10/1946, Đại hội Đảng bộ huyện Hương Thủy lần thứ nhất được triệu tập, để quán triệt tinh thần của hội nghị Đảng bộ Tỉnh (7/1946). Đồng thời đề ra nhiệm vụ cụ thể và chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng cùng cả nước bước vào “Trường kỳ kháng chiến”. Đại hội đã bầu đồng chí Lê Minh làm Bí thư, Đồng chí Nguyễn Thượng Phương làm Phó bí thư, cùng các đồng chí ủy viên Nguyễn Thắng, Trần Sử, Trương Thị Bích Thủy, Nguyễn Đăng Dinh, Nguyễn Thanh Lễ, Trương Đình Đồng[2]. Từ đó, công tác chuẩn bị chiến đấu trên địa bàn huyện trở nên gấp rút, người dân ở nhiều làng, xã đã bí mật  đào hầm chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong đó có thôn Chánh Đông.

GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA, KHOA HỌC THẨM MỸ CỦA DI TÍCH

Lùm Chánh Đông là một minh chứng tiêu biểu về căn cứ giữa đồng bằng, là vùng trọng yếu án ngữ cửa ngõ phía Nam thành phố Huế. Nơi đây, có nhiều cây bụi rậm, vùng sình lầy, trải dọc theo con sông Như Ý thuận lợi cho việc “đứng chân bám trụ” của cán bộ và các lực lượng vũ trang từ miền núi về đồng bằng, chỉ đạo phong trào cách mạng và thực hiện kế hoạch tác chiến, đồng thời đây cũng là vị trí tập kết lực lượng từ đồng bằng trước khi lên chiến khu miền núi.

Lùm Chánh Đông là một trong những căn cứ cách mạng ở đồng bằng được hình thành khá sớm, ngay trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Tiểu đoàn 18, Trung đoàn 101 đã về đồn trú tại đây, bám giữ địa bàn để tác chiến, đánh dấu sự hình thành của một căn cứ cách mạng ở ngay trong lòng địch. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lùm Chánh Đông tiếp tục giữ vị trí trọng yếu của một “căn cứ cách mạng” ở đồng bằng, điều đó thể hiện sự vận dụng đường lối chiến lược chiến tranh của quân và dân ta “Nắm thắt lưng địch mà đánh”.

Lùm Chánh Đông còn là địa bàn “đứng chân” của các đồng chí lãnh đạo của Quân khu, tỉnh, huyện, thành phố Huế.... về hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng. Vì vậy tại đây đã diễn ra các lớp tập huấn, lớp học tập nghị quyết, nơi tổ chức thành lập các hội, như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân giải phóng, Đoàn Thanh niên... đồng thời tại đây nhiều đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng.

Sự hình thành căn cứ cách mạng tại lùm Chánh Đông là kết quả tất yếu của lịch sử, thể hiện sự mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta trong chiến tranh du kích, lấy ít địch nhiều, dựa vào địa hình và những yếu tố thuận lợi của tự nhiên để đánh địch.

Căn cứ cách mạng lùm Chánh Đông là căn cứ ở đồng bằng, đây là “căn cứ của lòng dân”, nếu không có căn cứ này thì không thể nào bám sát lưng địch, chính những căn cứ ở đồng bằng đã tạo điều kiện thuận lợi cho ta trong việc tiến thoái, tổ chức các mũi tấn công. Đây còn là địa danh ghi dấu về những chiến công oanh liệt, những tấm gương anh dũng, thể hiện tinh thần chiến đấu ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân ta.

Cùng với các di tích lịch sử trên địa bàn thị xã Hương Thủy, địa điểm lùm Chánh Đông góp phần làm đa dạng và phong phú thêm loại hình di tích trong hệ thống di sản văn hóa vật thể, cũng như về giá trị lịch sử phát triển và bề dày văn hóa của vùng đất Thủy Châu, thị xã Hương Thủy.             



[1] Ban Chấp hành Đảng bộ phường Thủy Châu - Lịch sử Đảng bộ phường Thủy Châu (1930 – 2010), NXB Thuận Hóa – Huế, 2011, trang 12.

[2] Nguyễn Tú, Triều Nguyên, Địa chí Hương Thủy – NXB Thuận Hóa 1998, trang 390.

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]

Du lịch

Dịch vụ