Tiêu chí các phân khu chức năng của vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên và khu bảo tồn loài - sinh cảnh
  
Cập nhật:20/07/2024 8:31:50 SA

Ngày 18/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 91/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Dưới đây là một số nội dung đáng chú ý của Nghị định này:

1. Tiêu chí các phân khu chức năng của vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên và khu bảo tồn loài - sinh cảnh như sau:

- Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

Có hệ sinh thái tự nhiên còn bảo tồn nguyên vẹn hoặc có hệ sinh thái tự nhiên bảo đảm quy luật phát triển tự nhiên của hệ sinh thái rừng;

Có phân bố tự nhiên và là nơi cư trú của các loài động vật, thực vật hoang dã đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm;

Đối với khu rừng đặc dụng có hợp phần là hệ sinh thái đất ngập nước, ven biển thì vị trí, phạm vi, quy mô của phân khu bảo vệ nghiêm ngặt được xác định trên cơ sở hiện trạng hệ sinh thái tự nhiên và điều kiện về địa hình, thủy văn, chế độ ngập nước; là nơi cư trú của các loài động vật, thực vật hoang dã đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm.

- Phân khu phục hồi sinh thái đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

Có hệ sinh thái rừng cần phục hồi bằng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh để đạt được trạng thái tự nhiên đặc trưng của hệ sinh thái rừng;

Có hệ sinh thái tự nhiên và sinh cảnh là nơi duy trì nguồn thức ăn và đi lại thường xuyên cho các loài động vật hoang dã;

Đối với khu rừng đặc dụng có hợp phần là hệ sinh thái đất ngập nước, ven biển thì vị trí, phạm vi, quy mô của phân khu phục hồi sinh thái xác định trên cơ sở hiện trạng của hệ sinh thái tự nhiên và điều kiện về địa hình, thủy văn, chế độ ngập nước; là nơi duy trì nguồn thức ăn và đi lại thường xuyên cho các loài động vật hoang dã.

- Phân khu dịch vụ, hành chính đáp ứng các tiêu chí sau:

Được xác lập chủ yếu để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bao gồm: công trình làm việc, sinh hoạt, nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, cứu hộ và phát triển sinh vật của ban quản lý rừng đặc dụng;...

Diện tích của phân khu dịch vụ, hành chính tập trung, hạn chế xác lập diện tích phân tán, phù hợp với quy mô của ban quản lý rừng đặc dụng, hiện trạng rừng và tổng diện tích tự nhiên của khu rừng đặc dụng.

2. Chủ rừng lập phương án điều chỉnh phân khu chức năng với các nội dung chủ yếu sau:

- Cơ sở pháp lý, khoa học và thực tiễn;

- Đánh giá hiện trạng rừng, các hệ sinh thái tự nhiên; các giá trị về đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật;

- Xác định phạm vi, ranh giới các phân khu chức năng sau điều chỉnh trên bản đồ và các điểm vị trí trên thực địa;

- Xác định các giải pháp thực hiện, tổ chức quản lý sau khi điều chỉnh các phân khu chức năng.

Nghị định có hiệu lực từ ngày ký.

thuathienhue.gov.vn
 Bản in]