Làng nghề Đúc Đồng "Phường Đúc, Phường Thủy Xuân, thành phố Huế"
  
Nghề đúc đồng là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời và nổi tiếng ở Việt Nam. Phường đúc ở Huế ra đời có nguồn gốc từ tổ chức của những thợ thuyền cùng nghề đúc dưới thời Chúa Nguyễn. Vào thời Chúa Nguyễn, đã ra đời được một “Công tượng đúc đồng”, những người thợ đến từ nhiều nơi làm việc trong những Công tượng của Chúa ở Trường Đồng. Hai làng nghề đúc đồng lớn nhất và có danh tiếng nhất là Kinh Nhơn và Bổn Bộ.

Khi Chúa Trịnh và Tây Sơn đánh chiếm Phú Xuân thì các Công tượng đúc đồng bị tan rã. Riêng chỉ có họ Nguyễn ở Kinh Nhơn vẫn tiếp tục nghề đúc của cha ông. Từ những lò đúc của các anh em trong dòng họ Nguyễn, nghề đúc vẫn được duy trì và phát triển cho tới ngày nay. Theo gia phả của dòng họ Nguyễn Kinh Nhơn thì thuỷ tổ của nghề này là ngài Nguyễn Văn Lương quê làng Đồng Xá, Siêu Loại (tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Nghề này đã được truyền thừa qua gần 15 đời.


     Những người thợ tài hoa phường đúc đã để lại cho cố đô Huế các tác phẩm danh tiếng như: Vạc đồng ở Đại Nội (1659 - 1684), Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ (1710), Cửu Đỉnh đặt trước Thế Miếu (1835 - 1804), Cửu Vị Thần Công đặt trước Ngọ Môn (1803 - 1804), Chuông chùa Diệu Đế (1846) và rất nhiều các vật dụng thờ cúng bằng đồng từ "trong cung ra ngoài nội" ở Huế. Các chùa ở Huế cũng có rất nhiều tượng phật bằng đồng với niên đại thuộc đầu thế kỷ XX, gần hơn là tượng danh nhân Phan Bội Châu cao gần 4m đặt ở khu lưu niệm Phan Bội Châu - Huế qua bàn tay tài hoa của những nghệ nhân và người thợ Phường Đúc (1974). Đó là những thành tựu rực rỡ nhất của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam 2 thế kỷ trước.
     Làng đúc đồng nằm ở ven bờ nam sông Hương, đoạn từ cầu Giã Viên lên phía Long Thọ, trên địa bàn phường Phường Đúc và một phần của phường Thủy Xuân (thôn Hạ 2 và thôn Thượng 4) cách thành phố Huế khoảng 3km về phía Tây Nam, tỉnh Thừa Thiên Huế.
 

 Bản in]