"Hành trình mở cõi" sử thi hùng tráng về công cuộc mở cõi, giữ nước của dân tộc Việt Nam
  
Là một trong những điểm nhấn quan trọng tại Festival Huế 2010 hướng về đại lễ Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, tối ngày 10/6/2010, tại Kỳ Đài -Hộ Thành hào (Kinh Thành Huế) đã diễn ra chương trình nghệ thuật sân khấu hoá đặc sắc "Hành trình mở cõi", ghi dấu ấn đặc biệt trong lần đầu tiên xuất hiện trong Festival Huế.

Đêm hội “Hành trình mở cõi” là câu chuyện đầy tính sử thi và lãng mạn của cha ông chúng ta, của các bậc tiền nhân khái quát tiến trình mở cõi, giữ nước của dân tộc Việt Nam trên hệ thống từ sự kiện Huyền Trân Công chúa nước non ngàn dặm ra đi cho đến thời đại Hồ Chí Minh với khát khao mãnh liệt của gần 1000 năm lịch sử được toàn vẹn chủ quyền độc lập dân tộc và thống nhất non sông, hội nhập và phát triển cùng thế giới. Các sự kiện được diễn tiến thông qua 7 hồi diễn chính và các lớp diễn phụ kết cấu theo 3 chương của lễ hội: Chương một “Diễn trình mở cõi” với hai sự kiện lớn: Huyền Trân Công Chúa kết hôn với vua Chăm Chế Mân mở ra mối bang giao bình và sự hình thành của châu Ô châu Lý trong bản đồ của dân tộc. Cuộc hành trình đầy khó khăn vất vả Nguyễn Hoàng vào Nam, đặt nền móng cho sự khai phá Đàng Trong để tiếp nối thăm thẳm hành trình các chúa Nguyễn làm cuộc viễn chinh tiến mỡ rộng bờ cõi, hình thành phát triển một đô thị từ Thuận Hóa đến Phú Xuân và sau này là Kinh đô Huế. Chương hai: "Thống nhất giang sơn" với hai sự kiện lớn. Năm 1788 Vua Quang Trung chọn Huế làm kinh đô, tổ chức lễ đăng quang núi Bân  để có chính danh tiến quân ra Bắc đánh tan 5 vạn quân Xiêm và 20 vạn quân Thanh. Năm 1802 Vua Gia Long thống nhất giang sơn, tiếp tục chọn Huế làm kinh đô, đặt Quốc hiệu là Việt Nam vào năm 1804. Chương ba: Ngày hội non sông cũng với các sự kiện lớn. Năm 1930, Đảng cộng sản Việt nam ra đời, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam bước sang kỷ nguyên độc lập, tự do, tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Tiếp đó là sự kiện ngày 30-4-1975 miền Nam giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất, ghi thêm những trang sử vàng chói lọi của của dân tộc Việt Nam chống giặc ngoại xâm để hôm nay dân tộc có được một tổ quốc thiêng liêng và trọn vẹn.

“Việt Nam từ trong máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”

Chương trình “Hành trình mở cõi” được dàn dựng công phu với việc kết hợp nghệ thuật biểu diễn truyền thống của dân tộc với nghệ thuật sắp đặt hiện đại, diễn ra trên tổng thể không gian Kỳ Đài Huế, sân khấu lớn nhất từ trước tới nay với chiều dài gần 450m với 6 tầng sân khấu từ mặt nước Hộ Thành Hào tới chân cột cờ. Với ngôn ngữ nghệ thuật giàu chất ước lệ sử thi, tạo dựng một không gian gợi cảm đầy chất nghệ thuật từ các yếu tố kiến trúc thành - trì, môn - kiều, một không gian lung linh huyền ảo về đêm từ các hiệu ứng ánh sáng.

Khẳng định toàn vẹn chủ quyền độc lập dân tộc, thống nhất non sông, xây dựng đất nước hoà bình và phát triển đêm hội đã thật sự tái hiện và gửi gắm tới du khách tham dự Festival Huế 2010 những cung bậc cảm xúc mới, khắc đậm những tình cảm về hành trình mở cõi với nhiều truyền thống tốt đẹp, để hội tụ và tỏa sáng, để hội nhập và phát triển thấy được tri ân 1000 năm lịch sử của người dân xứ Huế và của dân tộc ta đối với các vị tiền nhân đã vượt mọi khó khăn thách thức để sáng tạo nên giang sơn gấm vóc Việt Nam và khẳng định vẻ đẹp tự nhiên và lịch sử văn hóa của Huế, một vùng đất với hơn 700 hình thành phát triển - một thành phố Festival quốc tế với khát vọng hội nhập và phát triển, cũng như tình cảm và trí tuệ của người dân xứ Huế hướng tới Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Chương trình được tổ chức với sự thống nhất chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND Thừa Thiên Huế sự phối hợp thực hiện trực tiếp của Trung tâm BTDT Cố Đô Huế và Cty TNHH Lê Quý Dương.

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]