Quảng Điền: Khai thác lợi thế của vùng đầm phá rộng lớn ven đô để phát triển kinh tế
  
Quảng Điền là huyện đồng bằng ven biển, đầm phá, nằm về phía Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế 15 km (phía Bắc và Đông Bắc giáp biển Đông; phía Tây và Tây Bắc giáp huyện Phong Điền; phía Đông và Nam giáp thị xã Hương Trà); có diện tích là 163,05 km2, dân số 77.218 người, mật độ dân số 474 người/km2 (theo niên giám thống kê năm 2019), được chia thành 11 đơn vị hành chính bao gồm thị trấn Sịa và các xã: Quảng An, Quảng Thành, Quảng Phước, Quảng Thọ, Quảng Vinh, Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Ngạn, Quảng Công, Quảng Phú. Thị trấn Sịa là trung tâm huyện lỵ, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện.
Đường từ Quốc lộ 1A về thị trấn Sịa
Đường từ Quốc lộ 1A về thị trấn Sịa

Vùng kinh tế ven đô có vài trò quan trọng

Quảng Điền có hai tuyến tỉnh lộ quan trọng là tỉnh lộ 11A và tỉnh lộ 4, có các tuyến đường ngang liên thông với quốc lộ 1A và các vùng lân cận; nằm không quá xa trung tâm thành phố Huế và quần thể di tích cố đô Huế, có điều kiện thuận lợi để phát triển thành vùng kinh tế ven đô, kế tiếp sự phát triển lan toả của đô thị Huế. Nằm ở vùng ven biển, đầm phá, trên địa bàn huyện Quảng Điền có nhiều cảnh quan, sinh thái đẹp và các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, các lễ hội và làng nghề truyền thống, Quảng Điền có tiềm năng phát triển dịch vụ, du lịch để trở thành ngành kinh tế quan trọng. Bên cạnh đó, Quảng Điền còn nằm ven theo hạ lưu sông Bồ, có đất đai màu mỡ, là vùng trọng điểm lúa của tỉnh Thừa Thiên Huế. Với bờ biển dài 11 km và vùng đầm phá rộng lớn với diện tích mặt nước 2.292 ha, Quảng Điền có tiềm năng về đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản.

Phần lớn diện tích huyện Quảng Điền thuộc địa bàn thấp trũng, địa hình được chia thành 3 vùng chính sau:Vùng đồng bằng lưu vực sông Bồ: Gồm thị trấn Sịa và các xã: Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thành, Quảng Vinh, Quảng Phú, Quảng Thọ. Đây là vùng có địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ. Có diện tích tự nhiên khoảng 8.835 ha, chiếm 54,2% tổng diện tích toàn huyện. Đây là vùng trọng điểm lúa của huyện và tỉnh. Vùng cát nội đồng: Chủ yếu gồm hai xã Quảng Thái, Quảng Lợi; có diện tích tự nhiên là 5.092 ha, chiếm khoảng 31% diện tích toàn huyện. Phần lớn diện tích của vùng là đồi cát với độ cao từ 4-10 mét so với mực nước biển. Vùng ven biển - đầm phá: Gồm hai xã ven biển Quảng Công và Quảng Ngạn, với tổng diện tích tự nhiên 2.362 ha, chiếm 14% diện tích toàn huyện. Đây là vùng nằm tương đối tách biệt với trung tâm huyện lỵ bởi phá Tam Giang, địa hình chủ yếu là đồi cát trắng với độ cao bình quân (+10 m so với mực nước biển); là dải đồng bằng hẹp, bề ngang bình quân 450 m. Đây là vùng có tiềm năng lớn về nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản của huyện.


Nhiều khu rừng ngập nước ở Phá Tam Giang đang sinh sôi, phát triển hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cho Quảng Điền

Là huyện sở hữu vùng đầm phá khá rộng lớn cùng hệ thống sông hói có diện tích 3.421,15ha. Đặc biệt đầm phá Tam Giang với diện tích mặt nước 2.292 ha có tiềm năng to lớn về khả năng đánh bắt và nuôi trồng nhiều loại thủy sản có giá trị như tôm sú, cua, thủy đặc sản... Ngoài ra, với chiều dài bờ biển 11 km, Quảng Điền có một số bãi tắm có thể khai thác, phát triển du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng, đặc biệt là bãi biển Quảng Công được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Vùng biển ven bờ chủ yếu là bãi ngang, trữ lượng khai thác hải sản không cao; vùng biển ngoài khơi có nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế, nếu được đầu tư đánh bắt xa bờ sẽ đem lại sản lượng hải sản cao.

Quảng Điền còn có nhiều cảnh quan đẹp, có các di tích lịch sử - văn hóa có giá trị, cùng với các làng nghề truyền thống sẽ là những tiềm năng đa dạng có thể khai thác phát triển du lịch. Trên địa bàn huyện còn là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng như đình làng Thủ Lễ, đây là di tích lịch sử cấp quốc gia còn giữ được nét kiến trúc cổ xưa rất tinh tế; có thành cổ Hoá Châu, phủ Bác Vọng, phủ Phước Yên, chùa Thành Trung, chùa Thiện Khánh; có các di tích lịch sử cách mạng như nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đền thờ Đặng Hữu Phổ, miếu thờ Nguyễn Hữu Dật...

Thời gian qua, mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, của Tỉnh, Đảng bộ và nhân dân huyện Quảng Điền đã nỗ lực phấn đấu vươn lên tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới. Kinh tế trên địa bàn huyện đã đạt được những thành tựu phát triển quan trọng: tốc độ tăng trưởng đạt khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng giá trị tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Quá trình đô thị hóa phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt hạ tầng đô thị được chú trọng đầu tư làm diện mạo trung tâm huyện lỵ trở nên khang trang hơn. Kết cấu hạ tầng nông thôn cũng được quan tâm và có nhiều cải thiện đáng kể, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực trên các mặt, nhất là công tác giảm nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Quốc phòng - an ninh tiếp tục được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đó là những cơ sở nền tảng quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong giai đoạn tới.

Góp phần tích cực trong việc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Nằm ở phía Bắc của tỉnh Thừa Thiên Huế, huyện Quảng Điền có vai trò động lực quan trọng trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trước mắt là góp phần tích cực trong việc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đại hội Đảng bộ huyện Quảng Điền lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã thông qua Nghị quyết với mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng huyện nông thôn mới (NTM), tiếp tục nâng cao tiêu chí đô thị, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ mặt thị trấn Sịa ngày càng khang trang

Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quảng Điền lần thứ XIV, nhiệm kỳ  2020 – 2025 xác định là: “Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với tiếp tục tập trung, tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các mũi đột phá chủ yếu; chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng từng bước hiện đại; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao chất lượng huyện nông thôn mới; tiếp tục nâng cao tiêu chí đô thị loại V và đạt thêm một số tiêu chí đô thị loại IV của thị trấn Sịa; phấn đấu xã Quảng Thành đạt đô thị loại V, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”.

Trên cơ sở đó, huyện Quảng Điền đề ra 11 chỉ tiêu chủ yếu phấn đấu thực hiện đạt được đến năm 2025 như: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 8 - 9%/năm; Thu nhập bình quân đầu người trên 60 triệu đồng/người; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân trên 10%/năm;Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 10 - 12%/năm; Tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên 90%; Tỉ lệ hộ nghèo đến năm 2025 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) dưới 5%; Có ít nhất 02/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; Có 05/10 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Tập trung nâng cao các tiêu chí của đô thị Sịa loại V và thực hiện một số tiêu chí của đô thị loại IV; Bình quân hàng năm kết nạp trên 60 đảng viên mới. Hàng năm, Đảng bộ huyện hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên…

Nâng cao chất lượng xây dựng NTM gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Trong giai đoạn 2020 – 2025, huyện Quảng Điền tập trung triển khai thực hiện 02 chương trình trọng điểm nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của huyện  đó là “Chương trình nâng cao chất lượng xây dựng NTM gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất” và “Chương trình phát triển dịch vụ, du lịch”.


Diện mạo nông thôn mới ở Quảng Điền

Đối với “Chương trình nâng cao chất lượng xây dựng NTM gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất”, huyện Quảng Điền sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn, hướng đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu đến năm 2025, có 100% số xã nâng cao các tiêu chí; trong đó, có ít nhất 50% xã đạt xã nông thôn mới nâng cao và 20% xã đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện cũng sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cánh đồng lớn, thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa. Phấn đấu giá trị sản xuất ngành trên 100 triệu đồng/ha. Mở rộng diện tích trồng lúa và rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, sử dụng công nghệ sạch chiếm 25-30% diện tích sản xuất (trong đó hữu cơ trên 5%). Phát triển các vùng rau sạch, an toàn thực phẩm tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Tiếp tục cải tạo vườn theo hướng gắn với xây dựng vườn mẫu, thôn kiểu mẫu. Phấn đấu xây dựng 300 vườn/30 ha và cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, bán công nghiệp, chăn nuôi công nghệ cao, khép kín, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi tiên tiến gắn với phòng trừ dịch bệnh. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng giá trị sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chăn nuôi hữu cơ, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm chiếm 10-15%. Tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt và thủy sản.

Nuôi trồng thủy sản ổn định diện tích nuôi nước lợ khoảng 700 ha; thực hiện nuôi xen ghép, nuôi chuyên cá; trên 90% diện tích nuôi sử dụng chế phẩm sinh học. Hình thành được một số trang trại thủy sản đặc sản gắn với phát triển du lịch sinh thái và du lịch ẩm thực.

Bên cạnh đó là phát triển kinh tế trang trại ở cả 3 vùng theo quy hoạch trang trại và nông thôn mới đã được phê duyệt. Từng bước xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu dược liệu ở vùng cát nội đồng. Hình thành khu dân cư kiểu mẫu ở trang trại vùng cát. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có khoảng 180 - 200 trang trại.

Ngoài ra, Huyện sẽ đa dạng hóa, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án, vốn từ doanh nghiệp, các cá nhân trong và ngoài huyện, nguồn vốn nhân dân đóng góp,… để tiếp tục đầu tư các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Hỗ trợ xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, thôn nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu.

Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, dịch vụ

Đối với chương trình phát triển du lịch, dịch vụ, huyện Quảng Điền sẽ coi trọng việc liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế vùng ven biển, đầm phá Tam Giang, các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, các làng nghề truyền thống trên địa bàn để phát triển du lịch; hình thành được một số Tour, tuyến du lịch thường xuyên về trên địa bàn và khu ẩm thực đặc sản vùng biển, đầm phá Tam Giang. Tạo bước đột phá về du lịch, dịch vụ gắn với phát triển kinh tế biển và đầm phá Tam Giang. Tăng cường công tác xúc tiến, giới thiệu quảng bá hình ảnh, tiềm năng phát triển dịch vụ, du lịch của huyện, nhất là vùng đầm phá Tam Giang thơ mộng với các hoạt động trải nghiệm thú vị và cảnh quan sinh thái vùng đất ngập nước Tam Giang rộng lớn với khoảng 22.000 ha, nơi đây có nhiều tài nguyên động, thực vật phong phú, đa dạng đang được bảo tồn và phát huy có hiệu quả. Bên cạnh đó, hệ thống rừng ngập mặn ở xã Quảng Lợi khoảng 5 năm tuổi đang phát triển xanh tốt với các loại cây Bần chua và Dừa nước đã trở thành nơi cư trú, sinh sản của nhiều loại thủy sản như cua, cá, tôm, và tạo điều kiện nâng cao đời sống sinh kế cho hàng nghìn hộ dân của xã Quảng Lợi. Hiện nay, hệ thống rừng ngập mặn này là một trong những địa điểm tham quan, du lịch sinh thái trên vùng đầm phá Tam Giang của huyện được du khách yêu thích lựa chọn trải nghiệm. Do đó, để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh về dịch vụ du lịch, Quảng Điền sẽ tập trung kêu gọi đầu tư các dự án, nhà đầu tư có quy mô, tầm chiến lược để tạo sự chuyển biến về phát triển kinh tế trên địa bàn. Phấn đấu phát triển ít nhất mỗi xã có 01 sản phẩm du lịch.


Trục đường từ trung tâm thành phố Huế ra thị  trấn Sịa vừa được nâng cấp, mở rộng, tạo thuận lợi cho giao thương và phát triển kinh tế, du lịch của huyện Quảng Điền 

Để thực hiện được mục tiêu, chương trình trọng điểm trên, huyện Quảng Điền sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó tập trung các nhóm giải pháp trọng tâm. Chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch, triển khai xây dựng xã NTM, xã NTM nâng cao gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, có 100% số xã nâng cao các tiêu chí; trong đó, có ít nhất 50% xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 20% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Các địa phương triển khai xây dựng các vườn mẫu, thôn kiểu mẫu nhằm tạo sự chuyển biến về chất trong phong trào chung tay xây dựng NTM; Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, Quảng Điền đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.

Huyện Quảng Điền cũng sẽ tích cực chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị tích cực hỗ trợ người dân trong công tác liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đồng thời, tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh, phát triển dịch vụ du lịch và quản lý kinh tế, xã hội.

Hy vọng với những kết quả đạt được cùng với những hoạch định đề ra, quá trình xây dựng NTM nâng cao; phát triển dịch vụ, du lịch; chỉnh trang và phát triển đô thị gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn của huyện Quảng Điền sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa, góp phần đưa diện mạo của Quảng Điền ngày càng khang trang hơn, xứng đáng là vùng đất giàu truyền thống anh hùng cách mạng; là vùng kinh tế ven đô có vai trò quan trọng đối với Thừa Thiên Huế, góp phần quan trọng trong việc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo định hướng tại Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]