Thông cáo báo chí tuần 49/2020 (Từ ngày 28/11/2020 đến ngày 04/12/2020)
  

1. Tổ chức thành công Chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh (1/12/1920 - 1/12/2020), cụ thể:

- Ngày 30/11/2020, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước và Tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học: "Đồng chí Lê Đức Anh với Cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế".

- Sáng ngày 01/12, tại Nhà Văn hóa Chủ tịch nước Lê Đức Anh (xã Lộc An, huyện Phú Lộc), tỉnh Thừa Thiên Huế đã long trọng tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

- Sáng ngày 01/12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh (01/12/1920 - 01/12/2020).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tham dự các sự kiện.

2. Lĩnh vực Giao thông Vận tải

Ngày 02/12/2020, tại Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Phú Bài, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP đã tổ chức lễ khởi công Dự án Mở rộng sân đỗ máy bay Cảng HKQT Phú Bài.

Việc khởi công Dự án đầu tư xây dựng “Mở rộng sân đỗ máy bay – Cảng hàng không quốc tế Phú Bài” giai đoạn 1 sẽ nâng tổng vị trí đỗ máy bay của Cảng HKQT Phú Bài từ 8 vị trí đỗ hiện nay lên 13 vị trí đỗ, trong đó 12 vị trí đỗ máy bay code C và 01 vị trí đỗ máy bay code E, đáp ứng công suất 5 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 2 của Dự án khi hoàn thành sẽ đáp ứng 14 vị trí đỗ, trong đó có 10 vị trí đỗ máy bay code C và 04 vị trí đỗ máy bay code E, đáp ứng công suất 9 triệu hành khách/năm.

Công trình “Mở rộng sân đỗ máy bay -  Cảng HKQT Phú Bài” là công trình khu bay của Cảng hàng không quốc tế, do đó, cấp công trình được xác định là cấp đặc biệt. Tổng vốn đầu tư cho dự án này trong giai đoạn 1 là 494 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển của Tổng công ty. Theo kế hoạch, công trình sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 1 từ tháng 12 năm 2021.

3. Lĩnh vực an sinh xã hội

a) Ngày 30/11/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3031/QĐ-UBND về việc đồng ý tiếp nhận gói cứu trợ khẩn cấp từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) nhằm giúp các hộ gia đình dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng bởi bão và lũ lụt phục hồi an ninh lương thực và sản xuất chăn nuôi tại 02 huyện Quảng Điền (các xã: Quảng Vinh, Quảng Phú, Quảng Thành) và Phong Điền (các xã: Phong Chương, Phong Bình, Phong Hòa).

Cụ thể, hỗ trợ 1.500 hộ gia đình dễ bị tổn thương tại 02 huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão và lũ lụt của tỉnh Thừa Thiên Huế, gồm Phong Điền và Quảng Điền có thể phục hồi an ninh lương thực cũng như đáp ứng nhu cầu về yếu phẩm khác với tổng giá trị gói viện trợ là 125.810 USD (một trăm hai mươi lăm ngàn, tám trăm mười đô la Mỹ) tương đương 2.915.658.100 đồng (hai tỷ, chín trăm mười lăm triệu, sáu trăm năm mươi tám ngàn, một trăm đồng chẵn).

b) Ngày 30/11, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trực tiếp trao số tiền 02 tỷ đồng từ Ban Cứu trợ Trung ương cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm hỗ trợ bà con vùng lũ khắc phục những hậu quả do bão lũ gây ra.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng trao số tiền 01 tỷ đồng từ Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam nhằm hỗ trợ các cháu mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh; đồng thời, trao phần quà trị giá 325 triệu đồng vận động từ các doanh nghiệp trong nước hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn do thiên thai bão lũ trong tỉnh; thông qua lãnh đạo tỉnh trao các phần quà đến năm gia đình cán bộ, chiến sỹ hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3.

c)  Ngày 27/11 tỉnh Salavan, nước bạn Lào hỗ trợ mỗi tỉnh, thành (Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Đà Nẵng) 10 tấn gạo, 50 triệu kíp (đơn vị tiền của Lào; tương đương khoảng 127.000.000 VNĐ), nhằm hỗ trợ các địa phương khắc phục thiệt hại sau mưa bão, sớm ổn định cuộc sống người dân và khôi phục phát triển sản xuất cùng các hoạt động phát triển kinh tế.

d) Sáng ngày 2/12 tại huyện Phong Điền, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo – đơn vị sản xuất và kinh doanh phân bón Phú Mỹ) phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã trao tặng 700 xuất phân bón cho 700 hộ nông dân bị thiệt hại hoa màu, cây cối tại các xã Điền Lộc, Phong Hiền, Điền Môn, Điền Hòa, Điền Hải.

Ngoài ra đã hỗ trợ 700 xuất phân bón cho bà con nông dân huyện Quảng Điền, 600 xuất huyện Phú Vang và 600 xuất phân bón cho nông dân thị xã Hương Trà.

Tổng cộng đã hỗ trợ: 65 tấn phân bón với kinh phí 650 triệu đồng.

4. Lĩnh vực Du lịch

Hội nghị du lịch toàn quốc năm 2020 với chủ đề “Liên kết, hành động và phát triển” khai mạc sáng 28/11 tại tỉnh Quảng Nam do Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT&DL) tổ chức đã đưa ra nhiều giải pháp phục hồi du lịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện các bộ, ngành, tỉnh và hơn 400 doanh nghiệp tham dự. Về phía Thừa Thiên Huế, có Phó bí Thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ và UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tham dự và có tham luận tại hội nghị.

Tại Hội nghị đã diễn ra lễ kết hợp tác liên kết, cùng phát triển du lịch giữa TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế).

5. Lĩnh vực Văn hóa xã hội

a) Sáng 27/11/2020, Ban vận động thành lập Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Văn hóa Huế đã tổ chức Đại hội thành lập Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Văn hóa Huế, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đại hội đã bầu ban chấp hành gồm 9 thành viên; ông Nguyễn Đắc Xuân giữ chức vụ Chủ tịch Hội.

Thời điểm này, Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Văn hóa Huế đã có 64 người đăng ký tham gia. Trong đó, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có 50 người, TP. Hồ Chí Minh 11 người và 3 người ở TP. Hà Nội. Thành viên trẻ nhất 32 tuổi và thành viên cao tuổi nhất 89 tuổi. 

b) Sáng 29/11, tại Quảng trường Ngọ Môn, gần 1.500 VĐV đến từ 25 đơn vị trên địa bàn tỉnh tham gia lễ phát động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân & Giải việt dã truyền thống tỉnh lần thứ 28 – 2020.

Ngày chạy Olympic là một sự kiện hàng năm của thế giới về phong trào Olympic, các Ủy ban Olympic Quốc gia của năm Châu lục và Ủy ban Olympic Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu của Phong trào Olympic là đóng góp vào việc xây dựng một thế giới hòa bình và tốt đẹp hơn, thông qua việc giáo dục tuổi trẻ bằng thể thao không phân biệt giai cấp, giàu nghèo trong tinh thần hữu nghị, đoàn kết và Fair play.

6. Lĩnh vực Nội chính

a) Chiều ngày 30/11/2020, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch HĐND tỉnh về công tác cán bộ. Theo đó, tại buổi lễ, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Lưu Đức Hoàn đã công bố Quyết định số 32/QĐ-HĐND ngày 24/11/2020 của Chủ tịch HĐND tỉnh về việc cử ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh, phụ trách Văn phòng HĐND tỉnh kể từ ngày 01/12/2020 đến thời điểm cấp có thẩm quyền bổ nhiệm Chánh Văn phòng mới.

b) Chiều 2/12, Hội nghị Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh đã tín nhiệm bầu bổ sung ông Lê Minh Nhân vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức vụ Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh nhiệm kỳ 2018-2023 (Trước đó, ông Lê Minh Nhân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Dân vận Tỉnh ủy được Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động đến công tác tại LĐLĐ tỉnh và giới thiệu bầu chức vụ Chủ tịch LĐLĐ tỉnh nhiệm kỳ 2018 - 2023).

c) Sáng 2/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã công bố Quyết định bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Thị Châu, Tỉnh ủy viên, Phó hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh.

7. Lĩnh vực Khoa học Công nghệ

Ngày 02/12/2020, UBND tỉnh đã có quyết định số 3047/QĐ-UBND phê duyệt Danh sách các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân đạt giải thưởng Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020, theo đó:

06 tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân đạt Giải thưởng của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (01 giải nhất, 02 giải nhì và 03 giải ba)

03 tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân đạt Giải thưởng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (01 giải A, 02 giải B)

Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào lúc 14 giờ ngày 05/12/2020.

8. Phòng chống dịch bệnh Covid-19 (Số liệu tính đến 19h00 ngày 02/12/2020)

Hiện tại, trên địa bản tỉnh không có trường hợp mắc bệnh. Những công tác chuyên môn đã triển khai:

- Công tác cách ly y tế: Hiện tại Bệnh viện Trung Ương Huế không còn trường hợp đang điều trị Covid-19.

- Tại các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở y tế và nơi lưu trú:

Cách ly y tế

Vào trong ngày

Ra trong ngày

Hiện đang cách ly

Giai đoạn 1

Giai đoạn 2

Tại cơ sở y tế

0

0

0

109

629

Tại cơ sở cách ly tập trung

0

0

52*

6.362

5.747

Tại nơi lưu trú

0

0

0

1.409

23.674

* Ghi chú: Hiện đang cách ly 52 trường hợp (sinh viên Lào: 51, F2 của F1 bệnh nhân 1347: 1) tại khu cách ly KTX Ngân hàng Công Thương (T3)

Hiện đang khuyến cáo tự theo dõi sức khoẻ tại nơi lưu trú: 14 trường hợp (Tp Huế: 12, Quảng Điền: 02)

- Công tác hậu cần: Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 25 cơ sở cách ly phòng chống dịch Covid-19 với 4.036 giường cách ly, trong đó:

- Cách ly tập trung tại cơ sở quân sự: 05 cơ sở với 3.483 giường.

- Cách ly tập trung tại cơ sở du lịch có trả phí: 05 cơ sở với 228 giường.

- Cách ly tại cơ sở y tế: 15 bệnh viện với 325 giường.

Sáng ngày 04/12/2020, UBND tỉnh đã ban hành Công điện khẩn số 24/CĐ-UBND về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Cũng trong sáng 4/12, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các sở, ban, ngành địa phương về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh, yêu cầu các địa phương không được chủ quan, lơ là khi trong nước đã xuất hiện trở lại ca nhiễm trong cộng đồng, làm sao phải hạn chế thấp nhất tác động của dịch bệnh COVID-19 đến đời sống của người dân.

IV. CÁC CHÍNH SÁCH, CHỈ ĐẠO NỔI BẬT TRONG TUẦN 49

UBND tỉnh đã ban hành các văn bản:

- Kế hoạch số 251/KH-UBND ngày 28/11/2020 về nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau (sau đây gọi là Câu lạc bộ) giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh.

- Kế hoạch số  252/KH-UBND ngày 30/11/2020 tuyên truyền tập quán tiêu dùng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020 – 2021.

- Quyết định số 3016/QĐ-UBND ngày 27/11/2020 về việc ban hành Quy chế phối hợp giám sát môi trường thông qua dữ liệu tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế.  

 (Toàn bộ nội dung các văn bản được đăng tải tại địa chỉ: https://thuathienhue.gov.vn/vi-vn/thu-vien-van-ban)

V. CÁC SỰ KIỆN, HỘI NGHỊ LỚN TRONG TUẦN TỚI

- Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với sinh viên trường Đại học y dược Huế (8 giờ ngày 05/12/2020)

- Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với cộng đồng khởi nghiệp và trao giải thưởng Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020 (14 giờ ngày 05/12/2020)

- Họp HĐND tỉnh lần thứ 11, khóa VII  (Ngày 07-08/12/2020)

- Hội thảo giới thiệu các giải pháp sáng tạo kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh TTH (08 giờ ngày 08/12/2020)

- Hội thảo khởi động dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế (08 giờ ngày 11/12/2020)

VI. GIẢI ĐÁP CÁC KIẾN NGHỊ CỦA CÁC CƠ QUAN THÔNG TẤN BÁO CHÍ ĐÃ TIẾP NHẬN TRONG CÁC TUẦN TRƯỚC

1. Đối với vấn đề Báo Sài Gòn Giải phóng nêu:

a) Dự án thủy điện Thượng Nhật đã sử dụng bao nhiêu ha rừng và hiện nay đã trồng lại được bao nhiêu ha rừng?

Trên cơ sở báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh trả lời:

Dự án thủy điện Thượng Nhật do Công ty Cổ phần thủy điện Miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư có ảnh hưởng 46,76 ha rừng trồng.

Công ty Cổ phần thủy điện Miền Trung Việt Nam đã nộp đủ tiền trồng rừng thay thế (3.460.386.000 đồng) của 46,76 ha rừng này vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh theo Quyết định số 2155/QĐ-UBND ngày 06/9/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Phương án nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án thủy điện Thượng Nhật; Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã xác nhận đơn vị hoàn thành nộp tiền trồng rừng thay thế tại Thông báo số 183/TB-QBV&PTR ngày 03/10/2019, số tiền này Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh bố trí trồng lại 46,76 ha rừng phòng hộ tại các Ban quản lý rừng phòng hộ của tỉnh.

b) Hiện nay một số thủy điện trên địa bàn tỉnh đã thay đổi Chủ đầu tư, xin hỏi việc thay đổi Chủ đầu tư có làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình hay không?

Trên cơ sở báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh trả lời:

Về nguyên tắc, khi thay đổi chủ đầu tư phải tổ chức thẩm định đánh giá, kiểm tra năng lực tài chính, ngành nghề kinh doanh của Nhà đầu tư và các điều kiện liên quan khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Nhà đầu tư tiếp tục thực hiện dự án trên cơ sở đảm bảo các điều kiện nói trên và kế thừa toàn bộ các nội dung của dự án đã được phê duyệt trước đó. Về chất lượng công trình của các dự án thi công phải tuân thủ quy định hiện hành của pháp luật về xây dựng và đáp ứng đầy đủ các quy định về tiêu chuẩn, kỹ thuật của pháp luật chuyên ngành (phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; lập thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công; đảm bảo các tiêu chí thi công công trình thủy điện;…) và phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt trước khi triển khai xây dựng. Trong quá trình triển khai, các dự án phải được các cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm tra, giám sát và đánh giá định kỳ, đồng thời, trước khi đưa dự án chính thức vận hành, khai thác, ngoài nghiệm thu của chủ đầu tư và tư vấn giám sát thì phải được cấp có thẩm quyền nghiệm thu. Do đó, về cơ bản, việc thay đổi Chủ đầu tư không làm ảnh hưởng đến chất lượng các công trình thủy điện.

2. Đối với vấn đề Báo Công an Đà Nẵng nêu:

Liên quan đến công trình phố đi bộ tại đầm Lập An ở Thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, TT- Huế, theo thiết kế xây dựng không chịu lực không có mục đích chắn sóng, chắn gió. Trong khi đó, đây là công trình nằm sát đầm, chạy dọc theo đầm; địa bàn Thừa Thiên Huế thường xuyên chịu bão lũ thì việc thiết kế này có hợp lý không?

Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế trả lời:

I. Về đường phía Đông đầm Lập An

1. Thông tin chung về dự án

Dự án đầu tư xây dựng Đường phía đông đầm Lập An thực hiện theo quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/2000) thị trấn Lăng Cô và Làng Chài đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt tại Quyết định số 237/QĐ-UBND ngày 23/01/2009 và Thiết kế phố đi bộ Lập An (tỷ lệ 1/500) được Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (nay là Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế) phê duyệt tại Quyết định số 71/QĐ-KKT ngày 14/5/2015; phù hợp Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1771/QĐ-TTg ngày 08/12/2008.

* Các thông tin cơ bản của công trình:

- Tên dự án: Đường phía Đông đầm Lập An;

- Tổng mức đầu tư: 172 tỷ đồng, trong đó chí phí xây dựng: 110 tỷ đồng.

- Khởi công 1/2019, hoàn thành dự kiến 31/12/2021.

- Cấp quyết định đầu tư: Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Chủ đầu tư: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế, công nghiệp.

- Tư vấn thiết kế: Công ty CP tư vấn thiết kế giao thông Thừa Thiên Huế.

- Đơn vị thi công: Liên danh các nhà thầu: Công ty cổ phần 1.5 (Huế); Công ty TNHH xây dựng Đồng Tâm (Huế); Công ty CP Thành An (Huế); Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Đạt (Quảng Bình); Công ty TNHH TM và XD Long Đại Thịnh (Đà Nẵng).

2. Về ảnh hưởng do bão số 13 gây ra

Công trình đang triển khai xây dựng và hoàn thành khoảng 60% (66/110 tỷ đồng), từ 19h đêm ngày 14/11 đến rạng sáng ngày 15/11(nhằm ngày 29/10 và 1/10 âm lịch) thủy triều cao bất thường (nước dâng cao đợt này còn cao hơn lũ năm 1985) kết hợp ảnh hưởng của Bão số 13, cường độ đến cấp 8, giật cấp 10 đến cấp 11, bão đi dọc bờ biển, kèm theo sóng mạnh, sóng đánh nhiều giờ cùng với các vật cứng trôi nổi như thuyền, bè gỗ, phao, củi gỗ, ngư cụ, các loại vật liệu thiết bị thi công... bị cuốn theo tác động sóng đánh vỡ mái taluy đá hộc (được xây dựng từ năm 2000), làm hư hõng lan can loại 1, xói trôi đất cát dưới lề đường tạo thành các hố sụp, xói lỡ làm hư hỏng lề đường bằng terrazo. Đây là hiện tượng tự nhiên kép giữa bão và triều cường lịch sử, chưa từng xảy ra tại khu vực Lăng Cô này theo phản ánh của người dân.

Đặc biệt, có nhiều tàu thuyền, bè gỗ được neo buộc vào lan can trước và trong bão do đó càng làm hư hỏng nặng nền cho lan can, mái taluy đá hộc xây. Trước đó, khu vực này đã chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão lớn số 5, số 9 và số 10 nhưng không có thủy triều dâng cao nên vẫn an toàn.

Thiệt hại chủ yếu:

- Lan can loại 1: hư hỏng 1,8km/2,3km, chiếm 78%.

- Vỉa hè lát gạch terazzo: 3.100m2/10.000m2, chiếm 31%.

- Ước tính thiệt hại 3,6 tỷ (phần lan can 2,2 tỷ, phần vỉa hè 1,4 tỷ), đây là các hạng mục xây dựng mới.

- Phần mái kè taluy bằng đá hộc xây cũ (đường Nguyễn Văn): 2km/3km, chiếm 67% .

- Các hạng mục nền đường, mặt đường bê tông nhựa, hệ thống thoát nước, cấp nước, cấp điện, các điểm ngắm làm mới không bị hư hỏng.

3. Đánh giá nguyên nhân hư hỏng

3.1 Về công tác thiết kế

- Kè mái đá hộc xây tuyến đường Nguyễn Văn thuộc dự án đường phía Đông đầm Lập An, được xây dựng vào năm 2000. Căn cứ vào đánh giá về chất lượng hiện trạng kết cấu và thời gian khai thác ổn định từ khi xây dựng đến năm 2017 (thời điểm khảo sát) cho thấy kết cấu mái kè này là đảm bảo đủ để tận dụng giữ nguyên, nhằm mục đích bảo vệ cho mái taluy tuyến đường mới (trong điều kiện bão nhưng không kết hợp thủy triều dâng cao bất thường như cơn bão số 13 vừa qua).

- Lan can được thiết kế dựa trên các tiêu chí như an toàn cho người đi bộ, trang trí, mỹ quan công trình phố đi bộ. Lan can không phải là hạng mục chịu được lực sóng mạnh kết hợp thủy triều dâng cao kèm theo va đập của các vật trôi nổi do bão, sóng.

3.2 Về công tác thi công

Các nhà thầu thi công có chứng chỉ hoạt động năng lực theo quy định, trước khi tiến hành thi công các hạng mục đỗ bê tông, hạng mục kết cấu thép được thí nghiệm vật liệu đầu vào, kết quả cường độ bê tông,... đạt theo đúng quy định hồ sơ thiết kế.

4. Giải pháp khắc phục:

+ Các đơn vị thi công nhanh chóng dọn dẹp công trường để đảm bảo giao thông cho tuyến đường Nguyễn Văn.

+ Công trình được mua bảo hiểm xây dựng theo quy định của Pháp luật, do 03 đơn vị bảo hiểm cung cấp dịch vụ là Bảo hiểm Bảo Minh; Bảo hiểm dầu khí PVI, Bảo hiểm Hàng không. Đối với phần thiết hại do thiên tai của các hạng mục xây dựng mới (vỉa hè, lan can) khoảng 3,6 tỷ đồng đã được các Công ty Bảo hiểm nêu trên giám định và chi trả để khắc phục.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp đã chỉ đạo:

+ Chủ đầu tư phối hợp đơn vị tư vấn thiết kế nghiên cứu các biện pháp gia cố mái taluy cũ bằng đá hộc xây phía đầm (đã bị hư hỏng hoàn toàn) theo hướng sử dụng vật liệu, kết cấu bền vững, chịu lực tốt (bê tông, bê tông cốt thép) đồng thời nghiên cứu giải pháp bổ sung gia cường lan can để đảm bảo khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết tương tự trong tương lai. Sơ bộ phương án giá cố mái taluy có chi phí khoảng 7 tỷ đồng, được lấy từ nguồn dự phòng của dự án.

+ Chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương trong việc vận động người dân không neo tàu thuyền, bè gỗ, phao vào lan can; di chuyển các dụng cụ, ngư cụ ra khỏi khu vực trong tình huống dự báo bão sau này.

II. Về đường Tây đầm Lập An (đường Trịnh Tố Tâm)

Đây là tuyến đường đã đưa vào khai thác sử dụng gần 10 năm, bão số 13 dưới tác động kép của gió trên đất liền vùng ven biển cấp 8, giật cấp 10-11, kéo dài liên tục trong khoảng 20 giờ kết hợp thủy triều dâng cao bất thường cũng đã gây thiệt hại cho tuyến đường Trịnh Tố Tâm gây gãy vỡ, sụp mái taluy bê tông xi măng, xói lở ăn sâu vào mặt đường bê tông nhựa; nhiều đoạn tường hộ lan bằng tôn lượn sóng bị nghiêng, sụp đổ. Cây cối hai bên đường toàn tuyến hầu như bị gãy đổ.

Thiệt hại ước tính khoảng 3,5 tỷ đồng.

Hiện tại tuyến đường đã được Trung tâm Quản lý khai thác hạ tầng Khu kinh tế, công nghiệp quản lý thực hiện các biện pháp rào chắn, cảnh báo, báo hiệu các vị trí hư hỏng nhằm đảm bảo giao thông đi lại trên tuyến đường.

 

Một số vấn đề khác các cơ quan báo chí hỏi đã được tiếp nhận và chuyển cho các cơ quan chức năng trả lời. Sau khi các đơn vị được giao nhiệm vụ báo cáo UBND tỉnh, VP UBND tỉnh sẽ cung cấp thông tin đầy đủ cho cho các cơ quan thông tấn báo chí./.

 

VĂN PHÒNG UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 5 Trang kế Trang cuối