Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2023
  

 (Theo Báo cáo số 449/BC-UBND ngày 28/9/2023 của UBND tỉnh)

A. TÌNH HÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 9 và 9 THÁNG NĂM 2023

1. Tình hình phát triển kinh tế

a) Lĩnh vực dịch vụ

Hoạt động du lịch: Tập trung thực hiện Chương trình phát triển văn hóa, du lịch - dịch vụ là một trong 06 Chương trình trọng điểm của tỉnh. Tỉnh đã tập trung xây dựng các chương trình kích cầu du lịch; nhiều hoạt động du lịch lễ hội, văn hóa đặc sắc được tổ chức[1]. Trong tháng 9, lượng khách ước đạt 279 nghìn lượt, tăng 50,9% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế ước đạt 66,3 nghìn lượt, gấp 2,6 lần. Doanh thu từ du lịch ước đạt 651,3 tỷ đồng, tăng 23%.

Từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch ước đạt 2.420,3 nghìn lượt, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 745,6 nghìn lượt, gấp 7,3 lần. Tổng thu từ du lịch ước đạt 5.414,2 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ.

Hoạt động thương mại, giá cả: Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 9 ước đạt 4.795 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ, trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.495,5 tỷ đồng, chiếm 73%, tăng 13%. Lũy kế 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 41.284,7 tỷ đồng, tăng 15,5% so cùng kỳ, trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 30.499,3 tỷ đồng, chiếm 74%, tăng 13,2%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 ước tăng 0,49% so với tháng 8/2023. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 1,86% so với bình quân cùng kỳ.

Hoạt động xuất nhập khẩu:

Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng hóa trong tháng 9 ước đạt 106,4 triệu USD, giảm 40,1% so với cùng kỳ. Lũy kế tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 795,5 triệu USD, giảm 10,8% so với cùng kỳ. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm: xơ, sợi dệt các loại ước đạt 157,28 triệu USD, tăng 2,3%; hàng may mặc ước đạt 423,13 triệu USD, giảm 13,2%; gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 65,77 triệu USD, giảm 34%.

Kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hóa tháng 9 đạt 82,3 triệu USD, tăng 31,1% so với cùng kỳ. Lũy kế KNNK 9 tháng ước đạt 539,7 triệu USD, giảm 15,1%. Các mặt hàng nhập khẩu phục vụ cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu: thủy sản ước đạt 6,7 triệu USD, tăng gấp 3,8 lần; nguyên phụ liệu dệt may ước đạt 328,3 triệu USD, giảm 25,7%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng ước đạt 106,3 triệu USD tăng gấp 2,4 lần; nhóm hàng hóa khác ước đạt 92,8 triệu USD, giảm 37,1%.

Hoạt động ngân hàng: Ước đến cuối tháng 09/2023, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 66.300 tỷ đồng, tăng 9,62% so với cuối năm 2022. Dư nợ tín dụng tại các tổ chức tín dụng (TCTD) ước đạt 75.700 tỷ đồng, tăng 1,82%. Tính đến 31/8/2023, nợ xấu tại các TCTD trên địa bàn ở mức 1.624 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,16%.

Hoạt động vận tải: Trong tháng 9, vận tải hành khách ước đạt 2.717 nghìn hành khách, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 15,5% so với cùng kỳ. Hàng hóa vận chuyển ước đạt 1.731 nghìn tấn, tăng 1% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải, bốc xếp ước đạt 403 tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 16,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, vận tải hành khách ước đạt 23.290 nghìn lượt khách, tăng 49,9% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa ước đạt 14.866 nghìn tấn, tăng 7,8%. Doanh thu vận tải, bốc xếp ước đạt 3.430,4 tỷ đồng, tăng 17,3%.

b) Lĩnh vực công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh tháng 9 ước tăng 9,4% so với cùng kỳ; tính chung 9 tháng ước tăng 2,4% so với cùng kỳ, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng ước giảm 0,9%; Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3%; Ngành sản xuất và phân phối điện, nước đá ước giảm 3%; Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,9%.

Một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ gồm: bia 256 triệu lít, tăng 20,5% so với cùng kỳ (trong đó: bia lon 170,4 triệu lít, tăng 22,2%; bia chai 85,6 triệu lít, tăng 17,2%); vỏ lon nhôm 11,5 nghìn tấn, tăng 4,7%; tôm đông lạnh 4.683 tấn, tăng 5,1%; Xi măng 1.479 nghìn tấn, tăng 2%; sợi các loại 88 nghìn tấn, tăng 4%; quần áo lót 305 triệu sản phẩm, bằng với cùng kỳ; điện thương phẩm 1.579 triệu KWh, tăng 4,6%; Quặng inmenit 17.208 tấn, tăng 16,9%; Đá xây dựng 666 nghìn m3, tăng 12,7%;....

Các sản phẩm công nghiệp có mức sản xuất giảm so cùng kỳ: Điện sản xuất 1.133,15 triệu KWh, giảm 2,5%; men frit 204,6 nghìn tấn, giảm 7,8%; dăm gỗ 557,8 nghìn tấn, giảm 2,7%; đá vôi 1.257,4 nghìn m3, giảm 8,2%;....

c) Lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp

Trồng trọt: Diện tích gieo cấy lúa toàn tỉnh ước đạt 53.435 ha, tăng 645 ha so với năm 2022 (vụ Đông Xuân 28.023,6 ha, vụ Hè Thu 25.226 ha, vụ mùa 185 ha). Năng suất bình quân ước đạt 62,5 tạ/ha, tăng hơn 12 tạ/ha so với năm 2022 (vụ Đông Xuân đạt 66 tạ/ha, vụ Hè Thu ước đạt 59 tạ/ha, vụ mùa ước đạt 17,5 tạ/ha). Sản lượng ước đạt 334.075 tấn, tăng 64.732 tấn so với năm 2022. Cây trồng khác: Rau các loại sản lượng 42.658 tấn; Ngô sản lượng 5.595 tấn; lạc sản lượng 4.708 tấn; Sắn sản lượng 19.914 tấn; đậu các loại sản lượng 649 tấn; Sen sản lượng 3.800 tấn. Cây ăn quả 3.413 ha: Cam sản lượng 1.620 tấn; bưởi sản lượng 3.460 tấn; chuối sản lượng 11.700 tấn; dứa sản lượng 1.020 tấn;…; hồ tiêu 153/210 ha; cây cao su 5.637ha.

Chăn nuôi: Tổng đàn gia súc, gia cầm: Đàn lợn 154.232 con, giảm 0,5% so với cùng kỳ; đàn trâu 15.311 con, giảm 1,6%; đàn bò 28.276 con, giảm 0,9%; đàn gia cầm 4.882 nghìn con, tăng 1,3%. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng: Thịt lợn 11.675 tấn, tăng 3,1%; thịt trâu đạt khoảng 695 tấn, giảm 1,3%; thịt bò 912 tấn, giảm 1,2%; thịt gia cầm 12.473 tấn, tăng 1,6%.

Thủy sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản 9 tháng ước đạt 6.423 ha, tăng 88ha so với cùng kỳ. Sản lượng nuôi trồng thủy sản 9 tháng ước đạt 15.960 tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 35.525 tấn, tăng 1,9% (trong đó khai thác biển 32.626 tấn, tăng 2,1%; khai thác nội địa 2.899 tấn, giảm 0,6%). Tính chung sản lượng nuôi trồng và đánh bắt ước đạt 51.215 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ.

Lâm nghiệp: Diện tích trồng rừng tập trung từ đầu năm đến nay ước đạt 4.580 ha/6.000 ha (đạt 76,3% kế hoạch), giảm 2,6% so với cùng kỳ. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng ước đạt 480.520 m3/550.000 m3 (đạt 87% kế hoạch). Duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 57,15%.

2. Thu chi ngân sách Nhà nước

Thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 7.543 tỷ đồng, bằng 76% dự toán, bằng 58% so với chỉ tiêu phấn đấu và giảm 18,4% so với cùng kỳ; trong đó: Thu nội địa ước đạt 7.046 tỷ đồng, bằng 75,3% dự toán, bằng 57,4% chỉ tiêu phấn đấu và giảm 19,3%; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 481,4 tỷ đồng, bằng 86,7% dự toán, bằng 70,8% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 1,1% so với cùng kỳ; Thu viện trợ, huy động đóng góp 15 tỷ đồng, vượt 37% dự toán, bằng 38% chỉ tiêu phấn đấu và giảm 50% so với cùng kỳ. Chi ngân sách nhà nước ước đạt 8.914 tỷ đồng, đạt 61,4% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển 3.014 tỷ đồng, đạt 54,2% dự toán.

3. Tình hình đầu tư và xây dựng

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng ước đạt 21.817,5 tỷ đồng, bằng 70,4% KH, tăng 6,5% so với cùng kỳ.

- Phân theo cấp quản lý: vốn do Trung ương quản lý 5.660,3 tỷ đồng, bằng 73,6% KH, tăng 5,8%; vốn do địa phương quản lý 16.157,2 tỷ đồng, bằng 69,3% KH, tăng 6,7%.

- Phân theo nguồn vốn: vốn ngân sách nhà nước đạt 4.564 tỷ đồng, bằng 59% KH, giảm 17,7%; vốn tín dụng đạt 8.067 tỷ đồng, bằng 74% KH, tăng 1,9%; vốn đầu tư của doanh nghiệp 2.598,7 tỷ đồng, bằng 72,1% KH, giảm 1,4%; vốn đầu tư của dân 3.501 tỷ đồng, bằng 70% KH, tăng 39,8%; vốn viện trợ nước ngoài 505 tỷ đồng, bằng 65,2% KH, tăng 14,8%; vốn đầu tư nước ngoài 2.581 tỷ đồng, bằng 86,1% KH, tăng 78%.

* Giải ngân vốn đầu tư công: Kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm đến 25/9/2023 là 3.498,625 tỷ đồng/5.758,257 tỷ đồng, đạt 60,8%, xếp thứ 10/63 tỉnh thành và thuộc nhóm có tỷ lệ giải ngân cao cả nước. Cụ thể các nguồn vốn như sau: (i) Vốn ngân sách địa phương: giải ngân 1.785 tỷ đồng/3.053,266 tỷ đồng, đạt 58,46% kế hoạch. (ii) Vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước): giải ngân 1.470 tỷ đồng/2.021,041 tỷ đồng, đạt 72,7% kế hoạch, đứng thứ 03/63 tỉnh thành. (iii) Vốn nước ngoài (ODA): giải ngân 243,625 tỷ đồng/683,95 tỷ đồng, đạt 35,6% kế hoạch.

Tập trung đôn đốc triển khai các dự án trọng điểm: Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, Đường Nguyễn Hoàng và cầu Vượt sông Hương, dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex, dự án Đê chắn sóng Cảng Chân Mây - giai đoạn 2. Hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án: Đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường vành đai 3,... Đôn đốc thực hiện 05 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội[2].

Đã hoàn thành và đưa vào khai thác nhà ga hành khách T2 sân bay Phú Bài, trung tâm thương mại dịch vụ giải trí và khách sạn Nguyễn Kim, Khách sạn Lavela,... Hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư lớn như: dự án hạ tầng KCN Gilimex, dự án xây dựng nhà máy sản xuất găng tay Kanglongda Huế, dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải Phú Sơn, dự án Bảo tàng biển (PSH),...Khởi công dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế, dự án xây dựng khu nhà ở xã hội tại khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 2, thuộc Khu B đô thị mới An Vân Dương (Ecogarden),...

4. Về phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư

Tính đến 25/9/2023, có 527 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 3.626,3 tỷ đồng, giảm 15,4% về lượng và giảm 33,7% về vốn so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại 274 doanh nghiệp, giảm 140 doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động là 459 doanh nghiệp, tăng 13 doanh nghiệp; giải thể tự nguyện 94 doanh nghiệp, tăng 08 doanh nghiệp; giải thể theo quyết định thu hồi 184 doanh nghiệp, tăng 181 doanh nghiệp.

Đã cấp phép cho 18 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư đạt 5.010 tỷ đồng (gồm 06 dự án FDI vốn đăng ký 41 triệu USD tương đương 964 tỷ đồng), trong đó:

(i) Theo địa bàn Khu kinh tế, khu công nghiệp cấp 08 dự án với tổng vốn đầu tư 1.767,8 tỷ đồng. Tính đến nay, trên địa bàn Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh có 172 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 112.790 tỷ đồng; trong đó, có 44 dự án vốn FDI với vốn đầu tư đăng ký là 71.701 tỷ đồng. Lũy kế vốn đầu tư thực hiện của các dự án đến nay ước đạt khoảng 36.743 tỷ đồng (đạt 34,3% tổng vốn đăng ký đầu tư). Từ đầu năm đến nay, vốn đầu tư thực hiện ước đạt 2.900 tỷ đồng, đạt 72,5% kế hoạch năm 2023.

(ii) Ngoài địa bàn Khu kinh tế, khu công nghiệp cấp 10 dự án với vốn đăng ký 3.242,2 tỷ đồng. Điều chỉnh tăng/giảm vốn 07 dự án với vốn tăng thêm 1.533 tỷ đồng (điều chỉnh tăng vốn 06 dự án với vốn tăng thêm 1.578 tỷ đồng; điều chỉnh giảm vốn 01 dự án giảm 45 tỷ đồng); chấm dứt hoạt động 08 dự án[3]. Ngoài ra, đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án và đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng vốn kêu gọi đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.

Đã tập trung rà soát các dự án chậm tiến độ, tiếp tục xử lý theo Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 14/7/2017 của HĐND tỉnh, đến nay 17 dự án đã đi vào hoạt động, 05 dự án cần đôn đốc tiến độ thực hiện, 21 dự án cần giám sát đặc biệt, 01 dự án tiếp tục rà soát thu hồi/thu hồi một phần và đã thu hồi 35 dự án/79 dự án rà soát, giám sát; đáng chú ý là trong 35 dự án đã thu hồi đến nay đã cấp lại 10 dự án cho các nhà đầu tư để thực hiện dự án, 04 dự án không kêu gọi đầu tư, 21 dự án đang được các đơn vị liên quan xây dựng thông tin, tiêu chí kêu gọi lựa chọn nhà đầu tư quan tâm thực hiện. Trong đó, có một số dự án khu vực đô thị chậm tiến độ cần giám sát đặc biệt như: Dự án đầu tư xây dựng tại khu đất số 4 đường Hà Nội, TP Huế; Dự án Xây dựng các công trình dịch vụ du lịch, văn phòng, căn hộ cao cấp 14 - 20 Lý Thường Kiệt; Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế,…Đồng thời, tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 70/NQ-HĐND ngày 21/8/2023 về tình hình thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 đến năm 2022.

5. Văn hóa - xã hội

a) Về văn hóa - thể thao

Đã tổ chức các hoạt động văn hoá thể thao, văn nghệ, thông tin, tuyên truyền, cổ động trực quan kỷ niệm các ngày lễ lớn, tạo khí thế chính trị trên địa bàn toàn tỉnh: Tổ chức dâng hoa, dâng hương kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và triển lãm “Nhật ký trong tù - Bảo vật quốc gia” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế; tổ chức Lễ hội làng Dương Nỗ với chủ đề “Dương Nỗ - Hành trình tháng Năm” tại cụm Di tích quốc gia đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Phú Dương, thành phố Huế. Tổ chức chương trình nghệ thuật “Người mẹ Làng sen” nhân dịp kỷ niệm 155 năm ngày sinh bà Hoàng Thị Loan và 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổ chức thành công Tuần lễ Festival Nghề truyền thống Huế “Tinh hoa Nghề Việt”, Lễ hội Huế - Kinh đô Ẩm thực.

Đã tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, tổ chức các hoạt động ý nhĩa nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2023) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2023). Tổ chức thành công Hội thảo “Kết nối Việt Nam” lần thứ 14 thu hút gần 600 đại biểu trong nước và quốc tế. Tổ chức Lễ hội Áo dài Festival Huế, Lễ hội Điện Huệ Nam, Triễn lãm mỹ thuật Khu vực IV Bắc miền Trung lần thứ 28.

Tổng lượng khách tham quan di tích đến ngày 15/9/2023 là 1,78 triệu lượt; tăng 76,1% so với cùng kỳ; tổng doanh thu bán vé tham quan đạt gần 270 tỷ đồng, tăng 88%.

Trong 9 tháng, nhiều giải thể thao quốc gia, cấp tỉnh được tổ chức thành công, cụ thể: Giải Bóng đá Cúp Quốc gia và hạng Nhất Quốc gia năm 2023; Giải Vô địch Taekwondo học sinh, sinh viên toàn quốc lần I; Giải Golf Faldo Series Châu Á 2023 lần thứ 14; Giải chạy VnExpress Marathon Impertal Huế 2023; Giải Việt dã truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XXXI năm 2023 (Lễ phát động Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; Hưởng ứng Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2023),... Đã cử các đoàn vận động viên tham gia thi đấu các giải quốc gia, khu vực và quốc tế đạt được 446 huy chương các loại: 123 HCV, 131 HCB, 192 HCĐ, trong đó có 10 huy chương quốc tế (6 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ). Tiếp tục thực hiện Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030.

b) Về khoa học và công nghệ

Tiếp tục triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 09/8/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Xây dựng Kế hoạch thực hiện lộ trình thành lập Khu Công nghệ cao và phát triển các thiết chế công nghệ cao Thừa Thiên Huế đến năm 2030, xây dựng Đề án “Phát triển Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030”. Tiếp tục thực hiện các dự án nâng cao năng lực cho các đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ....

Hoạt động quản lý nhiệm vụ nghiên cứu - thử nghiệm KH&CN được tăng cường, trong 9 tháng đầu năm, triển khai 13 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia. Tổ chức 07 hội nghị tuyển chọn, giao trực tiếp các đề tài/dự án cấp tỉnh; tổ chức Hội nghị nghiệm thu 04 đề tài/dự án; thẩm định cấp giấy chứng nhận 01 văn phòng đại diện;....

Tổ chức thực hiện Hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và triển khai Kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở gắn với hoạt động đầu tư chuyển giao công nghệ tại tỉnh Thừa Thiên Huế” và phát động cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023. Các hoạt động quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; sở hữu trí tuệ; an toàn bức xạ hạt nhân, hoạt động thông tin, thống kê khoa học - công nghệ được đẩy mạnh,...

c) Về giáo dục và đào tạo

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy (khóa XVI) về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Tiếp tục hoàn thiện quy mô mạng lưới theo hướng tinh gọn, tập trung, đồng bộ, hiện đại, chuẩn hóa và tăng cường xã hội hóa, đến nay, có 404/569 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 70,9%[4].

Hoàn thành công tác tuyển sinh, tổ chức thi, xét tuyển vào lớp 6 Trường THCS Nguyễn Tri Phương, lớp 10 tại các Trường THPT trên địa bàn; tổ chức thành công kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2023; tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2023 tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 98,08%, tăng so với năm 2022 (năm 2022 đạt 96,55%). Hoàn thành việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 theo lộ trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tiến hành tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024. Tổ chức Lễ tuyên dương 386 học sinh danh dự toàn trường năm học 2022 - 2023. Đại học Huế đã tổ chức tuyển sinh đại học năm 2023 với khoảng tuyển sinh 15.139 chỉ tiêu cho 139 ngành đào tạo.

d) Về y tế - chăm sóc sức khỏe

 Đã triển khai nhiệm vụ y tế, chăm sóc sức khỏe năm 2023. Ước tổng số lượt khám chữa bệnh đạt 1.731.308 lượt, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2022.  Đẩy mạnh công tác kiểm tra liên ngành công tác an toàn vệ sinh thực phẩm vào các dịp lễ hội năm 2023. Chủ động trong công tác phòng chống dịch, bệnh, đặc biệt là Covid-19, Sốt xuất huyết và các bệnh dịch khác. Rà soát nhu cầu vắc xin phòng Covid-19 trong những tháng cuối năm. Tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các dự án thuộc lĩnh vực y tế thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội[5].

e) Về lao động - việc làm và an sinh xã hội

Từ đầu năm đến nay, đã giải quyết việc làm cho 13.445 người lao động, đạt 79,1% so với kế hoạch năm; trong đó, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài 1.635 lao động, đạt 81,8% theo kế hoạch; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh 9.510 người[6] (đạt 59,5% KH), số học sinh đã tốt nghiệp 7.357 người[7]. Tổ chức Ngày hội việc làm gắn với giảm nghèo bền vững tại huyện A Lưới. Chuẩn bị phối hợp tổ chức hội nghị tư vấn chính sách tạo việc làm, định hướng nghề nghiệp và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Triển khai Đề án Giảm nghèo bền vững tỉnh giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục theo dõi, đôn đốc thực hiện các dự án, tiểu dự án giảm nghèo năm 2023, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2021-2025.

Ước đến cuối tháng 9/2023, số người tham gia BHXH bắt buộc: 125.846 người, đạt 93,26% so với Kế hoạch được BHXH Việt Nam giao năm 2023. Số người tham gia BHXH tự nguyện: 18.853 người, đạt 76,12% Kế hoạch. Số người tham gia BHTN: 117.350 người, đạt 93,00% kế hoạch. Số người tham gia BHYT: 1.156.475 người, đạt 99,66% kế hoạch.

Tập trung chăm lo chu đáo các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh; tổ chức thành công Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023 tại tỉnh Thừa Thiên Huế; tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023);  khánh thành Nhà tưởng niệm Liệt sỹ Tiểu khu 67; tổ chức Đoàn đại biểu người có công, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu thăm Thủ đô và các tỉnh phía Bắc nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

6. Công tác cải cách hành chính, công tác đối ngoại và đảm bảo quốc phòng, an ninh

Công tác cải cách hành chính được tập trung đẩy mạnh: Từ đầu năm đến nay, 100% văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND ban hành đều được tiến hành lập đề nghị trình cơ quan có thẩm quyền. Công tác cải cách thủ tục hành chính cơ bản đáp ứng và giải quyết tốt các giao dịch hành chính đối với tổ chức, cá nhân. Các cơ quan quản lý nhà nước đã thường xuyên rà soát, đơn giản thủ tục hành chính, hệ thống hóa TTHC, rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết hồ sơ TTHC. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.106 TTHC (tỷ lệ 100%) được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, các Trung tâm hành chính công cấp huyện và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã. UBND tỉnh đã duy trì đối thoại trực tuyến giữa lãnh đạo tỉnh với cá nhân, tổ chức tại chuyên trang, chuyên mục “Trao đổi và tháo gỡ” và “chính quyền với người dân” trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh nhằm giúp lãnh đạo tỉnh nắm bắt tình hình thực tế, tâm tư, nguyện vọng của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn. UBND tỉnh đã báo cáo Bộ Nội vụ Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Tổ chức Hội thi trực tuyến tìm hiểu công tác CCHC giai đoạn 2021-2025 trong cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh.

 Năm 2022, chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị thứ 6 toàn quốc, tăng 02 bậc so với năm 2021; hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp vị thứ 5 toàn quốc, giảm 04 bậc so với năm 2021; Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp vị thứ 19 toàn quốc, giảm 15 bậc so với năm 2021.

Công tác đối ngoại: Đã đón tiếp, làm việc với 619 đoàn khách quốc tế/4090 lượt người đến thăm, làm việc, tìm hiểu cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư - thương mại (tăng 326 đoàn/2680 lượt người so với cùng kì); tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm duy trì và tăng cường, mở rộng quan hệ quốc tế và hợp tác hữu nghị với các đối tác theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế; khai thác hiệu quả các mối quan hệ đối tác, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động…với các địa phương nước ngoài; Triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế, ngoại giao văn hoá và ngoại giao kinh tế trên địa bàn tỉnh. Công tác đối ngoại tiếp tục phục vụ có hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Quốc phòng, an ninh: Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Đã triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh trong dịp Lễ Quốc khánh 02/9. Tiếp tục tuần tra, xác minh 12 tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài theo thông báo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; tăng cường công tác quản lý biên giới đất liền; phối hợp giải quyết dứt điểm vụ việc thi công phóng tuyến đường tuần tra biên giới của Lào. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, cơ sở chung cư, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao trên địa bàn toàn tỉnh; phát động phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Triển khai kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen”.

Về trật tự, an toàn xã hội: Tháng 9 năm 2023, tội phạm về trật tự xã hội xảy ra 48 vụ, làm 19 người bị thương, thiệt hại tài sản hơn 4,9 tỷ đồng; so với tháng trước giảm 04 vụ; so với cùng kỳ năm 2022 giảm 09 vụ. Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế: phát hiện 02 vụ; so với tháng trước và cùng kỳ năm 2022 không tăng, giảm. Tội phạm ma túy: phát hiện 14 vụ, bắt 16 đối tượng; thu giữ hơn 142,9g ma túy tổng hợp; so với tháng trước phát hiện nhiều hơn 02 vụ, so với cùng kỳ năm 2022 phát hiện ít hơn 05 vụ. Cháy xảy ra 07 vụ, thiệt hại khoảng 35 triệu đồng và 2,45 ha rừng, so với tháng trước giảm 30 vụ.

An toàn giao thông: Từ đầu năm đến nay, tai nạn giao thông toàn tỉnh xảy ra 166 vụ, làm 84 người chết, 122 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2022 giảm 35 vụ, giảm 59 người chết, tăng 10 người bị thương.

Trong tháng 9/2023, xảy ra 45 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 09 người chết, 37 người bị thương; so với tháng trước tăng 12 vụ, giảm 11 người chết, tăng 10 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2022 tăng 24 vụ, giảm 01 người chết, tăng 18 người bị thương. Tuần tra kiểm soát, lập biên bản 7.339 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Quyết định xử phạt 4.805 trường hợp, phạt tiền hơn 8,4 tỷ đồng, tước 1.117 giấy phép lái xe.

B. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THÁNG QUÝ IV/2023

1. Tập trung rà soát, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 và xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công và dự toán thu chi ngân sách Nhà nước năm 2024 trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

2. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ. Trọng tâm:

a) Phối hợp chặt chẽ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định Quốc gia) hoàn thiện Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Hội đồng thẩm định Quốc gia cho ý kiến, thông qua trong tháng 10/2023.

b) Hoàn thành các quy hoạch, đề án quan trọng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý IV/2023: Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2065; Đề án đề nghị công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I; Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Đề án đề nghị công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đạt tiêu chí đô thị loại IV. Tập trung triển khai lập Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế.

c) Tập trung quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TU ngày 08/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025. Triển khai kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và các kiến nghị, đề xuất của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ kết luận tại Thông báo số 137/TB-VPCP ngày 18/4/2023 và thông báo kết luận số 1812/TB-VPCP ngày 31/7/2023 của Chủ tịch Quốc hội tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

d) Triển khai hiệu quả chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 38/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghị định số 84/2022/NĐ-CP ngày 20/10/2022 về việc thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế; thực hiện tốt thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây.

3. Về phát triển kinh tế

a) Lĩnh vực công nghiệp

- Tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số: 105/NQ-CP, ngày 15/7/2023 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Trong đó, tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở công nghiệp đảm bảo ổn định sản xuất. Tập trung triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh vào các khu, cụm công nghiệp.

- Tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư hạ tầng triển khai thực hiện dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp như: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Gilimex; KCN Phú Bài giai đoạn IV, đợt 1; Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Phong Điền-Viglacera; KCN và khu phi thuế quan Sài Gòn-Chân Mây. Tiếp tục đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án sớm đi vào hoạt động tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp: Nhà máy Kanglongda Huế, Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn, dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motor Huế,...

b) Lĩnh vực du lịch, dịch vụ

- Tổ chức các hoạt động Lễ hội trong khuôn khổ Chương trình Festival Huế, trọng tâm là lễ hội “Mùa đông xứ Huế”. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về du lịch, bản sắc văn hóa Huế; tập trung chuyển đổi số ngành du lịch. Triển khai kế hoạch tổ chức các chương trình kích cầu du lịch trong khuôn khổ Festival Huế. Xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội thi Bartender Thừa Thiên Huế mở rộng năm 2023. Tổ chức khảo sát, điều tra về chi tiêu của khách du lịch, đánh giá về nguồn nhân lực du lịch, rà soát chất lượng cơ sở lưu trú du lịch; kiểm tra tình hình hoạt động kinh doanh du lịch, môi trường du lịch tại các điểm tham quan du lịch,...; tiếp tục xúc tiến các đường bay nội địa, quốc tế đi và đến Cảng hàng không Quốc tế phú Bài.

- Đôn đốc, hỗ trợ các dự án hoàn thành đi vào hoạt động như: dự án Khách sạn Đông Dương, Dự án Công viên biển và bảo tàng Huế (Hue Amusement & Beach Park);...Hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: Trung tâm thương mại Aeon Mall, Khu nghỉ dưỡng huyền thoại Địa Trung Hải, Khu Du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô; Dự án Sân golf quốc tế, khu dịch vụ phụ trợ, khu biệt thự nghỉ dưỡng tại xã Vinh Xuân, Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp và Bến thuyền nội bộ thuộc bãi bồi Lương Quán, phường Thủy Biều; Khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Cồn Sơn, Dự án khu du lịch Suối Voi, Tàu du lịch bằng đầu máy hơi nước,...

c) Lĩnh vực nông nghiệp

Tiếp tục theo dõi, chỉ đạo thu hoạch các loại cây trồng hàng năm khác, đảm bảo thu hoạch trước mùa mưa bão. Tập trung chỉ đạo công tác tiêm phòng; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, phát hiện nhanh và xử lý kịp thời, không để lây lan thành dịch đối với gia súc, gia cầm. Triển khai công tác chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản đảm bảo hiệu quả. Rà soát các phương án phòng, tránh thiên tai, bão lụt năm 2023. Theo dõi tình hình thủy văn và nguồn nước trên các sông, hói, hồ chứa để chủ động điều tiết hợp lý; cung cấp đủ nước cho sản xuất nông nghiệp. Kiểm tra, chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hồ chứa, các công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai trước mùa mưa bão 2023.

Tập trung triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và Chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm OCOP. Tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào thiểu số; phấn đấu đến cuối năm 2023 có thêm ít nhất 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Phong Điền và thành phố Huế hoàn thành hồ sơ trình Trung ương thẩm định hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

4. Tập trung hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trong ngân sách và ngoài ngân sách.

- Tiếp tục phát huy hiệu quả 04 Tổ công tác giám sát, quản lý dự án đầu tư của UBND tỉnh. Các Sở, ngành, địa phương tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc các dự án trọng điểm sử dụng vốn ngoài ngân sách, gồm 71 dự án theo Thông báo kết luận số 55/TB-UBND ngày 16/02/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh; kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh những nội dung vượt thẩm quyền. Tiếp tục rà soát các dự án chậm tiến độ, tiếp tục xử lý theo Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 14/7/2017 của HĐND tỉnh và Nghị quyết số 70/NQ-HĐND ngày 21/8/2023 về tình hình thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 đến năm 2022.

- Đối với một số dự án ngoài ngân sách cần tập trung tháo gỡ, khó khăn vướng mắc: Triển khai nghiêm túc, hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo số 312/TB-UBND, ngày 25/8/2023 tại cuộc họp nghe báo cáo các nội dung vướng mắc liên quan đến các dự án trọng điểm sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách trên địa bàn; trong đó, tập trung các dự án: Dự án Nhà máy xử lý rác sinh hoạt Phú Sơn, Nhà máy Kanglongda Huế, Dự án Tổ hợp dịch vụ thương mại và du lịch Phạm Văn Đồng, Dự án Khu đô thị mới An Cựu thuộc Khu A - Đô thị mới An Vân Dương; Dự án Khu công viên phần mềm, công nghệ thông tin tập trung (Thành phố truyền thông thông minh) thuộc Khu B - Đô thị mới An Vân Dương; Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, thương mại dịch vụ vui chơi thể thao Lộc Bình, huyện Phú Lộc.

Tiếp tục hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả cho các nhà đầu tư khởi công các dự án: Khu đô thị phía Đông đường Thủy Dương - Thuận An, thuộc Khu E - Đô thị mới An vân Dương; Tổ hợp nhà ở, thương mại - dịch vụ và vui chơi giải trí An Đông, thuộc phường An Đông, thành phố Huế và phường Thuỷ Dương, thị xã Hương Thuỷ; Khu Tổ hợp khách sạn kết hợp dịch vụ thương mại và văn phòng cho thuê tại khu đất 20 Nguyễn Huệ (khách sạn SOJO),…

- Đối với một số dự án trong ngân sách cần tập trung hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, trọng điểm quốc gia, có tính liên vùng, hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng văn hóa, xã hội như: Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, Đường Nguyễn Hoàng và cầu Vượt sông Hương, Đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2; dự án Quảng trường Văn hoá Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Đường Phú Mỹ - Thuận An, đường Chợ Mai - Tân Mỹ, đường phía Tây phá Tâm Giang - Cầu Hai, dự án Cầu bắc qua sông Lợi Nông; Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - tiểu dự án Thừa Thiên Huế, Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Huế, dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế (giai đoạn 2),...Khẩn trương hoàn thành thủ tục để khởi công các dự án trọng điểm: Đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, Đường vành đai 3,...

5. Về giải ngân vốn đầu tư công và quản lý tài chính ngân sách:

- Tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2023; quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia; các công trình, dự án khắc phục hậu quả thiên tai năm 2022. Đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên,…để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh. Rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án triển khai chậm để bổ sung vốn cho các dự án có khả năng giải ngân và có nhu cầu bổ sung vốn, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng. Phấn đấu hoàn thành giải ngân trên 95% kế hoạch vốn. Xây dựng Kế hoạch đầu tư công năm 2024.

- Tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Thông báo 165/TB-UBND ngày 21/4/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về rà soát tình hình thu ngân sách nhà nước năm 2023. Thực hiện hiệu quả các biện pháp quản lý thu, chi ngân sách; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong điều hành ngân sách, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả...Phấn đấu hoàn thành và vượt kế hoạch thu ngân sách Nhà nước năm 2023 trên 13.000 tỷ đồng. Tiếp tục triển khai có hiệu quả thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước tại Nghị quyết 38/2021/QH15 ngày 13/11/2021.

6. Tập trung bảo vệ môi trường và phòng, tránh thiên tai, biến đổi khí hậu

Tăng cường công tác quản lý và chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Chỉ đạo thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn minh nông thôn bảo đảm cảnh quan môi trường hướng xanh - sạch - sáng và đẹp, hình thành các vùng quê đáng sống. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với duy trì thực hiện tốt Đề án “Ngày Chủ nhật xanh”, đẩy mạnh phong trào “Nói không với túi ni lông sử dụng 01 lần”; thực hiện thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn; phân loại rác thải tại chỗ,….

7. Lĩnh vực văn hóa - xã hội

Tập trung triển khai thực hiện các Kế hoạch, Chương trình hành động để triển khai thực hiện 04 Nghị quyết chuyên đề quan trọng của Tỉnh uỷ về: Văn hoá - du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ và giáo dục & đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Trọng tâm là:

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2023 và các chương trình, kế hoạch, đề án/dự án, nhiệm vụ trọng tâm của ngành; triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất các ngành, lĩnh vực.

- Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di sản, di tích; xây dựng các thiết chế văn hóa. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, tuyên truyền, trưng bày, triển lãm kỷ niệm các ngày lễ lớn trong những tháng cuối năm 2023. Xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO công nhận Ca Huế là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

- Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp cho các cấp học; ưu tiên thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Triển khai tốt các nhiệm vụ năm học mới 2023 - 2024. Xây dựng, phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.

- Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, hệ thống y tế dự phòng; tăng cường nhân lực y tế cho nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tập trung đầu tư hoàn thành các dự án y tế thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực hành nghề y, dược, an toàn thực phẩm, mỹ phẩm, dân số, BHYT,...Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh khác như bệnh sốt xuất huyết, các bệnh truyền nhiễm thường xuất hiện hằng năm.

- Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, Đề án sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, an sinh phúc lợi xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân; chủ động phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ hậu quả thiên tai.

8. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh

Triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn các sự kiện chính trị, văn hoá lớn được tổ chức trong những tháng cuối năm 2023. Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án 06/CP về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trọng tâm là triển khai Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh nhằm giảm tội phạm, đặc biệt là tội phạm về trật tự xã hội, tội phạm ma tuý và tội phạm công nghệ cao; vi phạm trên lĩnh vực kinh tế, môi trường. Thực hiện các giải pháp quyết liệt bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng; công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

9. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số

Đẩy mạnh cải cách hành chính; triển khai hiệu quả các kế hoạch duy trì và nâng cao các chỉ số hành chính về PAR-Index; PAPI-Index, PCI, ICT. Tập trung rà soát, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Kết luận 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15, ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Triển khai Đề án chuyển đổi số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh. Nâng cao hiệu quả của việc xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số. Nâng cấp cơ sở vật chất và hoàn thiện các quy trình vận hành Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công cấp huyện, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, niêm yết công khai tại Bộ phận một cửa, tại các khu dân cư, nhà văn hóa,...về lợi ích, hiệu quả, hướng dẫn và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí”.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Thực hiện tốt quy định về tiếp dân, xử lý, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo bảo đảm đúng thời gian, quy định, không để tồn đọng kéo dài và khiếu kiện vượt cấp. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.



[1] Một số hoạt động mới bổ sung tại Quần thể Di tích Cố đô như Lễ đổi gác ở Ngọ Môn; đưa vào khai thác sản phẩm Phố đêm khu vực Hoàng thành Huế; phố đi bộ Hai Bà Trưng tạo sản phẩm du lịch về đêm; tổ chức Lễ hội Hương xưa Làng cổ làng gốm Phước Tích,…

[2] Dự án xử lý sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận, Phú Hải, huyện Phú Vang đã giải ngân 75,2 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 47%; Dự án cơ sở trợ giúp xã hội tỉnh đã giải ngân 1,3 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 1,9%; Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) đã giải ngân 1,5 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 1,9%; dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho bệnh viện đa khóa Bình Điền và Trung tâm Y tế huyện Quảng Điền đã giải ngân 0,81 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 1,5%; dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 31 trạm y tế tuyến xã đã giải ngân 12,6 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 29,3%.

[3] Gồm: Khai thác quặng sắt Laterit làm phụ gia xi măng tại khu vực Động Đá, xã Phong Thu, huyện Phong Điền; Nhà máy chế biến tinh quặng sắt đá đen; Khai thác mỏ quặng sắt đá đen; Nhà máy chế biến lâm sản tại huyện Nam Đông; Khai thác đất làm vật liệu san lấp tại khu vực Đồi Khe Quan (Trốc Voi), phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy; Khai thác đất làm vật liệu san lấp tại khu vực núi Gích Dương 2, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy; Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng tái tạo Thiên Phú; Khu nghỉ dưỡng sinh thái Tam Giang.

[4] Mầm non 118/205 trường, đạt 57,6%; Tiểu học 172/194 trường, đạt 88,7%; THCS 96/131 trường, đạt 73,3%; THPT 18/39 trường, đạt 46,2%.

[5] Trong năm 2023, đã được bố trí vốn đầu tư 3 dự án: (1) Dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 31 Trạm Y tế tuyến xã, tỉnh Thừa Thiên Huế; (2) Dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện đa khoa Bình Điền và Trung tâm Y tế huyện Quảng Điền (3) Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh.

[6][6] Trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác: 7.020 người; trình độ cao đẳng, trung cấp 2.490 người

[7] Cao đẳng, trung cấp 1.607 người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác 5.750 người.

thuathienhue.gov.vn
 Bản in]