Thừa Thiên Huế dưới thời Lâm Ấp - Chăm Pa
  

Về mặt lịch sử, từ những năm đầu công nguyên, vùng đất Thừa Thiên Huế ngày nay là một phần của quận Nhật Nam, quận cuối cùng ở cực Nam của bộ Giao Chỉ. Cùng một số phận như cư dân của hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân thời Triệu Đà truớc đây, cư dân bản địa quận Nhật Nam đã sát cánh cùng nhân dân Giao Chỉ hướng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, giữ quyền cai quản của mình. Hòa nhập với cộng đồng người Việt ở phía Bắc, cư dân cổ vùng Nhật Nam, trong đó có cư dân cổ Thừa Thiên Huế đã nhiều lần khởi nghĩa chống ách Bắc thuộc. Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau song nhiều cứ liệu đã xác nhận rằng, nước Lâm Ấp thành lập vào cuối thế kỷ thứ II, đã lan rộng ra phía Bắc sau đó và đất Thừa Thiên Huế xưa kia là một vùng của Lâm Ấp tiếp giáp với Giao Châu.

Đến thế kỷ thứ III, IV với các trận chiến mang tính quyết định với Giao Châu các năm 248, 270 - 280, 347 - 348, nước Lâm Ấp về phía Bắc đã rộng đến vùng Ba Đồn sông Gianh thuộc tỉnh Quảng Bình ngày nay. Mảnh đất cổ Thừa Thiên Huế từ vị trí là vùng biên cương tiếp giáp giữa Lâm Ấp và Giao Châu đã chuyển thành một địa bàn để Lâm Ấp làm bàn đạp bành trướng lên phía Bắc.

Có thể nói, từ khi lập quốc đến nửa đầu thế kỷ thứ IV, trong vòng trên 150 năm, với bối cảnh nhà Đông Hán bị suy yếu, nhà Ngô và nhà Tấn đều phải giải quyết các vấn đề nội bộ của Giao Châu, Lâm Âp có điều kiện củng cố và mở rộng đất nước. Suốt một vùng từ phía Nam đèo Hải Vân đến Bắc sông Gianh, các cộng đồng cư dân bản địa đã từng bước được tổ chức lại, hình thành một nhà nước độc lập, một trong số những vương quốc ra đời sớm nhất Đông Nam Á, từ những sắc thái bản địa, chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán Hoa chuyển dần sang một quốc gia chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ.

Từ nửa cuối thế kỷ thứ IV đến đầu thế kỷ thứ VII, khu vực từ đèo Ngang đến bên kia đèo Hải Vân (trong đó có Thừa Thiên Huế) xảy ra chiến tranh liên miên giữa Lâm Ấp với các triều đại Tấn, Tống, Tùy của Trung Quốc. Từ sau cuộc viễn chinh năm 605 của nhà Tùy, vua Lâm Ấp đã áp dụng chính sách hòa hiếu với lân bang, xin thần phục nhà Tùy, đồng thời cùng thời điểm đó nhà Tùy khủng hoảng, năm 618 nhà Đường thay thế nhà Tùy, tình hình Lâm Ấp trở lại yên ổn.

Từ giữa thế kỷ thứ VII đến thế kỷ X, trong hơn 350 năm, ngoại trừ những biến động trong nội bộ triều đình Lâm Ấp (ám sát, tranh giành ngôi vua, phế lập vua...), sự tấn công của cướp biển và một số trận chiến nhỏ giữa Lâm Ấp và Giao Châu, là thời kỳ yên ổn tạo điều kiện để vùng đất Thừa Thiên Huế trong lòng vương quốc Chămpa có điều kiện phát triển cả về kinh tế lẫn văn hóa (khoảng thế kỷ thứ VIII, Lâp Ấp chuyển thành vương quốc Chămpa).

Một số hiện vật tìm được ở Thừa Thiên Huế vào thế kỷ thứ VIII - X, như: phế tích đề tháp Vân Trạch Hòa, tháp Linh Thái, tháp Liễu Cốc, tháp Mỹ Khánh, tháp Giam Biều, những di tích bia Lai Trung, bia Phú Lương và hàng trăm hiện vật còn rải rác ở Ưu Điềm, Mỹ Xuyên, Chiết Bi, Thanh Phước, với dấu ấn đền thờ Thiên Y A Na tại Hòn Chén, Thành Lồi ở Long Thọ... đã chứng tỏ nền văn hóa Chămpa đã phát triển ở vùng đất phía Bắc của vương quốc cổ này.

Từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV, sau một thời kỳ yên tĩnh, Chămpa lại phải đối phó với nhiều bất ổn, chiến tranh liên miên. Ở phía Nam quân Chân Lạp xâm lấn lãnh thổ. Ở phía Bắc, sau khi thoát khỏi ách thống trị của phong kiến phương Bắc, nước Đại Việt ra đời, các vua Chămpa liên tục quấy nhiễu, đem quân đánh phá Đại Việt. Năm 1069, vua Chămpa là Chế Củ đem quân đánh vào bờ biển Đại Việt, trước tình hình đó vua Lý Thánh Tông cùng Lý Thường Kiệt đem thủy quân tiến đánh Chămpa, đổ bộ chiếm kinh đô Vijaya, bắt vua Chế Củ, Chế Củ đã phải dâng đất ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính (từ cửa sông Gianh đến cửa Việt) cho Đại Việt. Vùng đất Thừa Thiên Huế và một phần Quảng Trị ngày nay trở thành biên giới cực Bắc của Chămpa. Từ đó liên tục trong các năm từ 1073 đến 1126, Chămpa đều sai sứ sang triều cống để giữ tình hòa hiếu. Trong thời gian này ảnh hưởng giao lưu Chăm - Việt ngày càng mạnh hơn trong một không khí hòa bình. Tuy nhiên trong khoảng thời gian này vẫn xảy ra một số biến động, các vua Chămpa vẫn đem quân quấy nhiễu biên giới với Đại Việt.

Vào thế kỷ XIII, trước nguy cơ xâm lược của đế quốc Nguyên Mông, triều đình, quân dân Đại Việt và Chăm pa đã phối hợp chiến đấu, phá vỡ âm mưu chia rẽ Chăm - Việt của phong kiến phương Bắc.

Trong mối quan hệ giao lưu Đại Việt và Chămpa qua nhiều thế kỷ, những cư dân bản địa của vương quốc Chămpa trên đất Thừa Thiên Huế đã dung hợp, hòa quyện được văn hóa Chămpa và văn hóa Đại Việt, góp phần tạo nên nét đặc trưng của lịch sử và văn hóa Huế.

 

Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Lịch sử

(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)

 Bản in]
Các bài khác