Chùa Từ Hiếu
  
Chùa Từ Hiếu thuộc phường Thủy Xuân, Thành phố Huế. Chùa Từ Hiếu là một danh lam thắng tích, nằm trên đường Lê Ngô Cát dẫn lên lăng Tự Đức. Đây nguyên là am An Dưỡng do Hòa thượng Nhất Định khai sáng, là nơi có nhiều thái giám triều Nguyễn quy y. Sau ngày nhà sư Nhất Định viên tịch năm 1848, các thái giám đã quyên góp tiền, xây dựng một ngôi chùa ba gian hai chái, vách xây, sườn gỗ, mái ngói, với nhà Lạc Nghĩa nằm bên phải, nhà Ái Nhật bên trái, được vua Tự Đức ban tặng tấm biển đề “Sắc tứ Từ Hiếu Tự”.
Cổng chùa Từ Hiếu (nguồn ảnh: internet)
Cổng chùa Từ Hiếu (nguồn ảnh: internet)

Theo truyền thuyết, tên gọi Từ Hiếu xuất phát từ việc vua Tự Đức cảm phục tấm lòng chí hiếu với mẹ của Hòa thượng Nhất Định, dù là bậc chân tu nhưng lúc mẹ già đau yếu, Hòa thượng vẫn không ngại lời đàm tiếu, hằng ngày đều đến chợ mua cá về nấu cho mẹ.

Chùa được đại trùng tu trong các năm 1894 - 1895, làm thêm tiền đường, nhà khách, nhà hậu, kết thành lối kiến trúc truyền thống chữ khẩu và dựng bia chùa. Năm 1931, chùa được trùng tu, làm lại bằng xi măng cốt thép, xây thêm cổng tam quan hai tầng mái, đào hồ bán nguyệt trước cổng chùa để nuôi cá cảnh, thả sen, súng.

Khuôn viên chùa rất rộng, tính tổng thể có khoảng chừng 50.000m2. Trước chùa là đồi thông tĩnh mịch, khe nước uốn lượn, khung cảnh tự nhiên thơ mộng, trên đồi thông có tháp Bồ Đề cổ kính, xây từ năm 1896, là nơi tàng trữ những pháp khí, pháp tượng và kinh sách đã bị hư nát. Phía Đông khu đồi thông là lăng bà phi Chiêu Nghi Trần Thị Xạ với tấm bia cổ, một kiến trúc duy nhất trong số lăng tẩm của gia đình các chúa Nguyễn ở Huế thoát khỏi sự tàn phá của nhà Tây Sơn. Sân chùa có hai nhà bia hình lục giác ở hai bên. Đặc biệt, trong vườn chùa còn có mộ tháp của Tổ Nhất Định, có khu vực nghĩa trang độc đáo của các thái giám triều Nguyễn với kiểu dáng kiến trúc cổ kính, u tịch. 


Phía sau cổng Chùa Từ Hiếu (nguồn ảnh: internet)

thuathienhue.gov.vn (Nguồn: Dư địa chí – Phần Văn hóa – Năm 2020)
 Bản in]