Chùa Trúc Lâm
  
Chùa Trúc Lâm nằm trên trục đường lên lăng vua Khải Định, qua khỏi cầu Lim 2 rẽ trái, đi theo bờ khe gần 1km, hoặc từ trục đường Tự Đức - Thủy Dương gần đó rẽ về phía Nam. Ban đầu, đây là một thảo am ở chốn “sơn lâm cùng cốc” do ni sư Diên Trường, cháu ngoại Tùng Thiện Vương khởi lập năm 1902 để làm nơi tu hành; năm 1903, khi thảo am đã hoàn thành, ni sư lại thỉnh mời sư Giác Tiên, đệ tử của Hòa thượng Tâm Tịnh chùa Tây Thiên đến trú trì. Trước khi về nhận chùa, sư Giác Tiên và ni sư Diên Trường đã du hành ra chùa Trúc Lâm Yên Tử ở miền Bắc sưu tầm một số kinh sách và pháp khí; khi trở về Huế, sư Giác Tiên đã quyết định đặt tên chùa là Trúc Lâm Đại Thánh Tự, có ý liên hệ với Trúc Lâm tịnh xá thời Phật còn tại thế và Thiền phái Trúc Lâm ở Yên Tử nước ta. Sư Giác Tiên trở thành vị tổ khai sơn của chùa từ đó.
Chùa Trúc Lâm (nguồn ảnh:internet)
Chùa Trúc Lâm (nguồn ảnh:internet)

Năm 1926, sư Giác Tiên cho trùng tu toàn bộ Phật điện và tăng xá; năm 1928, sư biến Trúc Lâm thành nơi đào tạo tăng tài. Năm 1931, sư là người đầu tiên khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo và vận động thành lập An Nam Phật học hội. Năm 1932, vua Bảo Đại cho phép An Nam Phật học hội ra đời do sư Giác Tiên đứng đầu, trụ sở đầu tiên của hội đặt tại chùa Trúc Lâm. Năm 1933, vua Bảo Đại ban sắc chỉ đặt tên chùa là “Sắc tứ Trúc Lâm Đại Thánh Tự”. Năm 1935, sư cùng đệ tử Mật Khế tổ chức Trường An Nam Phật học tại Trúc Lâm, thu nhận 50 học tăng, đến cuối năm, quy tụ các học tăng có trình độ cao để mở thêm cấp Đại học Phật giáo, đây là lớp Đại học Phật giáo đầu tiên tại miền Trung. Các đệ tử của sư Giác Tiên là các thiền sư Mật Khế, Mật Hiển, Mật Nguyện, Mật Thể và đệ tử tại gia Lê Đình Thám đều là những người đóng vai trò quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo sau này. Sư viên tịch năm Bính Tý 1936, lúc mới 57 tuổi.


Cổng tam quan chùa Trúc Lâm (nguồn ảnh: internet)

Khuôn viên chùa rộng khoảng 30.000m2, nằm trong vùng đồi núi với nhiều loại cây thông, sến, tre trúc..., dưới chân đồi là khe suối róc rách, chảy uốn khúc theo hướng Nam Bắc; đầu thập niên 1960, Hòa thượng Mật Hiển, Trú trì chùa đã cho san ủi mặt bằng dưới chân đồi, phía trước cổng chùa đào sâu thành một cái hồ hình chữ S, đắp con đường vòng quanh hồ, hai bên bờ trồng trúc, tre la ngà, dương liễu tạo thành con đường thiền hành thú vị. Cổng chùa khá lớn. Kiến trúc của chùa bố trí theo hình chữ khẩu truyền thống: mặt trước quay hướng Đông Nam, chính điện thờ Phật, hậu điện thờ Tổ; mặt sau có thiền thất, bên trái là nhà khách, bên phải là nhà tăng.

Sư Giác Tiên là người quan tâm sưu tầm pháp bảo, nên hiện nay chùa Trúc Lâm còn bảo quản được một số cổ vật quý như bức kinh cương thêu gấm thời Tây Sơn, bình bát bằng chu sa và tiếu tượng của Hòa thượng Thích Đại Sán, lư hương bằng sứ thời nhà Mạc niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1704).

thuathienhue.gov.vn (Nguồn: Dư địa chí – Phần Văn hóa – Năm 2020)
 Bản in]