Giấc mơ bảo tàng giáo dục: Đã dần hiện hữu…
(Bao TTH ngày 12/12) Cách đây chỉ mới ít hôm, ngày 6/12, tại di tích Quốc Tử Giám (QTG) thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đã diễn ra một sự kiện hết sức “độc đáo” và ý nghĩa: UBND tỉnh tổ chức tuyên dương “Học sinh danh dự toàn trường”. 367 học sinh, trong đó, có 37 học sinh thuộc khối THPT, 130 học sinh khối THCS, 200 học sinh tiểu học được vinh danh trong sự kiện lần đầu tiên được tổ chức này. “Học sinh danh dự toàn trường”, quả đúng như tên gọi bởi chỉ những học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ người học sinh và có nhiều thành tích xuất sắc, toàn diện trong năm học mới được chọn trao. Và mỗi trường chỉ duy nhất có một học sinh dành vinh dự được tuyên dương tại Quốc Tử Giám!
Trong không gian cổ kính, uy nghiêm của QTG, lễ tuyên dương càng trở nên thiêng liêng và dễ thương khi cả lãnh đạo tỉnh, ngành giáo dục lẫn các em học sinh đều trang trọng, nền nã trong trang phục áo dài khăn đóng truyền thống. Không chỉ những người trực tiếp dự khán mà công chúng ai cũng phấn khích xuýt xoa với một lễ tuyên dương quá độc đáo, quá sang trọng, quá Huế!
Riêng với nhiều người, đặc biệt là với giới nghiên cứu văn hóa, các nhà giáo dục, sự kiện tuyên dương kể trên còn là niềm vui lớn lao, bởi lẽ, nó cho thấy sự hiện diện của một bảo tàng giáo dục trên đất học Cố đô đang ngày càng trở nên rõ nét.
Về giấc mơ bảo tàng giáo dục, tôi không thể không nhắc lại cuộc chuyện trò với nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh. Ông Vĩnh từng trải lòng và tôi đã có lần chia sẻ những suy nghĩ lý thú của ông với bạn đọc của Thừa Thiên Huế Cuối tuần: “Huế, mảnh đất đế đô xưa còn nổi tiếng là đất học. Rất nhiều bậc hiền tài, vĩ nhân của đất nước đều đã từng được học hành, hun đúc từ đất thiêng sông Hương núi Ngự này. Đất Huế bây chừ, “bước chân ra là thấy chữ”. Chữ ở Ngọ Môn, chữ trên các cổng thành, ở Thương Bạc, ở chùa tháp, ở Văn miếu, Võ miếu… Một vùng đất như thế, sao lại không nghĩ đến việc lập một bảo tàng giáo dục? Có thể cùng với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và bắt đầu với các khoa thi, với Văn miếu… để thấy giáo dục thời Nguyễn như thế nào? Tiếp đó là giáo dục thời Pháp thuộc, thời trước 1975, giáo dục hiện nay ra sao?... Sẽ có rất nhiều, rất sẵn chất liệu để tạo nên một bảo tàng giáo dục phong phú và hấp dẫn. Nó không chỉ có tính cổ suý, có tính giáo dục cao mà còn là một việc làm tốt, một địa chỉ hay giúp giáo dục nước nhà “ôn cố tri tân”. Đó chắc chắn cũng sẽ là một “điểm đến” không thể bỏ qua của du khách khi thăm Huế…”.
QTG được xem là trường đại học duy nhất thời phong kiến còn tồn tại trên đất nước ta; là di tích lịch sử, văn hóa độc đáo, có giá trị cao, biểu tượng cho sự học của vùng đất từng là Kinh đô của đất nước. Trong suốt thời gian tồn tại, QTG góp phần không nhỏ trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước. Trong số hơn 500 vị tiến sĩ, phó bảng của triều Nguyễn, có không ít vị đã từng dùi mài kinh sử tại ngôi trường này. Tư liệu lịch sử lưu lại còn cho thấy, chẳng hạn như khoa thi Ất Mão (1915) có đến 3.000 sĩ tử ứng thí nhưng chỉ lấy đỗ 30 người (cử nhân & tú tài). Và trong số 30 cử nhân, tú tài của khoa thi này thì Trường QTG đã chiếm đến 24 “suất”, chỉ dành 6 suất cho các tỉnh. Khẳng định chất lượng giáo dục rất cao của QTG.
Tiếc là suốt một thời gian dài sau 1975, QTG đã được sử dụng làm Bảo tàng Lịch sử (BTLS), một số các hiện vật chiến tranh cũng như hình thức trưng bày, khai thác chưa phù hợp với công năng của di tích. Đã có không ít ý kiến đề xuất, kiến nghị, nhưng phải đến năm 2016, Đề án di dời bảo tàng mới được phê duyệt. Đầu năm 2020 này, BTLS cùng các hiện vật xe, pháo, máy bay… đã được di dời lên địa chỉ 268 Điện Biên Phủ, phường Trường An, TP. Huế. Khuôn viên QTG cũng được chỉnh trang trả lại nguyên trạng để từng bước bảo tồn, trùng tu, hướng đến xây dựng Bảo tàng Giáo dục Khoa cử theo chủ trương của tỉnh.
Chẳng cần nói thì cũng có thể hiểu được niềm vui của những người như ông Hồ Vĩnh, của những người yêu Huế, yêu văn hóa và tự hào với truyền thống hiếu học của vùng đất núi Ngự sông Hương. Với việc tổ chức tuyên dương “Học sinh danh dự toàn trường”, giấc mơ về một bảo tàng giáo dục cho Huế lại càng trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết. Rất có thể bắt đầu từ nay, lễ tuyên dương “Học sinh danh dự toàn trường” sẽ là một sự kiện thú vị thu hút sự quan tâm của du khách và công chúng. Đó sẽ là một “sự kiện kép”, vừa mang ý nghĩa vinh danh sự học, vừa như một sản phẩm du lịch độc đáo chỉ diễn ra mỗi năm 1 lần trong khu di tích Kinh thành Huế. Tất nhiên, phải có thêm sự suy nghĩ, đầu tư cho sự hấp dẫn về mặt hình thức nhằm tạo được cảm hứng và sự háo hức cho người dự khán. Riêng với các bậc phụ huynh và các cô cậu học trò, được bước lên bục tuyên dương ấy hẳn sẽ là một khát khao, ước mơ cháy bỏng. Và khao khát, ước mơ ấy là vô cùng thánh thiện, cao cả. Đó sẽ là động lực để khích lệ các thế hệ tương lai vươn đến chân trời tri thức, chân trời của phồn vinh và phát triển.
Theo Diên Thống (baothuathienhue.vn)